Wednesday, October 7, 2009
ĐỐI THOẠI giữa PHAN ĐỨC và VI VIÊN
Vài điều trao đổi với Vi Viên
Phan Đức
3.10.2009
http://damau.org/archives/9280
Trước khi trả lời,tôi nói thẳng ra rằng ông đã biến nghi phạm thành thủ phạm, đó là điều không đúng trong bài viết của tôi. Những ý kiến của tôi chỉ là đặt nghi vấn về hai sự kiện đã xảy ra mà lẽ ra khi đọc ông phải hiểu. Để biến nghi phạm thành thủ phạm, cần một tiến trình phức tạp liên quan tới hệ thống tư pháp độc lập gồm toà án, công tố, luật sư v.v… Tôi cũng không đặt giả định vu vơ mà dựa vào nền tảng chính trị có thực ở VN, trong đó, chẳng ai được tự do ngôn luận trừ ra nhà nước CS. Đó là một thực tế nhưng cũng chưa đủ để kết luận, do vậy tôi chỉ đặt nghi vấn.
Sau đây xin được trả lời một số quyết đoán và ngộ nhận của ông:
-"Bất đắc kỳ tử": tôi để trong ngoặc kép bốn chữ này có nghĩa như thế nào, chắc ông cũng biết.
Nếu ông muốn tôi giải thích thì nhóm chữ đó trong ngoặc kép có nghĩa là chưa chắc chính xác mà có thể gần đúng hay tương đối gần giống như vậy.
-Tính cách gần giống nhau: nghĩa là tính chất và tình huống bao gồm đột ngột, thất vọng, lo buồn, phẫn uất hay hối tiếc v.v… Tất cả tính cách này có khả năng dẫn người ta đi đến bệnh trầm cảm (depression) từ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì người bệnh dễ vượt qua còn nặng thì khó qua khỏi. Khó qua khỏi không phải vì chính căn bệnh mà có thể là do hậu qủa của bệnh trầm cảm khiến người bệnh tự tìm cách kết liễu đời mình hay từ đó mà người bệnh sinh quẩn trí rồi tự tử chẳng hạn v.v. (Xin ông đọc cho kỹ bài viết của Nguyễn Khắc Phê mà tôi lọc bớt đi, không đưa vào trong bài viết của tôi khi ông này mô tả thái độ và tâm trạng tỏ ra bất thường của Bửu Chỉ sau sự cố ở tòa soạn báo Sông Hương).
Sở dĩ tôi không dám gán cho Bửu Chỉ rơi vào trường hợp cuối cùng nêu trên vì tôi không thể, đúng hơn tôi sợ nói ra điều nào chưa rõ thì chắc chắn sẽ xúc phạm đến linh hồn người đã khuất!
Tôi viết "không được ghi rõ nguyên nhân gì" chứ không phải là "không được ghi nguyên nhân gì" có nghĩa là có ghi nhưng không ghi RÕ về nguyên nhân đích thực. Nếu biết rõ nguyên nhân thì phải cho mời bác sĩ forensic mổ tử thi sau khi chết mới xác định được sự thật. Việc này rất ít khi hay không hề được yêu cầu thực hiện ở VN.
Thưa ông,trường hợp của Thái Ngọc San bị xe đụng dù đột ngột nhưng tháng sau mới chết thì cũng giống như cố gs.Nguyễn Ngọc Lan và lm. Chân Tín bị những người lạ mặt ủi xe vào lề khiến hai nhà tu và nhà giáo mất thăng bằng mà đập đầu xuống đất (trong khi họ đang trên đường đi tham dự đám tang cụ Nguyễn Văn Trấn) nhưng may thay chỉ có 1 trong 2 người là về… chầu Chúa. Cái chết của cố gs. bắt đầu từ "sự cố" đó kéo dài còn lâu hơn TNS, thậm chí năm sau thì phải!
Về chữ "ra rìa" tôi viết mà ông cho là khác với "tự ý từ bỏ" thì đúng trên từ ngữ nhưng thực tế rất khác với điều ông nghĩ. Lý do là người CS rất lành nghề về việc không bao giờ gọi đúng tên sự vật lẫn sự việc. Họ coi chữ nghĩa như cái bẫy để giải thích thế nào cũng được và vo tròn bóp méo tùy tiện, miễn sao có lợi cho họ. Từ chuyện xưa sau 1975 một hai năm gì đó, muốn dẹp tờ Tin Sáng của Ngô Công Đức, nhà nước cho là Tin Sáng đã làm xong "nhiệm vụ lịch sử" nên ký giả Ngô Công Đức được yêu cầu phải công khai viết "đơn xin tự nguyện đóng cửa". Chẳng lẽ ông cho là TS tự nguyện đóng cửa hay sao khi mà tờ TS ăn khách nhất thời ấy? Đến chuyện nóng hổi mới đây, viện IDS tự giải thể không phải vì họ muốn thế mà là vì Quyết Định 97 đã "bịt miệng" họ lại. Các nhà trí thức trong viện IDS cảm thấy mình bị chính phủ xúc phạm vì chính phủ xem họ chẳng khác gì… trẻ con nên nói vòng vo tam quốc, dài dòng văn tự, nửa úp nửa mở như phỉnh. Phản biện gì mà IDS lập ra không được phản biện với tư cách tập thể nhưng cá nhân thì được! Như thế họ duy trì IDS làm gì nữa khi họ biết tập thể này bị buộc… câm miệng lại mà… đi chổ khác chơi!
Về nhóm Tự Quyết có cả vài giáo sư tham gia:
Nhóm này ra đời năm 1970 và rã đám năm 1972 sau khi ra được 2 số báo gồm học sinh, sinh viên và nhà giáo (thì đúng hơn là giáo sư). Dù có thầy giáo như Ngô Kha viết bài nhưng thật ra là dành cho sinh viên học sinh vì đây là phong trào được chỉ đạo nhằm khích động và tuyên truyền giới trẻ tham gia "chống Mỹ cứu nước". Nói giáo sư thì ép uổng qúa đấy, tất cả chưa có chức vị giáo sư (đại học), có thể là giảng nghiệm viên (cho khoa học, y khoa) và phụ khảo (cho luật, văn khoa). Cao lắm họ chỉ là giảng sư mà thôi.
Nhân đây,xin nói thêm về Ngô Kha. Những thông tin về hoạt động nội thành của Ngô Kha thì tôi đọc được qua báo chí trong nước, ngoài bài viết mới đây của Chu Sơn, thành viên nhóm Tự Quyết nói trên. Chẳng lẽ ông cũng nghi ngờ luôn cả những gì ghi trên giấy trắng mực đen của nhà nước CS nữa hay sao, sau khi NK đã đi vào lịch sử "chống Mỹ cứu nước" dưới sự giật dây tài tình của đảng?
Còn về thư của Trịnh Công Sơn gửi Ngô Kha thì một phần tôi dựa vào bài viết của Thái Ngọc San trên báo Thanh Niên trong đó ông này nêu ra sự kiện từ khi xuất hiện thư trên trong phụ bản Thơ do Nguyễn Trọng Tạo phụ trách, chứ việc thư gửi đăng báo Đứng Dậy thì tôi cũng biết năm 1974. Do đó mà tôi có đặt nghi vấn phải chăng thư đó đã được viết dưới dạng thư ngỏ (open letter). Tôi tin là một người biết viết lách như ông không thể ngây thơ mà không biết rõ điều này! Nếu cần thì tôi xin phép viết thêm. Hồi đầu thập niên 70 (của thế kỷ trước) ở Sài Gòn có phong trào viết thư ngỏ gồm tự phát và có chỉ đạo. Loại tự phát là do ảnh hưởng phương Tây nên mấy nhà văn nhà thơ tự chọn một nhân vật nổi tiếng ở Âu Mỹ để có cớ mà trình bày ý tưởng của mình. Viết thư ngỏ đăng báo là một cách hay nhất để lôi kéo sự chú ý của giới độc giả, ngoài ra tòa soạn còn khỏi mất công viết bài. Dĩ nhiên, phải là văn thi sĩ nổi tiếng. Nếu tôi nhớ không lầm thì có Hồ Hữu Tường, Bùi Giáng v.v… Loại có chỉ đạo thì tôi có thể đặt nghi vấn về thư họ Trịnh gửi NK mà thôi vì tôi liên hệ với việc ngay sau 1975, mỗi người có máu mặt trong giới báo chí cách mạng được phân công viết một bài về "những tên biệt kích cầm bút" chẳng hạn như Vũ Hạnh viết về Võ Phiến v.v… Dù thế đi nữa,tôi không tin TCS viết mà bị buộc phải viết trong tình thế mà ông bảo là cộng sản đã lộ mặt?
Điều tôi muốn hỏi ông là tại sao đến nay mà ông vẫn còn mơ hồ giữa chiêu bài và mục đích, giữa danh và thực.
Sau khi chiếm được Miền Nam, chính Lê Duẫn đã vất bỏ mọi chiêu bài hào nhoáng bên ngoài mà nói thẳng thừng trong rất nhiều văn kiện rằng đó là cuộc chiến "ai thắng ai" giữa cộng sản và tư bản, thưa ông.
Để chứng minh chiêu bài "chống Mỹ cứu nước" là có chính nghĩa, tôi nghĩ cách tuyệt vời và hữu hiệu nhất là nhà cầm quyền CS hiện nay từ bỏ việc áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên cả nước VN. Đó là cách thuận lý nhất (logic) và thuyết phục nhất mà không ai cũng như không lý lẽ nào có thể bác bỏ được. Mong thay !
Phan Đức
---------------------
1/Thư của Trịnh Công Sơn gửi Ngô Kha : thực hay giả? – Thái Ngọc San.Thanh Niên online (25-6-2004).
1/Về một sự cố của tạp chí Sông Hương – Nguyễn Khắc Phê (ngày 17-7-2008).
-----------------------
Bài liên quan :
Nhân đọc bài “Hai cái chết bất đắc kỳ tử” của tác giả Phan Đức
Vi Viên
26.09.2009
Hai cái chết “bất đắc kỳ tử”
Phan Đức
18.09.2009
No comments:
Post a Comment