Monday, October 26, 2009

NHỮNG ĐỊNH NGHĨA BỊ ĐÁNH ĐỒNG


Những định nghĩa bị đánh đồng
Dạ Nghiên
Luc’s site
Oct 18, '09 12:33 AM
http://trunglap99.multiply.com/journal/item/1/1

Đảng - Nhà Nước

Hai từ này, hiện nay luôn được gắn liền với nhau.
Khi ai đó sai phạm với đảng, thì rất dễ được hiểu ngay là sai phạm với nước với dân. Thực tế đã có nhiều người bất đồng với đảng, và bị vơ ngay là “bất đồng với đất nước”, là “phản quốc”. Trong số đó không ít là nhà văn, ca sỹ v.v... , nhất là những người đang ở hải ngoại. Ở trong nước, chẳng ai muốn bị mang tiếng mình là phản bội tổ quốc, nên đôi khi không thích cũng không nên nói gì không hay về đảng. Khi ngồi chuyện gẫu quán nước chè, bạn chỉ nói lỡ không tốt về đảng, thế nào cũng bị bạn bè mắng (dù là mắng vui), “Đồ phản quốc”

Thời từ nửa sau thế hệ 7x, sinh ra từ mốc thời gian nước ta giành độc lập đến nay, hai định nghĩa này hầu như bị đánh đồng một cách nhầm lẫn, nhất là với những người coi kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước là “không phải việc của mình”. Đa phần đều hiểu nhà nước là đảng, đảng là nhà nước, hoặc là cái gì đó na ná giống nhau.

Có thể bạn là người đã hiểu vấn đề, và không cho điều trên là đúng. Nhưng bạn hãy ra đường hỏi thử những người xung quanh “nhà nước và đảng khác nhau như thế nào”, đoán xem tỷ lệ người biết chiếm bao nhiêu phần trăm trong hơn 80 triệu dân nước nhà!

“Nhà nước” đích thực là bộ máy quản lý và bảo vệ chung của toàn dân. Thông thường, nhà nước do dân lập ra và chỉ có một.
Nhưng “Đảng” thì là một đoàn thể những người có cùng chính kiến về kinh tế, chính trị xã hội, theo đường lối nào đó. Đương nhiên, vì mỗi chúng ta đều có cách nghĩ riêng của mình, nên bên cạnh đường lối cách nghĩ của nhóm người này người kia, sẽ còn nhiều cách tư duy và đường lối khác. Tuy là các đường lối cách nghĩ ấy có thể sai đúng khác nhau. Do vậy, dù là đảng nào đi chăng nữa thì đó cũng không hẳn là của toàn dân. Cùng lắm nó chỉ chiếm đa số, hoặc được đa số dân ủng hộ mà thôi. Ở Việt Nam ta, nhà nước có một và đảng cũng chỉ có một. Đó là lý do dẫn đến sự đánh đồng nhầm lẫn trên.
Do vậy có thể kết luận, nhà nước chính thức là của toàn dân. Còn đảng thì tuỳ từng trường hợp, nếu không muốn nói là không khi nào là của toàn dân được.

Chống Cộng - Phản Quốc
Trong khoảng 4 nghìn năm lịch sử Việt Nam, chỉ có người Việt Nam sống trong khoảng thời gian từ năm 1930 đến năm 2009 ngày nay, cứ tính thêm 20 năm cho tròn 100 năm, cho rằng: “Bọn chống cộng là bọn phản quốc”, và yêu nước là phải yêu cộng sản. Vậy phải chăng, người Việt Nam sống trong khoảng 3 nghìn 900 năm còn lại, khi mà đảng cộng sản với chủ nghĩa cộng sản chưa ra đời để cho mọi người yêu, thì họ đều là người không yêu nước? Trong khi họ chính là tiền nhân xây dựng lên đất nước này với đủ màu sắc văn hoá khác nhau. Và trong số họ, không thể đếm được bao nhiêu người đã đổ xương đổ máu vì lãnh thổ.

Trong số hơn 2 triệu đảng viên cộng sản trên toàn quốc hiện nay, ai dám đứng ra khẳng định họ không phe cánh, đấu đá nhau, không chống nhau? Như vậy, khi người cộng sản chống người cộng sản thì ai là người yêu nước, ai là người phản quốc? Nếu nói “Chống cộng” là “Phản quốc” thì chính cá nhân các đồng chí trong bộ máy cộng sản kia đã là người không yêu nước mất rồi.

Cha ông tổ tiên tôi, họ hàng tôi rất nhiều là người của chủ nghĩa cộng sản. Tôi, khoảng nào đó, cũng yêu cộng sản. Nhưng chính tôi cũng công nhận: Định nghĩa “Chống cộng” không khi nào là “Phản quốc”. “Chống cộng” và “Phản quốc”( “Phản động”) chẳng liên quan gì nhau.

- Dạ Nghiên -

No comments:

Post a Comment