Thursday, October 8, 2009
VIỆT NAM và TRUNG HOA trong THỜI ĐẠI BẤT ĐỊNH KINH TẾ
VIỆT NAM VÀ TRUNG HOA
TRONG THỜI ĐẠI BẤT ĐỊNH KINH TẾ
Brantly Womack
Ngô Bắc dịch
28/09/2009
http://www.gio-o.com/NgoBacWomackBatDinhKinhTe.htm
Việt Nam và Trung Hoa có nhiều điểm chung. Không có nước nào giống Trung Hoa cho bằng Việt Nam, và không có nước nào giống Việt Nam cho bằng Trung Hoa. Chúng cùng chia sẻ một căn bản văn hóa Hán Hoa, các đảng cộng sản lên nắm quyền từ các cuộc cách mạng nông thôn, và hiện đang theo đuổi (Trung Hoa từ 1978, Việt Nam từ 1986) các sự cải cách kinh tế dựa trên thị trường. Mặc dù chiến tranh gần nhất của cả hai nước là cuộc chiến tranh đánh lẫn nhau, chiến sự đã chấm dứt vào năm 1991 và sự tương tác đã nẩy nở từ 1999. Hiện tại, cùng với phần còn lại của thế giới, cả hai đều đối diện với một sự gia tăng lớn lao trong tình trạng bất trắc kinh tế toàn cầu. Đâu là các ảnh hưởng mà sự bất trắc toàn cầu sẽ có trên viễn ảnh của mỗi nước và trên mối quan hệ của chúng?
Rõ ràng, trong năm 2008 một sự thay đổi lớn lao trong nền kinh tế thế giới đã khởi diễn, đòi hỏi một loạt các chính sách và thái độ cần phải được suy tính lại. Cả Việt Nam lẫn Trung Hoa sẽ phải điều chỉnh các chiến lược phát triển của chúng. Một phần của sự điều chỉnh xem ra sẽ bao gồm việc tái xét các định chế cấp miền cũng như các mối quan hệ song phương.
Mối quan hệ giữa Trung Hoa và Việt Nam đã được bình thường trong một thập niên, và nhiều phần tiếp tục như thế. Tuy nhiên, nó cũng là một mối quan hệ không cân xứng. Mỗi bên có một hướng trực diện khác nhau đối với mối quan hệ, và một biến cố toàn cầu chẳng hạn như cuộc khủng hoảng hiện thời ảnh hưởng đến mỗi nước một cách khác nhau. Tình trạng kinh tế của Việt Nam ít ổn định hơn tình trạng của Trung Quốc một cách đáng kể. Các cơ hội đưa ra bởi sự phát triển liên tục của Trung Hoa có tính chất hấp dẫn đối với Việt Nam, nhưng cùng lúc cả chính phủ lẫn dân chúng đều quan tâm đến việc gia tăng sự lệ thuộc vào Trung Hoa.
Bài viết này sẽ thảo luận trước tiên tình trạng thời tiền khủng hoảng của mối quan hệ Trung Hoa -Việt Nam và sau đó phạm vi khả hữu của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện thời. Mỗi cuộc khủng hoảng đều có nét độc đáo. Phần quan trọng thứ nhì của bài viết sẽ thảo luận về các thách đố đặt ra với Việt Nam và Trung Hoa bởi kỷ nguyên mới. Việt Nam và Trung Hoa sẽ đối diện với một số thử thách giống nhau, chẳng hạn như sự phát triển của các thị trường nội địa và sự tái định hướng mậu dịch quốc tế. Tuy nhiên, chúng cũng sẽ đối diện các thách đố cá biệt trong tình hình riêng của chúng. Với Việt Nam, vấn đề điều chỉnh kinh tế có tính chất khẩn cấp hơn, trong khi đối với Trung Hoa, vấn đề về sự phát triển khả dĩ dung dường được có tính cách cấp bách hơn.
Phần cuối liên quan đến mối quan hệ Việt Nam – Trung Hoa trong kỷ nguyên mới. Các nguyên tắc và định chế hiện hữu của mối quan hệ cung cấp một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác liên tục. Tuy nhiên, sự xáo động hoàn cầu mang lại một khung cảnh mới và bất định cho mối quan hệ, và bởi vì sự lộ diện mở rộng hơn của Việt Nam đối với Trung Hoa, các lo ngại của nó về sự lệ thuộc vào Trung Hoa càng nổi bật lên. Với bản chất bất cân xứng của mối quan hệ, điều quan trọng rằng nó cần phải được chế xung bởi các mối quan hệ khác cũng như các tổ chức cấp miền và toàn cầu.
Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu
Tình Trạng Tiền Khủng Hoảng
Trung Hoa và Việt Nam chính thức bình thường hóa mối quan hệ của chúng hồi cuối năm 1991, sau khi có quyết nghị trên nguyên tắc cho cuộc tranh chấp Căm Bốt và sự trở về của ông Hoàng Sihanouk tại Nam Vang. Việc xây dựng động năng và khắc phục các sự ngờ vực đòi hỏi thời gian, nhưng vào năm 1999 cả hai chính phủ tự mình cam kết trên chính sách : “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai [có kèm 16 chữ Hán, chú của người dịch]. “16 chữ hướng dẫn” này trở thành câu kinh tụng niệm được lập lại tại mọi cuộc gặp gỡ chính thức, nhưng nó không phải là lời nói suông. Điều được giả định rằng mối quan hệ sẽ là mối giao tiếp có lợi lộc hỗ tương gia tăng, và rằng các vấn đề và các sự khác biệt có thể được quản lý trong khung cảnh đó.
Các mốc quan trọng đầu tiên của sự bình thường hóa là các hiệp ước về việc phân định biên giới trên đất liền và một loạt các cuộc thảo luận về sự sử dụng vùng Vịnh Bắc Bộ. Các sự tiến bộ không được thực hiện để giải quyết các lời xác lập chủ quyền trên các nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng hiệp ước năm 2002 giữa Trung Hoa và khối ASEAN liên quan đến sự ứng xử hòa bình tại Biển Đông đã giúp giới hạn sự tranh chấp tiềm ẩn ở đấu trường này. Trong khi đó, sự giao tiếp kinh tế và ngoại giao đã gia tăng một cách lớn lao.
Hình 1: Sự Tăng Trưởng Mậu Dịch Của Việt Nam, với năm 1999 làm chỉ số gốc
http://i83.photobucket.com/albums/j312/lienlacgioocom/NgoBac/Hnh1.jpg
Như Hình 1 cho thấy, mậu dịch với Trung Hoa đi nhanh hơn mức tăng trưởng nói chung mau chóng trong tổng số mậu dịch của Việt Nam, gia tăng phân chia của nó từ 6.1% trong năm 1999 lên 14.3% trong năm 2007, và từ một phần tư của mậu dịch Việt Nam với các nước còn lại trong ASEAN lên hai phần ba. Cùng nhịp với việc tăng cường các quan hệ kinh tế, sự trao đổi các cuộc thăm viếng chính thức ở mọi cấp, các sự trao đổi giáo dục, và du lịch cũng tăng trưởng mau chóng.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Hoa và Việt Nam có tính chất bất cân xứng trong mọi khía cạnh, và tình trạng bất cân xứng tạo ra các quan điểm khác biệt nền tảng về mối quan hệ. Tổng Sản Lượng Nội Địa Gộp [TSLNĐG](GDP: Gross Domestic Products) của Việt Nam trong năm 2007 là ba phần trăm Tổng Sản Lượng Gộp của Trung Hoa. 1 Trung Hoa hiện là nước xuất cảng hàng hóa nhiều thứ nhì và là nước nhập cảng lớn thứ ba của thế giới; Việt Nam đứng thứ năm mươi và bốn mươi mốt, lần lượt như thế. Trung Hoa và Việt Nam có mức độ khả sánh về mậu dịch tính theo mỗi đầu người, nhưng đối với Việt Nam, mậu dịch có tầm quan trọng gấp đôi. Tỷ số mậu dịch trên GDP của Việt Nam là 156, trong khi của Trung Hoa là 71,.3. Cơ cấu mậu dịch thì hoàn toàn khác biệt. Đối với Việt Nam, các sản phẩm nông nghiệp, nhiên liệu, và khoáng chất chiếm 46.3% tổng số xuất cảng; đối với Trung Hoa, chúng chỉ cấu thành 6.7%. Việt Nam là nước xuất cảng thuần về dầu hỏa và than đá; Trung Hoa cũng là một nước xuất cảng thuần về than đá. Sản phẩm Trung Hoa tràn ngập các thị trường Việt Nam. Trung Hoa là nguồn cung cấp chính yếu cho Việt Nam về máy móc, máy điện toán (computers), hóa chất, và hàng dệt. Đáng ngạc nhiên hơn, Trung Hoa bán trái cây và các loại rau cho Việt Nam gấp ba lần số nó mua. Các sự khác biệt này trong năng lực và cơ cấu kinh tế, cũng như trong trọng lượng toàn bộ, tạo ra một khung khổ bất cân xứng tổng quát cho mối quan hệ kinh tế.
