Thursday, October 8, 2009
NGHĨ VỀ MỘT PHIÊN TOÀ
Nghĩ về một phiên tòa
NguoiBuonGio
Oct 7, '09 12:26 PM
http://nguoibuongio.multiply.com/journal/item/368/368
Sau hơn 1 năm giam giữ, ngày mai 8-10-2009 vụ án Phạm Văn Trội sẽ được đưa ra xét xử. Một thời gian rất dài để bộ máy hành pháp điều tra, xem xét và tìm chứng cớ kết tội Phạm Văn Trội.
Một năm để củng cố chứng cớ kết tội . Bị cáo Phạm Văn Trội bị truy tố vào điểm C khoản 1điều 88 Bộ Luật Hình Sự như sau
C / làm ra, tàng trữ các tài liệu có nội dung chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Những luận cứ theo như cáo trạng đưa ra về hành vi cấu thành tội phạm vi phạm điều 88 của Phạm Văn Trội là những hành vi dưới đây.
1- Viết bài ‘’ Đơn tố cáo về chính sách an ninh của nhà nước và đảng cộng sản’’
2- Trả lời điện thoại phỏng vấn tuyên truyền vu khống là bị công an đánh đập. Nội dung trả lời được một số trang web như ykien, thông tin..đăng tải lại.
3 -Lưu trữ trong hộp thư điện tử những tài liệu vu khống, xuyên tạc, kích động, chống đối ….nhà nước Việt Nam.
Hành vi 1
- Phạm Văn Trội có nhận bài viết này do Trội viết, phản ánh lại sự việc Trội đi thăm nhà Vi Đức Hồi ở Hữu Lũng , Lạng Sơn bị nhân dân và công an địa phương đánh đập. Làm rõ sự việc trên cán bộ điều tra an ninh của Bộ Công An đã mời phó trưởng công an huyện Hữu Lũng ông Đỗ Thái Hòa để hỏi rõ, ở bút lục số 41 ông Hòa cho biết ngày 28-6-2008 khi biết ở nhà ông Vi Đức Hồi có một số người đến, công an huyện Hữu Lũng đã đến kiểm tra hành chính, giấy tờ tùy thân của những người này trong đó có anh Phạm Văn Trội. Anh Trội có phản ánh một số người dân địa phương phản đối việc anh Trội đến gặp Vi Đức Hồi và nhờ công an Hữu Lũng bảo vệ cho anh an toàn ra quốc lộ đi về. Công an huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn đã bảo vệ an toàn cho anh Trội ra đường quốc lộ. Ông Hòa khẳng định công an không đánh đập anh Trội và không nhận được đơn thư trình báo gì về vụ việc anh Phạm Văn Trội bị người khác đánh đập.
Với cách điều tra và kết luận đơn sơ , mộc mạc ấm áp tình người như vậy, một ông phó trưởng công an Hữu Lũng khẳng định không có chuyện đó, không có thư trình báo, vậy là đủ căn cứ để cơ quan điều tra và viện kiểm soát truy tố Phạm Văn Trội vào tội vu khống.
Hành vi 2
Hành vi hai là xâu chuổi, của hành vi 1. Nếu anh Trội viết lá đơn kia, tất nhiên khi có ai hỏi về vấn đề đó. Việc anh Trội trả lời là đương nhiên. Nhà nước Việt Nam đã không cho những trang web này là đáng tin cậy, bởi vậy họ đã chặn tường lửa những trang web này khiến người dân thường không thể nào biết được. Nay lại dùng những trang đó là chứng cứ để buộc tội PVT thật là lạ lùng cho cái cách tìm chứng cớ của pháp luật Việt Nam.
Hành vi 3
Lưu trữ trong hộp thư điện tử, tức lưu trên mạng in te nét có giống như tài liệu in giấy, đĩa cd ra giấy cất ở nhà không?
Những người dùng hộp thư điện tử không lạ gì khi trong hộp thư của mình nhiều khi có ai đó gửi những thư mà mình không muốn nhận. Nếu chỉ vì đọc hay chưa đọc mà không xóa đi thành yếu tố cấu thành tội lưu trữ thì thật mơ hồ. Thiết nghĩ lý lẽ để kết luận tội lưu trữ này của anh Trội là hoàn toàn thiếu cơ sở.
Kết quả bản án sẽ dựa trên quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa. Điều 178 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự khoản 4 ghi rõ
- Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ công khai hay xử kín.
Đến giờ phút này cách phiên tòa vài tiếng nữa, đến thân nhân và luật sư bào chữa cũng không biết là xử kín hay xử công khai.
Cho dù bộ …có quyết định là kết quả phiên tòa phụ thuộc vào sự tranh luận, diễn biến tại phiên tòa.
Nhưng với một phiên tòa thế này, có lẽ phần tranh luận sẽ không được chủ tọa ưu ái cho lắm vì sát ngày 10-10 kỷ niệm giải phóng thủ đô. Cho nên phiên tòa sẽ diễn ra đơn giản như những chứng cứ kết tội vậy. Lại một giọng đọc quen thuộc như máy của vị chủ tọa khi tuyên án.
- Căn cứ vào kết quả điều tra và tranh luận tại phiên tòa, nhân danh ..tòa án…tuyên phạt bị cáo 2 năm 6 tháng tù giam. Quản chế 2 năm tại địa phương khi mãn hạn tù.
Lan man cuộc đời
Cách đây nửa tháng tôi có đến nhà Phạm Văn Trội, một căn nhà cấp 4 cũ kỹ ở vùng quê cách xa đường quôc lộ, chỉ có bộ bàn ghế và hai trước giường. Một cái tủ lâu năm mốc thếch trên nóc đặt ban thờ cha của Trội, một người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã từng ở trong lao tù của thực dân.
Phạm Văn Trội có một mẹ già rầu rĩ rót chén nước mưa đãi khách, người vợ trẻ ngơ ngác và hai đứa con thơ, đứa lên 3, đứa lên 7. Vườn nhà Trội trồng toàn chuối và cây chó đẻ, hai đứa con Trội đứng tần ngần trong vườn chuối nhìn khách.
Tôi nhớ lời khuyên của cậu bạn đang công tác tại nước ngoài. Thu nhập của cậu bạn rất khá. Cậu ấy vẫn khuyên tôi rằng
‘’ anh nên quan tâm đến vợ con mình, sống cốt sao kiếm tiền cho vợ con. Quan tâm đến xã hội làm mẹ gì cho rách việc, lụy vào thân. Giờ giỏi là phải kiếm nhiều tiền ‘’
Từ hôm ra khỏi trại giam của bộ công an hôm 5-9-2009 tôi đi làm chăm chỉ. Lần nào bàn bạc về giá cả, những người bên kia đều bảo tôi báo thêm 30 đến 40% cho phần của họ thêm vào. Nếu tôi không đồng ý thì tôi sẽ không có việc làm, và không có việc làm có nghĩa tôi không tài giỏi. Còn tôi đồng ý tức là tôi có việc, có tiền và tôi là người tài giỏi.
Ở Trung Quốc người ta thống kê, chỉ có 5% trong số những người giàu ở Trung Quốc thật sự là do tài năng, bản lĩnh. Còn lại là do quan hệ với người có chức quyền trong bộ máy nhà nước. Chỉ có 5% đó thôi mà Trung Quốc sản xuất đủ thứ hàng cạnh tranh với thế giới với mức giá không thể kém hơn.
Có bao nhiêu người giàu ở Việt Nam là do chính sức mình, không quan hệ lắt léo, không hối lộ, không a dua…….
Trương Gia Bình có cổ phiếu lớn nhất, Ngọc Diệp xe hơi đắt nhất, Huỳnh Phi Dũng có Đại Nam Quốc Tự hay anh em nhà Xuân Trường ở Ninh Bình xây chùa Bái Đĩnh………phải chăng những doanh nhân thành đạt đó là có sử dụng những kỹ thuật khoa học tiến bộ phát minh từ trong nước.
Lạ lùng, ở một đất nước mà nền công nghiệp, khoa học kỹ thuật như Việt Nam đã làm được cái gì. Đến một cái khoan cầm tay, cái máy cắt…cũng nhập từ nước ngoài không làm nổi. Thế mà kinh tế vẫn khá lên, ít ai đi hỏi vì sao kinh tế khá lên do đâu. Những cái mà tự hào là hàng Việt Nam chất lượng cao này nọ thì dây chuyền, công nghệ, nguyên liệu cũng nhập từ nước ngoài với giá cắt cổ, người Việt Nam chỉ là nhân công trong quá trình sản xuất ấy. Chẳng hạn như nhà máy thép, một trong những ngành mũi nhọn thì từ máy cán đến phôi thép đều đi nhập khẩu cả, thậm chí chuyên gia nước ngoài còn phải đứng chỉ đạo.
Thực tế nội lực chẳng nhìn thấy gì, thế mà
‘’ đời sống nhân dân ngày một nâng cao, kinh tế tăng trưởng’’
Tất nhiên không thể phủ nhận kinh tế phát triển do chính sách cởi mở, do người Việt sản xuất được nhiều thứ, cho dù sản xuất bằng máy móc, nguyên liệu, công nghệ nước ngoài, xuất khẩu nhiều hơn, áp dụng công nghệ này nọ…tất cả những thứ ấy làm cho kinh tế phát triển hơn.
Nhưng liệu có bao giờ chúng ta biết rằng nợ nước ngoài là bao nhiêu, số đất đai, tài nguyên của chúng ta mất đi nhiều hay ít. Chúng ta liệu có nghĩ rằng những con số này cũng là một phần đóng góp cho kinh tế mà chúng ta đang thấy đi lên.
Có thể nhiều người nghĩ anh Trội thật dại dột, không ở nhà chăm vườn tược phun chất kích thích, sửa chữa điện tử, kiếm tiền bằng cách lắp đồ Tàu giả đồ Nhật , đứt dây điện thì kêu cháy bảng mạch, cháy IC, tụ điện để lấy tiền của khách…tự dưng lao đầu vào việc xã hội để đến nỗi tù đày, bỏ lại vườn hoang, nhà trống, mẹ già vợ dại, con thơ.
Vậy xin hãy cứ khôn ngoan mà tận dụng cơ hội đển kiếm tiền bây giờ đi.
Nhưng nếu đã khôn thì khôn cho trót, hãy tính luôn đến cả đời sau nữa. Nếu con, cháu mình thật thà, làm ăn chất phác, ngay thẳng thì chúng sẽ kiếm được những gì. Khi đất đai không còn, tài nguyên cạn kiệt vì tận thu bán tống, bán tháo lấy tiền trước mắt rồi khôn ngoan chia nhau. Khoa học, kỹ thuật vẫn trông chờ vào nước ngoài. Lúc đó chỉ có cách đi làm nô lệ cho người ta mà thôi.
Làm người khôn ngoan tất nhiên chả cần phải đắn đo lựa chọn.
Nhưng nếu không dại dột mà chọn cách làm người dại dột. Điều ấy quả không dễ dàng. Vì nó đòi hỏi cái mà xã hội này đang khan hiếm nhất, đắt đỏ nhất đó là ‘’ lương tri’’.
Một xã hội mà khi nhắc đến từ ‘’ lương tri, lương tâm, trách nhiệm’’ là bị bĩu môi, dè bỉu là dại dột. Xã hội ấy đi về đâu ?
NBG - Luật sư Huỳnh Văn Đông cùng hai cháu bé con anh Phạm Văn Trội
http://img43.imageshack.us/img43/8066/dsc00034ir.jpg
Vợ con anh Trội và những người bạn đến chia sẻ
http://img39.imageshack.us/img39/9850/dsc00036ts.jpg
PHẢN HỒI : http://nguoibuongio.multiply.com/journal/item/368/368
-----------------------
Lên tiếng trước một vụ xử
Công Minh
Gửi cho BBC từ Hà Nội
Cập nhật: 16:17 GMT - thứ ba, 6 tháng 10, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/10/091006_vn_dissidents_view.shtml
Ngày 8 và 9 sắp tới đây dự kiến sẽ là ngày xét xử nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh và một số nhà hoạt động dân chủ khác.
Dù chỉ là một luật sư tập sự, chưa có quyền bào chữa nhưng tôi vẫn thấy có trách nhiệm với họ và những thân nhân trong gia đình họ.
Cũng không thể có mặt tại phiên tòa, nhưng lương tâm vẫn thôi thúc tôi nói với mọi người, với dư luận rằng: ”tất cả đều vô tội”.
Nguyên tắc suy đoán vô tội
Thứ nhất, khi sự có tội không được chứng minh thì sự vô tội đã được chứng minh.
Nguyên tắc này là nguyên tắc suy đoán vô tội, là kết quả của nền văn minh tư pháp, không thể phủ nhận được.
Hiến pháp và Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đã thừa nhận.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nền tố tụng Tư Pháp Việt Nam đã hoàn toàn đi ngược lại.
Đúng hơn là tư duy theo cách ngược lại, tức là: suy đoán có tội, bắt nhầm hơn bỏ sót.
Tôi có thể dẫn chứng trong vụ án này: ”Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh và một số người khác bị bắt và tạm giam hơn một năm nay”.
Nếu không suy đoán có tội thì ai cho phép họ làm điều đó? Tại sao sự tự do của Công Dân Việt Nam lại dễ dàng bị tước đoạt như vậy?
Viện Kiểm Sát đã chứng minh hành vi của những người này là phạm tội như sau:
“Viết và treo biểu ngữ trên cầu Lạch Tray và cầu Lai Cách.”
“Kết luận giám định: Biểu ngữ có nội dung kích động, chống lại Nhà nước.”
Từ đó đi đến cáo buộc: phạm tội tuyên tryền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Nguyên văn các biểu ngữ được treo ở cầu Lạch Tray và cầu Lai Cách như sau:
Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo Việt Nam. Dân chủ nhân quyền cho Việt Nam. Đa nguyên đa Đảng cho Việt Nam.
Khối 8406, lạm phát, dân nghèo khổ là do chính quyền CS. Mất tự do, dân chủ, nhân quyền là do CS, yêu cầu đa nguyên đa Đảng.
Cơ quan giám định có độc lập không? Kết luận giám định có khách quan không? Tài liệu thu giữ có hợp pháp không?
Bất kỳ câu trả lời “KHÔNG” nào, đều dẫn đến sự vô tội của những người này.
Tôi không tìm thấy nội dung nào “chống Nhà nước” trong hai biểu ngữ này.
Chỉ trích Đảng không đồng nghĩa với chống Nhà nước.
Nếu như việc chỉ trích những đường lối, những chính sách của một đảng phái là phạm tội thì tôi nghĩ hầu hết các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đều phải đi tù.
Tìm sự thật
Thứ hai, phán quyết của Tòa án Việt Nam có phải là điểm dừng của công lý hay không?
Xin thưa là không và chưa bao giờ Tòa án Việt Nam chứng tỏ được vai trò “tìm sự thật” và “phán quyết công lý” trong những vụ án chính trị như thế này.
Công lý có thể tìm thẩy bằng nhiều phương tiện và cách thức khác nhau, nhưng phổ biến nhất là con đường tố tụng tư pháp.
Điểm dừng của con đường này là phán quyết có hiệu lực của Tòa án. Mọi người chấp nhận phán quyết của Tòa án như một giá trị công bằng phổ biến.
Phán quyết của Tòa án dựa trên pháp luật, từ sự trong sạch của lương tâm và sự độc lập là điểm dừng của công lý.
Các vị hãy nhìn vào cấu trúc của hệ thống Tòa án Việt Nam.
Tất cả Thẩm phán và hội thẩm nhân dân - những người phán quyết công lý đều phải là Đảng viên, theo Luật thẩm phán và hội thẩm nhân dân.
Các biểu ngữ treo ở cầu Lạch Tray và Lai Cách là phản đối đường lối của Đảng, nay chính các Đảng viên là những người xét xử, thì ngay từ đầu đã không bảo đảm được sự độc lập và khách quan, vậy làm sao có được công lý?
Đảng phán quyết luôn cho cả nền công lý ở Việt Nam.
Công lý chỉ được bảo đảm khi Tòa án tuân thủ những điều luật đã được quy định, dù thực tế, những điều luật đó không phù hợp với khách quan, đặc biệt là Luật tố tụng hình sự.
Bất kỳ sự vi phạm tố tụng nào, đều dẫn đến sự vô tội của những người này, đều chứng tỏ sự lúng túng của nhà cầm quyền.
Thứ ba, bày tỏ chính kiến đối lập là quyền căn bản của cá nhân và là nhu cầu khách quan của xả hội.
Quyền này đã được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, qua việc ký kết văn kiện quốc tế về quyền con người và được tất cả các Hiến Pháp của Việt Nam từ năm 1945 đến nay đều nghi nhận.
Không một lý luận nào, một sự giải thích nào, một lý do nào có thể đi đến sự phủ nhận quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận.
Bày tỏ chính kiến, kể cả chính kiến đối lập không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Và do đó, không thể xem là phạm tội.
Trong một chừng mực nào đó, có thể nói, bày tỏ chính kiến đối lập là một trong cách thức “phản biện xã hội”, là nhân tố góp phần thúc đẩy sư tiến bộ của xã hội.
Hành vi này hoàn toàn không nguy hiểm cho xã hội, kể cả khi có nội dung chỉ trích Đảng Cộng Sản.
Cuối cùng, vi phạm ở điều 88 Bộ Luật Hình sự phải chăng là niềm tự hào?
Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng chống lại sự ác, sự dữ, sự bất công, sự cường quyền.
Tất cả đều mong muốn một Đất nước Việt Nam tự do, dân chủ và các giá trị của con ngưới được tôn trọng.
Treo biểu ngữ trên cầu Lạch Tray, cầu Lai Cách, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh và một số người khác muốn bày tỏ chính kiến của mình, muốn chỉ ra các nguyên nhân làm cho dân tộc đói nghèo, mất đất liền, mất hải đảo.
Đây là quan điểm cá nhân của họ, quan điểm của họ có thể đúng, có thể sai, nhưng động cơ mục đích của họ là hoàn toàn trong sạch.
Để cho một đất nước nghèo nàn lạc hậu, mất đất liền, mất hải đảo có thể có nhiều nguyên nhân nhưng Nhà nước và Đảng cầm quyền không thể phủ nhận trách nhiệm của mình, và do đó quan điểm của những người này không phải là không có lý.
Nếu tiếp tục cho rằng những người này là “tội phạm” cần phải xét xử và giam cầm thì một ngày nào đó tất cả chúng ta đều thấy rằng vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam là cả một niềm tự hào phải không thưa các vị?
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, một luật sư tập sự ở Việt Nam.
No comments:
Post a Comment