Wednesday, October 21, 2009
TƯƠNG LAI CỦA CÁC TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU TẠI VIỆT NAM
Tương lai của các tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam?
Hà Giang, thông tín viên RFA
2009-10-20
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-is-the-future-of-ThinkTanks-in-Vietnam-HGiang-10202009105647.html#
Hôm 14-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị phải “xử lý thích hợp, đúng quy định của Đảng và Nhà nước đối với việc tự giải thể của Viện Nghiên cứu phát triển IDS và những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân thuộc IDS”.
Thông báo về “Kết luận của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng” liên quan đến Quyết Ðịnh 97 này khiến giới phân tích một lần nữa sôi nổi bàn luận về thái độ của nhà cầm quyền với các nhóm chuyên gia cố vấn, và ảnh hưởng của hành xử này đối với đất nước.
Quyết định 97
“Kết luận của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng” liên quan đến Quyết Ðịnh 97” đã một lần nữa khẳng định quan điểm và thái độ của nhà nước Hà Nội đối với các tổ chức chuyên gia cố vấn (gọi là think tank) trong nước.
Quan điểm của nhà nước khi ban hành quyết định 97 là cấm không cho phép cá nhân và tổ chức có quyền phản biện chính phủ.
Trước sự lên tiếng của nhiều trí thức trong và ngòai nước rằng quyết định 97 không những đã vi phạm nghiêm trọng hiến pháp và luật pháp Việt Nam, mà còn có tác dụng khiến đất nước bị đi thụt lùi, vì chính quyền không nghe được những cố vấn xây dựng của các chuyên gia, nhà nứơc đã giữ một thái độ bất biến, là xác định quyết định 97 “là cần thiết, phù hợp với Hiến Pháp, pháp luật Việt Nam”, mà không dẫn chứng tại sao.
Nhận định về tính cách hợp pháp của Quyết Định 97, Giáo sư Carl Thayer nói:
“Tôi đựơc biết rằng, Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS có thể cũng sẽ đưa việc này ra tòa. Ai cũng có thể bắt đầu từ hiến pháp VN, và lập luận rằng quyết định 97 vi phạm quyền tự do phát biểu của người dân, đã được hiến pháp Việt Nam công nhận.”
Một số nhà phân tích thú nhận rằng trứơc đây, khi được biết là vào ngày 1 tháng Mười, tiến sĩ Nguyễn Quang A đã gửi một thư cho bộ trưởng Bộ Tư Pháp, là ông Hà Hùng Cường, “đề nghị ra quyết định đình chỉ Quyết Ðịnh 97.” Họ đã có một chút hy vọng là nhân vật hàng đầu của Bộ tư Pháp, người có trọng trách bảo vệ hiến pháp Việt Nam sẽ có một ứng xử thích hợp.
Thế nhưng, phản ứng của ông Hà Hùng Cường trước thư này hòan tòan chỉ là một sự im lặng!
Điều khiến dư luận quan tâm lo lắng hơn nữa là thái độ ngầm đe dọa của thông báo này, thể hiện qua câu: “UBND TP Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ phải “xử lý thích hợp những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân thuộc IDS”.
Nhiều nhà trí thức VN đã mạnh dạn lên tiếng bầy tỏ quan điểm của họ:
Trong diễn đàn X-Café, ông Vũ Quốc Uy viết: “Khi Thủ tướng nói đến “những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân trong IDS” chúng tôi cảm thấy đã có sự tách bạch, phân biệt các cá nhân trong IDS. Đúng, trong số các vị ấy có người đã lên tiếng mạnh, có người lên tiếng yếu, có người chưa lên tiếng. Mong rằng mục tiêu “xử lý” của Thủ tướng không phải như mục tiêu của kẻ chặt rừng, cứ tìm cây cao, gỗ quý trước tiên mà đẵn.”
Được hỏi ý kiến về câu vừa nêu, tiến sĩ Nguyễn Quang A phát biểu: “Câu “xử lý những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng...”, thì chúng tôi cho rằng đây là một sự đe dọa, trù dập không đúng pháp luật. Luật khiếu nại và tố cáo nghiêm cấm tất cả những hành động như thế, và tất cả những hành động của chúng tôi suốt từ ngày mùng 8 Tháng Chín cho đến nay, đều là những hành động góp ý cho chính phủ, cho các cơ quan công quyền một cách xây dựng. Ðáng tiếc, những lời khuyên của chúng tôi không được tiếp nhận.”
Cũng trong diễn đàn X-Café, một người ký tên Nguyễn Vạn Phú viết: “Hóa ra một tác dụng khác của chỉ thị này và những chủ trương tương tự là đẩy con người vào thế phải “nhìn trước trông sau” mỗi khi muốn nói lên tiếng nói của mình trước những vấn đề của xã hội – và chắc chắn dần dà mọi người sẽ chọn con đường im lặng cho khỏe thân – và đó là dấu chấm hết cho một xã hội bình thường, một đất nước bình thường.”
Nhiều người chia xẻ tâm trạng của ông nguyễn Vạn Phú.
Tại Úc, giáo sư Carl Thayer một chuyên gia chuyên nghiên cứu về tình hình Á Châu Thái Bình Dương, phát biểu: "Từ đây, Việt Nam sẽ bị tổn hại nặng nề, vì nhà nứơc sẽ thiếu trầm trọng những quan điểm khác biệt, mặc dù có thể gây nên tranh cãi, nhưng vẫn giúp cho chính quyền thấu hiểu biết mọi mặt của nhiều vấn đề, và đưa ra những chính sách khôn ngoan trong việc hội nhập với tòan cầu. Việc ngăn cấm các nhà trí thức lên tiếng, gạt bỏ những đóng góp của họ là một bước đi lùi của Việt Nam và sẽ khiến Việt Nam dần dà không còn cạnh tranh hữu hiệu được nữa với thế giới. "
Tương lai các Think Tank?
Trước các quyết định của Nhà nước trong vụ IDS, câu hỏi quan trọng được đặt ra là đất nước Việt Nam sẽ đi về đâu, khi mọi ý kiến đóng góp cho đất nứơc đều bị gán cho cáí tội “là phát biểu không xây dựng?”
Một điều đáng chú ý là trong khi tại Việt Nam, think tank duy nhất, là viện nghiên cứu phát triển IDS, đã bị quyết định 97 của TT chính phủ bức tử, thì tại Trung Quốc, nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện đrất hãnh diện và tự hào là họ có hơn 2500 think tanks đang họat động (cao hơn cả con số chưa tới hai ngàn think tanks của Mỹ).
Mặc dù hiện nay lãnh đạo của các think tanks này đều là nhân viên của chính quyền, được chính quyền trả lương, nhưng công việc của họ vẫn là nghiên cứu và đóng góp ý kiến chuyên môn, và thậm chí cả phê bình nhà nước, miễn là những lời phê bình này được “chấp nhận.”
Hãnh diện rằng số lượng của các think tanks của họ cao hơn Hoa Kỳ chưa đủ. Theo một cuộc thảo luận được phát trên trang mạng đài Sina.com thì hiện các giới trí thức của Trung Quốc đang thảo luận việc làm thế nào để các think tanks của họ được họat động hữu hiệu hơn.
Ông Wang Huu Yao, chủ tịch của Trung Tâm Nghiên Cứu Tòan Cầu Trung Quốc nói về nhận thức của nhà cầm quyền Bắc Kinh là cần phải có một sự chuyển mình cùa các hội chuyên gia cố vấn tại Trung Quốc như sau:
“Vấn đề lớn nhất của các tổ chức chuyên gia cố vấn (think tank) tại Trung Quốc là đa số các tổ chức này đựơc thành lập và tài trợ bởi chính phủ, và vì thế khó có thể họat động một cách đa chiều. Đây là một thử thách rất lớn của chính quyền, và chính quyền cũng đã nhận thức được điều đó và đang tìm cách nới lỏng những quy luật giới hạn việc làm của những think tanks này.
Chẳng hạn như hiện nay, đa số những người đứng đầu các think tanks sau này là những viên chức của chính quyền đã về hưu. Và phải nói một cách công bình là nhận định của những người đã về hưu thường là xác đáng hơn, họ cũng lên tiếng phê bình chính phủ mạnh dạn hơn như khi họ còn tại chức.”
Trở lại với việc tự giải thể của viện nghiên cứu phát triển IDS, và thông báo vừa ra của văn phòng chính phủ với mục đích vừa khẳng định việc hợp hiến của quyết định 97, vừa “răn đe” một số thành viên của viện, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A cho biết ông sẽ mang sự kiện ra Quốc Hội:
“Tôi sẽ phải dùng đúng quyền công dân của mình, gửi một đơn đến Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, và đề nghị Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội xem xét ra quyết định đình chỉ việc thi hành quyết định phi pháp của thủ tướng, và trình ra Quốc Hội để Quốc Hội bãi bỏ Quyết Ðịnh 97 theo đúng tinh thần của luật hiện hành.”
Mang sự việc ra Quốc Hội thì liệu có xoay chuyển được tình hình không?
Và liệu những thành viên đã thẳng thắn phê bình và đề nghị Quyết định 97 như tiến sĩ Nguyễn Quang A bị đình chỉ rồi có bị gặp khó khăn với nhà nước không?
Quan trọng hơn nữa nhà nước Hà Nội có nhận thức được vai trò quan trọng của các nhóm chuyên gia cố vấn đối chính sách của quốc gia, và tìm cách tạo một môi trường cho họ được sinh họat hữu hiệu không?
Dư luận cho rằng câu trả lời còn tùy thuộc vào trình độ và ý thức quốc gia của những người đang dành quyền lãnh đạo đất nước.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
------------------------------------
Kết luận của Thủ tướng về thực hiện quyết định 97(TuanVN)
Những bất cập về cơ sở pháp lý của Quyết định 97 (Blog Phạm Viết Đào)
Thế nào là phê bình thiếu xây dựng ? (tuan’s blog)
Tương lai của các tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam? (RFA)
No comments:
Post a Comment