Hình 2: Số Nhập Cảng Và Xuất Cảng Sang Trung Hoa của Việt Nam (năm 1999 làm chỉ số gốc)
http://i83.photobucket.com/albums/j312/lienlacgioocom/NgoBac/Hnh2.jpg
Như Hình 2 cho thấy, sự chênh lệch giữa nền kinh tế Trung Hoa và Việt Nam càng sâu sắc hơn bởi sự bất cân bằng giữa các số nhập cảng và xuất cảng. Trung Hoa dễ dàng trở thành nguồn cung cấp hàng nhập cảng số một, tương đương với 79% tổng số nhập cảng từ trọn khối ASEAN, và khối kể sau bao gồm một khối lượng lớn các sản phẩm nhiên liệu đã được tinh lọc từ Tân Gia Ba. Trong khi Việt Nam xuất cảng hàng dệt cũng như các sản vật chẳng hạn như đá trang sức và cà phê sang các nước đã phát triển, phần lớn số mua của Trung Hoa là nguyên liệu. Thí dụ, Việt Nam xuất cảng 70% số cao su của nó sang Trung Hoa, nhưng nó mua các sản phẩm cao su chế tạo từ Trung Hoa nhiều hơn hai phần ba số nó bán. Nói chung, Việt Nam dựa vào Trung Hoa về một loạt nhiều loại hàng nhập cảng, 20% tổng số nhập cảng của nó, và bán than đá, dầu hỏa, và thực phẩm cho Trung Hoa. Việt Nam là một thị trường đối ngoại tuyệt hảo cho sản phẩm của Trung Hoa bởi các điều kiện kinh tế và văn hóa tiêu thụ tương đồng và giá vận tải thấp. Trong khi Việt Nam không thể tìm được nguồn cung cấp với giá cả khả sánh cho phần lớn những gì nó mua từ Trung Hoa, Trung Hoa có thể mua các sản phẩm nhiên liệu và từ vùng nhiệt đới của nó ở các nơi khác. 2 Hơn nữa, dự trữ than đá của Việt Nam đang thu nhỏ dần. Trong năm 2010 nhu cầu nội địa về than đá sẽ xấp xỉ tổng sản lượng, và vào năm 2015 Việt Nam được ước định sẽ nhập cảng 25 triệu tấn, nhiều hơn phân nửa sản lượng nội địa hiện thời. Nhưng trong sáu tháng đầu của năm 2009, hơn một nửa sản lượng đã được xuất cảng – hai phần ba tống số được chuyển sang Trung Hoa – và sẽ khó khăn để thay thế cho phần ngoại tệ thu hoạch được trên than đá. 3 Trong khi đó sản lượng dầu hỏa đã sút giảm từ năm 2005. Các số xuất cảng dầu hỏa trong năm 2007 thấp hơn số xuất cảng của năm 2000, mặc dù số thu hoạch lớn hơn nhờ các sự tăng giá. Chính vì thế, các chiều hướng trong mậu dịch song phương với Trung Hoa thì bất lợi cho Việt Nam. Nó nhập cảng ngày càng nhiều hơn, và trong sự vắng bóng của một sự thay đổi đáng kể trong thành phần sản phẩm xuất cảng, Việt Nam sẽ có ít hàng hơn để bán ra.
Với Trung Hoa, mậu dịch với Việt Nam ít quan trọng hơn nhiều như đối với Việt Nam. Trong năm 2007, Việt Nam đứng hàng thứ 22 trong số xuất cảng của Trung Hoa, giữa Thái Lan và Mexico, và đứng thứ 38 về nhập cảng, giữa Mexico và Venezuela. 4 Trong các đối tác Á Châu, Việt Nam đứng thứ 16 về xuất cảng, đàng sau tất cả “năm nền kinh tế lớn” của khối ASEAN, và thứ 11 về nhập cảng, sau Tân Gia Ba, Mã Lai, Nam Dương, và Thái Lan.
Hình 3: Thặng Dư Mậu Dịch Của Việt Nam đối với Hoa Kỳ, Thâm Thủng Đối Với Trung Hoa
http://i83.photobucket.com/albums/j312/lienlacgioocom/NgoBac/Hnh3.jpg
Trong khi thâm thủng mậu dịch của Việt Nam trở thành lớn và gia tăng, Hình 3 cho thấy sự thâm thủng đã được cân đối bằng khoản thặng dư mậu dịch của Việt Nam với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự gia tăng rõ rệt trong sự bất cân bình với Trung Hoa từ năm 2005 đã xóa mất lợi thế. Việt Nam cũng có một khoản thặng dư mậu dịch lớn lao với khôi EU (European Union: Liên Hiệp Âu Châu), nhưng do kết quả của cuộc khủng hoảng tài chính hiện thời, thị trường tiêu thụ của các nước đã phát triển đang đi xuống, trong khi nhu cầu của Việt Nam về các hàng hóa của Trung Hoa tiếp tục đi lên. Trong năm 2007, phần thặng dư [mậu dịch] với Hoa Kỳ trang trải cho 92% phần thâm thủng với Trung Hoa. Trong nửa năm đầu của 2009, nó chỉ bảo bọc được 81%. Trong khi đó, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, trong tháng Tám 2009, số nhập cảng của nó giảm 20%, số xuất cảng giảm 14%, và du lịch giảm 18%. 5 Cuộc khủng hoảng hiên thời chính vì thế không chỉ là một vấn đề nội bộ đối với Việt Nam, nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các chiều kích mậu dịch và kinh tế trong mối quan hệ của nó với Trung Hoa. Như chúng ta sẽ thấy, điều đó cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ chính trị.
Sự Bất Định Toàn Cầu
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vốn thu hút sự chú mục của thế giới từ giữa năm 2008 là một cuộc khủng hoảng kinh tế thuộc về hệ thống nghiêm trọng nhất kể từ sau Cuộc Đại Suy Trầm. Như một cuộc khủng hoảng hệ thống, ảnh hưởng sống còn chính yếu của nó là một sự gia tăng bao la của tình trạng bất định. Hai cuộc khủng hoảng quan trọng của thời hậu Chiến Tranh Lạnh, sự sụp đổ của kinh tế nước Nga trong thập niên 1990 và cuộc khủng hoa/ng tài chính Á Châu năm 1997, xảy ra trong phạm vi một hệ thống toàn cầu được giả định một cách rộng rãi là ổn định và trong thực tế đã tiếp thụ được sự chấn động. Các ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng 2008 khởi phát bởi Hoa Kỳ đã làm rung chuyển kinh tế thế giới và các ảnh hưởng của nó vẫn còn tiếp tục gây chấn động.
Chúng ta hãy cứu xét các sự lên xuống trong giá dầu hỏa. Trong Tháng Mười Hai 2003, giá mỗi thùng (barrel) là 30 đô la Mỹ. Trong Tháng Bảy 2008, nó lên tới 145 Mỹ Kim mỗi thùng, trước khi tụt xuống vào Tháng Mười Hai 2008 dưới 40 Mỹ Kim. Và dầu hỏa là chỉ số duy nhất của sự trồi sụt hiện thời của các trị giá tích sản.
Các sự tiên đoán thực sự trở thành bất khả trong một cuộc khủng hoảng hệ thống. Ngay cả một sự phân tích cơ cấu chính xác cũng không thể xác quyết khi nào một biến có tiên đoán trước sẽ xảy ra. Tương đối dễ dàng để phán đoán rằng một chiếc cầu không chắc chắn, nhưng không thể biết khi nào nó sẽ sụp đổ. Hơn nữa, sự thay đổi cấu trúc hiếm khi bị thúc đẩy bởi một phần tử cơ cấu, mà đúng hơn bởi sự tương tác của các yếu tố phụ thuộc lẫn nhau.
Cuộc khủng hoảng hệ thống toàn cầu trước đây, Cuộc Đại Suy Trầm của thập niên 1930, là một mô hình hạng tồi cho sự tiên đoán. Đã có khá ít hơn số các chủ thể tác động trong thời kỳ thực dân. Việt Nam phải chịu tốn thương nhiều hơn Pháp bởi Pháp đặt quyền lợi Việt Nam phụ thuộc vào quyền lợi của Pháp. Giờ đây, 192 thành viên của Liên Hiệp Quốc sẽ đưa ra các quyết định riêng của mình. Đây vẫn còn là trường hợp mà không phải mọi quốc gia đều bình đẳng. Một nước Mỹ con nợ phải làm việc với một nước Trung Hoa chủ nợ. Cũng không có các tổ chức kinh tế toàn cầu hay cấp miền hoạt động trong thập niên 1930. Giờ đây có cả các điểm hẹn toàn cầu và cấp miền cho sự hợp tác trên các chính sách chung. Một ân sủng hỗn tạp hơn của kỷ nguyên hiện tại là vai trò của đồng đô-la như một tiền tệ toàn cầu. Một mặt, nó cung cấp một tiêu chuẩn hối đoái tiêu chuẩn bị thiếu vắng trong thập niên 1930. Mặt khác, nó có thể bị chứng tỏ là một tiêu chuẩn không đáng tin cậy, và điều càng nổi bật rằng Hoa Kỳ đã là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng hiện thời. Sau cùng, các cuộc cách mạng vận tải và truyền thông đã tạo ra một khả năng gần như tức thời cho sự tương tác quốc tế. Các vấn đề, các thủ tục và các giải pháp của cuộc khủng hoảng hiện tại chắc chắn phải có tính chất tân kỳ.
Chính vì thế, tính chất then chốt của cuộc khủng hoảng hiện thời không phải rằng mọi nước đều phải gánh chịu (dù chúng đang phải chịu đựng), mà rằng tất cả đều không chắc chắn về thời điểm và phương cách mà sự đau khổ sẽ chấm dứt. Các kích thước của sự bất định hiện thời sẽ tác động một ảnh hưởng sâu xa trên việc hoạch định và các sắp xếp ưu tiên của các cá nhân và các dân tộc. Trong các thời kỳ tương đối ổn định, điều hợp lý là sẽ hành động theo lợi điểm biên tế của một cá thể, để lựa chọn tình trạng tốt hơn thay vì chỉ vừa đủ tốt. Trong các thời kỳ bất định, điều hợp lý là nên cẩn trọng. Nếu các viễn ảnh tương lai không chắc chắn, điều trở nên quan trọng hơn là nên nắm lấy một lợi lộc cụ thể thay vì dành lấy một sự lựa chọn tùy ý tốt hơn, nhưng bất trắc hơn. Tổng quát, thế giới đã phát triển tương đối ổn định và thịnh vượng trong kỷ nguyên hậu Chiến Tranh Lạnh, và trở nên quen thói với việc hành động theo lợi thế biên tế. Sự ổn cố và tiến triển của thế giới đã phát triển cũng đã có một hiệu lực ổn định hóa sâu rộng hơn trên nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời tình trạng đó và lý luận của nó đang ở trong một thời kỳ chuyển tiếp đau đớn. Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên của sự bất định.
Tình trạng bất định không có gì mới mẻ đối với Á Châu. Cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu năm 1997 đã là một kinh nghiệm sâu sắc của tình trạng bất định kinh tế cấp miền. Mặc dù Việt Nam và Trung Hoa không phải là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhịp tăng trưởng đã chậm lại. Cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu dẫn tới một quyết tâm nhiều hơn về phía khôi ASEAN để phối hợp các chính sách kinh tế, và sau cùng đến một sự hợp tác rộng rãi hơn giữa ASEAN – Trung Hoa, và ASEAN + 3 nước khác.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu khác biệt trong ba phương diện quan trọng với cuộc khủng hoảng hiện thời. Trước tiên, cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu xảy ra trong một môi trường toàn cầu tương đối ổn định. Tình trạng bất định bị giới hạn ở trong miền, và nó phần lớn được giới hạn vào mặt tài chính và các hậu quả ngân sách của nó. Thứ nhì, các kế hoạch phục hồi có thể được đặt trên các khuôn mẫu quen thuộc của việc gia tăng sản xuất và bán sang các thị trường tại Hoa Kỳ và Âu Châu. Giờ đây, các thị trường này đã bị cắt giảm bởi sự tiêu thụ dè dặt hơn và mối nguy hiểm của các cuộc chiến tranh quan thuế biểu giữa các nước lên cao. Đối với cả Trung Hoa và Việt Nam, tư cách hội viên trong Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích mậu dịch và đầu tư, trong khi giới hạn các sự lựa chọn của chúng về quan thuế biểu và mậu dịch trong việc đáp ứng với cuộc khủng hoảng. Thứ ba, các nước đã phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ, khá lãnh đạm trước các khó khăn của các chính phủ Á Châu. Điều không rõ là liệu các quốc gia sẽ có trợ giúp nhau hay không trong cuộc khủng hoảng hiện thời, nhưng trên mặt toàn cầu, các nước đều cùng ở trên các biển cả bị bão tố, mặc dù trong các con thuyền khác nhau.
Các Sự Ổn Định Toàn Cầu
Các đầu mối lớn nhất trong nền kinh tế quốc tế đa đầu mối là Hoa Kỳ và Âu Châu, và như các tác giả Giovanni và Arrighi lập luận, chúng xem ra vẫn còn là các đầu mối lớn nhất ngay cả trong một kỷ nguyên bất định. 6 Phần chia sẻ của chúng trong thị trường thế giới và về sự đầu tư sẽ sụt giảm, nhưng chúng là những nền kinh tế lớn và lành mạnh, với các lợi thế khổng lồ về vốn và kỹ thuật. Ngay khi chúng cố gắng bảo hộ các nhà sản xuất nội địa của mình, chúng sẽ nhận thấy rằng chúng đã trở nên lệ thuộc vào hàng nhập cảng không thể sản xuất trong nước được. Nên biết chắc rằng nhu cầu tiêu thụ sút giảm, các phí tổn vận tải lên cao hơn, và các áp lực để tạo việc làm trong nội địa sẽ làm giảm sự nổi bật hiện thời của Hoa Kỳ và Âu Châu trong nền kinh tế thế giới, nhưng ngoài các bộ phận có mức lợi tức thượng tầng của các thành phố lớn nhất của thế giới, không có các thị trường giống như chúng, và không có các sự tập trung khả sánh của các dịch vụ tài chính. Hoa Kỳ chiếm 22.5 % trên Tổng Sản Lượng Nội Địa Gộp [viết tắt là TSLNĐG, ND] (GDP) của thế giới, và năm nước lớn nhất của Âu Châu gộp chung chiếm 16.7%. 7
Điều đó có nghĩa, một chiều hướng quan trọng khác trong kinh tế thế giới rằng xem ra vẫn tiếp tục và còn được gia cường hơn là sự tăng trưởng của các quốc gia trung lưu và sự vươn lên của một vài nước có lợi tức thấp ra khỏi sự nghèo đói. Trong năm 2005, các nước có lợi tức bậc trung chiếm 32% TSLNĐG thế giới, và các nước có lợi tức thấp chiếm 7% nữa – gộp lại bằng số tổng hợp của Hoa Kỳ và năm nền kinh tế Âu Châu hàng đầu. Trung Hoa (9.7%) và Ấn Độ (4.3%) dĩ nhiên là các thành phần cá biệt quan trọng, nhưng gộp lại chúng ít hơn phân nửa phần lợi tức của các nước bậc trung. Về mức độ mà TSLNĐG của các nước bậc trung tùy thuộc vào việc sản xuất cho các thị trường có lợi tức cao hơn, nó sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thế giới, nhưng về mức độ mà nó sản xuất cho chính mình, điều này hẳn phải tương đối khả quan hơn. Giả định rằng còn có khoảng trống cho sự tăng trưởng tại các thị trường tiêu thụ [ở các nước] bậc trung, có vẻ sự việc sẽ tương đối khá hơn trong vòng năm năm tới.
Một khuynh hướng toàn cầu khác sẽ trợ giúp cho một vài nước và làm chậm lại một số nước khác là việc gia tăng áp lực trên các tài nguyên thế giới, kể cả năng lượng, nguyên liệu, và thực phẩm. Các áp lực này sẽ được bù trù phần nào bởi nhu cầu sút giảm trường các nước đã phát triển và trong trường hợp dầu hỏa, bởi các nguồn năng lượng thay thế, nhưng các giới hạn của các nguồn năng lượng và các phí tổn gia tăng của các khoản nhập thành (inputs) (lao động và kỹ thuật) sẽ khiến cho giá cả lên cao. Bởi vì khối lượng xuất cảng của nhiều thứ trong các sản phẩm này phát sinh trường các nước bậc trung, chiều hướng này sẽ khích lệ sự gia tăng trong phần chia của các nước bậc trung trong các điều kiện tuyệt đối cũng như tương đối. Tuy nhiên, tác động cụ thể của các giá cả tài nguyên cao hơn sẽ khác biệt đối với mỗi quốc gia. Các hiệu quả thì phức tạp đối với Trung Hoa và Việt Nam. Việt Nam là một nước xuất cảng tài nguyên, nhưng có số sản xuất và dự trữ giới hạn, và một nhu cầu khẩn cấp để trang trải các món nhập cảng. Trung Hoa là nước nhập cảng tài nguyên, nhưng có tiền mặt để trả cho chúng.
Liên quan đến giá cả gia tăng của các tài nguyên sẽ là các vấn đề gia tăng cho sự phát triển khả dĩ chấp dưỡng được. Sự phát triển khả dĩ duy trì được thì rộng lớn hơn tính khả cung của các tài nguyên bởi nó cũng bao gồm các phó sản của sự sản xuất: nạn ô nhiễm, nạn thiếu nước, và sự rạn vỡ xã hội. Mật độ dân cư cũng quan trọng như trình độ phát triển trong việc xác định sự khản cấp của các vấn đề phát triển khả chấp, bởi dân chúng bao quanh trực tiếp một địa điểm sản xuất sẽ bị trực diện trước những ảnh hưởng môi trường của nó. Vượt quá các phó sản trực tiếp của sự sản xuất, sự phát triển mau lẹ có thể làm trầm trọng thêm các sự bất quân bình về kinh tế và sự bất an, và có thể dẫn đến sự rạn nứt xã hội. Sự tập trung của Trung Hoa vào sự tăng trưởng tối đa trong thời kỳ cải cách khiến có nó dễ bị xâm kích bởi một loạt rộng lớn các khủng hoảng tình trạng khả dĩ dung dưỡng, từ các nạn khan hiếm thực phẩm và nước đến bất ổn xã hội. Việt Nam cũng theo đuổi sự phát triển tối đa, nhưng nó khởi sự chậm hơn và các thành quả khiêm tốn hơn chưa làm nổi bật các sự mâu thuẫn của tình trạng khả chấp đến cùng mức độ như thế.
Sau cùng, số lượng và tính nghiêm trọng của các vấn đề toàn cầu và siêu quốc gia thực sự, chẳng hạn như chứng bệnh đại dịch, khủng bố, v.v…, nhiều phần sẽ gia tăng. Các vấn đề này chỉ có thể được giải quyết một cách hữu hiệu xuyên qua sự hợp tác quốc tế. Kinh nghiệm của miền với bệnh dịch cúm gà (SARS) trong năm 2004 là một bài học cảnh gíác, và các trường hợp thấp thoáng của chứng cúm gia cầm là một sự nhắc nhở rằng tình trạng xấu hơn có thể xảy ra.
Các Thách Đố Cho Việt Nam Và Trung Hoa
Trong Kỷ Nguyên Mới
Các Sự Tương Đồng
Cả Việt Nam và Trung Hoa đều đặt thành một ưu tiên cao cho việc tối đa hóa sự tăng trưởng kinh tế, và một thành tố quan trọng của chiến lược này là sự khuyến khích sản xuất cho các thị trường của nước đã phát triển. Như Bảng 1 cho thấy, cả hai dựa vào các thị trường Hoa Kỳ và Âu Châu cho gần một phần ba số xuất cảng của chúng, và mậu dịch với các thị trường này có nhịp tăng nhanh hơn so với sự gia tăng tổng quát về mậu dịch của chúng. Hơn nữa, cả Việt Nam và Trung Hoa đều dựa vào cán cân nhiều thuận lợi trong mậu dịch với các quốc gia đã phát triển để chống đỡ cho các sự thâm thủng ở các khu vực khác. Nhận định rằng Hoa Kỳ và năm nền kinh tế Âu Châu lớn nhất gộp thành 39% nền kinh tế thế giới, điều dễ hiểu là chúng sẽ là các phần quan trọng trong các chiến lược xuất cảng của các nước khác. Song le, nó cũng tương đương với một sự trực diện lớn lao đối với tâm điểm chấn động của các tình trạng bất định toàn cầu hiện thời.
Bảng 1: Xuất Cảng Sang Các Nước Đã Phát Triển
http://i83.photobucket.com/albums/j312/lienlacgioocom/NgoBac/Bng1.jpg
Mô thức mậu dịch tiền khủng hoảng vì thế làm gia trọng các ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với cả Việt Nam lẫn Trung Hoa, và sẽ đòi hỏi sự tái điều chỉnh các mục đích ưu tiên. Mặc dù Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ vẫn còn là các thị trường quan trọng, chúng chắc chắn bị thu nhỏ lại. Các tổn thất sẽ không tránh được tại các khu vực của nền kinh tế được tạo lập đặc biệt để phục vụ cho các thị trường này. Các thua lỗ về tư bản được cảm nhận chủ yếu bởi các nhà đầu tư ngoại quốc, nhưng các sự mất mát công việc là một vấn đề nội địa. Hơn nữa, các vấn đề này được tập trung vào các địa phương hướng vào xuất cảng cho đến giờ đã là các đầu tàu trong sự phát triển kinh tế. Vì thế, thử thách trực tiếp nhất cho cả Việt Nam lẫn Trung Hoa sẽ là việc làm dịu nhẹ các sự tổn thất của các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng.
Thử thách sâu xa và quan trọng hơn là việc chuyển hướng chiến lược phát triển hướng ngoại khỏi việc sản xuất hàng hóa cho các thị trường hiện hữu sang việc phát triển các thị trường mới. Duy trì phần chia tại các thị trường thu nhỏ là điều quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là tạo lập phần chia trong các thị trường đang tăng trưởng. Các thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong kỷ nguyên mới của tình trạng bất định nhiều phần sẽ là các nước có lợi tức bậc trung, kể cả chính Trung Hoa, và các cơ hội dài hạn lớn nhất sẽ là ở các nước nghèo nhất. Cả Việt Nam lẫn Trung Hoa đều có các lợi thế đặc biệt tại các thị trường này bởi vì chính bản thân chúng là các nước đang phát triển và vì thế quen thuộc với các nhu cầu của các nền kinh tế như thế. Tuy nhiên, phần đầu tư ngoại quốc trực tiếp xem ra không đóng một vai trò chủ đạo trong sự sản xuất cho các thị trường của nước đang phát triển, vì thế các chính quyền sẽ phải tích cực trong việc khích lệ sự kinh doanh và phát triển địa phương.
Thử thách quan trọng nhất của sự phát triển thị trường sẽ nằm trong phạm vi nền kinh tế nội địa của Việt Nam và Trung Hoa. Thị trường của chính mình là thị trường đáng tin cậy nhất trong thời kỳ có sự bất định toàn cầu. Phân tỏa hạ tầng cơ sở kinh tề quốc gia và phát triển sự tiêu thụ nội địa luôn luôn là các ưu tiên quan trọng, nhưng chúng mang một tầm quan trọng mới trong các thời kỳ bất định. Hơn nữa, đối với cả Việt Nam lẫn Trung Hoa, thị trường nội địa Trung Hoa là cơ hội quan trọng tại Á Châu.
Tình trạng bất định toàn cầu đã hạ giảm các tỷ suất tăng trưởng TSLNĐG tại Việt Nam và Trung Hoa, và điều này tạo ra sự cám dỗ để cố duy trì các tỷ lệ tăng trưởng hiện thời bằng mọi giá. Cả Trung Hoa lẫn Việt Nam đều đã chấp thuận các biện pháp kết hợp kích thích quan trọng – lần lượt tới 15% và 6.7% TSLNĐG của chúng – nhằm đối đầu với các ảnh hưởng ban đầu của sự suy giảm. 8 Tuy nhiên, sự tập trung vào sự tăng trưởng kinh tế tối đa là một chiến lược nhiều rủi ro trong các thời kỳ kinh tế tốt đẹp, và nó còn đáng nghi ngờ hơn nữa trong các giai đoạn xấu. Sự phát triển khả dĩ dung chấp phải có tầm quan trọng hơn trong một kỷ nguyên bất định toàn cầu. Sự phát triển không thể dung chấp được tạo ra các sự khủng hoảng trong hiện tại và tương lai. Một khuôn mẫu phát triển chậm nhưng chắc ngăn chặn sự khuếch đại các sự bất định. Như Thủ Tướng [Trung Hoa] Ôn Gia Bảo đã lập luận, sự phát triển một cách khoa học phải nhằm giải quyết các vấn đề về các sự bất công xã hội và phát huy sư hòa hợp xã hội cũng như đối phó với các vấn đề công nghiệp hiển nhiên chẳng hạn như nạn ô nhiễm.
Một thử thách chung cuối cùng cho Việt Nam, Trung Hoa, và các láng giềng của chúng là phát triển và gia cố các định chế cấp miền, đặc biệt trong các lãnh vực phát triển, mậu dịch và tài chính. Sự yếu kém và tính biến đổi của đồng Mỹ Kim càng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vùng Đông Á trong việc cung cấp sự ổn định tài chính quốc tế của chính nó, và các vấn đề của các hãng cung cấp dịch vụ quốc tế to lớn chẳng hạn như AIG [tức Tổ Hợp Bảo Hiểm Hoa Kỳ lớn nhất mới bị phá sản gần đây, chú của người dịch] và công ty [đầu tư] Lehman Brothers giờ đây đã giải tán cho thấy tính chất xác đáng của các định chế đặt trên cấp miền và địa phương. Tuy nhiên, sức mạnh của ASEAN, định chế cấp miền thành công nhất tại vùng Đông Á, được đặt trên tính mở rộng đối với phần còn lại của thế giới, hơn là trên sự thành lập một hệ thống khép kín, và điều này phải tiếp tục là một nguyên tắc của sự phát triển định chế tương lai.
Các Sự Khác Biệt
Bất kể các nét tương đồng căn bản của Việt Nam và Trung Hoa trong việc đối diện với tình trạng bất định kinh tế toàn cầu, các thử thách chúng gặp mặt thì khác nhau trong một số khía cạnh quan trọng.
Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ hơn, và ít giàu có hơn nhiều so với Trung Hoa. Trung Hoa có lợi thế của bảy năm cải cách và cởi mở trước, và nó không có các bất lợi của chiến tranh và sự đối nghịch quốc tế kéo dài. Hoa Kỳ đã bình thường hóa các quan hệ với Trung Hoa từ năm 1979, nhưng với Việt Nam, mãi tới năm 1995. Hơn nữa, Việt Nam gia nhập vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới năm 2007, trong khi Trung Hoa gia nhập năm 2001.
Bởi Việt Nam là một chiếc thuyền nhỏ hơn chèo sát mặt nước hơn, nó gặp nhiều khó khăn khẩn cấp hơn trong việc điều chỉnh theo cuộc khủng hoảng hiện thời. Trước khi cuộc khủng hoảng khởi phát, lạm phát đã là một vấn đề, lên đến 28% trong Tháng Tám 2008. Các biện pháp giảm phát đã được chấp nhận trong Tháng Tư 2008 sau rốt đã đặt nạn lạm phát dưới sự kiềm chế, nhưng sự sụp đổ của số xuất cảng sang nước đã phát triển (tổng số xuất cảng giảm 24% cả năm so năm trước trong Tháng Một 2009) dẫn đến các chính sách đối nghịch của sự kích thích tài chính và kiểm soát tổn hại. Trung Hoa trải qua một chu kỳ tương tự của các áp lực lạm phát, các chính sách giảm phát, và các biện pháp kích thích, nhưng lạm phát ở mức ôn hòa hơn nhiều (5%) và nó có một thặng dư mậu dịch khổng lồ. 9 Kể từ 2003, Việt Nam có các khoản thâm thủng mậu dịch với mọi nước trong khối ASEAN, trừ Căm Bốt và Phi Luật Tân, và ngoại trừ hai nước đó cùng với Nam Phi, phần còn lại của khoản thặng dư của nó là với các nước đã phát triển. 10 Trong Tháng Sáu 2009, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (QTTQT: IMF: International Monetary Fund) ước lượng mức tăng trưởng TSLNĐG năm 2009 của Việt Nam là 3.5% và nhận định rằng nó sẽ “vượt qua cơn khủng hoảng tương đối tốt đẹp”. 11 Điều này trái ngược với, thí dụ, Thái Lan, được ước định sẽ có một sự sút giảm 3%, bất kể đã có những bước khởi đầu của sự phục hồi. 12 Tuy nhiên, QTTQT lo ngại về các ảnh hưởng có thể gây bất ổn về tài chính của các biện pháp kích thích. Rõ ràng khó khăn đầu tiên của Việt Nam là việc quản trị ở mức tốt nhất nó có thể làm được trên các vấn đề gây ra bởi cuộc khủng hoảng hiện thời.
Về việc tái định hướng thị trường, cơ hội đơn độc to lớn nhất của Việt Nam là Trung Hoa. Biên giới của nó với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam mang lại sự tiếp cận đặc biệt với miền tây nam Trung Hoa, và nó có sự tiếp cận hàng hải tốt với Quảng Đông và Hải Nam. Nhưng ngoài các khu vực kề cận này, sự cải tiến sâu rộng trong sự vận tải đường bộ và đường sắt tại miền nam làm dễ dàng rất nhiều cho sự tiếp cận của Việt Nam. Các dự án phát triển hỗn hợp tại các cửa ngõ quan trọng Lạng Sơn / Bằng Tường và Móng Cái / Đông Hưng mang lại các lợi điểm độc đáo, để thức hiện các dự án lớn hơn chẳng hạn như các kế hoạch để phát triển vùng Vịnh Bắc Việt. Các số xuất cảng sang Trung Hoa đã gia tăng. Mậu dịch tăng gấp mười một lần từ năm 1999 đến 2007, nhưng số xuất cảng về dầu hỏa, than đá và các tài nguyên khác là một phần đáng kể của số gia tăng. Trong nữa năm đầu của 2009, tổng số mậu dịch với Trung Hoa là 16%, gần bằng mức mậu dịch với khôi ASEAN (18.4%). Số xuất cảng sang Trung Hoa chiếm 7.5% tổng số xuất cảng, vào khoảng một nửa số xuất cảng sang Hoa Kỳ (19.5%), trong khi Trung Hoa là nguồn cung cấp cho 23% số nhập cảng của Việt Nam, gần gấp ba lần số nhập cảng trường Liên Hiệp Âu Châu và một tỉ mỹ kim nhiều hơn số nhập cảng từ khối ASEAN. 13
Thử thách của Việt Nam trong việc đa dạng hóa các hàng xuất cảng sang Trung Hoa là sự khó khăn để khám phá các sản phẩm và các khu vực tiêu thụ mà nó có thể cạnh tranh một cách thành công với các nhà sản xuất nội địa Trung Hoa. Tuy nhiên, một nỗ lực tiếp thị bén nhậy và tinh vi hơn các chế tạo phẩm sang Trung Hoa phải thu hoạch được các kết quả. Nhiều nước đã phát triển trao đổi các sản vật với nước khác khi không có bên nào có được một lợi thế cạnh tranh rõ rệt. Các nhà sản xuất Việt Nam có thể thiết lập các thương hiệu và danh tiếng tại các thị trường Trung Hoa và tìm kiếm các kẻ hở của thị trường nơi mà các sản phẩm của họ tốt hơn các sản phẩm được cung cấp ở địa phương.
Ngoài mậu dịch với Trung Hoa, các thị trường của Việt Nam tại khôi ASEAN và Đông Á còn chỗ để mở rộng. Số gia tăng xuất cảng của nó trong khoảng 1995-2005 với Singapore, Đài Loan, Nam Hàn, Hồng Kông và Nhật Bản ở dưới mức tăng trưởng xuất cảng trung bình 595%. Trong khi các thị trường này bị chấn động mạnh bởi cuộc khủng hoảng hiện thời, có thể vẫn có các lãnh vực để cải thiện. Bên ngoài Á Châu, sự thành công của Trung Hoa tại Mỹ Châu La Tinh, Trung Đông và Phi Châu cho thấy các cơ hội bởi Việt Nam có các lợi điểm nguyên tố tương tự, nếu không phải về phạm vi và tư bản. Các sự gia tăng trong mậu dịch của Việt Nam với Nam Phi, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan đang được cổ vũ.
Việt Nam không có đủ tư bản cho một chương trình tổng quát dành cho các khoản đầu tư dài hạn tại các nước nghèo hơn, nhưng các quan hệ chặt chẽ của nó với Căm Bốt và Lào có thể được phát triển hơn nữa. Trong khi Trung Hoa xây dựng các đường nối theo trục dọc với miền Đông Nam Á lục địa, Việt Nam có thể tiếp tục hợp tác với các láng giềng để tăng cường các sợi dây liên kết theo trục ngang. Các dự án này không tranh chấp nhau, và hẳn phải nâng cao lợi lộc của mỗi bên.
Trái với Việt Nam, các vấn đề về tiền tệ của Trung Hoa là các vấn đề mà phần lớn các nước khác sẽ lấy làm ganh ty. – có quá nhiều mỹ kim và đồng tiền thấp hơn trị giá. Trong khi các vấn đề này cũng đặt ra các khó khăn bất thường và gai góc cho giới lãnh đạo Trung Hoa, các vấn đề này không giống với các vấn đề của Việt Nam về mặt tầm mức và tính khẩn cấp. Hơn nữa, trong khi các kỹ nghệ xuất cảng của nó nhắm vào các thị trường phát triển sẽ phải gánh chịu, phần còn lại của nền kinh tế sẽ có khả năng nhiều hơn Việt Nam để vực sự trì trệ lên. Sự thử thách chiến lược quan trọng của Trung Hoa sẽ là việc tái thẩm định sự cam kết của nó đối với sự tăng trưởng kinh tế tối đa và chuyển đổi một cách quả quyết các ưu tiên của nó sang sự phát triển khả dĩ dung chấp được. Nếu Trung Hoa không đối đầu một cách thành công với các sự thử thách của việc kiểm soát các ảnh hưởng môi trường và xã hội của sự tăng trưởng tôi đa, khi đó nó sẽ đối diện với một cuộc khủng hoảng tương lại nghiêm trọng hơn nhiều cho chính nó, so với cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện thời.
Trong cuộc khủng hoảng hiện thời, Trung Hoa nhiều phần sẽ là một trong các nền kinh tế thế giới quan trọng ít bị ảnh hưởng tiêu cực nhất, và bởi nó đã sẵn có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất, phần chia của nó trong nền kinh tế thế giới xem ra sẽ lên cao trong các điều kiện tuyệt đối và còn nhanh hơn nữa về mặt tương đối. Quan trọng hơn lợi thế tài chính của Trung Hoa là các thị trường nội địa năng động và to lớn của nó cùng các khoản đầu tư hướng vè phía trước trong hạ tầng cơ sở truyền thông và vận tải. 14 Hơn nữa, sự đầu tư của Trung Hoa vào đại học và nghiên cứu đã chuẩn bị cho nó tiến lên hàng đầu về sự canh tân kỹ thuật. Nói chung, phần chia của Á Châu trong nền kinh tế thế giới có thể được ước tính sẽ lên cao, và tính chất trung tâm của Trung Hoa với Á Châu sẽ gia tăng. Tuy nhiên, nếu Trung Hoa không giải quyết các vấn đề của sự phát triển khả dĩ dung chấp một cách hợp thời, nó sẽ thấy chính mình ngày càng bị rối trí bởi các cuộc khủng hoảng xã hội và môi trường.
Trước khi có cuộc khủng hoảng, Trung Hoa đã sẵn ở vào vị trị rất tốt trong nền kinh tế toàn cầu. Nó liệt kê xấp xỉ khoảng 250 đối tác mậu dịch. Các khoản đầu tư của nó tại Mỹ Châu La Tinh và Phi Châu đã tạo ra nhiều thị trường mới và các nguồn cung cấp mới về nguyên liệu. Từ 1997 đến 2006, mậu dịch của nó với Mỹ Châu La Tinh và Phi Châu đã gia tăng lần lượt 978% và 838%, vượt rất xa sự tăng trưởng mậu dịch tổng quát của nó. 15 Sự tăng trưởng mậu dịch với các miền khác tuy thế cũng đáng nể, từ khoảng 500 đến 600%, với miền yếu nhất là Á Châu. Dĩ nhiên, mậu dịch với Á Châu đã gia tăng từ một mức sàn cao hơn. Bởi việc di chuyển vượt quá các lân bang sát cận và phát triển các thị trường và nguồn cung cấp khắp nơi trên thế giới, Trung Hoa đã giảm thiểu sự lộ diện của nó với các sự trồi sụt kinh tế cá biệt và đã làm gia tăng các cơ hội của nó.
Cả Việt Nam lẫn Trung Hoa đối diện với các thử thách về sự tái tổ chức cấp miền, nhưng từ các lợi điểm khác nhau. Đối với Trung Hoa, vấn đề là một vấn đề đa miền. Nó cùng lúc phải quản trị các mối liên hệ của mình với miền Đông Bắc Á, Đông Nam Á, và Trung Á. Tư thế của nó như trung tâm mới của nền kinh tế Á Châu tổng quát và như thị trường nhiều triển vọng nhất của nó đặt nó vào trong vị trí lãnh đạo cấp miền vĩ mô, và có khả năng phát biểu các mối quan tâm quan trọng và các ý tưởng liên hệ đên các cơ cấu toàn cầu. Cuộc chiến thắng bầu cử của Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử Tháng Tám 2009 tại Nhật Bản đặt nó vào một vị trí tốt hơn để cộng tác với Trung Hoa trong các đề xướng cấp miền. Đối với Việt Nam, công tác cấp miền quan trọng nhất là củng cố khối ASEAN, cả về mặt nội bộ lẫn trong các mối quan hệ tập thể của khối ASEAN với Trung Hoa và Ấn Độ.
Quan Hệ Việt Nam – Trung Hoa Trong Kỷ Nguyên Mới
Điều may mắn của Việt Nam và Trung Hoa rằng trước khi có kỷ nguyên hiện thời của sự bất định toàn cầu, chúng đã bình thường hóa mối quan hệ áp dụng các nguyên tắc và phương thức hoàn toàn phù hợp với các đòi hỏi của kỷ nguyên mới. “16 Chữ Chỉ Đường” phát biểu hồi tháng Hai 1999 vẫn hoàn toàn áp dụng được. Tổng quát hơn, sự cam kết chung về Năm Nguyên Tắc Sống Chung Hòa Bình thành hình hồi năm 1954, đa cực, công khai, tự trị, và giải quyết hòa bình các sự khác biệt, vẫn còn là một khuôn khổ cốt yếu cho mối quan hệ. Cụ thể hơn, sự giải quyết biên giới trên đất liền, sự quản trị các sự khác biệt ở Vịnh Bắc Bộ, và quyết định trên nguyên tắc để hợp tác trong việc phát triển Quần Đảo Trường Sa có tính cách quan trọng không chỉ bởi chúng làm giảm bớt các điểm tranh chấp, mà còn bởi sự thương thảo thành công trên các vấn đề nhạy cảm này cung cấp một kiểu mẫu cho tương lai [?].
Tuy thế, việc điều hành một mối quan hệ bất cân xứng đặt ra các thử thách đặc biệt cho mỗi bên. 16 Đối với bên lớn hơn, thử thách là việc tái bảo đảm cho nước nhỏ hơn rằng nó tôn trọng cá tính và nền độc lập của nước nhỏ. Bởi bên lớn hơn có khả năng xâm phạm các quyền lợi của bên nhỏ hơn, nó phải chứng minh rằng nó tôn trọng sự độc lập của bên nhỏ hơn và sẵn lòng thương thảo hơn là bắt nạt. Về phần mình, bên nhỏ hơn phải thuyết phục bên lớn hơn rằng nó tôn trọng các sự khác biệt trong các năng lực, và không có ý định thách đố nước lớn hơn. Nói cho gọn, bên nhỏ hơn phải biết kính nể. Nhưng sự nể vì không có nghĩa là bên lớn hơn kiểm soát bên nhỏ hơn và có thể chế ngự mối quan hệ. Hoàn toàn ngược lại. Bên nhỏ hơn chỉ có thể kính nể nếu bên lớn hơn tôn trọng các quyền lợi và sự độc lập của nó. Sự trao đổi giữa sự nể vì bởi bên nhỏ hơn và sự thừa nhận nền độc lập bởi bên lớn hơn giúp cho việc thương thảo bất cân xứng trở nên thông thường. Một mối quan hệ song phương bình thường có lợi cho Trung Hoa cũng như cho Việt Nam. Trong khi có vẻ là bên lớn hơn có thể được lợi hơn từ mối quan hệ bằng cách đơn thuần dọa nạt bên nhỏ hơn, thay vì thỏa hiệp, trong thực tế, bên nhỏ hơn hoàn toàn có khả năng kháng cự bên lớn hơn. Không có nước nào có một lịch sử kháng chiến yêu nước lâu dài hơn Việt Nam. Nếu một sự bế tắc thù nghịch phát triển giữa hai bên, khi đó cả hai bên đều đánh mất các cơ hội của các quan hệ có lợi hỗ tương.
Bất kể sự cam kết tổng quát cho sự bình thường hóa, đã có các sự căng thẳng giữa khuynh hướng tự quyết đoán cao ngạo của Trung Hoa và các sự âu lo của Việt Nam liên quan đến tình trạng dễ bị xâm hại bởi Trung Hoa. Bất kể sự giải quyết chính thức biên giới trên đất liền qua một sự phân chia 50-50 lãnh thổ tranh chấp, có một làn sóng ngầm của sự phủ định từ lòng yêu nước tại Việt Nam về việc nhượng bộ bất kỳ phần đất Việt Nam nào cho Trung Hoa. Các biến cố tại Vịnh Bắc Việt và Biển Đông hiện nay không dẫn tới các sự đối đầu công khai xảy ra ngay trong thập niên 1990, nhưng chúng đang được canh chừng chặt chẽ như các dấu hiệu của sự xâm chiếm khả dĩ. Nghiêm trọng hơn, các bước tiến bởi Trung Hoa trong năm 2007 để cưỡng hành sự tuyên xác chủ quyền duy nhất trên các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa dẫn đến các cuộc biểu tinh công khai hiếm có tại Hà Nội và thành phố Sàigòn. 17 Tương tự, sự phát triển của Trung Hoa một căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam đã thúc đẩy Hà Nội ký khế ước hồi Tháng Tư 2007 mua sáu tàu ngầm của Nga với giá ước lượng là 1.8 tỷ mỹ kim. 18 Các sự căng thẳng này trong mối quan hệ được phóng đại trong truyền thông quốc tế và bởi các kẻ hoạt động chống đối chế độ trong số Việt Kiều hải ngoại, nhưng họ có biểu lộ một mối lo sợ chung về tình trạng có thể bị xâm kích bởi Trung Hoa và một nỗi ngờ vực về các động lực của Trung Hoa.
Mậu dịch với Trung Hoa đã là một ân sủng lẫn lộn với sự nhức nhôi đối với Việt Nam kể từ khi nó được tái lập trong năm 1990. 19 Một mặt, các tiêu thụ phẩm được khao khát nhiều bắt đầu đổ vào, đi kèm với các sản xuất phẩm quan trọng như thuốc diệt trừ sâu bọ và các khí cụ. Mặt khác, sự cạnh tranh của các sản phẩm Trung Hoa đã tàn phá kỹ nghệ Việt Nam. Việc này dẫn đến các lệnh cấm nhập cảng hàng hóa Trung Hoa trong năm 1992, nhưng nạn buôn lậu quá lan tràn, đến nỗi các lệnh cấm không có hiệu lực. Có một đại siêu thị bên cạnh thì tốt cho sự mua sắm như xấu cho cửa hàng kề cận.
Tình trạng bất định toàn cầu tạo thêm nhiều khó khăn cho sự điều hành các mối quan hệ bất cân xứng song phương. Thí dụ hay nhất trong năm 2009 là quyết định bị tranh luận gay gắt cho phép một công ty Trung Hoa, Chalco, khai thác một mỏ quặng nhôm (bauxite) tại vùng Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam.20 Các mỏ quặng nhôm lớn thứ ba thế giới tọa lạc ở đó, và Việt Nam hy vọng thu hút 15 tỷ Mỹ Kim đầu tư vào năm 2025. Trong năm 2007 Việt Nam đã đạt được các thỏa ước với các công ty Alcoa [của Hoa Kỳ, chú của người dịch] và Chalco liên quan đến các vụ liên doanh 20%—40% trong các dự án khai mỏ và biến chế, nhưng đã có tiếng gào thét từ quần chúng. Tướng [Võ Nguyên] Giáp, giờ đây 97 tuổi, đã viết một lá thư phản đối lên Bộ Chính Trị, và nhiều người khác đã đặt câu hỏi về bước tiến này.
Các vấn đề môi trường bao gồm sự xáo trộn tại miền Cao Nguyên Trung Phần, với việc khai mỏ, và [truyền] điện lực [?] trên mặt đất ở một quy mô rộng lớn, cùng các phó sản độc hại từ sự biến chế quặng bauxite. Nhưng dự án do Trung Hoa đầu tư đã bị nhắm tới một cách đặc biệt, với các lời tuyên bố rằng hàng nghìn các công nhân Trung Hoa sẽ được mang vào để làm các công việc mà người Việt Nam thất nghiệp có thể làm được, và rằng sự hiện diện của người Trung Hoa sẽ là một mối đe dọa về an ninh. Trong tháng Tư, chính phủ loan báo rằng dự án hiện tại theo hợp đồng với hãng Chalco sẽ tiếp tục, nhưng nó sẽ hoãn lại quyết định liên quan đến sự đầu tư ngoại quốc trong ngành khai mỏ và biến chế quặng bauxite. Các dự án khác sẽ đòi hỏi các sự thẩm định kinh tế và môi trường bổ túc.
Việt Nam khó là nước duy nhất đối đầu với các nghịch lý liên quan đến sự đầu tư của Trung Hoa trên các tài nguyên. Hoa Kỳ đã ngăn chặn vịec bán công ty Unocal cho Công Tu Đầu Khí Hải Ngoại của Trung Hoa (China National Offshore Oil Company: CNOOC) trong năm 2005, và Úc Đại Lợi đang vật lộn với các câu hỏi là sự đầu tư của Trung Hoa sẽ được cho phép đến mức độ nào trong các tài nguyên thiên nhiên của Úc. Nhưng đối với Việt Nam, các sự quan tâm này được khuếch đại bởi sự bất đồng đẳng giữa nó và nước láng giềng to lớn hơn.
