Đọc Báo Quốc Nội: Bán Nguyệt San Tổ Quốc Số 74 (1/11/2009)
Đằng sau sự thờ ơ với một quốc hội kiến nghị
Thư tòa soạn
Báo Tổ Quốc số 74 ngày 1 tháng 11 năm 2009
Xin mời bấm vào đây để xem báo Tổ Quốc 74
Điều đáng ngạc nhiên nhất hiện nay có lẽ là chẳng ai còn ngạc nhiên. Kỳ họp quốc hội thứ 6 khoá 12 đang diễn ra là một thí dụ. Báo chí đưa tin đại biểu này kiến nghị, đại biểu kia đề nghị v.v. Và "ủy ban tài chính quốc hội dứt khoát đề nghị" giảm tỷ lệ bội chi ngân sách nhưng buổi họp đã "kết thúc sớm" sau khi ông bộ trưởng tài chính tuyên bố chính phủ vẫn bảo lưu ý kiến.
Những sự kiện này chẳng ai để ý dù chúng vô cùng nghịch lý: quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền quyết định ngân sách, có cả quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm chính phủ mà lại chỉ dám đề nghị và kiến nghị với chính phủ, và thôi họp khi chính phủ cho biết đã quyết định xong. Quốc hội kiểu gì đây?
Người ta không để ý là đúng vì còn có những điều ngược ngạo hơn nhiều. Khoá họp quốc hội này mở ra chỉ 11 ngày sau bốn vụ án chính trị thô bạo trong đó chín công dân vô tội -Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Kim Nhàn, Trần Đức Thạch, Vũ Hùng và Ngô Quỳnh- bị xử những án tù nặng một cách dã man chỉ vì treo những biểu ngữ kêu gọi bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ, chống tham nhũng và thực hiện dân chủ. Chẳng cần một trình độ hiểu biết và lý luận nào, chỉ cần một sự lương thiện tối thiểu cũng thấy ngay việc gán cho họ tội tuyên truyền chống nhà nước chiếu theo điều 88 bộ luật hình sự là cực kỳ tùy tiện; họ bị bỏ tù chỉ vì chính quyền muốn bỏ tù họ. Đây là một hành động chà đạp con người nhưng đồng thời cũng là một sự dày xéo trắng trợn lên chính luật pháp và một sự xúc phạm lớn đối với quốc hội, định chế trên danh nghĩa làm ra và bảo vệ luật pháp. Tuy vậy quốc hội đã không hề có phản ứng nào và cũng không hề có bất cứ một "đại biểu quốc hội" nào lên tiếng, dù là một cách qua loa, hình thức. Sự im lặng càng điếc tai vì những vụ án này đã gây xúc động lớn trong dư luận Việt Nam và thế giới trong suốt một năm qua, đặc biệt là gần đây và ngay trong lúc này.
Dầu vậy dân chúng đã không hề thắc mắc gì với quốc hội, cũng như họ đã không ngạc nhiên trước những gì nhà nước làm. Sự ly dị giữa dân chúng và chính quyền đã toàn diện và tuyệt đối.
Các tập đoàn toàn trị đều mù quáng như nhau ở một điểm là họ yên tâm khi người dân thờ ơ mà không cần biết rằng dưới mặt nước thờ ơ đó là một sự căm thù đang sôi sục. Họ đều đánh giá thấp nhân dân.
Ban biên tập
No comments:
Post a Comment