Sunday, October 4, 2009

Ý THỨC MỚI về CÁC QUYỀN tại TRUNG QUỐC

Ý thức mới về các quyền tại Trung Quốc?
Elizabeth J. Perry
Nguyễn Ước dịch
04/10/2009 7:53 sáng
http://www.talawas.org/?p=11089
Elizabeth J. Perry là giáo sư về môn Chính quyền (Government), và Giám đốc Viện Harvard-Yenching. Bà làm đồng biên tập cuốn Grassroots Political Reform in ContemporaryChina (Cải cách chính trị hạ tầng cơ sở tại Trung Quốc đương đại), 2007. Trong các sách của bà có Chinese Society: Change, Conflict and Resistance (Xã hội Trung Quốc, biến đổi, xung khắc và đề kháng), 2010, và Patrolling the Revolution: Workers Militants, Citizenship and the Modern Chinese State (Tuần tra cuộc các mạng: chiến sĩ công nhân, quyền công dân và nhà nước Trung Quốc hiện đại), 2006, v.v.
-------------------------------

Bất chấp sự trấn áp tàn bạo cuộc nổi dậy Thiên An Môn năm 1989, tần số các cuộc phản kháng của đại chúng tại Trung Quốc (TQ), theo ý kiến chung, là tăng lên đều đặn suốt hai thập niên vừa qua. Những cuộc phản kháng ấy – ngày càng cất tiếng rõ ràng hơn bằng ngôn ngữ của “các quyền hợp pháp” (legal rights) – lan rộng thấy rõ trong mọi lãnh vực của xã hội TQ, thúc giục không ít nhà quan sát tuyên bố rằng có sự xuất hiện của “ý thức đang gia tăng về các quyền” mà tự thân nó đặt ra một thách đố mang tính dân chủ nguyên thủy (protodemocratic) cho chính quyền và tính bền vững của nhà nước cộng sản.
Các tác giả của bốn tiểu luận sau đây
[1] đánh giá những cuộc phản đối trong các lãnh vực khác nhau của xã hội TQ – công nhân và nông dân chịu khổ sở, những người sinh hoạt vận động trực tuyến và “giai cấp trung lưu” mới – trên thực tế có biểu thị một hăm doạ nghiêm trọng cho nhà nước cộng sản hay không.
Ngay sau cuộc nổi dậy Thiên An Môn, nhiều học giả uổng công hy vọng một cuộc đột phá dân chủ đặt cơ sở trên sự liên minh giữa công nhân và sinh viên. Tại TQ, cũng như tại Ba Lan, dường như người hoạt động phong trào thợ thuyền chung vai sát cánh với nhà trí thức bất đồng ý kiến có khả năng xói mòn hệ thống cộng sản. Thế nhưng hai chục năm sau, viễn cảnh kịch bản Phong trào Ðoàn Kết trong đó công nhân là mũi nhọn của một liên minh gồm nhiều giai cấp để lật đổ cái chế độ cộng sản không được dân chúng yêu chuộng, có vẻ như may ra cũng chỉ mỏng manh.
Trong các tiểu luận, Ching Kwan Lee (Lí Thanh Quần) và Eli Friedman [
Phong trào thợ thuyền tại Trung Quốc] nhận ra trong sự bất ổn lao động đang lan khắp TQ đương đại “hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy có sự huy động vượt quá các lằn ranh giai cấp hay miền đất địa phương”. Cho dù khẳng định có “sự gia tăng ý thức về các quyền” trong công nhân, Lee và Friedman lập luận rằng “đã biến mất các điều kiện kinh tế và chính trị từng có thời giúp cho công nhân tham gia với sinh viên trong cuộc nổi loạn.” Cũng như tại nông thôn,
Kevin O’Brien
[Phản kháng tại nông thôn Trung Quốc] nhận thấy rằng “sự hợp tác vượt qua các lằn ranh giai cấp” là “hiếm”. Phản đối tại nông thôn góp phần kiểm tra động thái chuyên quyền của cán bộ hạ tầng cơ sở nhưng hầu như không có dấu hiệu báo trước sắp xảy tới sự chuyển tiếp chế độ. Ngược lại, O’Brien thông giải ý muốn của các nhà cầm quyền TQ là chịu đựng tới một mức độ đáng chú ý sự phản đối đó, như một chỉ dấu cho thấy sự tự tin của họ và tính co giãn của nhà nước cộng sản.
Nếu Bắc Kinh đã xoay xở để thuần hóa các giai cấp xã hội “cũ” mà năm 1989 từng làm sụp đổ các chế độ cộng sản khắp Trung Âu và Ðông Âu, thì liệu nó có sẽ chứng minh một sự lão luyện không kém như thế trước các thách thức dãi dầu của các lực lượng xã hội mà hai chục năm trước chỉ hiện hữu thưa thớt tại TQ, thí dụ những người sinh hoạt vận động trực tuyến và giai cấp trung lưu mới?
Guobin Yang (Dương Quốc Bân) [
Ðấu tranh trực tuyến tại Trung Quốc] gợi ý rằng tranh cãi trực tuyến đang đóng góp cho một tập thể công dân ít dễ bị mắc lừa và ít bị hăm dọa hơn, một sự chuyển thể mà ông thấy như một thành phần “cốt tủy” của bất cứ quá trình dân chủ hóa nào. Thế nhưng bằng chứng ông đưa ra để trình bày ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của sinh hoạt vận động trực tuyến (kể cả việc hủy bỏ qui định lỗi thời của chính quyền liên quan tới những kẻ sống lang thang nơi thành thị) chỉ dấu cho thấy rằng nhà nước độc tài chuyên chế, bằng cách đáp ứng đầy cảm tính và khôn ngoan đối với những phàn nàn từ chốn chatroom, có thể tìm thấy trong internet một trung gian mạnh mẽ để kéo dài tuổi thọ của nó.
Việc nhà nước theo dõi kỹ lưỡng những truyền đạt bằng điện tử cung cấp tin tức tình báo rất quan trọng về những hoạt động và thái độ của công dân, những thông tin ấy được dùng để không chỉ thấy trước và làm giảm sự căng thẳng hay nguy cơ của thách đố mà còn cải thiện việc cai trị và nâng cao tính chính thống bằng những chính sách xão quyệt trực tiếp nhắm tới những bất mãn của dân chúng.
Tiểu luận của Jeffrey N. Wasserstroom
[Phản đối của giai cấp trung lưu Trung Quốc] cũng rọi ánh sáng lên tầm quan trọng của công nghệ truyền thông tiên tiến (đặc biệt text message) cho một loại phản đối mới NIMBY (“not in my backyard”: không được nơi sân sau nhà tôi) bởi giai cấp trung lưu đang trong quá trình xuất hiện. Tuy thế, Wasserstroom cảnh giác về ảo tưởng của giả định rằng điều đó tỏ cho thấy có thể sớm xảy ra dân chủ hóa tại TQ. Thay vào đó, ông đề nghị rằng nó chỉ tới một sự phát triển rất tầm thường: giai cấp trung lưu đang ngày càng quan tâm hơn tới việc bảo tồn và thăng tiến phẩm chất cuộc sống khu phố của họ.
Cả bốn tiểu luận ấy đều gợi ý rằng việc thảo luận của những người phản đối về các quyền tại TQ đương đại có thể nên được hiểu là một diễn đạt “sinh hoạt chính trị như thường lệ” hơn là một đòi hỏi mới về dân chủ do một xã hội dân sự mới nảy sinh và đang yêu sách sự tự trị của nó đối với nhà nước. Lối tu từ về các quyền ấy ăn sâu vào các cuộc phản đối đương đại, làm kéo dài mãi mãi một sở thích tồn tại lâu đời trong đó người phản đối TQ sử dụng loại ngôn ngữ được nhà nước cho phép dùng khi trình bày các bất mãn của thần dân – một cách chính xác là nhằm để tỏ cho thấy sự phản đối của họ không thách thức tính chính thống của nhà nước.
Kể cả khi lối sử dụng ngôn từ phản đối (thí dụ giữa những người sinh hoạt trực tuyến của Guobin Yang) dư dật hóm hỉnh mỉa mai nhằm làm nổi bật lỗ hổng giữa các chính sách của nhà nước với các thực hiện thật sự, sự triển khai ngôn ngữ được chuẩn nhậm một cách chính thức ấy cũng làm rõ ra rằng những người phản đối đang thao tác bên trong ranh giới hợp pháp của việc thảo luận, như được vạch rõ bởi nhà nước chứ không phải dựa trên cơ sở của lý thuyết này nọ về thẩm quyền chính trị.
Cũng thế khi những người biểu tình tại Thượng Hải chống lại việc nối dài tuyến xe lửa cao tốc Maglev (như Wasserstroom mô tả) đặt tên cho cuộc tuần hành phản đối của họ là “tản bộ hài hòa” (hexie sanbu), họ một mặt chế giễu khẩu hiệu “xã hội hài hòa” của chính phủ, một mặt tỏ dấu hiệu cho thấy sự gắn bó của họ đối với việc thảo luận trong khuôn khổ được nhà nước chấp nhận.
Bằng việc đặc điểm hóa những cuộc phản đối ấy như phản ánh một “ý thức về các quyền” (rights consciousness) mới phát hiện, tôi thấy chúng như là những phô diễn mới nhất của “ý thức về phép tắc” (rules consciousness) xưa hơn nhiều, từng là nền tảng kiên cố cho sự phản đối thường lệ của đại chúng suốt hàng thế kỷ tại TQ. Giống với người biểu tình trong kỷ nguyên quân chủ viện dẫn Thiên mệnh, thời kỳ Cộng hòa, có ý nói tới Tôn Dật Tiên, với Tam dân Chủ nghĩa, và trong kỷ nguyên Mao Trạch Ðông trích dẫn đường lối của quần chúng và “quyền nổi loạn”, ngày nay cũng thế, họ đóng khung các đòi hỏi của mình bằng thuật ngữ “các quyền hợp pháp”, được truyền bá và công bố bởi nhà nước TQ đương đại.
Tuy những cuộc phản đối này có thể hữu hình, nói lên bằng lời (và đôi khi bạo động) nhưng thông thường những kẻ tham gia sẵn sàng làm nhiều điều để tỏ ra mình trung thành với hệ thống tư tưởng đang cai trị. Dù việc thảo luận về “các quyền” được công bố bởi “các công dân” đã thay thế ngôn ngữ kỷ nguyên Mao về “cách mạng” được công bố bởi “các đồng chí”, người ta không dễ thấy rõ ràng rằng người phản đối ngày nay khác một cách cơ bản với các thế hệ trước kia về trạng thái tâm lý hay mối quan hệ giữa họ với nhà nước chuyên quyền.

Di sản của phản đối
Trung Quốc tuyên bố rằng so với bất cứ xứ sở nào trên thế giới, nó có truyền thống phản đối kiên cường nhất và lâu đời nhất. Ðược lưu truyền qua truyện kể dân gian, cổ tích và tuồng hát địa phương, các tiết mục đề kháng quen thuộc suốt hàng thế kỷ như những biện pháp chính, báo động cho hệ thống chính trị chuyên quyền về những khổ sở của người dân bình thường.
Dưới những điều kiện bất thường nhất định, phản đối của một khu vực hay một nhóm người có thể leo thang thành các cuộc nổi loạn có qui mô lớn, nổi tiếng trong lịch sử TQ. Nhưng để làm phát sinh một thách đố nghiêm trọng cho vương triều, nó cần sự kết hợp của một hệ tư tưởng không chính thống, giới lãnh đạo cuộc nổi loạn có sức hấp dẫn quần chúng, khủng hoảng kinh tế lan rộng, nguy cơ từ nước ngoài, và một nhà nước trung ương bất tài vô trách nhiệm. Và sự kết hợp như thế thì hiếm.
Dù rõ ràng là thiếu thận trọng khi tiên đoán tuổi thọ của hệ thống cộng sản TQ gần ngang với tuổi thọ của hệ thống quân chủ TQ nhưng có thể cũng đáng cho ta suy ngẫm về một số điểm tương đồng có tính lịch sử của hai hệ thống ấy. Ngày nay, các học giả thường mô tả TQ sau-Thiên An Môn như được phân biệt bằng sự sắp xuất hiện “ý thức luật pháp” (legal consciousness) mà các kỷ nguyên trước kia không biết tới, nhưng thật đáng chú ý là có bao nhiêu thí dụ về sự phản đối tập thể trong thời kỳ quân chủ và thời kỳ Cộng hòa có liên quan tới việc kiện cáo.
Các địa phương chí (gazetterer) trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 xác nhận rằng, ngay cả trong những miền đất nghèo nhất của xứ sở, các vụ kiện tụng thường có thói quen khởi đầu từ mọi lãnh vực của xã hội nông thôn. Các kênh pháp luật là phương tiện được thừa nhận để dân làng tăng tiến những lợi ích tập thể; khi các nỗ lực kiện cáo ấy không thể nào đem đến kết quả mong muốn thì mới xảy ra sự phản đối.
Những cuộc phản đối trong kỷ nguyên quân chủ, giống như nhiều cuộc phản đối ở nông thôn gần đây mà O’Brien mô tả, thường bắt đầu với sự trình bày đơn thỉnh nguyện, và cũng thường được viết bằng loại ngôn ngữ nồng nhiệt khi đề cập tới thẩm quyền và nhân đức của nhà nước trung ương (trong khi trích dẫn các sắc chỉ của nhà vua và các bộ luật của Thanh triều) nhằm lên án động thái phi pháp và dễ bị mua chuộc của các quan lại địa phương.
Tôi hoàn toàn không có ý nói rằng TQ vẫn y như cũ tính từ thời quân chủ. Chưa kể tới hai thế kỷ, chỉ riêng trong hai thập niên vừa qua TQ dĩ nhiên có những chuyển thể theo các cách thức đáng ngạc nhiên và gần như ngoài sức tưởng tượng. Quan điểm của tôi đơn giản là tại TQ, tình trạng phản đối đang lan rộng của đại chúng chỉ nhắm tới các cấp bậc thấp hơn trong chính quyền và đóng khung trong ngôn ngữ của nhà nước trung ương (đồng thời ngôn ngữ ấy thay đổi theo thời gian để phản ánh những dị biệt quan trọng trong hệ tư tưởng và chính sách của chính quyền), có khả năng chỉ dấu cho thấy nó là “sinh hoạt chính trị như thường lệ” chứ không là cái báo hiệu cho một chuyển dịch chấn động nào đó trong các quan hệ xã hội-nhà nước.