Nghịch lý mà chính phủ Việt Nam đối diện trong dự án quặng bauxite chỉ cho thấy nghịch lý căn bản của các quan hệ bất cân xứng còn bị làm nhức nhối hơn nữa bởi sự bất định toàn cầu. Một mặt, Việt Nam đang cần đầu tư và mậu dịch. Chalco là nhà sản xuất nhôm lớn thứ ba trên thế giới và Trung Hoa hiện đang nhập cảng ba phần tư nhôm của nó. Sự khai triển một tài nguyên mới quan trọng là một cơ hội không thể bị bỏ qua, và Trung Hoa là một đối tác tự nhiên. Mặt khác, sự kiện rằng Trung Hoa đang tăng trưởng quá nhanh và ý tưởng về Trung Hoa như mối đe dọa quá khắc sâu trong ý thức dân tộc tạo ra một sự sợ hãi dâng cao theo tỷ lệ của cơ hội. Cũng giống như cơ hội sẽ làm lợi cho một số người này hơn các kẻ khác tại Việt Nam, sự sợ hãi có thể bị khai thác bởi các nhóm liên hệ tuyên xác ngọn cờ của lòng yêu nước chân chính. Việt Nam đã tự chứng tỏ khả năng tiến hành một mình. Trong Tháng Hai năm 2009, nó khánh thành nhà máy lọc dầu Dung Quất trị giá 2.5 tỷ Mỹ Kim, một dự án đã bị bỏ rơi bởi dự phóng không sinh lợi của ba nhóm khác nhau trong số các bên hợp tác quốc tế quan trọng kể từ khi sự xây dựng được khởi đầu vào năm 1995. Tuy nhiên, tình trạng bất định đã nâng cao phí tổn của sự ương ngạnh cũng như sự khích lệ của nó. Nếu kinh tế thế giới ổn định hơn, Việt Nam sẽ hoặc không tuyệt vọng hay lo ngại đến thế. Tình trạng bất định làm gia tăng sự quan tâm đến cơ hội nhưng cùng lúc mở rộng chân trời của sự nghi ngờ và sợ hãi.
Cũng đúng như các sự căng thẳng của các mối quan hệ bất cân xứng song phương bị tăng cường bởi tình trạng bất định quốc tế, chúng có thể được độn ở giữa bởi các định chế toàn cầu và cấp miền đa phương. Nếu Việt Nam đã không thành công trong việc gia nhập vào Tổ Chức Mậu Dich Quốc Tế trước khi có cuộc khủng hoảng hiện thời, nó sẽ còn lo âu và sợ hãi hơn nữa trong mối quan hệ của nó với Trung Hoa. Một cách mỉa mai, sự tương đồng về nguyên tố của nó với Trung Hoa đã thu hút sự đầu tư từ những công ty muốn đa trạng hóa sự trực diện chính trị của chúng. Các thỏa ước và định chế đa phương cung cấp một mạng lưới của các sự ước định quốc tế chung nhằm giảm bớt các sự quan ngại về sự thăng trầm trong các quan hệ song phương.
Tổ chức đa phương quan trọng nhất đứng làm trái độn cho mối quan hệ Trung Hoa – Việt Nam là khối ASEAN và một cách rộng lớn hơn, là ASEAN + 3. Chỉ có một phần tư mậu dịch của ASEAN nằm trong phạm vi của ASEAN, và, như một tổ chức đồng thuận, nó được coi trọng nhờ ở bàu không khí cấp miền mà nó tạo ra, hơn là vì các chính sách mà nó chấp nhận. Nhưng với thời gian, nó đã làm biến đổi cả môi trường chính trị của Đông Nam Á lẫn hình ảnh bên ngoài của miền. 21 Sự thu nhận Việt Nam vào ASEAN năm 1995 đã có hai ảnh hưởng song phương quan trọng. Nó đã thúc Hoa Kỳ tiến tới việc thừa nhận sau cùng Việt Nam, và nó mang đến cho Việt Nam sự tin tưởng để theo đuổi các quan hệ gần gũi hơn với Trung Hoa. Thay vì đối trọng để chống lại Trung Hoa, an ninh cấp miền (và sự bình thường hóa với Hoa Kỳ) giúp cho Vệt Nam cảm thấy ít cô lập hơn và do đó ít rủi ro hơn trong một mối quan hệ bất cân xứng song phương, đặc biệt quan hệ tương tự như quan hệ của các thành viên đồng hội đồng thuyền trong khối ASEAN của nó.
Chiều hướng đồng thuận, mềm dẻo của ASEAN thúc đẩy các sự tiên đoán về sự giải tán của nó bất kỳ khi nào Đông Nam Á đối diện với các khủng hoảng quan trọng. Nhưng không giống như một liên minh phòng thủ kiểu như NATO, chức năng của nó không phải là đương đầu với một mối đe dọa ngoại lai được xác định, mà đúng hơn nhằm tạo sự dễ dàng cho một sự điều chỉnh cấp miền đối với các tình hình mới. Sự xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt trong năm 1979 dẫn đến sự xếp đặt ASEAN thành một liên minh chống Việt Nam, với Thái Lan được chỉ định như thành viên ở tuyến đầu. ASEAN có vẻ như bị phân hóa trong chính sách của nó khi mà sự bế tắc ở Căm Bốt di chuyển đến màn kết cục vào phân nửa sau của thập niên 1980, nhưng vào giữa thập niên 1990 nó đã thực hiện một bước đi mạnh bạo cho việc trở thành một tổ chức cấp miền thực sự bằng việc thu nhận Việt Nam, Căm Bốt, Lào và Miến Điện. Các nỗ lực của khối ASEAN nhắm vào sự phối hợp kinh tế đã trở nên yếu ớt trước cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu, nhưng bắt đầu với phiên họp Thượng Đỉnh ASEAN Kỳ Sáu tại Hà Nội hồi Tháng Mười Hai 1998, các thành viên đã tự tái cam kết xây dựng một khu vực ASEAN mậu dịch tự do (ASEAN Free Trade Area: AFTA), và, có lẽ quan trọng hơn, đã đóng một vai trò tích cực hơn trong việc phát triển các quan hệ cấp miền với Nhật Bản, Trung Hoa và Hàn Quốc (ASEAN + 3). Kết quả ngọan mục nhất của các sự thăm dò này là khu vực mậu dịch tự do ASEAN -- Trung Hoa được loan báo năm 2002, và đặt mục tiêu cho sự hoạt động đầy đủ trong thời khoảng 2010-2015 và hiện đang diễn tiến theo đúng lịch trình. Sự tiến bộ kinh tế được bổ túc về mặt chính trị và an ninh bởi “Bản Tuyên Bố Về Sự Ứng Xử Của Các Bên Tại Biển Đông Hải” (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea) được ký kết trong năm 2002 và sự bổ túc của Trung Hoa vào Hiệp Ước Hữu Nghị ASEAN (như thành viên phi-ASEAN đầu tiên) trong năm 2003. 22 Sự tham gia của Việt Nam vào các đề nghị của ASEAN giúp vào việc tái bảo đảm với Trung Hoa về sự nể vì của Việt Nam, và cũng mang lại cho Việt Nam một cái dù cấp miền cho các chính sách song phương của chính nó.
Khối ASEAN sẽ đáp ứng như thế nào với cuộc khủng hoảng hiện thời? Với động năng của khối ASEAN và sự hội nhập kinh tế Á Châu rộng rãi hơn kể từ năm 2002, câu trả lời ít xác xuất nhất là sự giải tán khối ASEAN. Ngay trong trường hợp khó có thể xảy ra của chính sách bảo hộ tại thế giới đã phát triển, ASEAN và vùng Đông Á có lẽ sẽ hợp tác và hợp chung trong sự đáp ứng của chúng. Xét đến các vấn đề kinh tế chung của tình trạng bất định trong tỷ số trao đổi đồng mỹ kim, các sự tan vỡ trong sự tuyển dụng lao động và đầu tư ngoại quốc, tình trạng suy yếu của các thị trường tiêu thụ tại các nươc đã phát triển, và nhu cầu phát triển các căn bản tiêu thụ nội địa, một loạt các đề xướng mới có thể được dự liệu. Về mặt trận đầu tư và hối đoái ngoại tệ, cơ sở hối đoái Chiang Mai được nâng trường 80 tỉ lên 120 tỷ [mỹ kim?] trong Tháng Hai 2009, và nhiều nỗ lực hơn để làm trái độn chế xung cho các tiền tệ địa phương và các dự án quốc tế chống lại các sự trồi sút tiền tệ của bên thư ba có thể được ước định. Người ta có thể kỳ vọng các dự án hạ tầng cơ sở quốc tế to lớn hơn, đặc biệt các dự án nhằm khai thông các vùng sâu xa bên trong hay hứa hẹn sự tuyển dụng công nhân và các khách tiêu thụ mới. Liên quan đến các quan hệ ASEAN – Trung Hoa, điều có thể ước định rằng khối ASEAN sẽ làm nhiều hơn để khuyến khích các sự xuất cả:ng sang Trung Hoa và sự đầu tư của Trung Hoa tại ASEAN. Tất cả nhhững hoạt động này nhiều phần làm gia tăng sự quan tâm đến Hội Nghị Thượng Đỉnh vùng Đông Á, một đề xuất của ASEAN khởi sự trường năm 2005, và các khả tính về một Cộng Đồng Đông Á.
Kết Luận
Vào thời khoảng của sự bất định, chiến lược cẩn trọng là né tranh rủi ro. Trong kỷ nguyên hiện thời của sự bất định kinh tế toàn cầu, các ảnh hưởng tiêu cực tất nhiên sẽ có đối với cả Việt Nam lẫn Trung Hoa, bởi cơ cấu của mậu dịch hướng ngoại của họ . Tuy thế, Việt Nam và Trung Hoa không phải là nguyên do của sự bất ổn toàn cầu hiện thời, và nếu chúng vượt lên trên các sự thử thách của cuộc khủng hoảng hiện thời, chúng sẽ sớm hồi phục và thịnh vượng.
Vượt quá các vấn đề trực tiếp của nạn lạm phát và đặt sai địa điểm kỹ nghệ, Việt Nam đối diện với thử thách của việc tái định hướng các nỗ lực phát triển của nó hướng nhiều hơn đến các thị trường nội địa của nó và các nước có lợi tức bậc trung. Thị trường dễ tiếp cận nhất và nhiều hứa hẹn là Trung Hoa, và Trung Hoa cũng cung cấp một kiểu mẫu của việc mở rộng các cơ hội mậu dịch ra các nơi khác như thế nào.
Trung Hoa đang định vị tốt trong cuộc khủng hoảng hiện thời. Nó đã sẵn mở rộng các thị trường đối ngoại và nội địa, và tài chính của nó thì vững mạnh một cách vừa phải. Trung Hoa sẽ hưởng lợi từ các chiến lược thận trọng trước đây. Thử thách quan trọng của nó là ngăn chặn các khủng hoảng tương lai bằng cách nhấn mạnh đến sự phát triển khả dĩ dung dưỡng được.
May mắn cho hai nước, mối quan hệ Việt Nam – Trung Hoa đang bình thường. Điều này đặc biệt có tính cách sinh tử đối với Việt Nam, bởi Trung Hoa mang lại cơ hội đối ngoại lớn nhất của nó. Mối quan hệ này cũng quan trọng đối với Trung Hoa, bởi vì tình trạng bình thường là nền tảng của lợi lộc hỗ tương. Tuy nhiên, sự bất định nâng cao cảm thức bất trắc cho nước nhỏ hơn trong một mối quan hệ bất cân xứng. Cả các định chế cấp miền và toàn cầu đều quan trọng trong việc làm trái độn chế xung cho các mối quan hệ song phương. Đối với Trung Hoa và Việt Nam, ASEAN và các đề xướng cấp miền rộng lớn hơn của ASEAN xem ra sẽ cung cấp một khuôn khổ hữu ích cho việc ổn định hóa các tương tác song phương và hỗ trợ sự hội nhập lớn hơn./-
-------------------------------------
Brantly Womack hiện là Giáo Sư Về Ngoại Giao tại Đại Học University of Virginia và tác giả quyển China and Vietnam: The Politics of Asymmetry. Brantly@gmail.com
Trưng dẫn nguồn tài liệu: Brantly Womack, “Vietnam and China in an Era of Economic Uncertainty”, The Asia-Pacific Journal, Vol. 36-2-09, September 7, 2009.
CHÚ THÍCH :
1. Về mãi lực tương đương (Purchasing power parity: PPP). Theo đô la hiện hành hai phần trăm. WTO Country Profiles, April 2009.
2. Than đá có phần nào là một ngoại lệ. Việt Nam cung cấp một phần ba tổng số than đá nhập cảng của Trung Hoa, và hai phần ba số nhập cảng anthracite (than cứng hay than gầy).
3. Thông Tấn Xã Việt Nam, “Công Nghiệp Than đẩy sản lượng lên 43 triệu tấn”, 23 Tháng Bảy 2009.
4. Niên Giám Thống Kê Trung Hoa, 2008 (China Statistical Yearbook 2008), Đồ Biểu 17-8: Trị Giá Nhập Cảng và Xuất Cảng theo Quốc Gia”.
5. Tám tháng đầu tiên của năm 2009 so với cùng thời kỳ của năm trước.
6. Xem Mark Selden, “China‘s Way Forward? Historical and Contemporary Perspectives on Hegemony and the World Economy in Crisis”, The Asia-Pacific Journal.
7. International Comparison Project 2005, Global Purchasing Power Parities and Real Expenditures (Washington: World Bank, 2008).
8. Lê Thị Thúy [?] Vân, “The Global Crisis and Vietnáms Policy Responses, “East Asian Policy (April-June 2009), các trang 63-74, trang 71.
9. Ross Gasnaut, “China‘s Place in a World of Crisis”, trong sách biên tập bởi Ross Garnaut, Ligang Song và Wing Thye Woo, China‘s New Place in a World of Crisis (Canberra: Australian National University E-Press, 2009), các trang 1-14.
10. Được tính theo các số liệu cung cấp bởi Tổng Cục Thống Kê Việt Nam (General Statistics Office of Vietnam.
11. IMF, “Vietnam – Informal Mid-Year Consultative Group Meeting, Buôn Ma Thuột, June 8 -9, 2009.
12. Financial Times, “Thai Economy Emerges from Recession”, August 24, 2009.
13. Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, “Nhập cảng và xuất cảng theo nhóm quốc gia, quốc gia và lãnh thổ trong 6 tháng đầu, 2009.
14. Selden, đã dẫn trên.
15. Được tính từ Niên Giám Thống Kê Trung Hoa , 1999, 2002, 2007.
16. Brantly Womack, “Recognition, Deference, and Respect: Generalizing the lessons of an Asymmetric Asian Order”, Journal of American East Asian Relations 16: 1-2 (Spring 2009), các trang 105-118.
17. Trong Tháng Mười Một 2007, Trung Hoa đã thiết lập một đơn vị hành chính cấp huyện tại Hải Nam chịu trách nhiệm cho phần lãnh thổ của nó tại Biển Đông Hải (South China Sea). Đã có một cuộc biểu tình ngày 9 Tháng Mười Hai 2009 tại Hà Nội, đưa đến một sự phản đối công khai từ Trung Hoa, được tiếp nối bởi một cuộc biểu tình thứ nhì hôm 15 Tháng Mười Hai.
18. “Vietnam Reportedly Set to Buy Russian Kilo Class Subs”, Defense Industry Daily, April 28, 2009.
19. Brantly Womack và Gu Xiaosong, “Border Cooperation Between China and Vietnam in the 1990s”, Asian Survey 40:6 (December 2000), các trang 1042-1058.
20. Nội vụ được tóm tắt trong bài “Bauxite Bashers”, The Economist (April 23, 2009).
21. Alice Ba, (Re)Negotiating East and Southeast Asia: Region, Regionalism, and the Association of Southeast Asian Nations (Stanford: Stanford University Press, 2009).
22. Trung Hoa đưa ra một thí dụ mạnh mẽ. Cùng với nhiều nước khác, khối EU (Liên Hiệp Âu Châu) và Hoa Kỳ có ký tên trong Tháng Bảy 2009)./-
-----------------------------------------
Nguồn: Brantly Womack, “Vietnam and China in an Era of Economic Uncertainty”, The Asia-Pacific Journal, Vol. 36-2-09, September 7, 2009.
Bài này cũng được đăng tải trên Japan Focus online, No. 36, 2009, vào ngày 7 Tháng Chín, 2009 tại website: http://japanfocus.org/articles/print_article/3214
© gio-o.com 2009
http://www.gio-o.com/NgoBac.html
Bài viết của Brantly Womack đã tổng hợp thông tin trên các lĩnh vực, từ các nguồn khác nhau, trong những năm gần đây, nói về quan hệ giữa VN & TQ trong khoảng ba bốn chục năm trở lại đây;
ReplyDeleteÔng Ngô Bắc đã dịch thuật rất chuẩn xác;
Tuy nhiên, muốn biết chính xác và chuẩn mối quan hệ giữa VN & TQ này, ta cần phải biết thêm những thông tin mà hiện nay đang được coi là "tuyệt mật", hiện đang được giữ bí mật tuyệt đối trong " kho" lưu trữ " Tuyệt mật" của Mỗi ĐCS của mỗi nước ! Những thông tin tuyệt mật này, sẽ bị lộ ra ( cái Kim trong bọc, lâu ngày cũng tòi ra ) nhưng còn chưa biết đến bao giờ, chúng ta mới được rõ ?!
Như vậy,nếu ta chỉ nhìn thấy cái chữ , mà chưa rõ ý nghĩa của nó, cũng giống như mô tả phần nổi của tảng băng, mà không rõ phần chìm của tảng băng, hình thù và kích thước ra sao !; Nếu vậy , ta rất dễ bị đâm vào phần chìm của tảng băng, Tàu ta sẽ bị giống như tàu Titanic ngày đầu thế kỷ ! ( Phầm chìm chính là những tài liệu tuyệt mật, mà chúng ta chưa được biết !)
Quan hệ giữa VN & TQ hiện nay, giống như đang có " Sóng yên, Bể lặng "; Nhưng thưa bạn : Sóng gió nổi lên lúc nào, Biển gào thét khi nào, không thể báo cho chúng ta biết trước được !? ( Trân trọng )