Wednesday, October 21, 2009

Từ BÁT NHÃ đến PHƯỚC HUỆ (Biến cố BÁT NHÃ ngày 27-9-2009)


Từ Bát Nhã đến Phước Huệ
Thích Quảng Kim, Thích Tâm Lạc, Thích Tâm Hỷ
PSN - 10.10.2009
http://phusaonline.free.fr/PhatHoc/TinTuc/TDTS_6/BN-PH/1.htm
Những chứng liệu này sẽ đi vào lịch sử bi tráng của Phật giáo Việt Nam, Phù Sa thiết tha đề nghị ai đó đang xem những dòng này, vui lòng dịch ra nhiều thứ tiếng để chia sẻ với thế giới, rằng ... ở một góc trời có tên gọi Việt Nam, trên vùng cao nguyên sương khói đã có 400 người tu rất trẻ phải gánh chịu trên vai hàng triệu tấn bom vô minh mà lòng vẫn hướng về cái lành, cái thật, và cái đẹp của cuộc đời.

Phần 1:
Tiếng Chim Báo Bão

Con đường đơn độc dẫn đến ngôi chùa nằm sâu trong vùng cao nguyên heo hút, trên cơ thể một đất nước hình chữ S bắt đầu xuất hiện những vết thương. Vết thương hằng sâu hơn một năm mà nạn nhân là những người xuất gia trẻ, có tâm hồn trong sáng, với ước mong thật đơn giản:
con chỉ muốn tu thôi!

Cổng tu viện Bát Nhã :

http://phusaonline.free.fr/PhatHoc/TinTuc/TDTS_5/BatNha/Tamquan.jpg

Ở đây họ bị đánh đập, truy bức, làm nhục, dày xéo bởi nhiều nhóm người mạo xưng là Phật tử và bị ức hiếp bởi những người nhân danh công lý. Sức kham nhẫn chịu đựng của họ kéo dài từng ngày, từng tháng để trông đợi tin lành… Tiếng kêu cứu của họ như tan vào hư không. Đêm tối càng thêm tối. Bóng đêm xuất hiện giữa ban ngày. Ở đây họ bị ngược đãi như tội phạm. Những nhu yếu căn bản để duy trì sự sống của họ cũng bị tước đoạt. Quyền tự do, quyền được tu cũng bị khống chế. Họ như đàn chim non bị chiếm đoạt tổ ấm, đang thống thiết cất tiếng kêu tìm nơi an toàn để trú ngụ trong mưa bão.

Tu viện Bát Nhã ngày 27.9.2009
Đêm qua mưa gió lớn. Trong những căn phòng tăng xá Rừng Phương Bối có một số huynh đệ còn đang ngủ vì nhiều đêm thức trắng để canh chừng những người lạ mặt tấn công. Rất nhiều đêm trước, sự bình yên trong tu viện bị xáo trộn, nhiều người thanh niên lạ mặt xuất nhập bất thường đập phá thiền đường, lấy mất chuông mõ, tượng Mẹ trong công trường Bông Hồng Cài Áo bị đập nát từng khúc, những tờ rơi đe dọa khủng bố vươn vãi khắp sân chùa ra ngoài cổng. Không những thế, Xóm Bếp Lửa Hồng bị người lạ đột nhập ni xá nhiều lần, lấy hết áo quần không chừa một thứ gì, sáng ra mới biết ai đó đã quăng đầy dưới suối. Đêm khuya hai xóm Bếp Lửa Hồng và Mây Đầu Núi bị ném đá xuyên cửa kính rớt vào phòng làm các sư cô vô vùng lo ngại. Từng đoạn ống dẫn nước xuống xóm Bếp Lửa Hồng bị đập nát, trám xi măng vào bên trong. Chờ đêm xuống, lúc tạm yên, huynh đệ cùng ra nối lại nhưng rồi vẫn tiếp tục bị đập phá.

Công an, Côn đồ mạo danh Phật tử bạo hành đánh đập, sỉ nhục tu sĩ ngày 27.9.09 tại tu viện Bát Nhã.
PhapnanBatNha-27.09.2009-03

http://www.youtube.com/watch?v=yz99iBEPINM&feature=player_embedded

Mấy tháng rồi, không đèn không điện, đêm tối lại càng thêm tối. Ánh đèn cầy le lói trong đêm khuya không đủ soi rõ để nhận biết những gì hung dữ đang rình rập xung quanh. Ba xóm bị cô lập từ cuối tháng sáu năm này. Phật tử và thân nhân của các huynh đệ từ khắp nơi đến thăm cũng bị chất vấn tra hỏi và đuổi đi. Ngày đến không người ra vào, không có ai quen thân ngoài những anh chị em đang bảo bọc cho nhau và nương nhờ tình thương của chư Tôn Đức gần xa. Đêm về bao nhiêu mối đe dọa rình rập. Ngày ngày loa phóng thanh liên tục phóng to, từng nhóm người lạ mặt luân phiên nhau chửi mắng vu khống và sỉ nhục. Bên bức vách trai đường là những tấm biểu ngữ vu khống ngạo ngược được treo đã lâu mà không chịu tháo gỡ.
Mấy tháng qua huynh đệ nhường cơm sẻ áo cho nhau. Phật tử khắp nơi đem vào được chút gì thì ba xóm cùng chia sẻ. Bên hiên ni xá, những tấm nilon căn làm bốn gốc dùng làm bể chứa khi mưa về. Lấy nước mưa làm nước uống, lấy nước suối (nhiễm thuốc phun lá trà, cà phê) làm nước tắm gội. Thiếu nước nhờ người đào giếng cũng bị ngăn cản. Am cốc bị đốt nham nhở giật sập, điêu tàn như cuộc chiến. Bị rượt đuổi, bị người khác cầm hung khí ngang nhiên lao vào chém. Gọi công an, gọi chính quyền, đơn thỉnh nguyện kêu cứu thấu trời nhưng tình trạng cứ thế mà tiếp diễn. Trong khó khăn, tình huynh đệ càng thêm gần gũi thắm thiết, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, chịu đựng mọi nhọc nhằn để duy trì khát vọng muốn tu.

phusaonline>17-9-09_ChoiDa
http://picasaweb.google.fr/phusaonline/17909_ChoiDa?authkey=Gv1sRgCIqx6-OYy9XUYQ#

Huynh đệ chúng tôi chỉ biết im lặng và cảm thông, không biết nói gì trước tình cảnh ấy. Dù nói thêm điều gì cũng không ai hiểu, không thể hiểu, không chịu hiểu. Tất cả đều bị bưng bít, tất cả đều bị tác động, luân thường đạo lý chỉ nằm trong kinh điển, luật pháp chỉ là giáo điều sách vở, chỉ biết làm theo ma lực uy quyền và mua chuộc.
Ngày này tiếp nối, những bất công không chiều hướng cải thiện mà mỗi lúc thêm dồn dập vây bủa lên thân thể tâm hồn những Tăng ni vô tội. Ngôi chùa Bát Nhã xinh đẹp hiền lành trở nên lạnh lùng vô cảm, những người thanh niên lạ mặt xuất hiện nhiều hơn, họ đi từng đoàn buông lời khiêu khích, quanh quẩn các xóm từ sáng đến chiều.
Hai ngày trước đây, trong buổi chiều có lễ thiền trà mừng sinh nhật gia đình xuất gia cây Sen Trắng, các em tôi chuẩn bị cho giờ thiền trà là bánh và nước. Đơn giản nhưng uy nghiêm. Từng cây nến lung linh trong thiền đường Cánh Đại Bàng, từng búp sen trắng mủm mỉm cười. Các em tôi đứng thành hai hàng, chấp tay búp sen lên trên ngực cúi chào từng huynh đệ. Đức Phật ngồi yên qua nhiều thế kỷ, trên môi một nụ cười rất tươi. Bất chợt, nhiều người lạ ập tới, ùa vào chửi mắng dọa nạt. Ngọn nến vẫn lung linh không muốn tắt. Đóa sen trắng vẫn thản nhiên vô tư. Các em tôi không lo sợ nhưng nhiều người chảy nước mắt. Vì đâu?

Thầy Đồng Thanh dẫn các bà cụ vào thiền đương chửi các thầy các sư cô đang thiền trà mừng sinh nhựt gia đình Cây Sen Trắng ngày 20.9.09 tại thiền đường CĐB.
2009 09 20PhapNanBatNha CacBaCuVaoThienDuong
http://www.youtube.com/watch?v=nu94LD5vve4&feature=player_embedded

Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm! Xin ngài ban cho lòng từ bi ứng hiện. Tiếng la hét dọa nạt, lời mắng nhiếc xua đuổi từ những người hái chè. Chưa thỏa lòng họ rủ nhau vào tăng xá, tiếp tục buông những lời thô thiển không chút lương tâm.
Sáng nay Bát Nhã có điều gì lạ lẫm, trời không nắng, mây và sương mù bủa vây bốn bề. Chập chờn cánh chim bay trong sương mờ, chợt kêu lên không gian. Tu Viện chìm trong im lặng bất thường nhưng phút giây trở nên xao động ồn ào. Rừng thông yên lặng, thấp thoáng từng đoàn người kéo đến, tiếng máy xe dồn dập gần gần. Người bịt mặt, kẻ đội nón, tay cầm cây và búa từ phía chánh điện đồng loạt xông vào hỗn loạn. Tăng xá Rừng Phương Bối xao xác tang hoang, những cánh cửa chưa kịp khóa đã bị giật mạnh bung ra, người ta xông vào xô đẩy lôi kéo, những căn phòng bị đập nát cửa kính vỡ tung từng mảnh vụn. Huynh đệ tôi cùng ngồi xuống chấp tay, y vàng đắp phủ lên người. Ngoài sân mưa càng nặng hạt.


Phần 2:
Ngồi Yên Trong Mưa

Cơn bão số 9 đổ ập vào các tỉnh bắc trung bộ Việt Nam, từ Huế đến Quãng Ngãi bị tàn phá nặng nề, cướp nhiều mạng sống người dân quê. Các ban ngành đoàn thể, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước đều thương cảm cứu giúp “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”. Tai nạn do thiên nhiên môi trường gây đau thương cho nhiều người vì mất nhà cửa, tài sản ruộng vườn, mất những người thân yêu vĩnh viễn. Tại vùng cao nguyên này, huynh đệ của tôi gần 400 người cũng bị đoạt mất nơi mà họ đã từng an vui tu học, ngôi nhà tâm linh đầu tiên bị xoáy nát bởi cơn lốc si mê tham vọng, lạm dụng quyền hành. Tài sản của họ không phải là nhà của ruộng vườn. Tài sản của họ là lý tưởng cao đẹp, là ba y và một bình bát. Đơn giản thế, nhưng vẫn bị đoạt mất. Y áo bị xé rách, bình bát khất thực bị đập nát. Ai đã nhẫn tâm tước đoạt những quyền căn bản nhất của con người?
Hai đêm vừa rồi, sau giờ công phu tối (hai bốn, hai lăm tháng chín), 10h00’ hơn mười anh công an sắc phục lẫn thường phục bất chợt đi vào kiểm tra cư trú, các vị ấy cho rằng các thầy cô cư trú bất hợp pháp vì không còn được chủ hộ bảo lãnh. Các anh lập biên bản tịch thu thẻ căn cước của hai thầy (Pháp Vinh, Pháp Bối) và mời hai thầy ra Ủy Ban Nhân Dân xã Đambri làm việc cho đến xế chiều. Hai thầy về đến tu viện vào lúc 15h, trong tình trạng mệt lã vì đói. Công an thuyết phục hai thầy nên về địa phương và báo tin mai đây Phật tử sẽ tấn công Bát Nhã.
Đêm sau, những căn phòng còn lại tiếp tục bị công an giật cửa dọa nạt: “Các thầy không cộng tác với chúng tôi, ngày mai chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh hơn”. Huynh đệ không ai nhắc ai, tự nhiên tập trung ra hết ngoài hiên, đêm tối không nhìn rõ mặt người, chỉ nhận diện nhau qua tiếng nói. Công an xã lùa các thầy từ hiên trước ra hiên sau, từ lầu một đến lầu ba, và cứ thế quanh quẩn xuống lên như chơi trò cút bắt trong bóng tối. Họ dí các thầy chạy nấp vào bụi chè, nằm áp sát mặt xuống đất, họ quất đèn pin xục xạo tìm kiếm khắp nơi. Một anh công an tức giận chưởi thề: “Đ. mẹ, nó có đào đường hầm nên chạy nhanh thế!”, một anh khác thốt lên: “Tu gì như chúng mày, làm mất an ninh trật tự, về nhà cưới vợ quách đi”. Cứ vậy, cứ thế, một lúc sau các anh quay về phía chánh điện trong cơn hậm hực. Thấy vậy, huynh đệ lặng lẽ ai về phòng đó nhưng trong lòng không yên tâm; biết đâu đêm này công an ập vào bất chợt, còn đêm mai đêm mốt và những đêm sau cứ mãi thế này sao?
Xin biết cho, thủ tục đăng ký tạm trú đã được các thầy cô thực hiện nhiều lần và gần nhất là vào những ngày đầu tháng chín, theo lời hướng dẫn của cán bộ phụ trách cư trú. Các cán bộ có hứa chính quyền sẽ tạo điều kiện. Nhưng lời hứa chỉ là giải pháp xoa dịu như người bị đau bụng thì việc đầu tiên là dùng dầu gió xoa lên bụng, nhưng bụng không đau vì gió mà vì ruột thừa.

Tu Viện Bát Nhã 9 h 02’ ngày 27.9.2009
Căn phòng B1 nằm trên tầng hai Tăng xá xóm Rừng Phương Bối là nơi các thầy Tỳ Kheo thường tiếp khách và trao đổi thời khóa tu học. Tại căn phòng này nhiều sư huynh lớn bị ép buột ra đi vì không được phép cư trú. Bây giờ căn phòng trở thành tiêu điểm đánh phá đầu tiên.
Từ trong phòng nhìn qua khung cửa kính hướng về phía rừng thông, trai đường, hàng loạt người xông tới. Người vội vã cống cuồng, kẻ bịt khẩu trang, mũ bảo hiểm, áo mưa, gậy gộc, xà ben, búa lớn, v.v… giống như một đoàn quân ô tạp xông pha trận chiến. Tầng một, tầng hai, tầng ba vang tiếng chửi bới thô thiển nhất. Những người này là “Phật tử”chùa Bát Nhã thật không? Họ gọi các thầy bằng những danh xưng mà những người cực đoan khủng bố khi nghe thấy cũng chạnh lòng: “Thằng này, con kia…ra đây tao giết chết. Hôm nay chúng mày phải dọn đồ đi, chúng mày không được phép ở đây, thời hạn chúng mày đã hết, hãy mau cút khỏi nơi này vì đây là chùa của sư phụ tao!”.

