Tuesday, October 6, 2009
LỜI BÀO CHỮA TỪ LƯƠNG TÂM (Vụ án NGUYỄN XUÂN NGHĨA và CÁC BẠN)
Vụ án Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn:
Lời bào chữa từ lương tâm
Luật sư tập sự
Đăng ngày 06/10/2009 lúc 17:39:38 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4200
Kính thưa các vị,
Theo thông tin tôi được biết ngày 8 và 9 sắp tới đây là ngày xét xử nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh và một số nhà hoạt động dân chủ khác. Dù chưa phải là luật sư nhưng tôi vẫn thấy có trách nhiệm với họ và những thân nhân trong gia đình họ. Với tôi họ là những người rất can đảm, đáng được quần chúng hoan nghênh và dư luận bảo vệ. Tôi nghĩ, viết những lời bào chữa cho họ là một niềm vinh dự lớn.
Không phải là luật sư, cũng không thể có mặt tại phiên Toà, nhưng lương tâm vẫn thôi thúc tôi nói với mọi người, với dư luận rằng: ”Tất cả đều vô tội”. Sự vô tội của họ là không cần bàn cãi, là không cần chứng minh nữa. Có thể nhiều người nghi ngại rằng: ”không cần bào chữa, không cần chứng minh, thì lời biện minh này dành cho ai?”. Xin quý vị hãy nhẫn nại để tôi được trình bày.
Tôi xin bắt đầu như thế này:
Thứ nhất, khi sự có tội không được chứng minh thì sự vô tội đã được chứng minh.
Nguyên tắc này là nguyên tắc suy đoán vô tội, là kết quả của nền văn minh tư pháp, không thể phủ nhận được. Hiến pháp vá Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đã thừa nhận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nền tố tụng Tư Pháp Việt Nam đã hoàn toàn đi ngược lại. Đúng hơn là tư duy theo cách ngược lại, tức là: suy đoán có tội, bắt nhầm hơn bỏ sót.
Tôi có thể dẫn chứng trong vụ án này: ”Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh và một số người khác bị bắt và tạm giam hơn một năm nay”. Nếu không phải là suy đoán có tội thì ai cho phép họ làm điều đó ? Tại sao sự tự do của công dân Việt Nam lại dễ dàng bị tước đoạt như vậy?
Các vị hãy đọc Cáo trạng của Viện Kiểm Sát.
Viện Kiểm Sát đã chứng minh hành vi của những người này là phạm tội như sau:
Viết và treo biểu ngữ trên cầu Lạch Tray và cầu Lai Cách.
Kết luận giám định: Biểu ngữ có nội dung kích động, chống lại Nhà Nước.
Từ đó đi đến cáo buộc: phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Ở đây chẳng có sự chứng minh nào cả, chỉ có sự quy kết và chụp mũ. Với công thức này (thu giữ tài liệu + kết luận giám định = phạm tội ở điều 88), nhà cầm quyền dễ dàng “kết tội” bất cứ ai lên tiếng phản biện hay trình bày chính kiến đối lập.
Vấn đề được đặt ra là:
Cơ quan giám định có độc lập không? Kết luận giám định có khách quan không? Tài liệu thu giữ có hơp pháp không? v.v, rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Bất kỳ câu trả lời “KHÔNG” nào, đều dẫn đến sự vô tội của những người này.
Nguyên văn các biểu ngữ được treo ở cầu Lạch Tray và cầu Lai Cách như sau:
- Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo Việt Na
- Dân chủ, nhân quyền cho nhân dân Việt Nam
- Đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam
Biểu ngữ treo ở cầu Lai Cách Hải Dương viết:
- Lạm phát, dân nghèo khổ là do chính quyền CS
- Mất dân chủ tự do nhân quyền là do chính quyền CS
- Mất đất mất đảo là do chính quyền đảng CS
- Yêu cầu: đa nguyên đa đảng
Tôi không tìm thấy nội dung nào “chống Nhà nước” trong các biểu ngữ này. Các biểu ngữ này hoàn toàn không có bất kỳ câu chữ nào nói đến Nhà Nước. Việc đồng nhất Đảng Cộng Sản với Nhà Nước là việc làm tuỳ tiện, thiếu khoa học và không thực tiễn, Đảng và Nhà Nước la hai tổ chức khác biệt nhau. Chỉ trích Đảng không đồng nghĩa với chống Nhà Nước. Nếu như việc chỉ trích những đường lối, những chính sách của một đảng phái là phạm tội thì tôi nghĩ hầu hết các Nguyên thủ quốc gia trên thế giới đều phải đi tù.
Thứ hai, phán quyết của Toà án Việt Nam có phải là điểm dừng của công lý hay không?
Xin thưa là không và chưa bao giờ toà án Việt Nam chứng tỏ được vai trò ”tìm sự thật “ và ”phán quyết công lý” trong những vụ án chính trị như thế này. Công lý có thể tìm thẩy bằng nhiều phương tiện và cách thức khác nhau, nhưng phổ biến nhất là con đường tố tụng tư pháp. Điểm dừng của con đường này là phán quyết có hiệu lực của Toà án. Mọi người chấp nhận phán quyết của Toà án như một giá trị công bằng phổ biến. Phán quyết của Toà án dựa trên pháp luật, từ sự trong sạch của lương tâm và sự độc lập là điểm dừng của công lý.
Các vị hãy nhìn vào cấu trúc của hệ thống Toà án Việt Nam.
Tất cả thẩm phán và hội thẩm nhân dân- những người phán quyết công lý đều phải là Đảng viên (xem luật thẩm phán và hội thẩm nhân dân). Phải chăng Đảng muốn phán quyết luôn cả công lý? Các biểu ngữ treo ở cầu Lai Cách và Lạch Tray là phản đối đường lối của Đảng, nay chính các Đảng viên là những người xét xử, thì ngay từ đầu đã không bảo đảm được sự độc lâp và khách quan, thì làm sao có được công lý ?
Ở mức độ bao quát nhất, có thể nói Toà án Việt Nam là toà án của Đảng Cộng sản. Đảng phán quyết luôn cho cả nền công lý ở Việt Nam. Tất cả dân tộc đều chờ sự ”ban phát công lý” từ Đảng Cộng sản. Ở mức độ hẹp hơn, thì công lý chỉ được bảo đảm khi Toà Án tuân thủ những điều luật đã được quy định. Đặt biệt là luật tố tụng hình sự. Bất kỳ sự vi phạm tố tụng nào cũng đều dẫn đến sự vô tội của những người này, đều chứng tỏ sự lúng túng của nhà cầm quyền. Việc giam cầm hơn một năm mà không xét xử đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Nhà cầm quyền tự đưa ra xét xử, rồi tự hoãn phiên Toà, bất chấp những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, phải chăng là đã phủ nhận Công lý ?
Thứ ba, bày tỏ chính kiến đối lập là quyền căn bản của cá nhân và là nhu cầu khách quan của xả hội.
Bày tỏ chính kiến là hình thức thực hiện quyền tự do ngôn luận. Quyền này đã được nhà Nước Việt Nam thừa nhận, ký kết vào văn kiện quốc tế về quyền con người. Tất cả các Hiến Pháp của Việt Nam từ năm 1945 đến nay đều nghi nhận quyền này. Nhà Nước nào, Chế độ nào cũng đều lấy việc bảo đảm, phát triển và mở rộng quyền con người làm mục tiêu phấn đấu của mình. Xem đó là điều kiện tối thiểu để người dân được hạnh phúc. Mà thật vậy, con người chỉ cảm thấy hạnh phúc khi các quyền căn bản của mình được tôn trọng. Không một lý luận nào, một sự giải thích nào, một lý do nào có thể đi đến sự phủ nhận quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận.Không thể lấy sự tồn tại của một Chế độ, của một Đảng phái để phủ nhận các quyền căn bản của con người. Chỉ có Chế độ độc tài mới có sự nguỵ biện như vậy.
Bày tỏ chứng kiến, kể cả chứng kiến đối lập không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội.Và do đó, không thể xem là phạm tội.Trong một chừng mực nào đó có thể nói, bày tỏ chứng kiến đối lập là một trong cách thức “phản biện xã hội”, là nhân tố góp phần thúc đẩy sư tiến bộ của xã hội. Tôi cho rằng, và hy vọng mọi người cũng đồng ý rằng: Việc treo biểu ngữ trên cầu Lạch tray và cầu Lai cách của nhà văn. Nguyễn Xuan Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh và một số người khác là cách thức thực hiện quyền bày tỏ chứng kiến đối lập. Hành vi này hoàn toàn không nguy hiểm cho xã hội, kể cả khi có nội dung chỉ trích Đảng Cộng Sản.
Thưa các vị,
Tất cả mọi người chúng ta, tôi cũng như các vị, đều mong muốn có được sự tự do ngôn luận, được nói lên tiếng nói của mình, được bày tỏ chứng kiến. Mọi người đều mong góp tiếng nói của minh cho sự phát triển Đất nước. Tất cả sự mong muốn thực hiện quyền cá nhân của mỗi người chúng ta đã tạo ra một nhu cầu xã hội. Nhu cầu đó là một đòi hỏi khách quan, mà Nhà Nước phải đáp ứng. Nhà Nước không thể phủ nhận hay cản trở, nếu không muốn nói là phải tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu này. Tôi xin đặt câu hỏi: Nhà nước Việt Nam có tôn trọng quyền bày tỏ chứng kiến và đáp ứng nhu cầu khánh quan này hay không? Gần bảy trăm tờ báo và nhiều phương tiện truyền thông có nơi nào mà chúng ta có thể trình bày những chứng kiến của mình không? Nhiều nhà báo phải đi tù, bị mất việc, có tờ báo phải ngưng hoạt đông vì đăng bài nêu những chứng kiến đối lập. Nhiều tiếng nói góp ý, phản biện được gởi trực tiếp đến các cơ quan Nhà nước nhưng hầu hết đều rơi vào im lặng. Không có nơi nào, phương tiện nào để trình bày chính kiến, thì việc treo biểu trên cầu Lạch Tray và cầu Lai Cách là một cách thức tất yếu để bày tỏ chứng kiến của mình. Đó là khát vọng, là nhu cầu chứ không phải là tội phạm.
Cuối cùng, vi phạm ở điều 88 phải chăng là niềm tự hào?
Thưa các vị,
Bản chất con người là hướng thiện. Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng chống lại sự ác, sự dữ, sự bất công, sự cường quyền. Tất cả đều mong muốn một Đất nước Việt nam tự do, dân chủ và các giá tri của con ngưới được tôn trọng. Treo biểu ngữ trên cầu Lạch Tray, cầu Lai Cách, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh và một số người khác muốn bày tỏ chứng kiến của mình, muốn chỉ ra các nguyên nhân làm cho dân tộc đói nghèo, mất đất liền, mất hải đảo. Đây là quan điểm cá nhân của họ, quan điểm của họ có thể đúng, có thể sai, nhưng động cơ mục đích của họ là hoàn toàn trong sạch . Để cho một đất nước nghèo nàn lạc hậu, mất đất liền, mất hải đảo có thể có nhiều nguyên nhân nhưng Nhà Nước và Đảng cầm quyền không thể phủ nhận trách nhiệm của mình. Và do đó quan điểm của những người này không phải là không có lý. Đấu tranh chống lại sự bất công, cho các giá tri con người và cho một đất nước phát triển là hành đông can đảm đáng được mọi ngưới tôn trọng và hoan nghênh. Việc nhà cầm quyền giam giữ và đưa những người này ra xét xử là hành động đi ngược lại lợi ích của dân tộc và chà đạp lên lương tâm của loài người. Nếu tiếp tục cho rằng những người này là “tội phạm” cần phải xét xử và giam cầm thì một ngày nào đó tất cả chúng ta đều thấy rằng vi phạm điều 88 BLHS Việt Nam là cả một niềm tự hào phải không thưa các vị?
Xin cảm ơn mọi người đã lắng nghe tôi trinh bày.
Ngày 5 tháng 10 năm 2009
Luật sư tập sự
© Thông Luận 2009
-----------------------
Hãy trả tự do cho các nhà dân chủ bị bắt giam tuỳ tiện (thong luan)
No comments:
Post a Comment