Saturday, October 3, 2009
SỰ PHẢN ĐỐI của GIAI CẤP TRUNG LƯU TRUNG QUỐC
Phản đối của giai cấp trung lưu Trung Quốc
Jeffrey N. Wasserstroom
Nguyễn Ước dịch
Đăng ngày 03/10/2009 lúc 01:54:43 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4185
Đề tài: Mô hình Trung Quốc :
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
Năm 2008, nhiều biến cố xảy ra tại Trung Quốc (TQ) đã thành tin tức hàng đầu trong truyền thông quốc tế, nhờ có sự đề cập dài ngày tới Thế vận hội Bắc Kinh lẫn các sự cố đột xuất như vụ động đất lớn lao ngày 12 tháng Năm tại tỉnh Tứ Xuyên.
Tin tức từ TQ tường thuật một cấp độ rộng rãi những vụ phản đối kịch liệt liên quan tới người dân, như cuộc đình công của tài xế tắc-xi, những người cảm thấy thất vọng bởi đang sống trong một khu vực xã hội hay thuộc về một nhóm xã hội bị bỏ lại đằng sau. Các vụ khác tiếp tục nói lên sự bất mãn của dân chúng đang nổi giận vì hạnh kiểm xấu của viên chức chính quyền, như vụ các bậc phụ huynh đau khổ ở Tứ Xuyên. Họ cáo buộc các thông đồng bí mật giữa những nhà xây cất mờ ám với cán bộ của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (ÐCSTQ), và họ lên án tỉnh nhà về những ngôi trường quá èo uột – và vì thế khiến cho con em của họ bị chết nhiều hơn số lượng chỉ đáng phải có do vụ động đất gây ra.
Vẫn còn diễn ra những vụ phản đối khác vì người ta cảm thấy TQ đang bị các nước khác quấy rối. Những người biểu tình tập hợp bên ngoài các chi nhánh của hệ thống siêu thị Pháp Carrefour tại TQ sau khi một phụ nữ TQ bị những người ủng hộ Tây Tạng tự do đối xử thô bạo trong chặng rước đuốc Olympic ngang qua Paris. Trong số những bất mãn đang phô bày đó là có một phần là tâm trạng bối rối lo ngại về định hướng tổng quát mà xứ sở của họ như một toàn bộ đang đi tới. Thí dụ tại Tây Tạng, các thanh niên người Tây Tạng nổi loạn vào Tháng Ba, chống lại những phần tử của các nhóm sắc tộc khác.
Thế nhưng trong cái năm mà TQ nhận được số lượng lớn sự chú ý của thế giới ấy, cả hoan nghênh lẫn không hoan nghênh, thì chính cuộc phản đối trước tiên, chiếm tin tức hàng đầu nhất, lại hoàn toàn khác với những vụ phản đối vừa được mô tả ở trên.
Ðó là cuộc tập hợp tại trung tâm thành phố Thượng Hải của những cư dân thành đạt, có tiền bạc, đang ở trong tình cảnh may mắn, yêu cầu ngưng kế hoạch kéo dài vào địa hạt của họ tuyến đường sắt chạy trên đệm từ trường, thuộc loại biểu tượng đệ nhất thế giới (còn gọi là “Maglev”) mà trước đó chỉ mới chạy qua khu vực biệt lập ở bên Ðông Thượng Hải.
Ở đây, có vài điểm chủ chốt cần ghi nhớ về cuộc phản đối này, dẫu nó không phải là sự cố có kịch tính nhất năm 2008, nhưng dù sao nó vẫn lôi cuốn sự chú ý của chúng ta tới cái gì đó có ý nghĩa về TQ ngày nay:
1. Những người tham dự sự cố đó không phải là người dân bị sự bùng nổ kinh tế bỏ lại đằng sau; họ là những phần tử của cái có thể được gọi là “giai cấp trung lưu mới”, dù việc sử dụng thuật ngữ này ở đây chỉ có tính lỏng lẻo. Nghĩa là họ không thuộc phần của giới ưu tuyển thành thị (the urban elite) đang làm nên giới nhà giàu mới phất (nouveau riche) và những kẻ có địa vị trong chính quyền hoặc có những móc nối cao cấp trong ÐCSTQ (thường cũng là những người ăn khớp với cả hai hạng mục ưu quyền ấy); họ cũng không thuộc về hàng ngũ của những người thiếu lợi thế (dân nhập cư mới đây từ thôn quê lên, các công nhân bị sa thải hoặc những người khác đang phấn đấu để vượt qua).