Công an, Côn đồ mạo danh Phật tử bạo hành đánh đập, sỉ nhục tu sĩ ngày 27.9.09 tại tu viện Bát Nhã.
PhapnanBatNha-27.09.2009-01
http://www.youtube.com/watch?v=AyYVBNpeRkI&feature=player_embedded

Trên tầng ba tiếng giật cửa ầm ầm, tiếng loảng xoãng từ ô cửa kính bung ra, những tấm bồ đoàn tọa cụ từ trong thiền đường bị quăng tới tấp xuống sân. Bàn ghế rương tủ ngã nghiêng: “Chúng mày có mở cửa ra không? Tu gì mà lỳ lợm thế, đuổi không đi. Chúng mày đừng để tao phải dùng bạo lực”. Trong mỗi phòng huynh đệ tôi ngồi yên bất động, mặc cho sự tàn bạo vây bủa quanh mình. Một cánh cửa bung ra, hai cánh cửa bung ra, và cứ thế những căn phòng khác trở nên tan hoang… Họ ùa vào hùa nhau đập cửa. Công an đâu, chính quyền đâu, các ngài ở đâu sao không đến?
Huynh đệ tôi bị lùa ra khỏi phòng mà chưa kịp mang theo những gì ngoài tấm y. Có thầy ngồi trong tư thế kiết già chấp tay niệm Phật, họ lao vào xé y và lôi kéo từ tầng ba xuống đến sân. Thân thể thầy bị trầy xướt, tấm y vàng nhuộm màu bùn đất nhưng đôi chân thầy vẫn trong tư thế hoa sen.
“Thôi! Thầy xin các vị đừng chưởi mắng nữa. Làm vậy không nên. Các vị ra khỏi phòng để thầy có không gian mà thu xếp y áo”. Ẩn chứa trên những gương mặt kham khổ, hóc hác là sự lam lũ nhọc nhằn đáng thương của người dân bị ai đó lợi dụng và kích động. Tuổi của họ đáng là cha mẹ, là anh chị em của các thầy cô. Họ cũng là nạn nhân của hoàn cảnh. Họ giận giữ lắm nhưng nhìn sâu vào khóe mắt, có những người đã khóc. Họ khóc vì đâu?
“Chúng tôi cho các thầy năm phút, các thầy phải rời khỏi Tăng xá này”. Ngoài trời mưa dồn dập. Từng thầy từng chú bị lôi ra ngoài sân. Mưa trút xối xả xuống mái nhà. Từng đôi dép bị quăng ra xa. Huynh đệ co cụm vào nhau thành từng nhóm. Tiếng đập phá mỗi lúc thêm dồn dập. Hàng loạt thanh niên xông lên theo chỉ thị của vài người đàn ông đứng tuổi: “Hãy xông vào túm lấy nó! Thằng nào không đứng dậy cứ làm thẳng tay. Tụi này là lũ bán nước hại dân, ăn tiền của nước ngoài để chống phá chế độ.” Những người thanh niên lạ mặt xông vào kéo tay, ôm cổ, lôi chân từng thầy một. Phụ nữ cũng xông vào cùng chung động tác. Và cứ thế, huynh đệ tôi ngồi yên để hứng chịu nhiều trận cuồng phong, thà chết chứ không rời bỏ chốn này.
Từ trên cao nhìn xuống, một số thầy đã bị lôi ra ngồi giữa sân. Sư anh lớn ngồi rất yên, vững chãi. Trong tư thế hoa sen đôi mắt sư anh khép lại, xung quanh là những sư chú tuổi mới mười lăm, hai mươi cũng ngồi yên như thế. Huynh đệ ngồi rất lâu, mưa ướt đầu ướt áo, ướt thấm y, lạnh và đói lắm. Nhóm người bạo hành kéo xuống bao vây, họ đứng lên trên mái hiên, núp dưới khóm cây để tránh mưa, từng chiếc dù xanh đỏ căng ra, người qua kẻ lại mặc tình chửi mắng. Bên hiên cốc Tùng Xanh là máy quay phim cỡ lớn được đặt đúng vị trí, đang chĩa ống kính quay về phía huynh đệ đang ngồi.
Một số thầy khác còn bị kẹt trong Tăng xá nên dồn hết vào phòng B1, cửa trước cửa sau bị tháo gỡ, gió lùa vào lạnh buốt. Đồ đạt sách vỡ máy móc trong phòng bị gom về một chỗ, họ chế nước vào máy các thiết bị điện tử để hủy hoại. Huynh đệ bên nhau im lặng chấp tay, họ tiếp tục xông vào cửa sau, cửa trước: “Đây là thằng đầu đàn, lôi cổ thằng này ra đánh bỏ mẹ. Chúng mày ra không? Thanh niên đâu vào lôi cổ bọn này đây này. Đồ cướp chùa, bán nước”. Thế là họ nhào vào dùng những bàn chân lao lên ngực, lấy tay tát vào mặt. Đau lắm nhưng đành chịu. Sư em tôi ngồi bên khóc rưng rức, từng tấm y vàng phủ cho nhau để cùng chia sẻ hứng chịu cảm giác đớn đau trong thân thể: “Các người không có quyền đánh đập anh em tôi, các người không được xúc phạm anh em tôi”. Gỗ đá cũng biết đau nhưng với nhóm người này dường như vô cảm. Và cứ thế họ mặc sức bạo hành không thương tiếc. Niềm đau không tên gọi lần đầu tiên có mặt trong đời. Nhiều kỷ niệm trong mái chùa này không thể nói hết, không thể nhớ hết nhưng cũng không thể quên đi một cách dễ dàng.
Trưa nay huynh đệ tôi không có một hạt cơm trong bụng. Thân thể đói mềm, run vì thấm nước. Nhà bếp không lên khói mà chỉ toàn sương. Ngồi ngoài mưa nhìn xuống xóm Bếp Lửa Hồng, nhìn về Mây Đầu Núi, không biết các sư em nữ rồi sẽ ra sao? Trưa nay có ăn chút gì không? Nhìn ra công trường Bông Hồng Cài Áo, hai em bé lìa tay mẹ úp mặt xuống đất, lăn lóc trong mưa.
Có thể ngày nay và mãi về sau Bát Nhã trở thành huyền thoại.


