Friday, October 2, 2009

NGHỊCH LÝ TRONG XÃ HỘI GIA TĂNG tại VIỆT NAM


Nghịch lý trong xã hội gia tăng tại Việt Nam
Thanh Quang, phóng viên đài RFA

2009-10-02
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Things-of-paradox-on-sharp-rise-in-vietnam-10022009111359.html
Trong thời gian gần đây, nhiều diễn biến được cho là nghịch lý xảy ra tại VN thuộc cả lãnh vực đạo lẫn đời khiến dư luận thắc mắc. Tổng hợp thông tin liên hệ, Thanh Quang trình bày một số những nghịch lý tiêu biểu như sau:

Nghịch lý trong tự do tôn giáo
Trước hết, liên quan đạo pháp, trong khi những vụ nghiêm trọng từng gây khó khăn cho giáo dân Thái Hà, Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất, Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Túy...vẫn còn là nỗi ám ảnh triền miên thì diễn biến hôm Chủ Nhật vừa rồi tại Tu Viện Bát Nhã lại mạnh mẽ bùng phát ngoài khuôn khổ nhân bản, nhân tâm, khiến công luận tu sĩ và thế tục bất bình và chua xót.

Lên tiếng mới đây với Đài Á Châu Tự Do, ông Trần Kiêm Đoàn đang cư ngụ tại Hoa Kỳ, từng là Liên Đoàn Trưởng Phật Tử ở VN và là tác giả của nhiều tác phẩm về Phật Giáo, cho rằng Làng Mai Bát Nhã là một tổ chức hợp pháp mà cuối cùng bị chính quyền trục xuất như thế là điều “rất là nghịch lý”. Phật tử lão thành Trần Kiêm Đoàn nhận xét:
“Thực sự bây giờ có nhiều người VN, cả trong và ngoài nước, đang chờ sự giải thích rất rõ ràng của chính phủ. Cho dù đó là Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo,Cao Đài hay đó là người không có tôn giáo cũng chỉ có một câu hỏi thôi: Tại sao một tổ chức hợp pháp được chính quyền cho phép năm trước thì năm sau trở thành bị chính quyền trục xuất ?”

Chuyện “nghịch lý” liên quan Tu Viện Bát Nhã còn đang tiếp diễn đáng ngại cho các tu sĩ liên hệ, khó có thể dùng ngôn từ nào để diễn tả trọn vẹn những nỗi niềm cay đắng của những người trong cuộc. Chỉ riêng lời kể của thầy Pháp Tụ thuộc Tu Viện Bát Nhã dành cho Đài ACTD mới đây cũng thấy việc làm của giới cầm quyền cùng băng đảng thân chính đối với giới tu hành là điều khó ai tưởng tượng nỗi:
“Mới đầu thì thành phần côn đồ, thành phần đó là trong đợt trước đó và trong đợt này đông hơn nữa, họ tấn công các thầy. Sau đó thì các thầy ngồi lại với nhau niệm danh hiệu, ôm nhau niệm danh hiệu.Và sau khi mà nhìn ra bên ngoài thì các anh an ninh họ chỉ điểm một số mặt của quý vị lớn đó, để cho nhóm côn đồ kéo các thầy ra. Họ đánh, họ làm những hành động rất là... rất là... không còn ra hành động gì hết.Họ đánh rồi họ chửi, họ xé áo, xé y, đập bát, rồi đập đồ, kéo ra cho bằng được”.
Trong khi những nghịch lý như vậy đến với đạo pháp trong nước gần như thường xuyên và trong chiều hướng nghiêm trọng hơn trước, thì tình trạng nghịch lý ngoài đời cũng gây nhiều phức tạp, khó hiểu không kém.

Tự do báo chí là chấp hành sự chỉ đạo của đảng
Chẳng hạn như hồi tháng 9 này, ông Nguyễn Trung Dân, nguyên phó tổng biên tập của báo Du lịch trong nước đã bị đình bản, có phổ biến một bài tựa đề “Ai Phải Trả Lời?”, với đọan mở đầu rằng “Tôi đã thử đặt trên bàn 2 thứ: Một là trang báo Du Lịch số Xuân 2009 đã đăng các bài viết mà vì nó, báo bị đình bản 3 tháng – và cho đến tận hôm nay – toàn bộ nhân viên bị nghỉ việc không có lương ăn.
Tôi thì bị đình chỉ chức vụ và thu hồi thẻ nhà báo. Và thứ khác và ‘lạ’, là bài báo trên trang Báo Điện tử của Đảng CSVN do ông Đào Duy Quát làm Tổng Biên tập, Trung ương Đảng là cơ quan chủ quản, đã dịch ra và đăng tải thông tin khoe sức mạnh của quân lực... ‘Tàu mình’ đang tập trận nơi Biển Đông có Hoàng Sa, Trường Sa của VN, ca ngợi sự biểu dương lực lượng cuả nước ‘Tàu mình’ như chốn không người nhằm xác lập vai trò của kẻ xâm lược”.
Rồi ông Nguyễn Trung Dân so sánh 2 trường hợp vừa nêu để “thử hiểu được điều gì đang xảy ra trên đất nước” VN. Và ông “đau đớn phải hiểu ra là ‘không thể hiểu được’ ”.

Tưởng cũng cần nhắc lại là Bộ Thông tin và Truyền thông VN hồi tháng Tư đã ra quyết định đình bản báo Du Lịch với lý do “lãnh đạo báo Du Lịch không chấp hành sự chỉ đạo đối với các thông tin quan trọng, phức tạp, nhậy cảm, cho đăng những thông tin trên số báo Tết Kỷ Sửu 2009...”.
Như vậy câu hỏi được nêu lên rằng những thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm đó là những thông tin gì ? Thực ra, đó chỉ là sự bày tỏ lòng ái quốc, đặc biệt là bài “Tản Mạn Cho Đảo Xa” của phóng viên Trung Bảo đề cao lòng yêu nước của thanh niên sinh viên trong cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của VN, và bài thơ “Hận Nam Quan” của Hoàng Cầm.
Qua bài “Ai Phải Trả Lời” như vừa nói, nguyên phó Tổng Biên tập Nguyễn Trung Dân của tờ Du Lịch bị đình bản nêu lên câu hỏi “Mà tội gì?”, rồi ông viết tiếp rằng “Có chăng là tội muốn nói lên cho mọi người biết rằng VN vẫn có – và có nhiều – những thanh niên sẵn sàng xuống đường (và sẵn sàng chết) cho Hoàng Sa, Trường Sa của VN. Và cho dù đã ‘lỡ lầm’ mất Ải Nam Quan thì cũng cần ghi dấu ‘Hận Nam Quan’ cho con cháu mai sau biết được rằng : Nước VN ta hình cong chữ S, liền một dải từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau...”

Ông Nguyễn Trung Dân nêu lên sự tương phản rõ rệt trong phần cuối bài viết, rằng “ Cách thể hiện trên trang Báo Điện tử của Đảng (có nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện đất nước) và cách kỷ luật bằng tiền sự sai phạm, đối nghịch hẳn với sai phạm của báo Du Lịch, của những người đang nắm vận mệnh quốc gia như đã làm, thì thật sự không hiểu nổi điều gì đang xảy ra với dân tộc chúng ta”.
Vụ trang web của báo điện tử Đảng CSVN phổ biến tin tựa đề “Hải quân TQ tập trận trên biển Đông” như vừa nói, cho dù vì bất kỳ lý do gì, đã một lần nữa giúp Bắc Kinh khẳng định chủ quyền của họ tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Đó là chưa kể, ngay sau đó, người ta lại chứng kiến hình ảnh của ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng VN trên website của chính phủ, trong tư thế khúm núm, kính cẩn nghiêng mình, dùng 2 tay nắm lấy bàn tay của Thủ tướng TQ.

Tỏ lòng yêu nước là“xâm phạm an ninh quốc gia”
Điều nghịch lý là hình ảnh điển hình đó của giới lãnh đạo VN tương phản với cảnh tù tội của những người dám bày tỏ lòng ái quốc để phản đối sự lấn lướt, bành trướng, cao ngạo, ngang nhiên...không cần che dấu nữa của Phương Bắc. Việc gán ghép những tội danh như “xâm phạm an ninh quốc gia”, “lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm hại quyền lợi nhà nước” đã khiến không ít những người dân Việt biểu tình chống TQ , từ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo Vũ Hùng, sinh viên Nguyễn Tiến Nam cho tới các bloggers Điếu Cày Nguyễn Hoàng Hải, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Người Buôn Gió Bùi Thanh Hiếu, rồi nhà báo Phạm Đoan Trang, cùng nhiều người khác nữa có tâm huyết với đất nước đã không tránh khỏi tù tội hay những nghịch cảnh thương tâm.
Rồi chuyện Viện Nghiên Cứu Phát Triển, gọi tắt IDS, vốn bao gồm 16 học giả, trí thức tâm huyết với đất nước, như GS Hoàng Tụy, GS Tương Lai, TS Nguyễn Quang A, TS Lê Đăng Doanh, nhà văn Nguyên Ngọc..., đã tuyên bố tự giải tán hồi trung tuần tháng 9 vì quyết định 97 của Hà Nội cấm công bố công khai mọi ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng thể hiện nhiều nghịch lý đáng kể, mà một trong những nghịch lý đó là trong khi IDS trong 2 năm qua từng đóng góp nhiều cao kiến hữu ích cho sự phát triển đất nước – dù dưới hình thức phản biện – thì những thiện chí ý ấy giờ coi như bị giới cầm quyền mạnh tay xóa sổ.
Đó là lý do blogger Vũ Ngọc Tiến khó che giấu được nỗi buồn của mình qua những dòng nhật ký trên mạng, rằng “ Những tiếng nói cất lên từ con tim, khối óc người trí thức về chủ quyền Việt Nam trên biển Đông hay sự quan ngại về thất thoát tài nguyên, suy giảm môi trường, ảnh hưởng an ninh quốc phòng ở Tây Nguyên, trong Dự án Bauxite chính là cách báo hiếu thiết thực với tổ tiên nòi giống Lạc Việt. Vậy mà mùa Vu Lan này, tôi liên tiếp nghe tin buồn về các blogger, về sự sai phạm đến mức phi lý của một website cộm cán và giờ đây càng buồn hơn vì phải nghe tin Viện IDS tự giải tán!”. Và một blogger khác, tên Hiệu Minh, tâm sự rằng “IDS đã ra đi, không còn nghe được tiếng tơ lòng của họ. Người ta bảo, tiếng quát của kẻ thất phu không đáng sợ, đáng sợ hơn là sự im lặng của những nhà hiền triết.”

Nhân chuyện “IDS đã ra đi”, nói theo lời blogger Hiệu Minh, thì có lẽ nhận định của TS Hà Sĩ Phu qua bài tựa đề “Bức Tranh Vân Cẩu” được phổ biến trên diễn đàn điện tử Talawas gần đây cho thấy rõ ràng một nghịch lý liên quan chủ thuyết Mác-Lê.
Theo TS Hà Sĩ Phu thì “Chủ nghĩa Marx, về triết học thì nhấn mạnh tính đa dạng phong phú của thế giới, nhưng về chính trị lại muốn tạo ra một hệ thống thuần nhất, thâu tóm về một mối, chống lại tính đa dạng, nên đây là một chủ nghĩa tự mâu thuẫn, về bản chất là tự mình phải chống lại mình, không phải để tiến lên mà là để trở về với quy luật.”

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments:

Post a Comment