2. Khi những người tham gia cuộc phản đối này tập trung bên ngoài toà nhà chính phủ, họ không nói lên lời xúc phạm một viên chức rõ rệt nào hoặc phàn nàn về những phát triển tổng quát. Họ đơn giản chỉ thỉnh cầu rằng họ nên được tham khảo đầy đủ hơn về dự án sẽ tác động mạnh mẽ và sâu xa lên cuộc sống của họ. Ho lo lắng rằng tiếng động của tuyến xe lửa mới ấy có thể sẽ làm hại sức khỏe của gia đình họ (người ta đã có nói tới sự bức xạ liên quan tới Maglev); làm xáo trộn sự yên ổn và tĩnh lặng của họ; và làm giảm giá trị bất động sản trong khu phố đó với số lượng không nhỏ chủ nhân các căn hộ mới tinh.
3. Các cuộc phản đối ấy nói chung không mang tính đối đầu. Ðặc tính ấy được nhấn mạnh bởi những người tham dự khi họ đề cập tới hành động của mình không như thể “tuần hành” mà là “tản bộ”, hoặc thậm chí đi mua sắm (shopping) ở đường Nam Kinh (đường phố tọa lạc các tòa nhà chính phủ và cũng nổi tiếng với các cửa hàng bách hoá).
4. Dù những cuộc phản đối chống lại Maglev mang các chiều kích cá biệt của Thượng Hải, chúng cũng thuộc một kiểu mẫu rộng lớn hơn. Chúng theo gót những cuộc phản đối xảy ra giữa năm 2007 tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, nhằm tạo sức ép cho đòi hỏi dời địa điểm xây cất một xí nghiệp hoá chất. Tuy ở vùng duyên hải cách Thượng Hải mấy trăm dặm, các cuộc biểu tình ở Hạ Môn cũng thuộc phần những cuộc tranh đấu có tính chuyên biệt khu phố (a neighborhood-specific struggle), được phát động bởi các phần tử giai cấp trung lưu thành thị, một giai tầng xã hội không chỉ tương đối có đặc quyền mà còn một cách khác thường, sử dụng thành thạo các công nghệ truyền thông mới, thí dụ gởi text message (lời nhắn bằng văn bản). Theo bước cuộc “tản bộ” Thượng Hải (một thuật ngữ hẳn sẽ nổi tiếng) tới những sự khích động quần chúng tương tự tại thành phố phía tây Thành Ðô và tại Bắc Kinh không lâu sau khi Thế vận hội kết thúc. Sức mạnh lèo lái trong cả hai trường hợp này là quan tâm tới ô nhiễm môi sinh.
Những cuộc phản đối giống như thế – đôi khi người ta gọi chúng là những cuộc tranh đấu NIMBY (“not in my backyard”: không được ở sân sau nhà tôi) – cộng thêm những chiều kích đáng chú ý vào thế giới sinh hoạt chính trị đầy cãi cọ đã phức tạp sẵn của TQ ngày nay. Nhưng về mặt tổng thể, chúng có ý nghĩa gì? Hiện tượng ấy chỉ vừa mới xảy ra quá gần nên chúng ta khó có thể rút ra kết luận nào xa hơn, nhưng có thể không quá sớm cho việc nhận diện một con đường thông giải khả thi mà dường như tốt nhất là nên tránh vì nó có thể đưa tới ngõ cụt, và một con đường khác dường như nhiều hứa hẹn hơn.
Con đường theo và con đường tránh
Tôi lo lắng việc một số người quan sát nước ngoài khi suy nghĩ về những cuộc phản đối của giai cấp trung lưu TQ, đặc biệt khi nhìn vào những vụ sẽ xảy ra nhiều hơn và rộng rãi hơn trong các năm sắp tới, sẽ vội vã đi tới một kết luận sai lầm rằng chúng báo hiệu việc sắp sửa đi tới một loại chuyển tiếp dân chủ, cái rất thường được dự báo cho TQ kể từ thập niên 1980.
Hai mươi năm trước tại Bắc Kinh, khi những người phản đối xuống đường, với sự sụp đổ của nhà độc tài Ferdinand Marcos ở Philippines còn tươi mới trong nhiều tâm trí, một số người nghĩ rằng ÐCSTQ sẽ lung lay rồi sụp đổ bởi cái gì đó giống với “sức mạnh nhân dân” đang lên ở Manila. Kế đó, sau khi Công đoàn Ðoàn kết thắng các cuộc tuyển cử tại Ba Lan và hệ thống Xô-viết tách thành từng phần, một số người bên ngoài dự báo rằng TQ sẽ đi theo bước chân của không nước này thì nước kia ở Ðông Âu. Tất cả những gì nó cần tới là một “nhân tố X” nào đó, có thể đó là sự xuất hiện một chính quyền có đầu óc cải cách với các ý tưởng táo bạo hoặc sự nổi lên của một nhà tổ chức có sức mê hoặc quần chúng và có khả năng kết hợp công nhân và nhà trí thức.
Gần đây hơn, trong khi không hoàn toàn buông bỏ việc tìm kiếm một nhân vật TQ tương ứng với Mikhail Gorbachev hay Lech Walesa, một số người bắt đầu đánh cá là “nhân tố X” ấy chính là giai cấp trung lưu ương ngạnh. Một khi xứ sở độc tài chuyên chế ấy trải qua giai đoạn phát triển kinh tế đầy kịch tính, các phần tử của giai cấp trung lưu sẽ đòi hỏi được có tiếng nói nhiều hơn không chỉ về cách làm tiền và tiêu tiền của mình mà còn về cách mình được cai trị như thế nào. Theo lô-gic đó, ÐCSTQ có thể bị kết liễu khi đối mặt với cũng một sức ép đòi chia sẻ quyền lực mà kẻ cựu thù của nó là Quốc dân Ðảng đã đối mặt và cuối cùng phải chia sẻ ở Ðài Loan.
Thật dễ thấy tính hấp dẫn của ý nghĩ rằng TQ, một nước rất thường làm chúng ta kinh ngạc về sự trễ nải, vẫn còn được định phận có một tương lai giống như quá khứ mới đây một xứ sở cựu chuyên chế nào đó. Tuy thế, kiểu suy nghĩ ấy có những sai sót quan trọng. Thí dụ làm thế nào chứng minh cho giả định rằng vì có một số chế độ Lê-ni-nít sụp đổ từ năm 1989 tới năm 1991 nên khắp nơi mọi chế độ cộng sản cai trị đều phải lung lay?
Tại Trung Âu và Ðông Âu cùng nhiều phần khác của cựu Liên bang Sô-viết, sự cai trị của cộng sản chủ yếu là do nước ngoài áp đặt. Tại Trung Quốc cũng như tại Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn, chế độ cộng sản ít ra có một cơ sở nào đó làm nền tảng cho lời tuyên bố của nó về tính hợp pháp [hay chính thống] cho vai trò của nó trong cuộc chiến đấu không phải để tự áp đặt mà là để lật đổ sự đô hộ của nước ngoài.
Cũng thế, ta phải xét tới những bài học mang tính răn dạy mà nhiều người TQ (những công dân bình thường cũng như những kẻ cai trị) rút tỉa từ sự quan sát các nỗ lực khó nhọc tại những chốn cựu cộng sản như Nam Tư cũ và Liên Xô cũ. Phải chăng những gian khổ kinh tế, nội chiến, biến động xã hội, và đánh mất sự tôn trọng, mà các xứ sở ấy gánh chịu, đã khiến cho, trong con mắt của người TQ, chúng giống như những kiễu mẫu để họ ganh đua hay là những thí dụ đầy lo âu của những ngớ ngẩn vụng về mà cách tốt nhất là họ nên tránh.
Ðảng Cộng sản TQ nhận biết một cách sâu sắc mọi tiền lệ vừa kể, và các lãnh tụ của nó cố hết sức để bảo đảm cho họ tránh được số phận của những kẻ tương ứng với mình tại cả hai khu vực Trung Âu lẫn Ðông Âu. Trong các lý do tại sao không xuất hiện một Walesa TQ có sự nỗ lực phối hợp của TQ để chắc chắn rằng “căn bệnh Ba Lan” (như đôi khi được dùng để gọi lối vận động quần chúng theo kiểu Phong trào Ðoàn Kết) không bao giờ thâm nhập vào cơ thể chính trị CHNDTQ. Giới cầm quyền thỉnh thoảng thoả hiệp với các công nhân đang phản đối nhưng họ tỏ rõ quyết tâm rằng sẽ ra sức bóp chết từ trong trứng nước bất cứ sự tranh đấu phản đối nào có vẻ có khả năng vượt quá lằn ranh giai cấp.
Quá khứ chứng tỏ người ta đã liều lĩnh khi chơi trò chờ đợi với TQ bằng cách quan tâm tới các “nhân tố X” khác tại đó, và cũng có khả năng chứng tỏ là liều lĩnh thêm lần nữa khi xem giai cấp trung lưu là một “nhân tố X”. Có những lực đang thao tác giữ cho tính ương ngạnh của giai cấp trung lưu này nằm trong tầm kiểm soát, thí dụ cảm giác kiêu hãnh mà một số phần tử của nó cảm thấy trong sự hồi sinh của quốc gia mình, hoặc thậm chí của thành phố có liên quan tới mình. Và chắc chắn các lãnh tụ của ÐCSTQ đang cố hết sức mình để tính toán cách thức giữ cho tổ chức của họ tránh khỏi số phận mà những người THQDÐ chống cộng (ngoại trừ người Lê-ni-nít có tổ chức) trải qua tại Ðài Loan trong thập niên 1980.
Trong khi những cuộc phản đối mới đây của giai cấp trung lưu không cho thấy nổi bật một sự chuyển thể chính trị, nó gợi ý rằng TQ đang đạt tới điểm biến chuyển về thể cách. Sự chuyển dịch hiện có trong tâm trí tôi liên quan tới một biến chuyển, giữa những thị dân tương đối sung túc tiền bạc, từ lo âu về sự chậm rãi của việc hiện đại hoá đô thị đang tới sang lo âu tới ảnh hưởng của việc hiện đại hoá đô thị lên phẩm chất đời sống hiện nay của giai cấp trung lưu, tại nơi có sự hiện hữu việc hiện đại hoá ấy.
Ba thập niên trước đây, khi Mao Trạch Ðông chỉ mới qua đời vài năm, nhà hoạt động Bức tường Dân chủ Nguỵ Kinh Sinh (Wei Jingsheng) viết Hiến Chương 1978 nổi tiếng của ông với lời quả quyết rằng TQ cần “Cuộc hiện đại hoá thứ năm” (dân chủ) để bổ sung cho “Bốn hiện đại hoá” đang được Ðặng Tiểu Bình thực hiện (về nông nghiệp, kỹ nghệ, công nghệ và quốc phòng). Nguỵ Kinh Sinh lập luận rằng không có cải cách chính trị thì TQ không thể nào phát triển kinh tế. Dân chủ đã được giới thiệu một cách không đơn giản, hoặc thậm chí một cách chủ yếu như một điều tốt thuận lợi và trừu tượng trong tự thân nó, tựa như thanh ngang trên chiếc thang dẫn lên cái hiện đại, và nó hứa hẹn của cải, quyền hành và phẩm giá.
Giờ đây, ngược lại, những người phản đối thuộc giai cấp trung lưu không còn chiến đấu cho việc hiện đại hoá nhanh hơn. Thay vào đó, họ lo âu về những gì mà chiếc xe lăn đường (của xe lửa Maglev, hoặc xí nghiệp hoá chất) của việc hiện đại hoá xảy ra rất nhanh, có thể làm cho bằng phẳng khi nó tiếp tục đường lăn của nó. Những kẻ tham gia các cuộc phản đối NIMBY không muốn chặn lại chiếc xe ủi đất ấy trên lối lăn của nó. Thay vào đó, họ quả quyết rằng họ xứng đáng có tiếng nói lớn lao hơn trong việc nó đi xa tới đâu, và chính xác nơi nó đi cũng như sẽ tới kết cuộc nào. Họ muốn có tiếng nói trong việc quyết định các khu phố họ đang ở sẽ được chuyển thể như thế nào.
Jeffrey N. Wasserstroom
Nguồn: Jeffrey N. Wasserstroom, “Middle-Class Mobilization” (Vận động giai cấp trung lưu) của Jeffrey N. Wasserstroom, đăng trong Journal of Democracy, số Tháng Bảy 2009, Volume 20, Number 3. Nxb The Johns Hopkins University Press, Journals Division, Washingon DC, Hoa Kỳ, tt. 29-32.
Nguyễn Ước dịch.
Jeffrey N. Wasserstroom là giáo sư môn lịch sử tại Ðại học California, Irvine. Trong các sách của ông có Student Protests in Twentieth-Century China (Những cuộc phản đối của sinh viên tại Trung Quốc trong thế kỷ 20), 1991; và sắp xuất bản China in the 21st Century: What Everyone Needs to Know (Trung Quốc trong thế kỷ 21: điều mọi người cần biết), 2010. Ông là người đồng sáng lập tạp chí The China Beat (Nhịp điệu Trung Quốc), ra sức lấp khoảng trống giữa những thảo luận có tính báo chí và tính hàn lâm của CHNDTQ.
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment