Thursday, October 22, 2009
MÔ HÌNH TRUNG QUỐC !
Mô hình Trung Quốc!
Trần Khải
Đăng ngày 22/10/2009 lúc 01:20:57 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4248
Theo gương đàn anh vĩ đại... Từ khởi đầu đã theo gương và bây giờ cũng theo gương. Đảng và nhà nước CS Việt Nam đã nhiều thời kỳ đi theo mô hình Trung Quốc - từ cách mạng bạo lực, du kích nông dân, cải cách ruộng đất cho tới kiểu mẫu độc đảng nắm quyền nhưng kinh tế cởi mở...
Bây giờ thì không chỉ riêng Việt Nam, mà cả Cuba và Nga đều đang quan sát để tìm cách mô phỏng theo Trung Quốc bất kể những bất toàn và bất ổn của xã hội nơi này. Nhu cầu đơn giản: giai cấp nắm quyền muôn năm trường trị, trong khi kinh tế vẫn tăng tốc được để người dân chạy đua theo lợi nhuận, và lòng tự hào dân tộc được thổi phồng để vuốt ve những người thân chính và để chụp mũ “phản động” những người dám đòi nhân quyền và tự do.
Chính phủ Cuba đã nói rất minh bạch tuần trước rằng Trung Quốc là một khuôn mẫu cho thế giới thứ ba.
Bản tin Xinhua ngày 10-10-2009 đã viết như thế. Bản tin nói rằng, “chính phủ Cuba đã ca ngợi phát triển của TQ trong 60 năm qua là một khuôn mẫu và hy vọng cho thế giới thứ ba”. Trong 60 năm? Đúng vậy, đó là lời của nhật báo Granma tại Havana viết như thế. Có nghĩa là kể cả những năm đói thê thảm vì bước tiến đại nhảy vọt, những năm đốt sách cổ và đập phá di tích văn hoá để xoá tàn tích phong kiến, và cả những tuần lễ thảm sát và truy nã những sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn 1989?
Báo Granma hôm Thứ Sáu 9-10-2009 ghi lời trong bài diễn văn của Fidel Castro rằng, “Trung Quốc là niềm hy vọng hứa hẹn cho các nước Thế Giới Thứ Ba”. Granma thêm lời bình: “Tây Phương không có thể chối bỏ thực tại đó”.
Ngôn ngữ đó hiển nhiên là từ cùng một dàn hoà tấu: dễ dàng thấy nhật báo Nhân Dân từ Hà Nội cũng sẽ nói tương tự như thế. Thêm nữa, khi Fidel Castro ca ngợi Trung Quốc, tất nhiên sẽ thấy Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ nói tương tự.
Báo Nhân Dân từ Hà Nội, trong số ngày 18-10-2009, trong bản tin nhan đề “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc chuyến thăm tỉnh Tứ Xuyên và TP Trùng Khánh (Trung Quốc)” đã kể rằng:
“Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 17-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời TP Trùng Khánh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm tỉnh Tứ Xuyên, TP Trùng Khánh và dự Hội chợ Miền Tây Trung Quốc lần thứ 10.
Trước khi lên đường về nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thị trưởng Trùng Khánh Vương Hồng Cử, dự Diễn đàn hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Trùng Khánh) và tiếp một số tập đoàn hàng đầu của thành phố này. Tại buổi tiếp Thị trưởng Trùng Khánh Vương Hồng Cử, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những thành tựu mà Trùng Khánh đã đạt được trong sự nghiệp cải cách mở cửa; trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới, Trùng Khánh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá..”.
Lời khen này quả nhiên là tuyệt vời, bởi vì trong khi hầu hết các nơi trên thế giới để kinh tế sụt giảm, thì Trùng Khánh vẫn tăng tốc đều đặn. Phải biết, ông Dũng nói thế quả nhiên là khéo lời. Cụ thể, theo báo Nhân Dân, ông Dũng còn nói là sẽ mở cửa ưu đãi cho Trung Quốc:
“...Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng nhận thấy trong sự phát triển nhanh của Trung Quốc, TP Trùng Khánh đang vươn lên mạnh mẽ; là một trong những cực tăng trưởng mới ở Trung Quốc, luôn đạt tốc độ tăng trưởng 14 - 15%/năm, đứng thứ 3 trong các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao ở Trung Quốc. Trùng Khánh là một trung tâm kinh tế của khu vực miền Tây, với quy mô GDP hơn 500 tỷ nhân dân tệ. Thủ tướng cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa Trùng Khánh và các địa phương của Việt Nam rất lớn. Hiện đã có 12 dự án đầu tư từ Trùng Khánh vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD. Các dự án đang được triển khai thuận lợi và thành công, mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp và hai nước. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác kinh tế với TP Trùng Khánh, coi đây là một bộ phận cấu thành quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc..”.
Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc? Đúng là lời nói của ông Dũng như thế. “Toàn diện” có phải có nghĩa là không còn chỗ nào là không hợp tác? Trời ạ, chỉ riêng khai thác mỏ bauxite Tây Nguyên đã thấy đỏ ngầu sông suối các tỉnh vùng cao rồi, mà lại cho hợp tác toàn diện thì chỗ nào cho tư bản Mỹ-Âu chen vào nữa?
Tâm thức thần phục mô hình Trung Quốc không có gì lạ. Ngay như Nga cũng đang quan sát để học một phương diện của Bắc Kinh. Báo New York Times hôm 18-10-2009, bài viết nhan đề “Russia’s Leaders See China as Template for Ruling” (Các Lãnh Tụ Nga Nhìn Trung Quốc Như Khuôn Mẫu Cầm Quyền), ngay câu mở đầu đã nói rõ gan ruột của các lãnh tụ Nga, “Gần 2 thập niên sau khi Đảng Cộng Sản sụp đổ, các nhà cầm quyền Nga đã gặp một mô hình cho thành công tương lai: Đảng Cộng Sản”.
Theo phân tích này, Đảng United Russia (Đảng Nước Nga Thống Nhất) của Vladimir V. Putin đang tăng cường xem xét về cách nào có thể bắt chước Đảng CSTQ, đặc biệt là khả năng lèo lái nước Tàu đi qua khủng hoảng tài chánh. Các lãnh tụ Nga đã triệu tập buổi họp đặc biệt tháng này với các lãnh tụ Đảng CSTQ để nghe trực tiếp về cách nắm chặt quyền lực. Báo New York Times viết: “Hình như điều họ ngưỡng mộ là khả năng TQ sử dụng hệ thống độc đảng để kiểm soát chặt cả nước trong khi thúc đẩy sức tăng kinh tế lớn lao”.
Aleksandr D. Zhukov, một phó thủ tướng và là phụ tá cao cấp cuả Putin, tuyên bố trong buổi họp với các quan chức TQ hôm 9-10-2009 tại thị trấn biên giới Suifenhe, TQ, phía tây bắc của Vladivostok: “Thành tựu của Đảng CSTQ trong việc xây dựng chính quyền xứng đáng được điểm cao nhất. Kinh nghiệm thực tiễn họ có nên được [chúng ta] học hỏi kỹ càng”.
Ông Zhukov đã mời chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí Thư Đảng CSTQ, dự đại hội Đảng của Đảng Nước Nga Thống Nhất sẽ tổ chức vào tháng 11-2009 tại St. Petersburg. Còn hội nghị tại Suifenhe là đỉnh cao sau nhiều tháng quan hệ qua lại giữa hai đảng cầm quyền hai nước này. Hồi mùa xuân, một phái đoàn cấp cao của Đảng Nước Nga Thống Nhất đã thăm Bắc Kinh để nói chuyện nhiều ngày, và Đảng Thống Nhất Nước Nga loan báo là sẽ mở một văn phòng ở Bắc Kinh để làm cơ quan nghiên cứu của đảng.
Thực tế thì hai nước Nga và TQ vẫn còn khác nhau nhiều lắm. Trong khi Nga có chế độ đa đảng, TQ chỉ có một đảng; trong khi các quyền căn bản còn nới mở ở Nga, TQ chỉ có một “lề phải” cho cả nước đi theo. Tuy nhiên, báo New York Times nói hai nước vẫn cùng một chính quyền trung ương tập trung quyền lực, quản trị nền kinh tế hỗn hợp cả quốc doanh và tư doanh. Thêm nữa, một lý do chính để Nga muốn theo gương TQ là quản trị kinh tế: Hồi tháng 6-2009, Ngân Hàng Thế Giới đưa ra dự toán rằng kinh tế TQ sẽ tăng 7.2% trong năm 2009.
Tuy là đa đảng, nhưng cuộc bầu cử địa phương đã cho thấy chính phủ Nga và Đảng Nước Nga Thống Nhất đã đan quyện vào nhau chặt chẽ hơn. Các kênh truyền hình quốc doanh giành ưu tiên đặc biệt cho đảng này, và các toà án hiếm khi ra phán quyết kình chống quyền lợi của đảng này.
Không giấu giếm gì, các quan chức Nga nói rõ gan ruột độc tài của mình. Vladimir E. Matkhanov, một dân biểu quốc hội Nga, nói trong hội nghị ở Suifenhe, theo bản ghi chép của hội nghị, nói rằng: “Chúng tôi rất muốn tìm hiểu kinh nghiệm của cấu trúc đảng và nhà nước ở TQ, nơi sự hợp tác hiện hữu giữa đảng cầm quyền và các cấp chỉ huy tư pháp, lập pháp và hành pháp”.
Thế cho nên, các nhà dân chủ Nga mới la làng. Sergei S. Mitrokhin, lãnh đạo của Yabloko, một đảng cấp tiến thân Tây phương bị nhà cầm quyền Nga chèn ép từ lâu, nói rằng các cuộc bầu cử thiên vị cho đảng của Putin đã cho thấy tham vọng thực của chính phủ Nga, và “những cuộc nói chuyện với nhà cầm quyền TQ kia đã bộc lộ mọi chuyện này rõ ràng. Đối với tôi, lãnh đạo TQ họp với Đảng Nước Nga Thống Nhất cho thấy đảng này muốn thiết lập nền độc tài độc đảng tại Nga vĩnh viễn”.
Đối với Việt Nam và Cuba thì đúng là như thế. Một nền độc tài độc đảng vĩnh viễn. Và CS Trung Quốc là mô hình vĩ đại của CSVN, đúng như thế. Bất kể mọi ý kiến của giới trí thức trong nước về Hoàng Sa và Tây Nguyên. Và như thế, những cuộc thảm sát Thiên An Môn nếu có xảy ra tại nơi nào đó tại VN sau này thì cũng sẽ là chuyện nhỏ đối với các quan chức Hà Nội.
Thế đó, mô hình Bắc Kinh còn đang được Moscow quan sát để học hỏi, huống gì là Hà Nội, một đàn em truyền thống của Phương Bắc! Nếu vậy thì dân tộc Việt Nam phải chờ tới bao giờ mới thực sự có dân chủ, tự do và nhân quyền?
Trần Khải
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment