Tuesday, October 20, 2009
NHỮNG NGƯỜI CÙNG KHỔ Ở VIỆT NAM
Những người cùng khổ
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2009-10-17
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/The-pariah-in-vietnam-nnguyen-10172009130822.html?searchterm=None#
Nông dân và ngư dân Việt Nam phải chăng vẫn là những người cùng khổ, họ khổ vì hạt lúa trên đồng ruộng vì con cá đánh bắt ngoài biển xa.
Cuộc sống không giống như những khẩu hiệu được xưng tụng, cho dù nhà Nước Việt Nam XHCN đã được thiết lập từ hơn nửa thế kỷ qua.
Tuần rồi báo chí nói nhiều về việc nông dân chịu bất công oằn mình trên đồng ruộng để làm giàu cho đại gia lương thực Nhà nước, nhiều khuất tất liên quan tới Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam bị bật mí.
Các báo cũng tường thuật chi tiết về sự kiện ngư dân đánh bắt xa bờ vừa chịu bão vừa bị Hải Quân Trung Quốc trấn lột và đánh đập dã man. Đây cũng không phải lần thứ nhất, ngư dân bị lính Trung Quốc cướp bóc thậm chí giam cả người lẫn tàu đòi tiền chuộc.
Sự ngang ngược của chủ nghĩa sô- vanh nước lớn đã đành, nhưng sự kiện Việt Nam mất chủ quyền trên biển, không ai bảo vệ ngư dân làm cho dư luận ngao ngán. Đặc biệt với những tàu cá mong manh, nghề đánh bắt xa bờ chẳng khác nào đem sinh mạng đánh đổi kim ngạch 400 triệu USD xuất khẩu mỗi năm.
Nỗi khổ ngư dân
Vietnamnet ngày 14/10 và những ngày tiếp theo đã tường thuật câu chuyện bi thảm của 200 ngư dân Quảng Ngãi, cùng 17 tàu cá tránh bão số 9 ở Hoàng Sa vào ngày 28/9. Khi vào phải treo cờ trắng, nhưng hai ngày sau khi nhổ neo rời đảo Hoàng Sa, thì tàu chiến Hải Quân TQ mang số hiệu 1312 chắn đường, lục soát các tàu cá Việt Nam, đánh đập ngư dân để khảo của.
Chúng tôi không trở lại những phóng sự thương cảm ấy, nhưng lời kể vắn tắt của thuyền trưởng Trương Minh Quang tàu cá QNg 90078 với phóng viên Trân Văn có thể đã hàm chứa tất cả:
“Bão tan rồi là nó ra nó lấy đồ hết, nó bóp cổ làm dữ dội làm kinh lắm, lấy hết dụng cụ đi làm biển của mình chỉ để lại 1 cái la bàn cho mình về. Thì nghe đài Tiếng Nói Việt Nam nói Hoàng Sa là của Việt Nam mình, nhưng của Việt Nam gì mà ra đây nó bắt miết à. Việt Nam đi ra đó ban đêm né ban ngày còn không dám đi. Nó bắt được nó phạt dữ lắm.”
Dù ngư dân và tàu cá Việt Nam bị hải quân TQ trấn lột đánh đập diễn ra nhiều lần trên biển Đông, giới chức chính phủ Việt Nam khẳng định ngư dân có quyền đánh bắt ở những vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, kể cả Hoàng Sa Trường Sa. Như lời ông Lương Lê Phương Thứ Trưởng Bộ NN-PTNT trả lời phóng viên Khánh An đài chúng tôi:
“Những chỗ nào không thuộc lãnh hải mình thì mình không nên đến, mà thuộc lãnh hải mình thì mình tiếp tục khai thác vì đó là đất của ông cha đã giành chủ quyền.”
Nỗi khổ nông dân
Nếu ngư dân Việt Nam gần đây chịu nhiều khổ đau trên Biển Đông vì người ngoài vì láng giềng, thì nông dân trồng lúa lại bị trấn lột kiểu khác từ các giới chức người nhà và cơ chế đặc quyền.
Có những dấu hiệu cho thấy giọt nước đã tràn ly, hoạt động điều hành xuất khẩu gạo do Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam VFA nắm giữ từng bị dư luận chỉ trích gay gắt, quốc hội cũng nhiều lần bàn cãi chuyện này.
Pháo đài VFA, có thể gọi như vậy, bởi vì tổ chức này chẳng suy suyển sau những cơn bão táp trong quá khứ. Lần này các đợt tấn công phê bình mạnh mẽ hơn trước, bởi nhiều thông tin được tiết lộ và những ý kiến xác đáng của nhiều nhà chuyên gia, trí thức có uy tín trong nước.
Tiền Phong Online tờ báo của Trung Ương Đoàn lần này thực sự đi trước các đồng nghiệp của mình, qua việc đưa ra ánh sáng, sự bất công mà nông dân trồng lúa chịu đựng từ nhiều năm qua. Ngày 04/10 tờ báo đưa lên mạng bài ‘Đặc Quyền Lãi Lớn, Nông Dân Chầu Rìa’, theo đó lợi nhuận sau thuế năm 2008 của Tổng Công Ty Lương Thực miền Bắc Vinafood 1gần 2.400 tỷ đồng.
Lợi nhuận của Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam Vinafood 2 cũng gần 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nông dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa lại không được tái đầu tư sản xuất từ lợi nhuận này. Xin nhắc lại, vụ hè thu 2008 đồng bằng sông Cửu Long tồn đọng khoảng 3 triệu tấn lúa, mọi thiệt hại đều do người nông dân gánh chịu.
Tờ báo trích lời TS Vũ Trọng Bình thuộc Viện Chính Sách & Chiến lược Phát triển Nông nhiệp Nông thôn cho rằng, hiện nay trong chuỗi sản xuất và kinh doanh lúa gạo, việc phân chia lợi ích chưa rõ ràng.
TS Bình từng có ý kiến tương tự với chúng tôi: “Thật ra thì nông sản là thế mạnh của xuất khẩu, nhưng trong cả chuỗi giá trị về xuất khẩu thì phần người nông dân được hưởng không phải là nhiều so với doanh nghiệp.”
Trên Tiền Phong Online, TS Bình cho rằng, Vina food 1 và 2 được trao quyền nắm Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam VFA, hai Tổng công ty này được đặc quyền tham gia những hợp đồng chính phủ. Do vậy có thể nói những ông lớn này ngồi không vẫn hưởng lợi. Hiện nay tư thương và doanh nghiệp nhỏ chỉ có mỗi việc thu gom cho các Tổng công ty lớn bán buôn ra nước ngoài.
TS Bình nói rằng, rất khó chấp nhận việc, quyền lực nhà nước giao, tài sản nhà nước giao cho 2 Tổng công ty lương thực, nhưng lợi nhuận thì cán bộ của Tổng công ty lại nhận về mình.
Theo lời ông, sòng phẳng ra, đó là thành quả của nông dân trồng lúa. Các Tổng công ty có lợi nhuận là nhờ đặc quyền, không phải do cán bộ tài giỏi. Như vậy nếu lãi 1 ngàn tỷ đồng thì phải trích ngay 500 tỷ cho khuyến nông, khoa học công nghệ, quản lý chất lượng sản phẩm. Trên thực tế không Tổng công ty nào thực hiện việc này.
Vừa đá bóng vừa thổi còi
Cùng trong bài này, Hà Nhân của Tiền Phong Online bật mí chuyện Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam Vinafood 2 có sân sau ở Singapore, mang tên Saigon Food PTE LTD. Công ty này do chính Phó Tổng Giám Đốc Vinafood 2 Cao Thị Ngọc Hoa làm giám đốc. Có đơn hàng Vinafood 2 bán cho Saigon Food với giá thấp hơn giá sàn để công ty này xuất khẩu. Điều này xảy ra trong khi Hiệp Hội Lương Thực VFA ấn định giá sàn bắt buộc cho các doanh nghiệp khác.
Ngày 7/10 Tiền Phong Online có thêm bài mang tựa trích từ nhận định của TS Lê Đăng Doanh: ‘Phải cắt sân sau, bỏ đặc quyền’. Ông Lê Đăng Doanh là chuyên gia kinh tế, từng nắm giữ nhiều chức vụ cao cấp trong guồng máy nhà nước, ngày nay ông là chuyên gia nghiên cứu độc lập. Những nhận định của ông phổ biến trên báo chí được công luận đánh giá cao.
Trên Tiền Phong Online, TS Lê Đăng Doanh nói rằng, Nhà nước đã gửi trứng cho ác khi trao quyền điều hành xuất khẩu gạo cho một hiệp hội mà Chủ tịch lại đồng thời là Tổng Giám Đốc Tổng Công Ty Lương Thực.
“Có nhiều nguy cơ là có cạnh tranh không lành mạnh, tôi thừa nhận là một biểu hiện rất dễ đưa đến xung đột lợi ích, sử dụng vị thế của Hiệp Hội Lương Thực để mà bảo đảm cho lợi ích của Tổng công ty của mình.”
Vẫn theo lời ông, thì đây là chính sách bị lỗi hệ thống lớn. TS Lê Đăng Doanh mô tả hành động của Chủ tịch VFA là thủ đoạn trục lợi khá phổ biến được gọi là gửi giá. Tức là tôi bán cho anh giá thấp, để anh bán với giá thị trường. Mỗi tấn tôi bán cho anh giá thấp thì anh phải trả lại cho tôi một số tiền tùy theo mức chênh lệch giá trên từng tấn gạo.
Theo lời TS Doanh, vấn đề cần làm rõ là số tiền chênh lệch này chảy vào túi những ai. Phát hiện này là minh chứng quan trọng rằng, để lãnh đạo một Tổng công ty đồng thời là chủ tịch Hiệp Hội là vừa đá bóng vừa thổi còi.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng cần đề nghị công an vào cuộc để làm rõ, Cục Quản Lý Cạnh Tranh Bộ Công Thương cũng cần vào cuộc, xem xét lại một cách cơ bản cơ chế, vừa giao cho một Tổng công ty được cấp tín dụng ưu đãi để mua gạo, được xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, đồng thời lại nắm hiệp hội, có quyền ấn định về giá, áp đặt luật chơi.
TS Doanh đề nghị đưa vấn đề ra quốc hội để các đại biểu chất vấn, thảo luận công khai. Đây là đóng góp thiết thực để bảo vệ quyền lợi của nông dân, góp phần khắc phục những trì trệ, xóa bỏ lợi ích nhóm, lợi ích sân sau, sống trên lưng nông dân một cách bất chính.
Việc gửi giá chứng tỏ một nhóm lợi ích sẵn sàng vi phạm qui định, lợi dụng đặc quyền được giao để kiếm lợi cá nhân, mà bỏ qua lợi ích quốc gia cũng như của hàng triệu nông dân.
Cùng về vấn đề này TS Lê Đăng Doanh có lần nhận định với chúng tôi: “Vấn đề hiện nay là phải có sự điều tra để chứng minh được vai trò của lợi ích nhóm đó là những ai, đàng sau lợi ích nhóm đó là những số tiền nào, những lợi ích gì, dư luận rất bức xúc.”
Có chung quan điểm với GSTS Võ Tòng Xuân nguyên Hiệu Trưởng Trường Đại Học An Giang, Trên Tiền Phong Online TS Lê Đăng Doanh đề cập tới một công thức mà ông cho là cần đưa ra thảo luận công khai, theo đó giúp nông dân trở thành cổ đông của những công ty xuất khẩu gạo.
Các công ty này phải tham gia vào việc cung ứng tín dụng, vật tư nông nghiệp cho nông dân, tham gia vào quá trình sản xuất hạt lúa. Như vậy, theo lời TS Lê Đăng Doanh, doanh nghiệp sẽ phải chịu một phần rủi ro với nông dân. Cùng với đó, nông dân sẽ được chia sẻ một phần lợi nhuận từ xuất khẩu gạo.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, để làm được như vừa nói, phải cải tổ cơ bản khâu phân phối. Nên thành lập hội đồng xuất khẩu gạo quốc gia bao gồm đại diện nông dân và các doanh nghiệp, thực hiện cơ chế công khai, minh bạch. Lợi nhuận từ việc xuất khẩu gạo phải được tái đầu tư để cải tiến hạ tầng xuất khẩu gạo.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment