Friday, November 6, 2009

Bộ Phim "MỘT BỨC TƯỜNG Ở BERLIN"

"Một bức tường ở Berlin": bộ phim người Việt cần xem
Bùi Tín
Đăng ngày 6-11-2009
http://danchimviet.com/articles/1649/1/Mt-bc-tng--Berlin-b-phim-ngi-Vit-cn-xem-/Page1.html
Tối thứ ba 3-11-2009 vừa qua, trên màn vô tuyến Pháp France 2, bộ phim "Một bức tường ở Berlin" - "Un mur à Berlin" - dài hơn 2 tiếng đồng hồ, được trình chiếu buổi đầu tiên.
Bộ phim được quảng cáo rộng rãi hơn 2 tháng nay, để chào đón ngày kỷ niệm lớn, chẵn 20 năm ngày sập đổ bức tường Berlin - bức tường chia cắt nước Đức, châu Âu và Thế giới sau 28 năm tồn tại; đó là ngày Lịch sử, ngày Vui lớn 9-11-1989, được coi là Ngày có ý nghĩa Lịch sử đặc biệt trong Thế kỷ XX.

Theo báo chí Pháp, từ đầu năm 2009 đến nay, chưa có bộ phim nào được đông đảo người xem vô tuyến ở Pháp nao nức chờ đón và thưởng thức đông đảo như vậy.
Cho đến nay, đĩa DVD của bộ phim được phát hành trên internet và các hiệu sách toàn nước Pháp được bán rất chạy.
Đây là tác phẩm đặc sắc, quý giá của Patrick Rotman, 58 tuổi, nhà nghiên cứu lịch sử, Tiến sỹ sử học, cũng là nhà sưu tầm tư liệu lịch sử nổi tiếng, đồng thời là nhà làm phim thời sự chuyên nghiệp, có nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Tác giả đã để ra 18 tháng sưu tầm tài liệu về bức tường Berlin; lịch sử hình thành, tác động và quá trình tan vỡ của bức tường ấy, qua các kho tư liệu, qua các chính khách và dân thường ở Berlin, Moscow, Paris, London, Washington cũng như ở Roma, Warsava, Budapest, Praha, Bucarest ... và nhiều nơi khác. Ông cho biết điều khó nhất là tuyển chọn từ vô vàn tư liệu, đoạn phim dài hàng trăm giờ, gạn lọc, chắp nối, thuyết minh thành một bộ phim phong phú, xúc tích hơn 2 tiếng.

Ông sinh ra trong một gia đình kháng chiến chống phát xít Đức. Bố mẹ ông từng dựng lên một bệnh viện dã chiến trong rừng phục vụ các chiến sĩ du kích chống Đức.
Ông nổi tiếng từ khi làm bộ phim về cuộc chiến tranh Algiérie, sau đó là bộ phim "68", nói về những sự kiện chính trị - xã hội sục sôi năm 1968 trên đất Pháp...Gần đây ông làm bộ phim khắc họa 2 chính khách Pháp đương đại là tổng thống Jacques Chirac và thủ tướng Lionel Jospin.

Bộ phim "Một bức tường ở Berlin" cho người xem hiểu rõ bối cảnh lịch sử tạo nên bức tường này, kết thúc thế chiến 2, các hội nghị quốc tế chia đôi châu Âu, chia đôi nước Đức, chia đôi Berlin; gần 4 triệu người Đông Đức, Đông Âu bỏ phiếu bằng chân sang phía Tây đi tìm tự do, tạo nên tai họa chảy máu "chất xám" ở phía Đông. Những ngày cực kỳ căng thẳng đầu tháng 8-1961 khi phe Cộng sản do Liên xô quyết định dựng bức tường dài hơn 150 km, khi quân lính và xe tăng dàn trận đối địch; nguy cơ chạm trán "tự sát nguyên tử" trong gang tấc; quá trình 28 năm củng cố, kiện toàn bức tường, với 4 thế hệ phòng thủ, từ giây thép gai, tường gạch, đến tường đá, xi măng cốt thép rồi đến điện hóa, điện tử hóa, chiếu sáng hóa, báo động hoá, vĩnh cửu hóa, với hệ thống tháp canh, hỏa điểm, trận địa súng máy, cối, đại bác, súng phun lửa; hàng vạn quân lính, cảnh sát, mật vụ dày đặc, với hàng nghìn chó được huấn luyện kỹ, xe bọc thép, xe tăng ngày đêm tuần tra, được lệnh bắn mọi người vượt tường, kể cả phụ nữ và trẻ em ...

Bộ phim đi vào chiều sâu cho biết bức tường từng ngăn đôi 193 đường phố của 2 thành phố Berlin và Postdam, ngăn đôi nhiều thôn xã, hàng xóm, gia đình, dòng họ, cha mẹ với con cái, ông bà với cháu chắt, chia rẽ lứa đôi, bè bạn, đồng học, thày trò... Bộ phim tố cáo hơn 1.100 người đã bị bắn chết khi định vượt tường, trong đó có cả phụ nữ, cụ già và em bé ..., có hơn 75 ngàn người bị tù giam vì có ý định và hành động vượt tường, đi tìm tự do.

Các nhân vật của 2 bên liên quan đến bức tường đều được nhắc đến. Từ lời dọa hung hăng của N. Khoushtchev, đến lưỡi huênh hoang của Honecker rằng bức tường sẽ tồn tại trăm năm(!); rồi đến tổng thống Kennedy tự nhận là công dân Berlin, tổng thống Reagan kêu gọi ông Gorbachev "hãy phá đổ bức tường này đi!" - tear down this wall !. Bộ phim nhắc đến Lech Walesa đã lập nên tổ chức Công đoàn Đoàn kết đi đầu đục vỡ một mảng tường thành cộng sản toàn trị ở Đông Âu, đến nhà trí thức V. Havel từng sớm nhận định từ đầu những năm 70 rằng bức tường Berlin đang đổ vỡ từng giờ, từng giờ một, đến Giáo hoàng Jean Paul 2, người đã kiên định đòi tự do tôn giáo, tự do công dân cho quê hương Ngài, cho toàn châu Âu và Thế giới.

Bộ phim cũng nhắc đến thái độ mạnh mẽ dứt khoát ngay sau khi bức tường đổ sập của 2 ông Helmut Kohn và Gorbachev cũng như của ông Mitterand trước khát vọng tự do và thống nhất nước Đức, do đó đã tạo thuận lợi cho bức tường Berlin sụp đổ trong an bình, không có một tiếng súng, tiếng bom và nước Đức thống nhất gọn gàng sau đó qua lá phiếu tự do của toàn dân, xác định chỗ đứng vinh dự cường quốc kinh tế và chính trị của mình trong châu Âu thống nhất.

Bộ phim có những đoạn trong phần kết thúc rất cảm động, ghi lại những cuộc nổi dậy của 70.000 công dân Leipzig ngày 9-10-1989, cầm hoa, thắp nến, tuần hành, thét lớn trước quân lính, cảnh sát và xe tăng đã được lệnh nổ súng: " chúng tôi là nhân dân! ", " không bắn vào nhân dân!" [xin nhớ 4 tháng trước đó cuộc tàn sát Thiên An Môn đã diễn ra đẫm máu trí thức và sinh viên đòi tự do]. Và rồi các cô gái tặng hoa, ôm hôn các chiến sỹ chúi mũi súng xuống đất, xe tăng quay về doanh trại. Ngay sau đó biểu tình hoà bình đòi tự do lan rất nhanh đến Plauen, Dresden, Berlin, Postdam ... đẩy bộ chính trị đảng CS vào thế bị động, dẫn đến thủ lãnh CS Honecker từ nhiệm vì lý do sức khoẻ (!) (để lãnh án tử hình sau đó), và những kẻ kế thừa đành phải lùi bước, dẫn đến cuộc họp báo của Sabrowski - kẻ nắm quyền lực cuối cùng - ấp úng tuyên bố: "từ nay, các công dân có thể tự do sang phía bên kia ". Một nhà báo liền hỏi vặn ông ta :" bắt đầu thực hiện từ bao giờ? " . Ông ta lúng túng một hồi, rồi đành phải nói: " Ngay từ lúc này " (tối 9-11-1989) .

Thế là xong. Cuộc họp báo tan. Trời đã tối. Mọi người đổ xô ra bức tường. Vẫn còn có nơi quân lính chưa nhận lệnh trên bắt mọi người phải có giấy phép, có visa trên hộ chiếu để đóng dấu. Rồi trên đài truyền thanh truyền đi tin chính thức. Thế là xe ô tô nối đuôi nhau, bóp còi chia vui, mọi người công kênh vượt tường, chụp ảnh ca hát... Bà con bên Tây nhào ra chào đón, mời vào nhà, chia vui thâu đêm suốt sáng. Cả 2 bên nhân dân cầm búa, xà beng, gậy sắt phá vỡ từng mảng tường, chụp ảnh, ca hát. Từ đó từng mảng tường có giá, thành vật lưu niệm quý hiếm, được phục hồi và đấu giá ngày nay, vào dịp kỷ niệm 30 năm ...

Làm sao bộ phim này về nhanh được Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Huế....và tràn về cả nước Việt Nam ta ! Tôi suy nghĩ và mong mỏi như thế suốt cả đêm thứ ba 3-11 vừa rồi, sau khi thao thức với bộ phim " Có một bức tường ở Berlin ".

Mong các mạng internet sẽ truyền về sớm bộ phim này, và cả những nội dung kỷ niệm tại chỗ ở Berlin trong những ngày kỷ niệm tới.
DVD về bộ phim này là quà quý, cực quý lúc này cho quê hương ta.
Tự do là cần, là quý, như dưỡng khí, như cơm ăn, như nước uống. Trông người lại nghĩ đến ta, phải không các bạn.
Cám ơn nhà làm phim Patrick Rotman. Nhắn Patrick một lời tâm sự : có một bức tường ô nhục ở phương Đông, bức tường CS toàn trị - cũng đang vỡ từng mảng đó!
Nó đã thuộc về quá khứ, như bức tường Berlin, nhưng quá khứ không chịu ra đi!

Bộ phim "Một bức tường ở Berlin" sẽ có tác dụng thúc đẩy lịch sử đi tới.

Paris, 6-11-2009.



No comments:

Post a Comment