Dưới một hệ thống độc tài chuyên chế như TQ, nơi thùng phiếu chưa bao giờ là phương tiện hữu hiệu để truyền đạt các quan tâm của đại chúng tới giới lãnh đạo chính trị, thế nên thay vào đó, phản đối được dùng như một cách chuyển tải. Chừng nào chính quyền trung ương còn phản ứng đầy cảm tính, tuy khôn ngoan, đối với những bất mãn được biểu lộ trong các cuộc phản đối lan rộng, thí dụ, như nó từng làm trong việc bãi bỏ có tính lịch sử thuế nông nghiệp năm 2006, chừng đó nó còn xuất hiện với sự củng cố hơn chứ không phải bị suy yếu đi.
Dĩ nhiên khó khăn cực độ, nếu không phải là không thể nào, đánh giá chính xác tình cảm chính trị chân thật của người dân sống dưới một hệ thống chuyên quyền trong đó bất cứ biểu lộ có tính thách thức nhà nước nào cũng đều mang theo với nó một liều lĩnh có ý nghĩa quan trọng. Dù thật tâm hay không thật tâm chấp nhận tính chính thống của nhà nước cộng sản, người TQ nói chung hành động như thể họ thật tâm chấp nhận. Ngay cả khi không có một niềm tin bắt rễ sâu xa vào tính chính thống của nhà nước thì sự quị lụy phục tùng của đại chúng cũng có thể tác động làm tăng tiến sự ổn định của chế độ chuyên quyền.
Thêm nữa, trong trường hợp TQ, nơi các chuẩn mực văn hóa từ lâu xem “động thái chính thống” (orthopraxy) có giá trị trên cả “niềm tin chính thống” (orthodoxy), thì những biểu lộ công khai sự tôn trọng mang tính nhượng bộ thẩm quyền chính trị dường như đóng vai trò cốt tủy và mạnh mẽ trong việc làm cho hệ thống ấy tồn tại.
Một số người cho rằng trong kỷ nguyên sau-Thiên An Môn, người TQ phản đối đang rõ ràng nói lên một am hiểu mới về mối quan hệ xã hội-nhà nước, trong đó các khái niệm dân chủ của quyền công dân và các quyền hợp pháp đang ngấm sâu và qua đó biến đổi ý thức của người dân để làm xói mòn tính chính thống của nhà nước, và họ đề xuất rằng thực trạng ấy chỉ cho ta thấy có nhiều khả năng sẽ có một sự chuyển thể chính trị tận nền tảng. Sự leo thang của số lượng các cuộc phản đối được xem ngang hàng với sự tăng trưởng của xã hội dân sự, và như thế, được tin tưởng là đang đi tới gần một đỉnh điểm nào đó mà sau đó, dân chủ hóa là cái không thể tránh.
Ngược lại, tôi thử gợi ý trong lời dẫn nhập ngắn gọn này rằng chúng ta đang nhìn thấy tại TQ ngày nay phản ánh cái ý thức về phép tắc xưa hơn nhiều, trong đó người phản đối khôn khéo đóng khung những bất mãn của họ trong các thuật ngữ được chính quyền chấp nhận, nhằm thương thảo một mặc cả tốt hơn với nhà nước độc tài chuyên chế. Phân tích như thế dẫn tới một kỳ vọng chắc chắn ít kịch tính nhưng cũng có lẽ thực tiễn hơn.

Nguồn: “A New Rights Consciousness?” đăng trong quí san Journal of Democracy, số tháng Bảy năm 2009, Volume 20, Number 3, Nxb The Johns Hopkins University Press, Journals Division, Washingon DC, Hoa Kỳ, tt 17-21.

Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Ước
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog


--------------------------------------------

[1] E. J. Perry viết tiểu luận này để dẫn nhập vào bốn tiểu luận của các tác giả đã được chúng tôi dịch và đăng tải trước đây về hoạt động trực tuyến và sinh hoạt vận động của các giai cấp nông dân, công nhântrung lưu tại Trung Quốc. Nhưng thay vì đặt ở trước bốn tiểu luận đặc sắc ấy như trong tạp chí Journal of Democracy, chúng tôi mạn phép đưa vào sau chúng vì nhận thấy với bài này, Perry không chỉ gợi ý cho người đọc mà còn đúc kết chúng và mở ra một khảo hướng riêng của bà. (ND)


No comments:

Post a Comment