10 phương pháp không cần điện hạt nhân mà lại giúp VN tăng thêm nội lực !
Phùng Liên Đoàn
http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2009/pld1711.htm
LTS: Ngày 25.11 sắp tới Quốc hội chế độ toàn trị sẽ quyết định về „Dự án Điện hạt nhân Ninh thuận“. Người ta có thể dự đoán được việc thông qua Dự án này sẽ như thế nào, khi một Quốc hội với trên 90 % là đảng viên!
Nhưng dù thế nào chăng nữa, sự thật vẫn là sự thật. Dự án Điện hạt nhân Ninh thuận là vấn đề rất quan trọng liên quan tới môi sinh của cả hàng triệu người, chi phí rất cao lên tới nhiều chục tỉ Mĩ kim –tức là tiền thuế mà nhân dân phải đóng góp, và cả an ninh quốc phòng của Việt Nam. Vấn đề rất hệ trọng này đang được dư luận trong nước theo dõi. Một số báo chí trong nước đã phỏng vấn cả chuyên gia người Việt ở nước ngoài. Nhưng rất kì lạ là, họ không dám đăng các bài phỏng vấn này để dư luận cũng như Quốc hội nắm bắt các mặt trái và phải của vấn đề đặc biệt quan trọng này.
Trong khi ấy những người đứng đầu chế độ toàn trị vẫn từng vỗ ngực là dám nhìn thẳng vào sự thực và biết lắng nghe! Cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng tự đề cao tự do báo chí của chế độ: “Luật báo chí của VN là luật báo chí rất cởi mở. Nhiều nhà lãnh đạo của các nước gặp tôi cũng đều nói với tôi là VN có luật báo chí rất thông thoáng mà ngay nước họ cũng không có!”
Vậy thì tại sao họ lại không dám để báo chí trong nước tự do đăng các bài phỏng vấn của chuyên viên VN dám nhìn thẳng sự thật? Và họ giải thích ra làm sao trong „Hội nghị Việt kiều“ đầu tiên vào vài ngày tới, là họ quan tâm tới ý kiến đóng góp của các chuyên viên người Việt ở nước ngoài?
Trong thời gian qua TS Phùng Liên Đoàn, một chuyên gia về điện hạt nhân rất có tên tuổi quốc tế đã viết một số bài trình bày về những rủi ro lớn trong Dự án Điện hạt nhân Ninh thuận. Tấm lòng bộc trực và tâm huyết với tương lai đất nước của một chuyên gia VN đã 70 tuổi và đang sống ở Mĩ đã khiến một số báo chí trong nước gửi thư phỏng vấn. Tuy nhiên, hầu hết các bài phỏng vấn đó đều không thấy xuất hiện bởi vì, theo lời xin lỗi thành thực của phóng viên, họ “sợ” báo bị xử lý!
Sau đây là bài ghi lại một cuộc phỏng vấn ông Phùng Liên Đoàn trong tuần trước nhưng chưa đăng.
Hỏi: Như ông đã biết, Việt Nam đang thảo luận về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 8 tổ máy tại Ninh Thuận. Từng tham gia thiết kế 4 nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) và viết hơn 100 khảo cứu và phúc trình về sự an toàn và giá thành của ĐHN so với các nguồn tạo điện khác, tham gia tẩy uế phóng xạ tại 10 trung tâm nguyên tử khắp nước Mỹ và đánh giá hơn 50 nhà máy hạt nhân của Mỹ, ông có suy nghĩ gì về mong muốn xây dựng nhà máy ĐHN?
Phùng Liên Đoàn: Điện là rất cần thiết cho phát triển kinh tế, nhưng việc sản xuất điện mất rất nhiều tiền và thời gian. Vì thế, khảo sát và đề xuất cách cung cấp điện cho tương lai là việc quan trọng. Tuy nhiên, việc đệ trình lên Quốc Hội một đề án ĐHN lớn 8000 MW, trong khi Quốc Hội có rất ít thì giờ và người dân đủ mọi thành phần chưa có cơ hội hiểu biết và đóng góp, là một việc làm có rất nhiều rủi ro sai lầm dẫn đến phí phạm ngân sách quốc gia vốn đã rất eo hẹp. “Mong muốn” xây dựng nhà máy ĐHN để thành một “cường quốc” ĐHN là một việc duy ý chí không có cơ sở vững chắc. Tôi ở nước ngoài nghe nói vài năm trước ta có dự án lớn “điện toán hóa” các cơ quan giáo dục toàn quốc nhưng ngày nay tiền đã tiêu hết nhưng kết quả thì không như dự kiến. Chương trình có ĐHN to lớn để sánh vai với các nước giầu và công nghệ cao thì tốn kém hơn ngàn lần kinh nghiệm đó. Ta không thể tin ngay một số người đã có định kiến sẵn là, ta “thừa sức làm” vì đó là duy ý chí. Quốc Hội nên yêu cầu chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn với điều kiện có sự phản biện của người dân, nhất là giới trí thức có am hiểu về khoa học, kinh tế, xã hội, và quốc phòng liên quan đến ĐHN và tương lai của đất nước. Ta nên nhớ rằng người làm cho chính phủ được trả lương, còn người dân thì không, vì thế ta nên rất trân trọng người có lòng với quốc gia đưa ra phản biện.
Hỏi: Với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, những rủi ro có thể gặp phải là gì? Trong trường hợp Việt Nam, rủi ro nào đáng phải lưu tâm nhất?
Phùng Liên Đoàn: Tôi đã có một bài viết về 15 rủi ro của ĐHN, và tôi xin gửi lại đây để quí vị theo rõi kỹ hơn là lời tôi nói. Rủi ro thì nhiều lắm. Khi tôi nghiên cứu về các rủi ro này thì phải dùng tới ba phương pháp gồm: (a) “cách nào?” (event tree analysis), (b) “xác suất bao nhiêu?” (fault tree analysis), và (c) “hậu quả ra sao?” (consequence analysis). Chúng tôi nghiên cứu hơn 240,000 cách khác nhau dẫn tới sự cố (dĩ nhiên phải dùng điện toán). Nhưng tôi chỉ tóm tắt các rủi ro này thành 7 rủi ro phóng xạ và kỹ nghệ, 6 rủi ro kinh tế, và 2 rủi ro quốc phòng.
Trong trường hợp Việt Nam , tôi nghĩ rủi ro lớn nhất là ta sẽ mắc nợ triền miên mà người dân lại không có điện theo như dự kiến. Viêc này có xác suất khá cao—cao bao nhiêu thì ta phải dùng các phương pháp nói trên khảo sát. Nhưng thật ra ta đủ hiểu biết để phỏng đoán các xác suất. Ví dụ, khả năng ta hiểu chưa kỹ các lời chào bán của người bán hàng ĐHN là cao; khả năng ta suy tính sai vì duy ý chí là cao; khả năng ta làm sai vì thiếu hiểu biết là cao; khả năng ta có nhiều kiện tụng, như Phần Lan hiện nay, với các công ty ngoại quốc khi nhà máy đang xây là cao. Còn như khả năng chiến tranh với các nước láng giềng thì ta cứ nhìn vào sự tàn phá các công trình và nhà cửa của ta ở Lạng Sơn trong chiến tranh chớp nhoáng 1979 thì rõ. Người ta đã nói, nếu ta không học lịch sử thì lịch sử sẽ tái diễn.
Hỏi: Từ kinh nghiệm của nước Mỹ, theo ông, chúng ta có thể tránh được các rủi ro đó không, và bằng cách nào?
Phùng Liên Đoàn: Ta không cần chỉ theo kinh nghiệm của Mỹ, mà phải theo kinh nghiệm của mọi nước trên thế giới và cả kinh nghiệm của Việt Nam .
· Rủi ro phóng xạ của nhà máy ĐHN là rất nhò, chưa bằng một phần nghìn của việc ta đi xe cộ ở Hà Nội. Cách đây vài năm, tại Hà Nội cũng có một sự cố phóng xạ trong một viện khảo cứu mà không chết ai và không làm ai bị đau ốm. Nhưng ở mọi nơi người ta sợ “an toàn ĐHN và sự cố phóng xạ” như sợ ma; mà từ xưa đến nay, có thể chỉ có vài người bị ma giết vì do họ sợ hãi đứng tim.
· Kinh nghiệm của Mỹ là “đừng làm sai, tinh sai, mua sai, điều hành sai” vì như vậy là mất trắng 5-10 tỉ USD như chơi sóc đĩa.
· Kinh nghiệm của Nga là “đừng duy ý chí, ham to lớn và nhanh chóng mà quyết định không có suy nghĩ cẩn thận tới hạnh phúc của người dân”. Bởi vì các sự cố phóng xạ lớn nhất, ảnh hưởng tới nhiều người nhất, làm độc cho nhiều đất đai nhất, tốn kém cho quốc gia nhiều nhất đều xẩy ra ở Nga Sô Viết.
· Kinh nghiệm của Thụy Điển, Ý và Đức là không nên nghe tuyên truyền quá lố về năng lượng tái tạo mà cấm ĐHN, bởi vì các năng lượng tái tao (năng lượng mặt trời dưới mọi hình thức như thủy điện, gió, sóng, quang điện, nhiệt điện, củi cỏ...) đều đắt tiền và cũng có nhiều rủi ro. Ngày nay, Ý và Thụy Điển đã thay đổi luật cấm ĐHN và Đức thì cũng rục rịch như vậy.
· Kinh nghiệm của Phi Luât Tân là quyết định độc đoán của người quyền lực coi thường trí thức đã khiến người dân phải trả nợ dài dài cả ngay sau khi nhà độc tài đã qua đời.
· Kinh nghiệm của Việt Nam là “nói thế nhưng không phải là thế”, bởi vì ít có công trình lớn nhỏ nào mà có sự minh bạch về tiền bạc, đấu thầu, kết thúc hoàn hảo về kỹ thuật và tài chính 100% như thiết kế. Nhiều nước tiên tiến ngày nay còn có trường hợp kết thúc giỏi hơn và rẻ hơn thiết kế. Ai cũng biết ở đâu có tiền thì có hối lạm, thế giới cũng vậy và Việt Nam cũng vậy. Có điều các nước pháp trị có luật lệ chặt chẽ, áp dụng nhanh chóng và không tùy tiện, thành ra một con sâu hối lạm không làm hư hại cả chương trình. Tôi mong rằng, tất cả những người có liên hệ tới chương trình ĐHN của Việt Nam trong việc lập chính sách, đi tham quan, ký giao kèo, xây cất, kiểm sát... đều kê khai tài sản và ký văn bản không có “mâu thuẫn lợi ích” như chính phủ đã có chính sách từ vài năm nay. Nói như vậy không có nghĩa là tôi vô lễ nghi ngờ họ, nhưng tôi cho rằng nếu họ cung cúc tận tụy trong việc nghiên cứu và làm chính sách quan trọng cho quốc gia thì họ sẽ rất tự hào khi minh bạch về vấn đề này. Và như vậy người dân sẽ tin họ.
Hỏi: Việc một quốc gia chưa từng có kinh nghiệm trong ngành năng lượng hạt nhân, liệu có khả thi khi chúng ta dự kiến xây dựng và hoàn thiện 8 lò đồng thời từ nay đến 2020?
Phùng Liên Đoàn: Có chương trình lớn như vậy là rất “xôm”, rất hãnh diện khi đọc một diễn văn trước một cử tọa ngoại quốc mà nước nào cũng giầu và nhiều kinh nghiệm về ĐHN hơn ta. Nhiều công ty nguyên tử đang mong muốn có việc tại một quốc gia họ coi là “ổn định” và “luật pháp không khó khăn nếu quen biết với lãnh đạo”. Họ vui vẻ nhẩy vô ve vãn lãnh đạo ta, mời mọc trí thức ta, dẫn trí thức ta đi xem các công trình trên thế giới, và khéo léo đưa ta đến quyết định là “hoàn toàn khả thi!” Nhưng ta phải nhìn vào ngân sách, vào đội ngũ thầy thợ, vào hạ tầng cơ sở, vào các công trình ta đang làm như nhìn vào một tấm gương, thì ta biết có “khả thi” chưa, và “khả thi tới mức độ nào”.
Tôi nghĩ, sự thật diễn ra sẽ không phải là ta có thể xây và điều hành 8 nhà máy trong hơn chục năm. Ta sẽ phải làm hạ tầng cơ sở và xây một hay hai lò trước. Việc này sẽ có nhiều sự cố kỹ nghệ, tăng giá thiết bị và kiện tụng làm rỗng túi quốc gia. Nhà máy thứ 3+4, 5+6, 7+8 sẽ phải lùi lại hoặc hủy bỏ chứ không dễ dàng như dự kiến. Đây là kinh nghiệm vào những năm 1970 của công ty chính phủ tại tiểu bang Washington phía Tây Bắc nước Mỹ (Washington Public Power Supply System—WPPSS), muốn có một hệ thống vĩ đại gồm 5 nhà máy ĐHN với công suất 6000 MW (nhỏ hơn Việt Nam tính xây 8000 MW). WPPSS đi vay nợ 8.3 tỉ USD, nhưng chỉ xây được một lò rồi bị phá sản vì giá nhà máy ĐHN tăng lên nhiều hơn dự kiến.
Còn việc điều hành có khả thi không thì ta phải học hỏi dần dần. Cũng như khi ta mới sử dụng máy bay Boeing lớn, ta phải thuê phi công ngoại quốc và thuê bảo trì ở Hong Kong hay Singapore . Nhà máy ĐHN đầu tiên sẽ có rất nhiều công nhân ngoại quốc, và chuyên viên ta sẽ là phụ cho họ để học hỏi kinh nghiệm, dù cho nhiều người của ta có thâm niên thợ hàn, thợ sắt, thợ bê tông, thợ điện... hoặc ôm bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Việc thuê công nhân ngoại quốc có lương gấp 5 gấp 10 lương của công nhân ta (mà do ngân sách của ta trả) cũng sẽ gây bất mãn mà hậu quả rất khó đo lường. Vì thế, việc “khả thi” phải hiểu theo nhiều phương diện khác nhau.
Hỏi: Thực ra, trong chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân của Việt Nam, một trong những mục tiêu xuyên suốt là thông qua xây dựng nhà máy điện hạt nhân để nâng tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, là cái cớ để đẩy các ngành công nghệ, viễn thông, tự động hóa… của Việt Nam phát triển. Theo ông, Việt Nam có thể hiện thực hóa được mục tiêu này hay không? Cách làm như thế nào? (kinh nghiệm từ thực tế ở các nhà máy điện hạt nhân mà ông từng tham gia)
Phùng Liên Đoàn: Viễn kiến này nói thì dễ nhưng thực hiện thì rất khó. Nói như vậy là chỉ để thêm hoa hòe hoa sói cho mục đích thúc đẩy Quốc Hội chuẩn y mong muốn của giới thích xây nhà máy ĐHN. Chắc cũng như việc điện toán hóa các cơ sở giáo dục để thúc đẩy công nghệ tin học, tự động hóa, và thông tin nhậy bén trong giáo dục của ta.
Tôi có thiển ý là, ta có thể nâng cao không những tiềm lực mà cả năng lực thực tế của khoa học công nghệ quốc gia về mọi phương diện bằng phương pháp rất Việt Nam, nhân bản hơn, thực tế hơn, rẻ tiền hơn, nhanh hơn, và dễ xin viện trợ hoặc vay tiền nhẹ lãi hơn, như sau:
1. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN để mắc nối lại hệ thống phân phối điện chằng chịt ở Hà Nội, Saigon, Hải Phòng, Đà Nẵng và toàn thể các thành phồ. Dùng dây điện có điện trở thấp (nghĩa là to hơn, tốn tiền hơn) và khuyến khích như vậy trong cả triệu căn nhà. Hiện ta mất mát điện khoảng 11% vì hiệu ứng Ohm (nhiều hơn nếu tính sự mất điện trong cả triệu nhà vì dây điện quá nhỏ), trong khi các nước Âu Châu và Mỹ chỉ mất khoảng 6% và Israel chỉ mất khoảng 3%. Với phương pháp này ta cũng tránh được nhiều nạn cháy chết người và thiệt hại tài sản lớn. Ta cũng tạo được nhiều công việc cho người dân.
2. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN để mua bóng đèn neon (loại neon mới không cần phải hình ống) rồi bán rẻ cho người dân. Việc này sẽ tiết kiệm khá nhiều điện trong vòng một năm và người dân sẽ nhẹ gánh hơn khi giá điện liên tục gia tăng.
3. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN giúp các công sở và nhà tư có máy điều hòa dùng cửa sổ có hai lớp kính và bịt kín các lỗ hổng để máy làm lạnh không khí dùng ít điện thôi mà không ảnh hưởng tới khí hậu mát mẻ. Chỉ mua mới các máy lạnh có dùng “ống dẫn nhiệt” (heat pipe) do một người Việt là Đinh Khánh chế tạo (Heat Pipe Technology, Inc) để lấy hơi nước trong không khí ra trước việc làm lạnh không khí, và như vậy tốn ít điện hơn. Các công tác này sẽ giúp tạo rất nhiều dịch vụ kinh tế và công việc cho nhiều người.
4. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN để khuyến khích và đặt giải thưởng cho cán bộ và công nhân các nhà máy đốt than học hỏi cách điều hành với năng suất 90%-95%. Đầu tư thiết bị tẩy SOx và hút bụi trước khi cho khói tuôn ra ống khói. Việc này cũng khuyến khích tinh thần công nhân và làm tốt cho sức khỏe của người dân sống gần nhà máy.
5. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN để sửa sang các đập nước, huấn luyện người điều hành về dự toán thời tiết, huấn luyện họ cộng tác với nhau, vét sâu hồ chứa nước, tu bổ phương pháp ngăn ngừa, điều hành lũ lụt và giúp đỡ người dân có biện pháp phòng vệ nước lũ ở hạ nguồn. Đồng thời tăng gia trồng rừng trên thượng nguồn. Việc này sẽ tránh được những thiệt hại xả lũ năm 2009 và gây thêm hạnh phúc cho người dân sống gần đập nước.
6. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN nghiên cứu việc lập các hồ dự trữ điện tại các đập nước (phương pháp này gọi là pumped storage) để vừa tránh sự cố lũ lụt, vừa làm tăng lợi ích giữa ngày và đêm của các đập nước.
7. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN để thăm dò và phát triển khí đốt bằng phương pháp khoan ngang ở nhiều độ sâu, với mục đích tìm nhiều hơi khí như mới phát triển vài năm nay tại Mỹ.
8. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN giúp từng địa phương tìm cách tạo điện và nhiên liệu ngay ở địa phương của mình. Nếu làm nhỏ ở địa phương thì mạng lưới điện sẽ bền vững hơn và đường dây 500 KV Bắc Nam có công dụng hơn. Nhưng ta nên có phương pháp thống nhất chia sẻ kiến thức và nêu cao tinh thần minh bạch để các lỗi lầm do tính tùy tiện được giảm thiểu. Ta nên khuyến khích người dân đóng góp ý kiến theo tinh thần của Pháp Lệnh Dân Chủ mà Quốc Hội đã ban hành ngày 20 tháng 4 năm 2007.
9. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN giúp người dân dùng bếp ít tốn than củi giống như ở Trung Quốc, và các quạt gió nhỏ để thắp sáng ban đêm. Tôi nghĩ, tuy trên thế giới chưa thấy nói, nhưng trí thức của ta có thể thí nghiệm dùng các “chong chóng nhỏ nhưng quay suốt ngày đêm cộng với một dynamo (giống xe đạp) rồi trữ điện vào một bình điện (giống như bình điện xe hơi)” và như vậy người dân quê có triển vọng nấu cơm bằng gió! Thế giới chưa làm vì họ dùng rất nhiều điện, trong khi người nghèo của ta sẽ sử dụng tốt khi chỉ có một bình điện nhỏ “trời cho” mỗi ngày. Kỹ nghệ “chong chóng điện” sẽ rất Việt Nam và lợi cho kinh tế Việt Nam.
10. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN để có các phương pháp và thiết bị thực hiện chính sách dùng càng nhiều điện thì giá điện càng cao; dùng điện ban ngày thì đắt hơn dùng điện ban đêm. Như vậy là điều hòa tốt việc sản xuất điện không lên xuống quá mức, khuyến khích không phung phí điện và người giầu dùng nhiều điện thì phải trả nhiều hơn người nghèo. Chắc Việt Nam đã có chính sách này nhưng tôi không có dữ kiện.
Trí thức Việt Nam có thể suy nghĩ theo kiểu “để dành một đồng có nghĩa là kiếm thêm được một đồng” để tính được rằng, các phương pháp trên và nhiều ý kiến khác sẽ giúp Việt Nam không cần thêm 8000 MW ĐHN vào những năm 2020-2030 mà lại chỉ tốn kém bằng 30 – 50% tiền đầu tư vào ĐHN. Đây là một thách đố với khoa học và trí tuệ Việt Nam mà tôi tin rằng, ta có thể làm được ngày nay nếu chính phủ muốn có sự đóng góp của trí thức trong nước cũng như ngoài nước. Sự kiện này sẽ thúc đẩy công nghệ và kinh tế của ta tăng trưởng bền vững, do đó làm tăng nội lực và sự tự tin của quốc gia. Và đó là rất Việt Nam chứ không phải là đua đòi cái xu hướng, cái vĩ đại của các nước giầu hơn ta. Yếu tố quan trọng là chính phủ chỉ nên làm chính sách, còn mọi chi tiết thì nên để kinh tế thị trường điều hành thì mới thực hiện được mục đích thông suốt là thúc đẩy khoa học, công nghệ, kinh tế, và xã hội để kiến tạo hạnh phúc cho người dân. Yếu tố thanh liêm minh bạch có kiểm chứng phải luôn luôn đi đôi với mọi công tác.
Theo kinh nghiệm của nhiều bạn của tôi làm việc với Ngân Hàng Quốc Tế (World Bank--WB), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund--IMF), Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (Asian Development Bank--ADB) và Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Program--UNDP) thì một chương trình như trên sẽ có hiệu quả hơn là xây nhà máy ĐHN và do đó dễ vay tiền hơn.
Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
www.dcpt.org hay www.dcvapt.net
No comments:
Post a Comment