Monday, October 26, 2009

VAI TRÒ CỦA HUNGARY TRONG CÁCH MẠNG 1989


Vai trò của Hungary trong cách mạng 1989
Brian Hanrahan
Phái viên ngoại giao BBC
Cập nhật: 10:14 GMT - thứ hai, 26 tháng 10, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/10/091013_hungary_role.shtml
Phần đóng góp của Hungary vào cao trào cách mạng năm 1989 tuy không nổi bật nhưng lại vô cùng thiết yếu.
Hungary là nước đầu tiên đã chọc thủng được Bức Màn Sắt mà xuyên qua đó một làn sóng người tỵ nạn đã tuôn trào qua các nước lân cận và kéo nhào thể chế cộng sản tại các nước đó.
Từ ít tháng qua khi tôi trở lại Đông Âu, tôi cảm thấy có thôi thúc phải hỏi người dân xem coi họ có tiếc nuối về những gì xảy ra hồi năm 1989 hay không.
Họ nhìn tôi như nhìn một người mất trí và lịch sự trả lời tôi như là để giải thích cho một thằng ngố rằng không một ai muốn trở về một thể chế quá độc đoán về nhân quyền, không đếm xỉa gì tới phúc lợi của người dân mà họ cai trị.
Tôi đâm ra ngại ngùng không muốn hỏi tiếp, nhưng tại Budapest, tôi đã được gặp một người mà tôi nghĩ rằng người đó có lý do để đưa một câu trả lời khác.
Người đó là ông Imre Pozsgay, một nhân vật có đầu óc chủ trương đổi mới hàng đầu trong đảng Cộng Sản Hungary.
Ông đã thắng nhiều cuộc đấu tranh nội bộ để trèo lên cấp chóp bu trong đảng và hồi năm 1989, ông là một trong số rất ít người đã cầm chịch mọi chuyện trong đảng.
Ông đã dùng vị thế của mình để vén Bức Màn Sắt ngăn chia Hungary với nước Áo. Ông cũng đã giúp thuyết phục đảng Cộng Sản từ bỏ quyền hành một cách tự nguyện còn hơn là bị hạ bệ như đã xảy khắp nơi.
Nhưng liệu người dân Hungary có nhớ ơn ông là người đã giúp cho họ được tự do đi lại và có được tự do bầu cử hay không ?
Không một chút mảy may nào. Ông đã vận động để được bầu làm tổng thống nhưng chẳng ai quan tâm gì đến ông, do đó, ông đã quá chán nản, bỏ làm chính trị và quay sang đi dạy môn lịch sử chính trị.
Ông tiếc nuối gì những ngày xưa hay không ?

Mưu toan đảo chính
Khi tôi gặp ông trong căn nhà khiêm tốn của ông tại vùng ngoại ô Budapest, ông đã trả lời một cách làm cho tôi ngạc nhiên.
Ông nói rằng hồi năm 1989, ông ít chú tâm tới việc đổi mới đảng Cộng Sản hơn là giải tán nó đi.
Ông nói: "Từ lâu, tôi tin vào chủ thuyết cộng sản. Nhưng từ đầu thập niên 1980, tôi nhận thức là không thể nào đổi mới được đảng Cộng Sản, và điều duy nhất phải làm là thay đổi thể chế đó."
Ông Pozsgay nói rằng ông đã suy nghĩ rất kỹ về việc có nên bỏ đảng hay không và rồi sau đó quyết định không nên rời.
Ông nói: "Tôi quyết định là tôi có thể phục vụ dất nước đắc lực hơn từ bên trong đảng, từ vị trí cầm quyền hơn là từ vị trí một nhân vật đối lập ngoại vi."
Quan ngại của ông Pozsgay lúc đó là phe thủ cựu trong đảng Cộng Sản Hungary và Liên Xô.
Hungary vẫn còn in trong trí cách thức mà xe tăng Nga đập tan cuộc cách mạng năm 1956, nhưng ông Pozsgay đánh bạc là lúc đó, ông Mikhail Gorbachev đang cầm quyền trong điện Kremlin, do đó khó lòng Liên Xô can thiệp.
Ông nói thay vào "giặc ngoài" thì "thù trong" nguy hiểm hơn. Vào tháng Tư năm 1989, ông được biết đến mưu toan của phe thủ cựu bên trong đảng muốn tuyên bố thiết quân luật và chiếm quyền kiểm soát đất nước.
Nhưng chính quyền Hungary nằm trong tay phe cộng sản chủ trương đổi mới, và họ nhanh chóng ra tay để cô lập Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng.
Ông Pozsgay nói rằng ông có điện thoại cho Tổng bí thư đảng để cảnh báo ông ấy rằng một vụ cướp chính quyền không thể nào thành công được.
Ông nói: "Tôi tin chắc rằng quân đội và lực lượng an ninh sẽ không hợp tác với ông ta. Tôi nói với ông ta rằng một người lính Hungary nếu được lệnh phải bắn người dân, thì anh ấy sẽ không làm mà ngược lại sẽ chĩa mũi súng bắn vào thượng cấp của anh ta, rồi sẽ về nhà với mẹ. Từ lúc đó, ông ta xuống nước."
Sau khi loại được khả năng đảo chính, chính phủ Hungary xúc tiến kế hoạch xé Bức Màn Sắt.

'Xã hội ung thối'
Vào tháng Năm, chính quyền Hungary bắt đầu tháo gỡ các mảng dây kẽm gai và hàng rào điện, và chờ xem phản ứng từ Moscow. Khi không thấy động tịnh gì, chính quyền Hungary làm tiếp.
Trước mùa hè năm đó, ông Pozsgay khuyến khích người dân Đông Đức vượt biên giới mặc dù về mặt lý thuyết, chuyện này vẫn còn bất hợp pháp.
Và bước sang mùa thu, chính quyền Hungary bước thêm một bước nữa và đổi luật lệ: từ nay, mọi người có quyền vượt biên giới một cách hoàn toàn tự do.
Hungary từ trước là một điểm nghỉ hè thu hút rất đông người dân Đông Đức. Mùa hè năm đó, rất nhiều du khách ở lỳ cho tới khi Hungary đổi luật lệ, họ chạy sang phía tây. Đây là một đòn nặng mà Đông Đức không phục hồi nổi.
Và năm sau, đến phiên đảng Cộng Sản Hungary phải rời bỏ chính quyền sau một cuộc biểu quyết.
Một trong các nhà bất đồng chính kiến hàng đầu vào thời đó tại Hungary đồng ý rằng đảng Cộng Sản đã tan rã trước khi bị thách thức.
Ông GM Tamas là dân biểu đối lập đầu tiên được bầu vào Quốc Hội Hungary.
Ông tin rằng đảng từ lâu không còn tin vào chủ thuyết cộng sản, quan tâm chính của đảng này là bám víu vào quyền lực và một khi Moscow rút lại sự hậu thuẫn, thì đảng không còn hoạt động được.
Nhưng sự nghiệp chính trị của ông Tamas cũng khá phức tạp vì từ một nhân vật có đầu óc bảo thủ hồi năm 1989, ông nay quay sang tin tưởng vào chủ thuyết mác-xít.
Do đó, tôi đã bạo dạn hỏi ông Pozsgay rằng nếu như hồi năm 1989, ông đã thay đổi tư duy thì liệu ngày nay, ông có nuối tiếc hay không ?
Ông đáp không hề do dự: "Tôi không muốn trở về thời kỳ trước đây vì bất cứ một lý do nào cả bởi vì xã hội trước đây là một xã hội bị ung thối và phải tan rã, thế thôi."

Phái viên ngoại giao BBC, Brian Hanrahan, cách đây 20 năm đã đưa tin về biến cố, năm nay đã gặp lại những nhân vật lịch sử để viết bài này.



No comments:

Post a Comment