Saturday, October 31, 2009

THÁI ĐỘ BẤT NHẤT của VIỆT NAM qua 2 VỤ CÔNG DÂN BỊ ĐÁNH

Thái độ bất nhất của Bộ Ngoại giao VN qua 2 vụ công dân bị đánh
Ngọc Khánh
31-10-2009
http://danchimviet.com/articles/1630/1/Thai--bt-nht-ca-B-Ngoi-giao-VN-qua-2-v-cong-dan-b-anh/Page1.html
Tuần rồi, nhiều tờ báo từ Mỹ tới Việt Nam dồn dập đưa tin bài và hình ảnh liên quan tới việc cảnh sát ở thành phố San Jose đánh đập một du sinh tên Hồ Phương. Bắt đầu từ một video clip quay bằng điện thoại di động được công bố hôm 24/10 cho thấy 4 cảnh sát đã dùng dùi cui đánh Hồ Phương ngay cả khi sinh viên này không chống cự.
Theo tường thuật, cảnh sát đã can thiệp sau khi nhận được điện thoại từ người bạn cùng phòng với Phương cho biết anh ta bị đe dọa. Mâu thuẫn xảy khi làm bếp và tiện có con dao trong tay, Phương đã nói đại ý rằng, nếu ở Việt Nam, tôi có thể giết ông rồi. Với Phương, đó chỉ là câu nói đùa nhưng với người bạn kia lại là lời đe dọa.
Ngay sau khi cuốn băng được công bố, 4 cảnh sát bị cho là có liên quan đã bị tạm đình chỉ công việc để điều tra. Cộng đồng người Việt tại California cũng mạnh mẽ lên án hành động của nhóm cảnh sát trên.

Rất nhanh, 3 ngày sau, ngày 27/10, chính phủ Việt Nam thông qua người phát ngôn bộ Ngoại giao, Nguyễn Phương Nga đã lên tiếng
phản đối. Bà Nga nói "Hành động sử dụng bạo lực và lạm dụng quyền lực của cảnh sát là không thể chấp nhận được và cần phải bị xử lý nghiêm".
Bà cũng cho hay thêm, "Bộ Ngoại giao đã chính thức chỉ đạo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco xác minh rõ vụ việc và tiến hành các biện pháp bảo hộ lãnh sự cần thiết cho công dân Hồ Phương".

Nếu chỉ nhìn riêng lẻ sự việc, sẽ thấy nhà nước VN cũng nhanh nhậy, năng nổ, mạnh mẽ trong việc bảo vệ công dân nước mình dù rằng chính quyền thành phố San Jose đã vào cuộc điều tra. Ai dám bảo Việt Nam không quan tâm bảo vệ công dân nước mình?
Nhưng nhà nước Việt Nam nói chung và cá nhân bà Phương Nga nói riêng đã không có được sự phản ứng tức thời, sắc bén như thế trong một sự việc khác xảy ra hồi cuối tháng 9, khi 200 ngư dân Việt Nam bị đánh đập dã man và cướp bóc tài sản trong lúc họ tránh cơn bão dữ trên vùng biển đảo mà Việt Nam vốn tuyên bố chủ quyền.

Theo lời kể của những ngư dân thoát nạn trở về, tầu cá của họ sau 2, 3 ngày lênh đênh trên biển vì bão đã buộc phải dạt vào gần quần đảo Hoàng Sa để lánh nạn. Ở đây, họ đã được những người "vừa là đồng chí, vừa là anh em" đón tiếp bằng cơn bão đạn từ những chiếc tầu hải quân Trung Quốc. Khi tầu Việt Nam "treo cờ trắng thì họ không bắn nữa", nhân chứng cho biết.
Trở về Việt Nam, những ngư dân dạn dầy sương gió với hàng chục năm đi biển này vẫn chưa hết kinh hoàng khi mô tả việc bị cướp bóc và đánh đập hết sức dã man.
"Cuộc bố ráp, cướp bóc, đánh đập tàn nhẫn các ngư dân trên 17 tàu của bà con xã An Hải đảo Lý Sơn và Bình Châu, Bình Sơn Quảng Ngãi diễn ra từng chiếc tàu một. Xong tàu này, chúng nhảy ngay sang các tàu khác". - VietNamNet.
Ông Lưu, một nhân chứng cho biết: “Hơn 30 phút đánh đấm trên tàu, khi 13 thuyền viên trên tàu mặt đầm đìa máu và ngã gục vì ngất, cuối cùng đám lính cũng bỏ đi, nhưng không quên đập phá những gì có thể và cướp tất cả đồ đạc, trừ chiếc la bàn gắn trên cabin, vì nó không có giá trị…”
Những kẻ cướp mặc quân phục hải quân Trung Quốc này đấm đá bất kể ai mà chúng muốn, kể cả một em 15 tuổi theo cha ra khơi đánh cá và cướp bóc mọi thứ có thể, từ những đồng bạc lẻ của ngư dân tới điện thoại di động, máy móc trên tầu.
Một nhân chứng khác kể: "bằng những họng súng đen ngòm, bằng dao, búa, xà beng và cướp tất cả những gì trên tàu có thể cướp được. Đập phá tất cả những gì chúng nhìn thấy, từ máy móc, thực phẩm, thùng chứa nước ngọt đều bị băm thủng, đập bể".
Theo ước tính, thiệt hại về vật chất mỗi tầu khoảng 80 triệu đồng.
Báo đài từ địa phương tới trung ương đều cập nhật khá nhanh chóng những thông tin này, kèm theo lời kể là hình ảnh các nhân chứng. Nhiều tờ báo không còn úp úp mở mở với từ "tầu lạ" mà còn đưa rõ số hiệu của tầu hải quân Trung Quốc.

Sự việc hết sức nghiêm trọng, nhân chứng, tang chứng rành rành như vậy, gây thiệt hại về sức khỏe cũng như tài sản của 200 con người. Vậy mà, gần 1 tháng sau, mới thấy bà Phương Nga lên tiếng
phản đối phía Trung Quốc.

Cũng không ai rõ công hàm mà phía Việt Nam trao cho Trung Quốc nói những gì trong đó, nhưng thời gian mà những nạn nhân phải chờ đợi sự bảo vệ (dù bằng lời nói) của bà Phương Nga cho thấy chính quyền đã khá lúng túng trong việc phản ứng với phía Trung Quốc.

Trung Quốc và Mỹ cùng là những nước lớn và đang có quan hệ ngoại giao khá tốt với Việt Nam, cùng là những đối tác thương mại quan trọng. Trong hai sự việc, một bên là 1 sinh viên bị đánh, một bên là 200 ngư dân bị đánh, cướp tài sản nhưng phản ứng của Việt Nam làm những người quan tâm tới thời cuộc ắt phải suy nghĩ, đặt dấu hỏi.

Và luồng ý kiến cho rằng chính phủ quá nhún nhường, khiếp nhược trước đám quan thầy Trung Quốc lại một lần nữa tỏ ra có lý.

© Đàn Chim Việt Online



No comments:

Post a Comment