Phần 3:
Tình Huynh Đệ Bao La

Xã hội miền bắc Việt Nam vào nửa thế kỷ 20 giai đoạn 1930 – 1945, xuất hiện một ngôi làng mang tên “Vũ Đại” (Làng Vũ Đại Ngày Ấy – Nam Cao), nhân vật tiêu biểu sống trong ngôi làng này là Chí Phèo. Chí Phèo là thanh niên độc thân, mồ côi cha mẹ, không được ăn học, rất khỏe, tuổi khoảng ba mươi, chuyên hành nghề rạch mặt ăn vạ, say sưa chửi mắng phá làng phá xóm. Hạt giống hiền thiện trong tâm của Chí Phèo được nảy mầm sau khi Chí ăn bát cháo hành của cô Thị Nở. Hạt giống tốt vừa mới nảy mầm, nhưng hoàn cảnh xã hội trở thành áp lực nặng nề, biến người lương thiện thành người tàn ác. Đại diện cho thế lực đầy quyền uy cấp địa phương là Bá Kiến, ông ta thao túng và mượn tay Chí Phèo để thực hiện mưu đồ thâm hiểm của mình, nhưng hậu quả ông phải trả là một cái giá rất đắt bởi sự hung bạo của Chí Phèo. Bá Kiến chết thì Chí Phèo phải tự vẫn, để lại một chú Chí Phèo con vừa chào đời cất tiếng khóc oa oa trong lò gạch bỏ hoang.
Đambri là vùng quê nghèo, đất canh tác chỉ trồng được trà và cà phê. Để nâng cao sản lượng, hằng tháng người dân phun thuốc hóa chất độc hại lên những đọt trà, sử dung phân sinh học có mùi tanh khó chịu để bón vào những gốc cà phê. Phần lớn người dân nơi đây làm thuê cho các công ty chế biến trà, tháng năm đắp đổi nên không đủ sống. Bình thường họ đều hiền lành chân chất, nhưng cái đói cái nghèo vẫn là nỗi ám ảnh đeo đuổi trong đời sống, và có khi chính điều đó lại là nguyên nhân căn bản để họ làm những việc mà họ không bao giờ muốn.
Khi nhớ lại những sự kiện đau thương để viết ra giấy, trong lòng chúng tôi không oán giận một ai. Những người gây đau khổ cho chúng tôi, kể cả các anh công an, với chúng tôi vẫn có mối liên hệ tương quan nào đó, giống liên hệ giữa sen với bùn. Sen được làm từ bùn và bùn là tố chất nuôi sen, sen và bùn tương tức. Vì sao chúng tôi không bạo động, chống trả lại? Có người nhận định đây là một hình thức chống đối tích cực vì không có yếu tố bạo động, có người thì nhận định vì là người tu nên phải vậy. Các nhận định này không sai nhưng không phải là đúng. Không bạo động là cách xử sự thiết yếu và cũng là sự sống tương tức của người xuất gia đệ tử Bụt. Khi không có sự điều hòa trong thân tâm, chúng tôi thực tập từ bi để không đối xử với thân thể mình một cách khinh xuất, thì làm sao đành lòng đánh trả người khác!

Tu Viện Bát Nhã 10h25’ ngày 27.9.2009
Thầy Thích Thông Tánh bị đánh ngất xỉu, các sư chú bao quanh xoa dầu cho thầy. Sư chú Pháp Nghị cũng bị đánh đập mặt xuống đất đau quá nên khóc rất nhiều. Thầy Pháp Tụ cũng bị lôi ra khỏi phòng B1, họ lấy kính của thầy đang đeo bẻ gấp lại quăng xuống lầu và kéo thầy xuống tầng cấp cầu thang như đang lôi một bao ngũ cốc hay như một con nai mới vừa săn được. Tất cả những sự kiện xảy ra cho Tăng Thân, huynh đệ chúng tôi đều cố gắng ghi nhận bằng hình ảnh làm tang chứng để trình báo lên cơ quan thẩm quyền xác minh can thiệp. Chính quyền địa phương dường như chưa hiểu được chúng tôi trong việc làm này. Họ nghi ngờ và giận lắm, họ nói rằng chúng tôi quay phim là có ý thức chống đối chính quyền, không cộng tác với người thi hành công vụ. Có lẽ vì thế, hôm nay toàn bộ máy quay phim của chúng tôi bị thanh niên xông vào lục soát, đập nát. Những ổ đĩa cứng vi tính bị lấy cắp, thủy tán. Trong ổ đĩa đó chúng tôi lưu lại pháp thoại của Sư ông Làng Mai. Văn phòng lưu trữ hồ sơ cá nhân và giấy tờ cũng bị đập phá tan tành, số tiền Phật tử khắp nơi cúng dường để dành mua thêm thức ăn cũng bị đoạt lấy.
Họ lần lượt cưỡng chế các thầy ra tập trung ở giữa sân, rất ít đồ đạt cá nhân được mang theo trong túi xách nhỏ. Thầy Minh Sang, thầy Phong Thuấn bị lôi đi nhưng các thầy vẫn trong tư thế kiết già. Huynh đệ tôi ngồi thành vòng tròn, lặng lẽ nhìn nhau xem ai vắng mặt, hỏi han nhau có bị thương tích gì không, có đói bụng không? Ước gì giờ này có một gói mì sống nhai cũng đỡ đói. Một vài sư chú trẻ giữ được nụ cười ngây thơ như không có chuyện gì xảy ra.
Trời mưa nhưng nhiều sư em tôi khát nước. Mưa dội trên đầu chảy xuống mặt, thấm vào miệng mằn mặn. Những chiếc dù chưa kịp che lên đầu liền bị họ giật lại bẻ gảy. Huynh đệ ngồi hơn một giờ, hai bàn chân mọi người đều tê buốt, muốn đứng lên đi nhà vệ sinh cũng thấy ngao ngán vì xung quanh hung dữ quá. Khu vực Tâm Ban Đầu nhiều anh công an sắc phục xuất hiện, công an xã đội mũ C.A.X, dân quân tự vệ mang sắc phục xanh đậm và rất nhiều anh công an mà chúng tôi quen mặt đang thản nhiên quay phim chụp hình.

Công an, Côn đồ mạo danh Phật tử bạo hành đánh đập, sỉ nhục tu sĩ ngày 27.9.09 tại tu viện Bát Nhã.
PhapnanBatNha-27.09.2009-02
http://www.youtube.com/watch?v=9tXPgAhQVh0&feature=player_embedded

