Monday, October 26, 2009
TRÁCH NHIỆM của SƯ ÔNG NHẤT HẠNH trong vụ TU VIỆN BÁT NHÃ
Bát Nhã :
Vài suy nghĩ về trách nhiệm của Sư Ông Làng Mai
Hữu Vọng
Đăng ngày 26-10-2009
http://danchimviet.com/articles/1611/1/Bat-Nha--Vai-suy-ngh-v-trach-nhim-ca-S-Ong-Lang-Mai/Page1.html
Trong thời gian qua, người Việt trong và ngoài nước không khỏi bàng hoàng trước những sự đàn áp thô bạo và trắng trợn của nhà nước Việt Nam đối với 400 tăng sĩ theo giáo phái Làng Mai tại tu viện Bát Nhã. Những gì đã xảy ra tại tu viện Bát Nhã quá rõ ràng qua những băng ghi âm của các đài VOA, RFA, RFI ..., với rất nhiều bài báo và hình ảnh được truyền đi trên internet.
Cuối tháng 9.2009 tất cả các tăng sĩ Làng Mai đã bị trục xuất khỏi tu viện Bát Nhã, gần 200 vị qua tỵ nạn tại chùa Phước Huệ, công an bao vây chùa Phước Huệ và làm áp lực không cho các tăng sĩ này tỵ nạn ở đây, vậy nhưng người phát ngôn Phương Nga của nhà nước Việt Nam vẫn trơ trẽn nói rằng đây là chuyện nội bộ giữa Làng Mai và tu viện Bát Nhã!
Tuy nhiên, phải chăng thiền sư Thích Nhất Hạnh không có trách nhiệm nào trong những sự kiện này qua thái độ im lặng kéo dài đến khó hiểu của mình?
Trong bài này, tôi cố gắng phân tích những phát biểu của thiền sư Thích Nhất Hạnh (từ đây xin gọi tắt là thiền sư) và sư cô Chân Không (từ đây xin gọi tắt là sư cô) để tìm hiểu những gì mà hai vị đã nói và không nói để mỗi người quan tâm đến sự kiện Bát Nhã thấy rõ hơn về trách nhiệm của thiền sư đối với những sự kiện này.
***
Việc thượng tọa Đức Nghi và nhà nước Việt Nam muốn trục xuất gần 400 tăng sinh theo giáo phái Làng Mai ra khỏi tu viện Bát Nhã đã bắt đầu từ hơn một năm nay. Mọi người nóng lòng chờ đợi thái độ của thiền sư trong khi gần 400 tăng sinh vẫn tiếp tục chịu trận những hạch sách của công an và các đệ tử khác của thượng tọa Đức Nghi. Những hạch sách này chuyển sang một giai đoạn mới từ ngày 27.06.2009 khi thượng tọa cho cắt điện nước sinh hoạt của 400 tăng sinh Làng Mai. Đến đầu tháng 7 công an cho côn đồ đến đập phá những nơi sinh hoạt của họ.
Hai tuần sau, vào ngày 13.07.2009 lần đầu tiên sư cô Chân Không lên tiếng trên đài Á Châu Tự Do. Đại khái trong cuộc phỏng vấn này sư cô cho rằng nhà nước Việt Nam hiểu lầm thiền sư và giáo phái Làng Mai, cho nên sư cô đã viết thư cho ông Bộ Trưởng Bộ Công An và nhờ sự can thiệp của ông Bộ Trưởng Bộ Công An, sau đó không còn có bạo động nữa. Phải công nhận rằng sư cô đã rất ngoại giao, hoàn toàn không phê phán những hành động của công an địa phương mà chỉ cho rằng có những “cái hiểu lầm rất lớn trong Nhà Nước, nhứt là của cánh tôn giáo chính phủ và công an tôn giáo” đối với những gì mà thiền sư đã nói với chủ tịch Nguyễn Minh Triết vào năm 2007. Những lời giải thích này không thuyết phục được ai vì một năm sau khi gặp và nói chuyện với chủ tịch Nguyễn Minh Triết, thiền sư cùng với một tăng đoàn lên đến hơn một trăm người vẫn được đón rước long trọng về dự lễ Vesak 2008. Vấn đề cốt lõi ở đây là sư cô muốn gởi đến nhà nước Việt Nam một lời nhắn rằng thiền sư và giáo phái Làng Mai không chống đối nhà nước! Tất cả chỉ vì nhà nước hiểu lầm thiền sư và những người tu theo giáo pháp Làng Mai mà thôi!
Một tuần sau, thiền sư đưa lên internet thư gởi các đệ tử của thiền sư ở Bát Nhã, Từ Hiếu và khắp nơi.
Trong thư này thiền sư khen ngợi các đệ tử ở tu viện Bát Nhã đã hành xử đúng đắn trước những hành vi bạo lực của “các anh công an và người lạ”. Thiền sư cũng tiếp tục đưa một lời nhắn tương tự rằng thiền sư và các đệ tử của thiền sư hoàn toàn không tha thiết gì đến vấn đề chính trị. Thiền sư viết:
“Thầy tin rằng có rất nhiều vị sĩ quan công an và nhân viên công an sau nhiều tháng nhiều ngày tiếp xúc với các con qua những buổi xét hỏi giấy tờ, hộ khẩu và qua những lần chứng kiến đe dọa khiêu khích và chửi mắng được liên tiếp tổ chức ở Bát Nhã cũng đã thấy được rằng các con là những người chân tu, những người hoàn toàn không tha thiết gì đến vấn đề chính trị.” (Ngưng trích)
Với những lời nhắn này thiền sư và sư cô hy vọng rằng nhà nước sẽ ngưng việc đàn áp các tăng sinh tại tu viện Bát Nhã và cho phép giáo phái Làng Mai hoạt động trở lại. Nhưng sự thể đã không diễn ra như ý thiền sư và sư cô mong đợi.
Thiền sư viết tiếp: “Hơn ai hết, trong chúng ta ai cũng biết ngay là tự lúc đầu đây không phải là một vụ tranh chấp chùa viện nội bộ, mà là hậu quả của một giả tưởng: họ nói sự có mặt của Bát Nhã có thể là một đe dọa cho an ninh quốc gia, vì những người tu ở Bát Nhã, tức là các con, là những người có ý hướng làm chính trị. (...) Nhưng những diễn tiến của sự việc Bát Nhã đã chứng minh rằng những vẽ vời ấy hoàn toàn sai với sự thật.” (ngưng trích)
Ở đây có nhiều câu hỏi được đặt ra: Thiền sư đã xác định rằng những gì xảy ra ở tu viện Bát Nhã là do chủ trương của nhà nước, tại sao thiền sư không nói chuyện thẳng với những người lãnh đạo của nhà nước Việt Nam như chủ tịch Nguyễn Minh Triết mà thiền sư đã có lần được tiếp kiến, hay những người đứng đầu trong ban tôn giáo chính phủ?
Chẳng lẽ những giọt dầu sôi lửa bỏng (1) dội lên 400 tăng sinh chưa đủ là lý do chính đáng để thiền sư gởi thư cho chủ tịch Nguyễn Minh Triết mà phải đợi cho đến một tháng rưỡi sau thiền sư mới lên tiếng?
Nếu ở thời điểm này thiền sư Thích Nhất Hạnh mạnh dạn, thẳng thắn lên tiếng phản đối nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của dư luận trong và ngoài nước, nhất định tình hình của các vị tăng si trẻ Làng Mai đã không đến nổi bi đát như ngày hôm nay.
***
Sau một thời gian ngắn lắng dịu, vào cuối tháng 9 công an cùng du đãng trắng trợn dùng vũ lực tấn công và trục xuất 400 tăng sinh khỏi tu viện bát Nhã. Khoảng 200 người trong số này đã chạy sang tỵ nạn tại chùa Phước Huệ.
Ngày 30.09.2009 thiền sư cho phổ biến trên trang nhà “Phù Sa” bức thư gởi chủ tịch Nguyễn Minh Triết và hai ngày sau thiền sư lại đưa lên internet “thư gửi các vị nhân sĩ và trí thức trong và ngoài nước”. Khi hai bức thư được phổ biến, dư luận lại sôi nổi với nhiều câu hỏi được đặt ra.
Tại sao đến thời điểm này thiền sư mới lên tiếng? Tại sao thiền sư lại không ký tên Thích Nhất Hạnh mà lại ký tên Nguyễn Lang? Tại sao thiền sư gởi thư đến chủ tịch Nguyễn Minh Triết qua trang web “Phù Sa”? Nội dung hai bức thư có tương ứng với những gì mà Phật tử nói riêng và người dân Việt Nam nói chung mong đợi không? Hai bức thư đó “ẩn chứa nhiều ý nghĩa”, đó là những ý nghĩa gì?
Có lẽ những người lãnh đạo giáo hội Làng Mai cũng nhận thức được những xôn xao trong dư luận với một loạt các câu hỏi như trên nên ngày 05.10.2009 sư cô Chân Không đã trả lời phỏng vấn trên đài VOA .
Câu hỏi 1: Tại sao đến thời điểm này thiền sư mới lên tiếng?
Trả lời của sư cô Chân Không: “Sư ông Làng Mai, tức là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nói rằng phải đi từng bước. Ở trong nước giải quyết trước, giống như truyền thống ở Việt Nam, ở trong nhà bố mẹ không giải quyết được, thì nhờ cô dì. Cô dì lại không giải quyết được, thì nhờ tới hàng xóm, rồi mới nhờ tới người ngoài tức là chính quyền. Chính quyền không được thì mới tới nước ngoài. Thành ra, bây giờ gửi tới cụ Nguyễn Minh Triết xem cụ giải quyết thế nào”. (Ngưng trích)
Thắc mắc nối liền thắc mắc: Câu trả lời của sư cô Chân Không không những không giải thích được gì cả mà lại còn làm dấy lên nhiều câu hỏi khác.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong đoạn trích dẫn phía trên của bức thư gửi các đệ tử ở Bát Nhã, Từ Hiếu, và khắp nơi cũng đã nói rõ rằng việc đàn áp 400 tăng sinh Làng Mai tại tu viện Bát Nhã là chủ trương của chính quyền. Chính sư cô Chân Không trong lần trả lời phỏng vấn của đài RFA ngày 13.07.2009 đã nói: “Về cái chuyện xảy ra ở Bát Nhã, theo tôi nghĩ là cái chuyện đó bắt nguồn từ những cái hiểu lầm rất lớn trong Nhà Nước, nhứt là của cánh tôn giáo chính phủ và công an tôn giáo”. Như vậy nhà cầm quyền Hà Nội là thủ phạm của sự bạo động, là đối tượng để nói chuyện, để đấu tranh chứ không phải là người giúp đỡ.
Ngược lại, khi sư cô nói “Cô dì lại không giải quyết được, thì nhờ tới hàng xóm, rồi mới nhờ tới người ngoài tức là chính quyền” rõ ràng sư cô đã xem chính quyền là người vô can, là người đứng ngoài mà thiền sư và sư cô sẽ nhờ giúp đỡ sau!!!
Thật khó hiểu!
Sư cô nói tiếp: “Chính quyền không được thì mới tới nước ngoài. Thành ra, bây giờ gửi tới cụ Nguyễn Minh Triết xem cụ giải quyết thế nào”, vậy sư cô trả lời như thế nào về việc ngày 13.07.2009 sư cô “cũng có gửi qua Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, tại vì chính quyền Obama có những vị rất thân cận với chính quyền cũng rất là thương Sư Ông” ??? (trích phát biểu của sư cô Chân Không trên RFA ngày 13.07.2009).
Câu hỏi 2: Tại sao thiền sư không ký tên Thích Nhất Hạnh mà ký tên Nguyễn Lang?
Sư cô Chân Không: “Không phải thầy muốn giấu tên. Sở dĩ Thầy ký tên là Nguyễn Lang chứ không phải Thích Nhất Hạnh là vì tên Nguyễn Lang đã được các học giả trong nước từ thời chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho tới chính phủ Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều rất quý vì cuốn ‘Việt Nam phật giáo sử luận’ (do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh biên soạn) đã giải thích rất thâm sâu những bài dạy của các thiền sư trong 20 thế kỷ qua”. (Ngưng trích).
Khi một người nhận được thư, điều đầu tiên người đó muốn biết người gởi là ai. Trong lời phát biểu nói trên, sư cô Chân Không không trả lời câu hỏi ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết có biết giáo sư Nguyễn Lang là ai không, nhưng sư cô chỉ nói đến việc các học giả trong nước đều rất quý giáo sư Nguyễn Lang!!! Vậy khi thiền sư Thích Nhất Hạnh đề gởi “chủ tịch Nguyễn Minh Triết” có thực thiền sư muốn gởi cho chủ tịch Nguyễn Minh Triết hay muốn để cho các người trí thức Việt Nam biết rằng thiền sư đã gởi thư này lên internet?
Nói về người nhận là ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết, không biết ông ta có bao giờ biết rằng trong thư mục những sách đã xuất bản trước 1975 có một cuốn sách nhan đề “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” chứ chưa nói đến việc ông ta đã đọc cuốn sách đó. Việc ông Nguyễn Minh Triết có biết thiền sư Thích Nhất Hạnh là tác giả của cuốn “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” dưới tên Nguyễn Lang hay không lại càng đáng nghi ngờ hơn!
Tôi tưởng tượng ông Nguyễn Minh Triết khi nhận được bức thư, cũng như mọi người khác sẽ xem ai là người gởi, trước khi đọc nội dung. Và khi thấy tên “Nguyễn Lang, tác giả Việt Nam Phật Giáo Sử Luận”, chắc ông ta sẽ nghĩ đây là một trò chơi khăm, đánh đố của một ông giáo sư nào đó!!!
Trên trang web Người Việt, tôi đọc thấy đoạn sau đây trong bài viết của ký giả Thiện Giao: “Một đệ tử của Thiền Sư Nhất Hạnh, yêu cầu không nêu tên, nhận định rằng bút hiệu Nguyễn Lang rất nổi tiếng đối với người Việt Nam, đặc biệt giới trí thức và Phật tử. Và hành động dùng bút hiệu này thay vì danh xưng “Thiền Sư Nhất Hạnh” nổi tiếng quốc tế là cách mà vị thiền sư hơn 80 tuổi “muốn giới hạn hoàn cảnh giải quyết vấn đề Bát Nhã.”
Để biết có thật bút hiệu Nguyễn Lang rất nổi tiếng đối với người Việt Nam, đặc biệt giới trí thức và Phật tử hay không, tôi xin trích dẫn lời của nhà báo Trần Tiến Dũng khi trả lời phỏng vấn của ký giả Đinh Quang Anh Thái cũng được đăng trên trang nhà Người Việt: “Thực sự diễn biến gần đây ở tu viện Bát Nhã đối với những tăng sinh trẻ đó đòi hỏi sự lên tiếng của chính người thầy của họ và chính danh thầy Thích Nhất Hạnh. Ðiều này được nhiều trí thức Sài Gòn chia sẻ với tôi, thí dụ như họa sĩ Trịnh Cung, nhà văn Nguyễn Viện,... và ngay cả những người có tuổi từng sống trước năm 75 ở Sài Gòn họ cũng không biết Nguyễn Lang là ai. Khi biết Nguyễn Lang là một bút danh của Thầy Nhất Hạnh thì họ hoàn toàn bất ngờ.”
Từ những điều bất cập nói trên, tôi tự hỏi không biết cách giải thích của sư cô Chân Không về việc thiền sư Thích Nhất Hạnh sử dụng danh xưng Nguyễn Lang trong thư gởi chủ tịch Nguyễn Minh Triết có phải là một cách nói trớ đi để che đậy những sự thật nào khác hay sư cô quả tình thật sự nghĩ như vậy? Nếu đây chỉ là một cách nói trớ thì những sự thật khác là gì? Còn nếu sư cô quả thực nghĩ như vậy trong khi sự thật không đúng như sư cô nghĩ, theo giáo lý đạo Bụt, liệu sư cô có phạm vào lỗi lầm nào chăng?
Câu hỏi 3: Tại sao thiền sư lại không gởi thư đến chủ tịch Nguyễn Minh Triết theo đường chính thức qua các tòa đại sứ Việt Nam như sư cô Chân Không đã làm vào ngày 13.07.2009 mà lại gởi qua trang mạng Phù Sa?
Chắc hẳn thiền sư đã thấy tính cách bất thường của việc gởi thư cho một vị đứng đầu nhà nước qua một trang web, nên thiền sư đã lấy cớ “Tôi không biết hiện giờ Chủ Tịch đang ở đâu, nên nhờ mạng Phù Sa gửi một bản thư này đến Chủ Tịch”. Lý do này không hợp lý, không chính đáng và không thể chấp nhận được!
Đối với một nhân vật cao cấp tối quan trọng như chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, việc chủ tịch Nguyễn Minh Triết lúc nào ở đâu là bí mật quốc gia, làm sao thiền sư có thể biết được! Đặt giả thiết nếu thiền sư biết chủ tịch Nguyễn Minh Triết đang ở Hà Nội, phải chăng thiền sư sẽ gởi thư đến nhà riêng (hoặc tư dinh) của ông ta hay đến văn phòng phủ chủ tịch? Và bằng bưu điện hay thư tay? Thiền sư là người lãnh đạo một giáo phái, đệ tử của thiền sư đang bị nhà nước sách nhiễu, thiền sư không thể gởi thư cho vị đứng đầu nhà nước một cách bâng quơ qua một trang mạng như vậy được! Chắc thiền sư không nghĩ rằng ông chủ tịch nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa ngày nào cũng lên trang mạng Phù Sa để đọc tin tức! Lại nữa, tại sao thiền sư lại không gởi qua trang mạng chính thức của Làng Mai mà lại gởi qua trang mạng Phù Sa?
Khi sư cô Chân Không gởi thư cho ông Bộ Trưởng Bộ Công An, sư cô đã gởi qua tòa đại sứ, vậy lúc đó sư cô có biết ông Bộ Trưởng Bộ Công An ở đâu không? Còn thiền sư gởi thư cho ông chủ tịch nước mà lại gởi qua trang web “Phù Sa”, thử hỏi việc làm đó có nghiêm túc không? Việc gởi đơn không nghiêm túc, thử hỏi người nhận đơn có thể xét đơn một cách nghiêm túc không?
Câu hỏi 4 về bức thư thiền sư gởi chủ tịch Nguyễn Minh Triết.
Bức thư rất ngắn gọn, chỉ có 227 chữ! Nhiều người khi đọc hai bức thư của thiền sư cho rằng trong đó chứa đựng nhiều ẩn nghĩa. Tôi đồng ý về điều đó và hiểu rằng giáo sư văn chương Nguyễn Lang là bậc thầy trong bút pháp “ngôn tại, ý ngoại”, vì vậy tôi cố tìm hiểu những ẫn nghĩa đó.
Về “ngôn tại” có thể tóm tắt thư của thiền sư gởi chủ tịch Nguyễn Minh Triết như sau: “Trước đây, trong Cách Mạng chống Pháp, các sư thầy sư cô Phật giáo đã giúp cho cách mạng, bây giờ chính quyền không nên đàn áp 400 tăng sinh Phật giáo Làng Mai.”
Tại sao lại phải nhắc đến công lao của các thầy, các sư cô Phật giáo trong thời kháng chiến chống Pháp như là một lý do để đòi hỏi nhà cầm quyền ngưng đàn áp 400 tăng sinh Làng Mai? (Trong khi đó đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ công nhận công lao của Phật giáo trong cuộc kháng chiến chống Pháp nổi bật hơn các thành phần xã hội khác!) Hay đó chỉ là “ngôn tại” để gợi đến một “ý ngoại” là “công” của thiền sư đã giúp cho Việt Nam thoát khỏi danh sách những nước đặc biệt quan tâm về tôn giáo (Countries of Particular Concern) gọi tắt là CPC?
Hơn nữa, có thực sự cần thiết và có nên nêu công của các sư thầy, sư cô Phật giáo trong kháng chiến chống Pháp (hay/và công của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC) như là lý do để đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam ngưng đàn áp các tăng sinh Làng Mai? Chẳng lẽ tự do tu tập theo một giáo phái nào là chuyện “có đi – có lại” giữa giáo phái đó với nhà cầm quyền Việt Nam hay sao?
Quyền tự do tôn giáo là quyền hiến định và Việt Nam đã cam kết với quốc tế rằng Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo.Tại sao thiền sư lại tránh né và không nói thẳng với nhà cầm quyền Việt Nam rằng họ đã vi phạm quyền tự do tôn giáo và căn cứ vào đó kêu gọi họ ngưng đàn áp 400 tăng sinh ở tu viện Bát Nhã? Chẳng lẽ nói thẳng như vậy là không “ái ngữ”? Tôi nhớ thiền sư có một bài thơ rất nổi tiếng nhan đề “Xin gọi đúng tên tôi” kia mà!
Câu hỏi 5 về bức thư thiền sư kính gửi các vị nhân sĩ và trí thức trong và ngoài nước.
Mở đầu bức thư, thiền sư viết: “Tôi kính xin liệt vị kịp thời lên tiếng để che chở cho 400 người trẻ đang bị bao vây và đàn áp tại chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc” (ngưng trích).
Đây quả là một sự ngược đời! Nhiều nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước đã lên tiếng từ lâu rồi! Họ không chờ đến khi thiền sư kêu gọi mới lên tiếng! Không những thế, dư luận quần chúng Phật tử và không phải Phật tử rất xôn xao khi thấy thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn giữ im lặng một cách khó hiểu trong khi các hãng thông tấn quốc tế đã dồn dập đưa tin về vụ đàn áp tại tu viện Bát Nhã. Thư của thiền sư gởi chủ tịch Nguyễn Minh Triết được đưa lên trên internet sau khi một số tăng ni trẻ tỉnh Lâm Đồng không thuộc nhóm tăng sinh Làng Mai công bố Huyết Thư gởi các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh Lâm Đồng và thị xã Bảo Lộc. Chính sự im lặng kéo dài của thiền sư đã làm cho nhiều người, nhiều tổ chức không thể lên tiếng bênh vực cho các tăng sĩ trẻ ở tu viện Bát Nhã .
Tóm lại, bức thư thiền sư Thích Nhất Hạnh gởi các vị nhân sĩ và trí thức trong và ngoài nước không có tác dụng nào khác hơn là tác dụng tiếp thị với lời nhắn “có tôi đây! tôi đã lên tiếng!”
***
Do có quá nhiều mâu thuẫn trong lời tuyên bố của sư cô Chân Không cùng với sự im lặng kéo dài và cách hành xử có vẻ bất thường của thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhiều người quan tâm đến những gì xảy ra tại tu viện Bát Nhã đều đặt câu hỏi: còn có gì nữa đằng sau những sự kiện nói trên? Mặc dù còn có nhiều ẩn nghĩa chưa hiểu hết được trong những lời phát biểu và cả trong sự im lặng bên sau những sự kiện chằng chịt, phức tạp liên quan đến tu viện Bát Nhã và 400 tăng sinh Làng Mai, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của thiền sư trong thư gởi cho các đệ tử ngày 20.7.2009 rằng “những khó khăn xảy ra cho Bát Nhã ... đã mở mắt được cho biết bao nhiêu người. Sự Thật nhờ những khó khăn ấy mà được bung ra từ từ”.
Qua những sự kiện này, có thể thấy rõ hơn về chính sách tôn giáo của nhà nước Việt Nam qua cách họ sử dụng du đảng côn đồ để trấn áp những người mà họ không thích. Nhờ vậy tôi hiểu rõ hơn về 400 tăng sinh Làng Mai ở tu viện Bát Nhã mà cách đây khoảng hai năm tôi đã hân hạnh gặp được vài người trong số họ với ấn tượng tốt đẹp. Tôi thực sự vô cùng ngưỡng mộ cách hành sử đúng đắn và đầy bản lãnh của các vị tăng sĩ trẻ tuổi này trước những hành vi thô bạo của công an nhà nước Việt Nam.
Đối với thiền sư Thích Nhất Hạnh và sư cô Chân Không, tôi tự nhủ giờ đây nếu phóng viên các hãng thông tấn quốc tế phỏng vấn các vị và đặt câu hỏi Việt Nam có tự do tôn giáo hay không, không biết thiền sư và sư cô sẽ trả lời như thế nào?
Chính sự sợ hãi không dám trực diện đương đầu với nhà nước cộng sản Việt Nam ngụy trang bằng chiêu bài “từ bi”, “cộng sản cũng có Phật tính”, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã để mặc cho 400 tăng sinh trẻ tuổi chưa từng va chạm với đời tự đương đầu với quỷ dữ công an, côn đồ, du đãng, làm cho nhà cầm quyền Hà Nội mạnh tay hơn, đưa đến tình trạng tan tác thảm hại của các vị tăng sĩ trẻ như ngày hôm nay.
Hy vọng rằng với những phân tích này, mọi người sẽ có cái nhìn rõ hơn về trách nhiệm của thiền sư về những gì xảy ra tại tu viện Bát Nhã.
Tôi xin mượn hai câu cuối của bài thơ rất nổi tiếng của thiền sư Thích Nhất Hạnh được Hoàng Quốc Bảo phổ nhạc “Xin gọi đúng tên tôi làm lời kết của bài viết này:Khi gọi tôi hãy gọi đúng tên tôi. Gọi tên tôi cho tôi giật mình tỉnh thức!
2009-10-23
© Đàn Chim Việt Online
------------------------------------
(1)dầu sôi lửa bỏng là chữ của thiền sư Thích Nhất Hạnh dùng trong lá thư này – ghi chú của tác giảTài liệu tham khảo:
Vụ Bát Nhã: Thiền sư Nhất Hạnh đã đề nghị những gì?
Ngồi yên như núi
LUÂN THƯỜNG ĐẠO LÝ
http://phusaonline.free.fr/PhatHoc/TinTuc/TDTS_6/218_Luanthuong.htm
http://phusaonline.free.fr/PhatHoc/TinTuc/TDTS_6/220_Canhtaychecho.htm
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-10-05-voa39.cfm
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/current-violent-incident-at-BatNha-temple-part2-TGiao-07172009162522.html?searchterm=None
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/current-violent-incident-at-BatNha-temple-part2-TGiao-07172009162522.html?searchterm=None
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Current-violent-incident-at-BatNha-temple-part1-Tgiao-07132009110131.html
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=102149&z=2
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=102389&z=1
http://www.sbtn.net/default.aspx?LangID=38&tabId=193&ArticleID=42269
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=10238
------------------------------------------
LẬP TRƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC CSVN về vụ BÁT NHÃ :
Sự thật về Tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc)
08:45:00 19/10/2009
http://www.cand.com.vn/vi-VN/binhluan/2009/10/121136.cand
Giải quyết “sự việc Bát Nhã” là trách nhiệm của Tu viện và Pháp môn Làng Mai
10:27:00 21/10/2009
http://www.cand.com.vn/vi-VN/binhluan/2009/10/121237.cand
Thêm những thông tin về sự việc ở Tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc - Lâm Đồng)
15:08:00 24/10/2009
http://www.cand.com.vn/vi-VN/binhluan/2009/10/121408.cand
No comments:
Post a Comment