Friday, October 23, 2009

TÁCH BIỆT NHÀ THỜ và NHÀ NƯỚC


Khái niệm "Tách biệt Nhà Thờ và Nhà Nước" có nghĩa là gì?
Austin Cline
Theo About.com

Tqvn2004 chuyển ngữ
Thứ Sáu, 23/10/2009
http://danluan.org/node/3014

Sự tách biệt Nhà Thờ và Nhà Nước là một phần của thể chế ĐA NGUYÊN. Nó ngăn cản việc trao quyền điều hành nhà nước vào tay một tôn giáo, cho phép tôn giáo đó kỳ thị hoặc đàn áp những người vô thần hoặc thuộc tôn giáo khác. Và ngược lại, nó không cho phép Nhà Nước can thiệp vào tự do tín ngưỡng của người dân. Cùng với đa đảng, tách nhà thờ khỏi nhà nước cho phép nhà nước thực sự là đại diện của một cộng đồng đa tôn giáo, đa sắc tộc và đa lợi ích...

Khái niệm "tách biệt Nhà Thờ và Nhà Nước" là gì? Đó là một câu hỏi hay - sự tách biệt Nhà Nước và Nhà Thờ có lẽ là một trong những khái niệm bị hiểu sai, diễn dịch sai và bị vu khống nhiều nhất trong những cuộc tranh luận chính trị, luật pháp và tôn giáo ngày hôm nay. Tuy mỗi người đều có quyền riêng của mình khi lựa chọn một phe nào đó để ủng hộ, nhưng thật không may, rất nhiều người đã lựa chọn sai vì họ đã được cung cấp thông tin sai lệch một cách đáng thương hại.

Chúng ta phải tìm hiểu khái niệm "tách biệt Nhà Thờ và Nhà Nước" không chỉ vì nó hay bị hiểu sai, mà còn bởi nó đặc biệt quan trọng. Đây có lẽ là một trong số ít điều mà cả hai bên tranh luận có thể dễ dàng đồng thuận với nhau - dù lý lẽ để họ đồng ý có thể khác nhau, nhưng tất cả đều tin rằng "tách biệt Nhà Thờ và Nhà Nước" là một trong những nguyên tắc hiến pháp cơ bản của lịch sử Hoa Kỳ.

Hiểu rõ khái niệm "tách biệt Nhà Thờ và Nhà Nước" là việc làm khó khăn, bởi vì chúng ta đã sử dụng một câu văn đã được đơn giản hóa quá nhiều. Trên đời, xét cho cùng, không có một "Nhà Thờ" duy nhất. Có rất nhiều tổ chức tôn giáo trên khắp nước Mỹ với nhiều tên gọi - nhà thờ, giáo đường Do Thái, chùa, đền thờ v.v... Và có hàng loạt các cơ sở không lấy tên "nhà thờ", nhưng thực chất được điều hành bởi các tổ chức tôn giáo - ví dụ, bệnh viện Công Giáo.

Cũng tương tự, không có một "Nhà Nước" duy nhất. Thay vào đó, chúng ta có nhiều mức độ chính quyền, từ Liên Bang, tiểu bang, vùng, và địa phương. Và cũng có rất nhiều kiểu tổ chức chính phủ - phòng, ban, sở v.v... Tất cả những thứ đó đều có những mức độ liên quan khác nhau và quan hệ khác nhau tới những tổ chức tôn giáo kể trên.

Đây là luận điểm quan trọng, bởi nó nhấn mạnh tới thực tế là, khi đề cập đến "tách biệt Nhà Thờ và Nhà Nước", chúng ta không nói về một nhà thờ và một nhà nước nào đó theo nghĩa đen. Nhà Thờ và Nhà Nước ở đây là một phép ẩn dụ, để ám chỉ một cái gì đó lớn hơn nhiều. "Nhà Thờ" phải được hiểu như là bất kỳ tổ chức tôn giáo nào với những học thuyết hay giáo lý của riêng nó, và "Nhà Nước" phải được hiểu là mọi cơ quan, tổ chức hay sự kiện do chính quyền quản lý và tổ chức.