Những người tấn công, sau khi đuổi hết chúng tôi ra sân thì họ thay nhau đứng canh chừng. Số còn lại tiếp tục xâm nhập vào các phòng để tìm kiếm, tranh thủ điều gì đó. Điện thoại trong túi áo rung lên nhưng chúng tôi không dám mở nghe, một số điện thoại di động đã bị đập nát nên chúng tôi không thể liên lạc kêu cứu ra bên ngoài.
Một người phụ nữ tuổi khoảng bốn mươi cầm hai cuốn tập từ phía xa đi lại, trang bìa in đậm tựa đề: Tình Yêu - Tình Dục. Họ chuyền tay nhau lật qua lật lại giả vờ xem kịch bản, sau đó hét to: “Tu gì mà đọc sách Tình Dục. Tu gì mà bao cao su vất đầy sau vườn. Tu gì mà thư tình đầy phòng. Về nhà cưới vợ hết đi, không thì mỗi thầy cặp với một cô lấy nhau mà sinh con đẻ cái”. Họ lập đi lập lại nhiều lần. Một người phụ nữ khác nói giọng Quảng Ngãi bước vào nói tiếp: “ Mấy thầy không đi thì coi chừng tôi cho chị em vào bóp d…”. Người đàn ông trạc tuổi năm mươi hùa theo: “ Đừng có ngồi mát mà ăn bát vàng nhé. Chúng tao lao động cơ cực mới có chùa cho chúng mày ở. Chúng mày không mang ơn mà còn làm phản. Chúng mày ăn tiền đế quốc há! Pháp, Mỹ tao còn đánh bay huống gì chúng mày!”.
Mưa xối xả, thân thể huynh đệ tôi dầm dề ướt. Từng bong bóng nước chợt hiện chợt tan trên nền ximăng rồi chảy dài xuống mương cuốn theo vài cọng thông khô. Chợt tôi ý thức hơn về sự vô thường mong manh của một kiếp người. Tôi thấy đau thương cho nhóm người bạo hành này, họ đang bị nóng bức, đau khổ hết sức. Rồi, ai cũng phải chết. Những cơ sở này một trăm năm sau cũng chỉ là di tích để khách hành hương vãng lai. Những con người này, chúng tôi hay công an, vài chục năm sau đều thành bộ xương khô nằm im trong lòng đất. Là thực hay mơ?
Càng về trưa số lượng người có mặt tại Bát Nhã càng thêm đông. Trong số nhiều thanh niên lạ, tôi không biết rõ người nào là công an. Nhìn thật lâu tôi nhận thấy có vài thanh niên hiện diện trong Tăng xá với nét mặt rất bình tĩnh, vui vẻ nói cười. Làm sao hiểu được điều gì ẩn chứa sau những tiếng cười ấy? Chiến thắng hay cảm thông? Rất nhiều người đứng từ xa nhìn về phía huynh đệ tôi, họ đến để chứng kiến hay để ngắm nhìn một sự thật đang đi vào lịch sử? Họ im lặng đưa mắt nhìn như đang xem một bộ phim màn ảnh rộng.
Sư chú nhỏ ngồi trong vòng tròn nói khẽ: “Thầy, con đói quá ! Thầy có mang theo bánh không?”. Các sư em tôi đói lắm rồi, có ai biết cho không? Chưa kịp trả lời, người phụ nữ có nước da ngăm đen trên tay cầm tờ giấy A4 tiếp tục vào mắng nhiếc, Sư ông Làng Mai bị gọi tên nhiều lần với lời lẽ thô thiển chưa từng có trong ngôn ngữ Việt Nam. Chúng tôi đồng chắp tay niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm. Cầu mong biển khổ thuyền dong cứu độ người. Tiếng âm vang hải triều vượt thoát mênh mông trên tiếng đời thông tục, vang cao mạnh mẽ. Huynh đệ tôi nhắm mắt, không để ý những gì xảy ra xung quanh. Họ càng tỏ ra giận dữ vì lời thô tục kia chẳng có ai nghe, họ càng chửi giòn giã. Để lấn lướt, một người đàn ông tuổi chừng bốn mươi, hai chân mang ủng đen, đầu đội mũ bảo hiểm, dùng cán dù đập vào mái tôn ầm ầm. Tay ông đập, miệng ông cười, đắc chí, mãn nguyện như sắp nhận được quà. Tiếng đập, tiếng chửi, tiếng niệm Bồ Tát hòa vào nhau, nhưng khối si mê vẫn chưa thể mở mắt. Đông người quá, chúng tôi bị xem như tù nhân giam lỏng giữa ban ngày. Họ tìm cách khống chế các thầy, không cho một ai ra khỏi khu vực, ai đứng dậy đi thì bị lôi vào. Giây phút này, huynh đệ tôi không biết chuyện gì đang xảy ra cho các sư cô tại xóm Mây Đầu Núi. Đến chiều chúng tôi mới hay tin họ bao vây chúng tôi là để cùng lúc dễ dàng đánh phá, tấn công xóm Mây Đầu Núi. Lúc 11h 30’ các sư cô lâm nạn.
12h00’ huynh đệ tôi vẫn ngồi dưới mưa vì không thể đi đâu được. Nhóm người bạo hành khi hoàn thành nhiệm vụ đập phá đẩy chúng tôi ra khỏi Tăng xá, sau đó họ gọi nhau đi ăn cơm tại Trai Đường, số còn lại vẫn túc trực canh giữ.
Không gian xung quanh im lặng trong giây lát, một người đàn ông tự xưng là Chủ Tịch Mặt Trận xã Đambri tới làm công tác dân vận. Ông vận động các thầy đề cử người đại diện Tăng thân để theo ông ra xã Đambri làm việc. Ông nói:“Tôi là người đại diện cho Ủy Ban Mặt Trận xã Đambri, tôi theo dõi diễn biến vụ việc từ sáng đến giờ, tôi thấy quần chúng ở đây quá bức xúc các thầy. Không gì mạnh bằng sức mạnh quần chúng. Các thầy nên ra Ủy Ban xã làm việc”. Chúng tôi tự đặt câu hỏi “Người đại diện chính quyền và những hành vi đàn áp truy bức, có liên hệ gì với nhau???”. Ông Chủ Tịch Mặt Trận xã đã không thành công trong luận điệu tuyên truyền khi tiếng niệm Bồ Tát Quan Thế Âm lại vang lên, tiếng la lối lại càng xối xả: “Đuổi chúng nó đi, giao chúng nó cho công an bỏ tù. Cút, chúng mày cút xéo hết đi. Một lũ ngu”.
Người đàn ông có hình dáng cao, đầu đội mũ, tham gia chỉ đạo nhiệt tình trong việc đánh đập các thầy. Lần này ông dùng điện thoại di động gọi Taxi và ông nói trưa nay chúng tôi đưa “chúng mày về quê”. Từ Bảo Lộc, thường xe Taxi chạy vào tu viện mất ít nhất hai mươi phút. Nhưng lần này chỉ mất gần mười phút thì xe Taxi xuất hiện hàng loạt, thời gian chính xác là 12h16’. Taxi vào đến nơi, hàng trăm người lao xao chuẩn bị cho kịch bản dàn dựng kế tiếp. Một người đàn ông có bàn chân phải khập khểnh bước đến tuyên bố: “ Tôi là Phật tử địa phương, chùa Bát Nhã. Nay tôi đại diện cho toàn thể Phật tử của chùa, đề nghị các thầy lập tức lên xe”. Lên xe là phải ra đi, nhưng đi là đi đâu? Đây là nhà của chúng tôi, đây là quê hương tâm linh của chúng tôi, ngôi nhà được dựng nên bởi hàng triệu tấm lòng khắp nơi…và nay chúng tôi đang bị truy bức phải ra đi khỏi ngôi nhà của mình! Chúng tôi nhìn qua phía dãy nhà khách chợt thấy bóng dáng ông chủ tịch xã Đambri, đứng xung quanh là nhiều công an mặc thường phục. Huynh đệ tôi kiên quyết không lìa khỏi chỗ ngồi, vậy là họ ùa vào lôi kéo bắt bớ. Anh tài xế Taxi cho xe lùi gần sát nơi chúng tôi đang ngồi, mở tất cả cánh cửa xe, họ cùng nhau quăng các thầy như quăng những con vật, xong liền khóa chặt cánh cửa không cho chúng tôi thoát ra ngoài. Họ xông vào lôi hết người này đến người khác, huynh đệ tôi không kháng cự, không phản ứng, chỉ tìm cách ôm giữ anh em của mình để không bị chở đi. Họ càng giận dữ, cường độ hung bạo trong những con người đang bị vô minh che lấp lên đến cao độ, họ nhào vào đánh đập, dùng chân đạp lên ngực, lên bất cứ nơi nào trên thân thể huynh đệ tôi. Trong cơn hỗn loạn, trong cơn đánh đập bạo tàn, một sư chú nằm im bất động . Mưa gió bụi bẩn nhuộm khắp thân hình em tôi, y áo bị xé nát nằm lăn lóc trên sân. Chúng tôi đồng thanh kêu cứu: “Có người chết, có người chết, cứu người!”. Tiếng kêu của các thầy tiếp tục tan vào hư không, gỗ đá cũng động lòng trắc ẩn, nhưng với nhóm người này vốn đã vô cảm nay lại thêm vô cảm. Đâu là tiếng nói lương tri!

