Saturday, October 3, 2009

NỀN BÁO CHÍ VIỆT NAM SAU 2 NĂM ĐI BÊN LỀ PHẢI


Nhìn lại nền báo chí Việt Nam sau hai năm “đi bên lề phải”
Viên Mẫn
Thứ Bảy, 03/10/2009
http://danluan.org/node/2825
Cách đây 2 năm, ngày 3-8-2007, ông Lê Doãn Hợp (LDH) – Bộ trưởng bộ Thông tin – Truyền thông (Bộ TT-TT, hay còn gọi là Bộ 4T) đã thừa nhận ở Việt Nam đang thiếu tự do báo chí qua câu nói nổi tiếng của ông: “Quy chế quản lý báo chí chính là để chúng ta tự do hơn, lâu nay chúng ta quản lý theo mệnh lệnh. Chúng ta hoàn toàn có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải, và chúng tôi cố gắng làm cho các đồng chí lề đường đó.”

Nhưng:
- Đã hai năm trôi qua từ ngày ông nói câu trên, đã hầu như không có một điều luật nào được bổ sung để báo chí có thể dựa vào đó mà điều hành bằng luật (có chăng thì cũng chỉ là những văn bản dưới luật chưa có tác động gì đến báo chí) nhằm tránh điều hành bằng mệnh lệnh như ông LDH nói. Vậy hẳn ông Hợp cũng có thể thấy là rõ ràng, báo chí vẫn chưa được tự do.
- Đã hai năm trôi qua từ ngày ông nói câu trên nhưng báo chí lại đang đi xuống do né tránh những vụ án tham nhũng lớn, không đưa tin một cách kịp thời, báo chí không là đầu mối phát hiện ra bất kỳ một vụ tham nhũng lớn nào. Vậy mục đích của báo chí là soi rọi đời sống xã hội, góp phần tạo nên một diễn đàn lớn cho tự do ngôn luận của nhân dân chẳng những không được nâng cao mà còn trì trệ một cách rõ rệt.
- Hiện nay, số lượng độc giả trên các tờ báo giấy đang ngày càng bị mai một dần, một phần vì có sự phát triển của báo mạng nhưng bên cạnh đó, độc giả đang quay lưng lại vì họ không thể tìm thấy được những thông tin có thể nói là nóng hổi mang tính thời sự liên quan đến nạn tham nhũng trên những tờ báo ra hàng ngày. Vậy, mục đích thu hút sự quan tâm, đóng góp của dư luận xã hội cho báo chí, thậm chí trở thành diễn đàn có tính phản biện đời sống kinh tế - xã hội đã không đạt được.
- Theo ý ông Hợp, báo chí sẽ đi theo lề đường bên phải và rộng hơn, thóang hơn theo ý muốn và nỗ lực chủ quan của ông và Bộ 4T. Vậy không hiểu đó là thứ tư do gì vì nếu đã gọi là tự do thì có nghĩa là không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, số lượng, tần suất. Trong khi đó thì cái lề bên phải như ông nói có độ rộng hẹp tùy thuộc vào sự nỗ lực của bản thân ông và Bộ 4T. Thêm nữa ngay chữ lề bên phải đã nói lên sự mất tự do rồi vì thông tin của một xã hội phải là thông tin mang tính phổ quát, không có góc khuất, không có ngoại lệ. Bản thân chữ thông tin (là dòng chảy liên tục, thông suốt, không bị ngưng trệ của tin tức trên tất cả mọi mặt trong đời sống xã hội). Vậy theo như ông LDH nói thì bên phía lề trái hay giữa đường không cần sự có mặt của báo chí hay sao? Ông LDH chỉ cho phép báo chí đi theo một bên lề vậy nên trong hai năm qua báo chí đã không có thể nhìn thấy được những mặt trái của đời sống xã hội cũng là một lẽ thường tình. Chính phía mặt trái đó là nơi bọn sâu mọt đang ngày đêm ẩn nấp. đang đục khoét của cải, tài sản của nhân dân, làm sao báo chí có thể bắt tận tay, day tận trán, làm sao báo chí có thể nêu danh, điểm mặt, chỉ tên từng kẻ đang ăn trên, ngồi trốc trên đầu, trên cổ nhân dân, đang ăn sung mặc sướng từ mồ hôi, nước mắt của nhân dân lại còn lớn tiếng dọa nạt, bắt bớ những người đang ngày đêm trăn trở với nạn tham nhũng, nỗi nghèo hèn khiếp nhược, sự dối trá có hệ thống và sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
Để minh chứng, tác giả bài viết đưa ra hai vụ án mà theo Nhà nước thì là “vụ án điểm”(điều này chỉ có ở Việt Nam) để thấy báo chí của ông Hợp chưa hoàn thành nhiệm vụ dù chỉ là một phần theo mong muốn của nhân dân:

Vụ án thứ nhất đó là vụ PMU 18 nổi tiếng và cũng đầy tai tiếng. Báo chí một thời đã đồng loạt đưa tin một cách sát sao theo những chứng cứ thu thập từ các cơ quan điều tra. Tuy rằng, có thể còn có những tin chưa được xác thực nhưng đó chỉ là số ít và nếu thông tin bịa đặt thì bản thân nhà báo đó phải chịu trách nhiệm theo luật. Thế nhưng sau những vụ lùm xùm về việc đưa tin của các nhà báo Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến… của các tờ báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và một số tờ báo khác đã khiến cho nhiều nhà báo bị tước thẻ, bị rơi vào cảnh lao lý, nhiều Tổng, phó Tổng biên tập và trưởng nhóm đại diện bị thôi chức, hầu như tòan bộ các nhà báo đều cảm thấy chùn tay trước các bài viết có hai chũ “vụ án” cốt để giữ cho mảnh thẻ nhà báo của mình không bị thu hồi và bởi vì đằng sau họ còn có cả một gia đình mà họ phải lo toan. Các tờ báo trong nước sau vụ xét xử hai nhà báo trên có thể so sánh với hình ảnh của những người mất hồn, hiền lành như những võ sĩ bị phế hết nội công, nhiều tờ báo đưa nhiều tin hơn về những chuyện con gà, con kê, trộm cắp vặt, mại dâm… cốt để chèn vào khỏang trống mà trước đây dành cho đăng tin liên quan đến các vụ án tham nhũng. Ở vai trò của mình, chẳng những ông LDH đã không đứng lên khích lệ, động viên nhằm thổi một luồng gió mới vào báo chí mà ông còn đưa báo chí vào một khuôn phép, một hành lang kiểm sóat khắt khe để rồi như mọi người đều đã thấy. Có thể bản thân ông LDH không thể tòan quyền quyết định trong những công việc của Bộ 4T nhưng nếu thấy công việc quá khó, vuợt khỏi tầm tay của một người vừa mới từ tỉnh lên trung ương thì ông Hợp hãy tìm cho mình một việc làm khác có phải tốt hơn không?

Vụ án thứ hai liên quan đến việc sử dụng nguồn ODA của chính phủ Nhật, đó là vụ án PCI liên quan đến đại lộ Đông – Tây mà các tờ báo gần như không có lấy bất cứ một mẩu thông tin mang tính điều tra nào để góp phần phát hiện thêm những chứng cứ của vụ án.
Hai dự án trên chỉ nằm trong số hàng ngàn dự án trên cả nước đã và đang triển khai trong hai năm qua, thử hỏi hơn 700 tờ báo của Bộ 4T đã điều tra được gì mà không thấy đưa lên mặt báo, phải chăng tất cả đều là “thông tin mật”. Hẳn những kẻ đang nấp trong bóng tối, trong những góc khuất mà báo chí không được phép đi vào đang thỏa sức hả hê ăn mừng khắp các hang cùng ngõ hẻm và đang nói lời cám ơn những người như ông Hợp.

Dẫu cho có những ý kiến như trên thì bản thân người viết cũng thầm khâm phục bản tính ngay thẳng của người dân xứ Nghệ nơi ông khi ông nói toạc móng heo ra sự thật về nền báo chí Việt Nam nhưng cũng phải thừa nhận một điều là cái lời nói của ông vô tình đã như một cú tát vào mặt những kẻ đã viết sai bản tường trình về nhân quyền ở Việt Nam tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định rằng ở Việt Nam đã có tự do báo chí. Thêm nữa, có phải ông Hợp đã ăn phải quả “Liều” không mà lại dám nói sai chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn một mực khẳng định là Việt Nam hoàn toàn có tự do báo chí và ông lại còn vi phạm hiến pháp, pháp luật của quốc gia vốn coi tự do báo chí là một trong các điều luật hiển nhiên được bảo vệ.

Trên đây là mới chỉ đề cập đến tự do báo chí “có giới hạn” dành cho những tờ báo của Nhà nước, vậy thì còn quá xa để nói đến một nền tự do báo chí đúng nghĩa của nó, thế thì lời nói của ông Hợp cũng hòan tòan đúng, thậm chí còn hơn thế rất nhiều.
Đến đây, người viết xin tặng ông Lê Doãn Hợp và độc giả hai đọan trích lời nói của Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson khi ông cho rằng “tự do báo chí là yếu tố tốt nhất để bảo đảm tự do và ông, sẵn sàng chấp nhận những sự quá đáng do tự do báo chí đem lại, để có được các lợi ích là luôn luôn nhận được các phê bình giúp cho hoạt động của chính quyền thêm sáng tỏ” và “Nếu tôi phải lựa chọn giữa một chính quyền không có báo chí và báo chí không có chính quyền, thì tôi sẽ lựa chọn điều thứ hai”.



No comments:

Post a Comment