Như thế, một định nghĩa chính xác hơn cho khái niệm "tách biệt Nhà Thờ và Nhà Nước" có thể như sau: "sự tách biệt của tôn giáo có tổ chức và quyền lực quản lý dân sự", bởi quyền lực tôn giáo và quyền lực dân sự không và không nên trao cho cùng một người hay một tổ chức. Trên thực tiễn, điều này có nghĩa là các tổ chức quản lý dân sự (hay nhà nước) không có quyền ra lệnh hay kiểm soát các tổ chức tôn giáo. Nhà nước không thể yêu cầu các tổ chức tôn giáo thuyết giáo về vấn đề cụ thể nào, thuyết giáo như thế nào và khi nào. Các tổ chức quản lý dân sự cần thực thi chính sách "thả lỏng tay", không nên giúp đỡ cũng như ngăn cản tôn giáo.

Tách biệt Nhà Thờ và Nhà Nước mang tính hai chiều. Nó không chỉ hạn chế những việc mà chính quyền có thể làm với tôn giáo; nó cũng hạn chế tôn giáo can thiệp vào chính quyền. Các nhóm và tổ chức tôn giáo không được ra lệnh hay kiểm soát chính quyền. Họ không có quyền bắt chính quyền phải thừa nhận học thuyết của họ như một chính sách áp dụng cho tất cả mọi người, và họ không có quyền bắt chính quyền phải hạn chế các nhóm dân sự khác v.v...

Mối đe dọa lớn nhất tới tự do tôn giáo không phải là chính quyền - hoặc chí ít là, chính quyền không hành động [cản trở tự do tôn giáo] một mình. Chúng ta hiếm khi gặp tình huống mà các quan chức chính quyền vô thần lại đàn áp một tôn giáo cụ thể, hoặc tất cả tôn giáo nói chung. Thường là có một tổ chức tôn giáo nào đó đứng phía sau, hành động thông qua chính quyền, để đưa các học thuyết và niềm tin của họ vào trong luật pháp và chính sách.

Như thế, sự tách biệt Nhà Thờ và Nhà Nước đảm bảo rằng các công dân của nước đó, khi đứng trong vai trò quan chức chính phủ, không được đem những niềm tin tôn giáo cá nhân của mình ra để áp đặt cho người khác. Giáo viên không được quảng bá tôn giáo của bản thân cho con cái của người khác. Cán bộ địa phương không phải có một niềm tin tôn giáo nhất định thì mới được nhận vào làm trong cơ quan nhà nước. Các lãnh đạo chính quyền không được phép làm cho thành viên của các tổ chức tôn giáo khác cảm thấy họ không được chào đón, hoặc như những công dân hạng hai, thông qua việc sử dụng vị thế của mình để quảng bá cho một niềm tin tôn giáo nhất định.

Điều này đòi hỏi sự tự kiềm chế mang tính đạo đức từ các quan chức chính phủ, và thậm chí ở mức độ nào đó ở các các công dân - một sự tự kiềm cần thiết cho một xã hội đa nguyên tôn giáo tồn tại mà không nổ ra các cuộc nội chiến liên quan đến tôn giáo. Nó đảm bảo chính quyền mãi mãi là chính quyền của mọi người dân, chứ không phải chính quyền của một giáo phái hoặc một tôn giáo truyền thống. Nó đảm bảo rằng sự phân tranh chính trị không bị lôi kéo và biến thành phân tranh tôn giáo, trong đó Tin Lành "chiến đấu" với Công Giáo hay Thiên Chúa Giáo "chiến đấu" với Hồi Giáo để dành giật "thị phần".

Sự tách biệt giữa Nhà Thờ và Nhà Nước là một quyền tự do trong hiến pháp quan trọng để bảo vệ công chúng Hoa Kỳ khỏi nạn độc tài. Nó bảo vệ tất cả mọi người khỏi độc tài tôn giáo của bất kỳ nhóm tôn giáo hay truyền thống tôn giáo nào, và nó bảo vệ tất cả mọi người khỏi ý định của chính quyền muốn hành hạ một vài nhóm tôn giáo nào đó trong xã hội.



No comments:

Post a Comment