Phap nan Bat Nha danh dong luong tri moi nguoi
http://www.youtube.com/watch?v=kLQLPZwuJU0&feature=player_embedded

Thêm một sư chú nữa bị đánh chảy máu miệng, chú bị lôi, bị xóc nách và bóp cổ. Nhóm người phụ nữ xông vào bóp bộ phận kín của các chú. Niềm đau và tủi nhục bao trùm khắp núi rừng. Thầy Pháp Tụ bị nhóm người phụ nữ và thanh niên tấn công, họ xé rách y của thầy, quăng thầy lên xe như vật dụng hàng hóa. Chúng tôi vẫn không kháng cự, nhiều sư chú đã khóc. Em tôi đã khóc.
Đợt đầu tiên bốn chiếc Taxi lao ra ngoài cổng, anh em của tôi bị đưa đi đâu mà không ai biết trước. Đợt thứ hai bốn chiếc Taxi màu trắng xuất hiện, những người lạ mặt này xông vào bắt thầy Pháp Hội, thầy Pháp Sỹ, thầy Minh Sang, thầy Phong Thuấn, Thầy Pháp Nhàn và một số sư chú khác. Họ cố tâm lôi kéo thầy Pháp Hội và dùng tay bóp cổ thầy. Huynh đệ tôi cố gắng hết sức để dành lại sư anh đang bị họ đánh đập. Bị bóp cổ ngạt thở, phần vì mệt nên thầy Pháp Hội ngất xỉu. Họ quay sang đánh đập và bắt các sư chú lên xe. Xe chuẩn bị lăn bánh, không còn cách nào để giải cứu bảo vệ huynh đệ mình, nên một số thầy và chú lấy thân mình nằm trước bánh xe. Thấy vậy, họ tiếp tục nhào lên đạp vào bụng, vào ngực mặc nhiên đánh đấm. Chúng tôi trở thành những tấm bia bằng xương bằng thịt. Trời đất nghẹn ngào, thế giới chấn động. Dòng suối phía sau lưng vẫn mãi vang tiếng hát:
“Đây Bát Nhã thân yêu,
có những người mang trong trái tim tình thương lớn, mang trong trái tim đại nguyện,
nguyện sống bên nhau, xây cõi Tịnh chốn này”.


Phần 4:
Gối Nhẹ Mây Đầu Núi

Nguồn năng lượng lớn lao tiếp sức cho chúng tôi là sự che chở từ chư Tôn Đức và những ân nhân có mặt khắp nơi. Nếu không được tiếp nhận những nguồn năng lượng thương yêu này, chúng tôi không đủ sức đối diện chịu đựng mọi hiểm nguy đang đến. Lòng từ bi của các thế hệ tổ tiên tâm linh, biểu hiện qua nhiều hình thức, trực tiếp hay gián tiếp, trong mỗi giây phút đều che chở cho chúng tôi.
Nhiều người lên tiếng ngợi ca tán thán, huynh đệ tôi cúi đầu biết ơn nhưng không cảm thấy tự hào vì ý thức rằng chúng tôi là thế hệ cháu con, tất cả những hùng lực mà chúng tôi có được là tiếp nhận từ chư Tôn Đức và tổ tiên tâm linh của mình. Mặc khác, chúng tôi cảm thấy đau thương không chỉ riêng cho hoàn cảnh mình đang đối diện, mà còn đau thương hơn khi nhìn thấy một vết nhơ đầu tiên in đậm trên trang sử Phật Giáo. Niềm đau bởi vết thương này biết đến bao giờ tan biến?

Tu Viện Bát Nhã 12h30’ ngày 27.9.2009
Vậy là qua một giờ các Sư cô xóm Mây Đầu Núi gặp nạn. Chúng tôi cũng bị bao vây nên không biết làm cách nào để có mặt bảo vệ cho những sư chị sư em của mình. Cầu nguyện ai đó đang đập phá chửi mắng, xin trong tâm còn chút từ bi, đừng có hành vi thô thiển xúc phạm nữ giới.
Những gì xảy ra ở Rừng Phương Bối lại xảy ra cho Mây Đầu Núi, chỉ khác một chuyện là các Sư cô chưa bị bắt lên xe trong khi một chiếc xe Bus chạy đến ngừng trước cổng. Cơm vừa nấu xong, dọn lên bàn ăn được vài muỗng thì tin dữ ập đến, chỉ kịp thu xếp y bát, giấy tờ tùy thân, tất cả sư chị sư em vào phòng khóa cửa ngồi xuống niệm Phật. Trưa nay các Sư cô nhịn đói. Khoảng chín thanh niên mặt áo mưa, bịt khẩu trang, tay cầm gậy gộc xông vào tầng dưới la hét hăm dọa: “ Các cô ra mau! các thầy bị đuổi đi hết rồi, không còn ai ở đây nữa đâu!”. Sư chị, sư em tôi vẫn ngồi yên, tiếng niệm Bồ Tát Quan Thế Âm vang cao vút tới mây nhưng tiếng đập phá càng thêm dữ dội. Họ dùng gậy gộc đập nát những khung cửa kính, tất cả vật dụng trong phòng cùng chung số phận. Họ vừa đập, vừa quát: “Chúng mày có ra không thì bảo?”, hết phòng này đến phòng khác, xong tầng dưới tiếp tầng trên, những người thanh niên này có ý thức được họ đang cậy sức mạnh nam nhi để áp chế nữ giới?
Khi đập kính, bàn tay của một số thanh niên bị chảy máu, đáng thương lắm! Thấy vậy, các sư cô đi tới băng bó vết thương cho người vừa đập phá. Vết thương được băng xong, họ tiếp tục lao vào la hét đập phá. Máu trên thân thể huynh đệ chúng tôi đã rướm ra, máu trên hai bàn tay của người đập phá tươm chảy, nỗi đau đớn trên thân thể gần giống nhau nhưng hai nỗi đau ấy lại cách xa: niềm thương, vô cảm.
Bước chân vội vã của những người phụ nữ từ xóm Rừng Phương Bối chạy lên, dồn dập gấp gáp như muốn hoàn tất việc tấn công các sư cô trong thời gian ngắn nhất. Bằng miệng lưỡi, họ chửi mắng, hò hét để uy hiếp tinh thần. Những căn phòng trong Mây Đầu Núi tiếp tục bị đập phá, vài máy vi tính nằm lăn lóc trong tàn phá của cơn bão si mê. Trước sự truy bức đe dọa của hàng loạt người hung bạo, các sư cô bị đánh bật ra sân không kịp lấy hành lý. Vài sư cô đi ngược lên cầu thang vào phòng lấy y áo cũng bị nhóm người này ngăn cản, xô đẩy xuống phía dưới. Một sư cô vào được trong phòng, nhanh nhẹn lấy đồ dùng cần thiết chợt nghe tiếng người đàn ông đang gọi điện thoại bên ngoài: “Chào đồng chí Chánh! Báo cáo đồng chí, chúng tôi đã đuổi được các cô ra ngoài, một số đang thu dọn đồ”. Ông Chánh được xưng hô qua điện thoại có phải là ông Chánh chủ tịch xã Đambri?
Ngoài hiên nhóm người phụ nữ la hét xô đẩy các sư cô ra sân, bên trong các thanh niên đập phá. Văn phòng làm việc bị đập nát máy vi tính, nhúng nước máy in, két sắt cũng biến đi đâu mất. Một số dụng cụ may vá được các sư cô chuyển xuống dưới sân cũng bị những người phụ nữ lấy đi. Họ dồn các sư chị, sư em của chúng tôi ra hết ngoài sân, có người chưa kịp mang theo một thứ gì. Trời mưa lớn, không thể chịu đựng cái lạnh trong cơn mưa dầm nên các sư cô đi vào mái hiên thì họ xông vào xô các cô ra mưa, quăng hết túi xách ra ngoài. Một sư em nữ bị đau chân không đi được nên các sư cô cổng xuống, vậy mà họ cũng xấn tới đập đuổi.
Bao nhiêu bạo hành dồn dập bủa vây, chúng tôi không biết kêu ai, gọi ai để cùng chứng kiến cảnh tượng đầy bất công trong mái chùa thân thương, trong miền Đambri rừng rú. Người ta đành lòng đối xử với chúng tôi bằng những hành động tương đương xã hội thời tiền sử (săn bắt, hái lượm). Và không lẽ chấp nhận cách hành xử này là giải pháp thấu tình đạt lý? Chúng tôi là nạn nhân lạc loài trong một thế giới hết sức xa lạ bất thường.
Thời điểm này tại xóm Rừng Phương Bối, huynh đệ tôi ngồi với nhau thành hình tròn nhưng bị họ cắt chia thành mãnh vụn. Một thanh niên mặt áo ấm màu đen xông vào đánh các thầy tới tấp, ông dùng tay bóp cổ, cùng với số phụ nữ khác lôi các thầy lên xe. Thầy Pháp Nhàn bị một người cao to trong nhóm quăng lên mặt kính trước xe, thầy lăn xuống và bị quăng lên đến mấy lần.
Thầy Pháp Sỹ vừa thoát ra từ những bàn tay hung dữ, chưa kịp ngồi xuống, một thanh niên khác tung nắm đấm vào miệng của thầy nhưng anh kịp dừng tay nên ra đòn nhẹ. Sau đó họ bắt thầy lên xe, khóa chặc cửa trước cho xe chạy. Trên chuyến xe này, ngồi bên cạnh các sư chú là một thanh niên có nét mặt nghiêm nghị lạnh lùng. Các sư chú hỏi anh là ai? Vì sao có mặt cùng lúc với chúng tôi trên xe để làm gì?Anh trả lời là công an thị xã Bảo Lộc. Nói xong, anh ra lệnh cho tài xế quay xe rẽ vào đường tắt tiến ra thị xã. Chú tài xế lưỡng lự không biết phải như thế nào khi biết mình không thể tiếp tay cho việc làm nhẫn tâm, chú cho xe dừng lại, mở cửa cho các thầy thoát ra ngoài. Chú tài xế nói với các thầy: “Con xin các thầy thông cảm, nghe công ty điều hành gọi xe vào đây để chở khách, khi vào đến nơi thì con mới biết các thầy đang gặp nạn, họ lừa con để dùng xe đuổi các thầy đi”. Sư chú hỏi thêm: “Biết vậy sao anh không chạy xe về, còn mở cửa xe để cho họ áp tải?”. Chú tài xế trả lời: “Con quay xe về không được, lúc đó con bị ép vì họ nói đây là chỉ thị của thị xã. Nhưng con thấy lúc đó các thầy có cưỡng lại cũng không được, tình trạng sẽ căng thẳng thêm, con chở các thầy ra ngoài đường để các thầy xuống xe thôi!”.
Từng chiếc Taxi chở huynh đệ tôi chạy ra cách tu viện không xa liền dừng lại cho chúng tôi xuống. Nhưng cũng có một vài Taxi sợ áp lực của công an nên chạy thẳng. Trên đường xuất hiện Cảnh Sát Giao Thông đang làm nhiệm vụ, có mặt rất nhiều thanh niên, họ không cho Taxi dừng lại. Những thầy nào nhảy từ trong xe ra liền bị nhóm thanh niên này nhào tới đánh đập, đạp xuống rãnh nước hai bên đường. Huynh đệ tôi vẫn cố gắng quay trở lại tu viện để bảo vệ nhau dù đang bị người khác rượt đuổi. Khoảng bốn mươi Thầy và sư chú bị xe chở ra ngoài tu viện đang tìm cách về xóm Mây Đầu Núi. Trong xóm Rừng Phương Bối họ vẫn tiếp tục đánh đập khống chế các thầy.
Hơn nữa ngày trôi qua tình trạng bạo hành vẫn chưa được can thiệp, chấm dứt. Mưa suốt cả ngày, thân thể huynh đệ tôi mệt nhoài, đuối sức. Chúng tôi nhìn nhau nhưng không đủ sức nói thêm lời nào. Trong ánh mắt thân thương, chúng tôi hiểu mình phải cố gắng kham nhẫn chịu đựng, dù ai đó nhẫn tâm bức hại thân mạng, dù kiệt sức ngã quỵ thì chấp nhận chết mà không bao giờ oán giận.

- 15h00’, một chiếc xe Toyota màu trắng mười hai chỗ ngồi, biển số xanh, từ hướng xã Đambri chạy về tu viện (phía xa xuất hiện bóng dáng bốn anh công an thôn, tay cầm roi điện, điều khiển hai xe gắn máy chạy thật nhanh như sẵng sàng cơ động truy bắt tội phạm cứu dân lành). Xe chạy ngang qua nơi chúng tôi đứng trú mưa thì dừng lại, trên xe bước xuống một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi. Gương mặt ông khá sáng, tóc hoa râm rẽ mái, tiếng nói sang sảng dứt dạt, thỉnh thoảng lắng dịu ngọt ngào. Nhìn qua chúng tôi biết đây là một cán bộ già dặn, rất chuyên môn trong công tác tuyên truyền. Ông tự giới thiệu: “Tôi là Phó Chủ Tịch Mặt Trận thị xã Bảo Lộc. Tôi hay tin (Phật tử chùa Bát Nhã) đánh đập các thầy nên vào can thiệp kịp thời. Trong số các thầy ai là người đại diện thì mời lên xe ngồi, chúng ta cùng tâm sự!”. Chúng tôi im lặng vì không còn hơi sức đáp lại. Thật may cho mình còn sống để nghe những lời tâm sự rất nghiệp vụ của ông. Đứng hồi lâu thấy chúng tôi không nói năng gì, ông lên xe tiến vào tu viện.
Chúng tôi đứng trú mưa trong mái hiên của căn nhà nhỏ bên đường, nhìn về phía cổng Mây Đầu Núi có các anh công an mặc thường phục đang dầm mưa. Các anh cũng vất vã nhọc nhằn để hoàn thành nhiệm vụ. Trong cuộc sống này, hoàn cảnh nào cũng có những khó khăn riêng. Nếu hiểu được “cái riêng” trong lòng người khác, mình sẽ cảm thông và chuyển hóa được phiền giận đang phát khởi.
Gió lạnh mưa dầm, chúng tôi định vào quán phía bên kia đường mua một hộp bánh ăn lót dạ. Nhưng may sao, một cô gái đi xe gắn máy mang theo nhiều phong bánh chạy tới, cô nói: “Các thầy ăn tạm cho đỡ đói”, xong cô quay xe đi liền như sợ ai đó bắt gặp. Dáng dấp của cô gái này chúng tôi đã nhiều lần gặp khi cô có mặt tại tu viện. Lần đầu tiên là ngày 29.6.2009, cô là một trong những người tiên phong tấn công và chửi bới các thầy, y phục của cô không được kín đáo cho lắm. Khi tấn công lên thiền đường tăng xá nhìn thấy các thầy đắp y chấp nay niệm Phật, cô là người dang rộng cánh tay để ngăn cản lớp người hung dữ lao lên. Sau đó, có lẽ vì quá mệt nên cô ngồi xuống trước cửa lặng lẽ nhìn các thầy. Chúng tôi không hiểu sự thay đổi đột ngột về cách hành xử này, nhưng sự thật là cô đã khóc. Sáng nay cô có mặt trong y phục kính đáo hiền lành. Cô không tham gia tấn công chửi mắng mà chỉ yên lặng với nét buồn. Khi nhóm người lao vào đánh đập các thầy thì cô chạy vào can thiệp, mọi người kéo cô ra xa và cô là người duy nhất có biểu hiện che chở.

- 15h30’ huynh đệ tôi tập trung về xóm Mây Đầu Núi. Các sư cô chuẩn bị hành lý xách tay như sắp bị ai di chuyển đi đâu. Vào tới ni xá, chúng tôi giật mình khi nhìn thấy những căn phòng tan hoang đổ nát như vừa trải qua trận càn quét của quân Nguyên Mông mà lịch sử Việt Nam ghi lại. Dưới bậc thềm, một thanh niên đang ngồi. Tôi nhận ra anh vì sáng nay anh có tham gia lôi kéo chúng tôi. Hỏi anh có mệt không, đói bụng không? Anh trả lời: “ Dạ mệt lắm, đói lắm!”. Chúng tôi đến gặp các sư cô đứng trú mưa dưới mái hiên xin một cái bánh trung thu lên mời anh ăn cho bớt đói, anh không dám nhận nhưng nở nụ cười rất hiền: “Dạ con không sao, để các thầy mang theo đi đường”. Mang theo đi đường? Vậy là tối nay chúng tôi phải rời Bát Nhã thật sao? Đi đâu? Về đâu? Những câu hỏi không thành lời gợi lên trong tâm tư. Chúng tôi ngồi với anh thật lâu, kể những câu chuyện vui vì biết anh đang khổ tâm.
Thầy Pháp Hội cùng một số sư chú từ xóm Rừng Phương Bối đi lên Mây Đầu Núi, sau lưng là nhóm người phụ nữ bám sát đuổi theo. Họ vừa đi vừa chửi, tay cầm gậy gộc. Các thầy vẫn đi trong trầm tĩnh, yên lặng. Còn vài phút nữa thôi những trận cuồng phong bạo tàn đổ ập lên thân thể huynh đệ tôi.
Nhiều người đàn ông, thanh niên, phụ nữ đồng loạt ùa vào tổng tiến công. Chúng tôi biết sau trận này họ sẽ thành công với kịch bản công phu dàn dựng. Lúc này mưa lớn lắm! Họ lao vào xô đẩy kéo hành lý quăng ra sân, đuổi các thầy cô ra đứng dưới mưa. Thầy Pháp Hội bị đánh tới tấp, các sư chú vào can ngăn cũng bị đánh xô đẩy. Nhiều sư chú, sư cô bị đẩy rất mạnh nên trợt chân té xấp mặt xuống tầng cấp. Họ đồng thanh la hét: “Chúng mày đi mau, cút xéo! Đây không phải là chùa chúng mày. Sao mà lỳ thế! Đuổi đầu này chạy đầu kia”. Có người chạy ra sân rút cây hàng rào xông vào đánh lùa, có người nắm khăn chít trên đầu các sư cô kéo giật xuống.
Huynh đệ tôi tiếp tục bị hành hạ, nhiều sư chú bị đập đầu vô tường, nhiều sư cô bị xô ngã trên cầu thang, thầy Pháp Vinh bị người đàn ông cầm gậy rượt đuổi xô té xuống bờ tường… Họ lùa anh chị em tôi ra hết ngoài sân. Người đàn ông có hình dáng cao to luôn điều động thanh niên, phụ nữ, ông ra đứng trước sân dõng dạt tuyên bố: “Xin mời anh chị em ra về. Ngày hôm nay chúng ta thành công. Ngày mai chúng ta tiếp tục vào đây”. Họ kéo nhau đi ra cổng tiến ra đường lớn, nơi có chiếc xe Bus đang đậu.
Tưởng rằng sóng gió đi qua, chúng tôi có ý tưởng trở vào ni xá thu dọn những gì đổ nát, dù biết chắc mình không thể lưu lại nơi này. Tiếng chửi bới ngoài cổng xao lên. Chúng tôi nhìn ra thấy lần này số lượng người tấn công đông hơn, họ mới nhận quân tiếp viện chăng? Nhóm người đó ùa vào bao vây ni xá, la ó, đưa mắt chăm chăm nhìn vào các sư anh lớn. Lúc này là 16h 05’. Một người đàn ông trong nhóm la lên: “Thằng Pháp Hội, thằng Pháp Sĩ, thằng Pháp Tụ là ba thằng cầm đầu. Bà con bắt ba thằng đầu xỏ này đi”.
Bấy giờ họ đồng loạt nhằm vào các sư anh lớn của chúng tôi mà truy bắt. Thầy Pháp Sỹ không trú mưa dưới mái hiên như chúng tôi, thầy ngồi tựa lưng vào ghế đá ngoài sân. Nhìn ra, chúng tôi biết sư anh đang thấm mệt vì đói và lạnh. Tất cả chúng tôi cũng trong tình trạng đó. Nhiều đàn ông xông vào nơi thầy đang ngồi. Biết sư anh mình đang gặp nguy hiểm nên chúng tôi cùng lúc đi ra quay quanh che chắn. Anh chị em tôi đứng gần nhau, vì thế họ xông vào tạt nước dơ lên đầu. Họ lấy nước bùn trong chậu sen tạt lên chúng tôi xối xả. Một thanh niên leo lên tầng một múc nước mưa từ trên dội xuống đầu các sư cô, bên dưới có ngưới cầm cây đánh sư cô Đức Nguyên.
Chúng tôi bị đánh lùi về vườn rau, y áo tay chân nhuộm màu bùn đất. Huynh đệ dồn lại thành một khối, lần này sư anh lớn đứng vào trong để các sư em nhỏ che chắn bên ngoài. Chiều tối dần về, trên trời cao những đám mây trắng tan biến đâu mất, mây đen cuồn cuộn phía xa.

Người viết: Thích Quảng Kim, Thích Tâm Lạc, Thích Tâm Hỷ



No comments:

Post a Comment