Wednesday, October 28, 2009

ĐIỆN HẠT NHÂN KHÔNG PHẢI TRÒ ĐÙA

Điện hạt nhân (ĐHN) không phải trò đùa!
Nguyễn Hồng Kiên

Bài này được đăng lúc 04:31 ngày Thứ Tư, 28/10/2009
http://bauxitevietnam.info/c/15275.html

Hôm qua, tôi đọc lại các bài của TS Nguyễn Khắc Nhẫn (nguyên Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris, GS Viện Kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble, GS Trường Đại học Bách khoa Grenoble) vì kỳ họp Quốc hội lần này sẽ bàn về dự án xây nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận.
Hôm nay, TuanVietnamnet có bài của GS Phạm Duy Hiển (nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) với kết luận: “Một chương trình ĐHN ồ ạt với tám lò phản ứng đưa vào vận hành trong giai đoạn 2020-2025 chẳng những hoàn toàn không khả thi mà chắc chắn sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho đất nước”.

Cá nhân tôi thực sự lo lắng khi nhiều báo đăng tin “Chính phủ quyết làm ĐHN”. Từ 15/10 VietnamNet đưa tin: “Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn về dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ xin ý kiến về chủ trương đầu tư để đi đến quyết định có đầu tư dự án điện hạt nhân hay không” (
http://vietnamnet.vn/kinhte/chinhsach/200910/Nha-thau-dien-hat-nhan-Re-chua-phai-la-nhat-873826/)
Nhưng từ đầu tháng 9/2009, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Anh đã đặt câu hỏi: “[...] việc chủ đầu tư chọn địa điểm ở Ninh Thuận trước khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân có phải là đã thực hiện “quy trình ngược”, đặt cơ quan có thẩm quyền buộc phải quyết định “sự đã rồi”?” (
http://www.tuanvietnam.net/rui-ro-dang-sau-nhung-nha-may-dien-hat-nhan)
Tôi thực sự lo lắng khi nhiều người ủng hộ ĐHN đã cố tình đơn giản hóa mọi việc; nếu không muốn nói là họ đã và đang coi ĐHN không khác trò đùa.

Hãy nghe phát biểu của một số người có trách nhiệm:

1- Ông Vương Hữu Tấn (Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) nói “ráo hoảnh” về an toàn phóng xạ: “Cho dù có xảy ra những sự cố trầm trọng nhất, cũng không bao giờ có phóng xạ thoát ra môi trường mà chỉ có thể ở trong phạm vi nhà máy thôi” (
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=174876&ChannelID=2)

Trong khi đó, Thang phân loại sự kiện hạt nhân quốc tế (INES) vẫn quy định có 07 mức:
Mức 0 – Sự khác biệt chút ít: Không đáng kể về an toàn
Mức 1 – Bất thường: Vượt quá chế độ vận hành được phép
Mức 2 – Sự cố: Nhiễm xạ lan truyền đáng kể / Công nhân bị nhiễm xạ quá liều
Mức 3 – Sự cố nghiêm trọng: Nhiễm xạ lan truyền nặng / Ảnh hưởng nặng đến sức khỏe công nhân
Mức 4 – Tai nạn không gây hậu quả đáng kể ra ngoài: Vùng hoạt lò phản ứng / các lớp bảo vệ bị hư hại đáng kể / công nhân bị nhiễm xạ nguy kịch / hoặc dân chúng bị nhiễm xạ ở mức giới hạn quy định
Mức 5 – Tai nạn gây hậu quả ra ngoài cơ sở: Vùng hoạt lò phản ứng / các lớp bảo vệ bị hư hại nghiêm trọng / hoặc thoát phóng xạ ra ngoài cơ sở ở mức hạn chế: cần thực hiện một phần các biện pháp khắc phục đã dự kiến
Mức 6 – Tai nạn nghiêm trọng: Thoát phóng xạ ra ngoài cơ sở ở mức đáng kể: cần thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục đã dự kiến
Mức 7 – Tai nạn rất nghiêm trọng: Thoát phóng xạ nhiều: ảnh hưởng sức khoẻ và môi trường ở phạm vi rộng.

Ví dụ: Tai nạn Chernobyl ở Liên Xô cũ (nay thuộc Ukraine), năm 1986, được đánh giá ở mức 7; tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Tree Mile Island ở Mỹ, năm 1979, được đánh giá ở mức 5. (
http://www.varans.gov.vn/default.asp?actType=2&TypeGrp=1&ID_News=220&menuid=109000&menuup=109000&menulink=100000)
NẾU ĐÃ ĐÃ ĐẠT ĐẾN ĐỘ AN TOÀN NHƯ ÔNG TẤN NÓI THÌ NGƯỜI TA ĐÃ BỎ BỚT TỪ MỨC 5-7 ĐI. Và tôi không tin ông Tấn có thể lấy THÚNG úp chụp lấy cái nhà máy, để phóng xạ không thoát ra môi trường.

2- Ông Nguyễn Đăng Vang (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) nói Việt Nam đủ năng lực để vận hành nhà máy điện hạt nhân. Ông cũng nói với báo Tiền phong: “Để quản lý vận hành một nhà máy như vậy, người ta chỉ cần có 11 người, chẳng lẽ đất nước ta không tìm được 11 người có kỷ luật cao, có đủ trí tuệ để làm việc đó”.

Xin lưu ý là ông Vang nói như vậy bên lề kỳ họp Quốc hội tháng 10/2008.

Trước đó 2 tháng, Tiền phong đã có bài:
Thiếu trầm trọng nhân lực cho điện hạt nhân
TP – Việt Nam sẽ thiếu trầm trọng nguồn nhân lực phục vụ nhà máy điện nguyên tử vào năm 2020 nếu không có đột phá về đào tạo từ bây giờ, quan chức Bộ Khoa học&Công nghệ (MoST) cho biết.
Hội thảo về phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân nước ta đã tổ chức ở Hà Nội hôm qua, 29/8.
Theo GS.TS Hoàng Đức Lượng (MoST) nếu chỉ trông chờ vào đội ngũ hiện có và các cơ sở đào tạo hiện nay, chắc chắn Việt Nam sẽ thiếu nghiêm trọng nhân lực cho ngành điện hạt nhân sau 14-15 năm nữa.
Theo hướng dẫn của Cơ quan Nguyên tử năng lượng quốc tế (IAEA), để xây dựng và đưa một nhà máy hạt nhân với công suất 1.000MW (megawatts) vào hoạt động, cần 3.500 – 4.500 người, trong đó có 500 – 700 chuyên gia (trình độ đại học và trên đại học), 700 – 1.000 kỹ thuật viên và 2.200 – 3.000 công nhân lành nghề.
Nói riêng nhóm chuyên gia, hiện tại, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VAEC) có 400 người. Nếu kể tất cả các đơn vị khác nữa, có thêm khoảng 200 chuyên gia. Nhưng đại đa số chuyên gia đều cao tuổi, nhiều trong số đó không chuyên về ứng dụng năng lượng, và hàng năm được trẻ hóa rất ít.
Về khối đào tạo, hai trung tâm đào tạo chính về ngành năng lượng hạt nhân là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Đà Lạt mỗi năm đào tạo khoảng 30 sinh viên chuyên ngành hạt nhân. Nếu cộng tất cả các nơi khác, mỗi năm cũng chỉ có 70 sinh viên nhóm này tốt nghiệp.
Điều đáng nói nhất là, vẫn theo GS.TS Lượng, chương trình đào tạo của hầu hết các trường lạc hậu, không thống nhất, và nhiều sinh viên tốt nghiệp không xin vào ngành hạt nhân vì lương thấp.
Nếu kịch bản xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân công suất 1.000 MW/ nhà máy được Chính phủ thông qua, thiếu hụt nhân lực điện hạt nhân còn trầm trọng hơn
(
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=58742&ChannelID=46).

Phần lớn các sự cố hạt nhân đã xảy ra (kể cả ở các nước tiên tiến nhất về kỹ thuật và đào tạo nhân lực ngành hạt nhân, có truyền thống về kỷ luật lao động và văn hóa an toàn như Hoa Kỳ, Nga, Nhật v.v.) có nguyên nhân là do con người. Vì thế, tất cả các nước đều rất coi trọng việc chuẩn bị nhân lực cho chương trình điện hạt nhân.

Các chuyên gia như GS Phạm Duy Hiển (
http://www.tuanvietnam.net/2009-10-17-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-va-nhung-cau-hoi-con-bo-ngo), GS Cao Chi (http://www.laodong.com.vn/Home/Dao-tao-nhan-luc-dien-hat-nhan-Phai-mang-tam-quoc-gia/20094/135657.laodong), TS Nguyễn Quốc Anh (http://www.tuanvietnam.net/nhan-luc-cho-dien-hat-nhan-chua-san-sang)… đều rất lo ngại về NHÂN LỰC làm ĐHN của nước ta.

Riêng ông Vang lại bảo chỉ cần 11 người. Chính ông Vương Hữu Tấn cũng phải công nhận: Nếu cho cả công trình thì cần rất nhiều. Nhưng riêng về hạt nhân, số lượng không nhiều. Ví dụ cả một nhà máy điện hạt nhân với hai tổ máy cần khoảng 800 – 1.000 người, trong đó chỉ 10 – 20 phần trăm nhân lực là của ngành hạt nhân; còn lại là những ngành khác như cơ khí, hóa chất, điện, điện tử. Với cơ quan quản lý nhà nước, như cơ quan quản lý về an toàn hạt nhân, cần 80 – 100 người.” (
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=174876&ChannelID=2). Ông Vang còn cho rằng chỉ cần 32 tháng để đào tạo cán bộ và “Từ nay đến 2020, còn 12 năm nữa, không lẽ chúng ta lại không đào tạo được mấy trăm người?”.

GS Phạm Duy Hiển nói: “Những ai có chút ít kinh nghiệm về hạt nhân-phóng xạ sau khi đọc BCĐT sẽ hiểu ngay rằng chúng ta sẽ dựa hoàn toàn vào người nước ngoài trong những quyết định chủ yếu nhất về ĐHN.
Không nước nào sẵn lòng giúp ta đào tạo chuyên gia, kể cả những nước sắp cung cấp nhà máy cho ta, bởi ĐHN là lãnh vực rất nhạy cảm. Vậy chỉ còn cách thông qua chà xát với những bài toán cụ thể trong chương trình ĐHN để đào tạo chuyên gia, cách làm “learning by doing” của các nước đi sau trên thế giới”.

Nói như ông Vang, nghĩa là chúng ta sẽ khoán trắng việc cho chuyên gia nước ngoài, ta chỉ cần chọn ra 11 người biết bấm nút? Nhiều báo cũng nói chủ trương của Chính phủ là xây dựng nhà máy ĐHN theo kiểu CHÌA KHÓA TRAO TAY (!?)

3- Trả lời cho khuyến nghị chỉ nên xây từng lò một của các nhà khoa học, ông Lê Tuấn Phong (Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương) dõng dạc tuyên bố: “Một lò phản ứng hạt nhân chưa đảm bảo về quy mô kinh tế. Còn về vấn đề tại sao xây 4 lò chứ không phải 1 lò thì tôi phải nói là chỉ xây một lò về quy mô kinh tế là không hợp lý. Nếu làm ăn nhỏ lẻ thì không bao giờ có giá rẻ. Xây một tổ máy Nhà nước cũng phải xây dựng một bộ máy quản lý về tiêu chuẩn, giám sát, thanh tra, ra văn bản pháp luật liên quan, rồi phải xây dựng trương trình đào tạo, nội địa hóa, nâng cao năng lực… mà xây nhiều lò cũng phải làm như vậy. Hơn nữa, xác suất xảy ra sự cố ở một lò hay nhiều lò là như nhau. Vậy tại sao lại xây một chứ không phải nhiều lò? Chỉ làm một lò thì không nên làm.”

Ông còn giải thích thêm: “Nhà máy nhiệt điện và nhà máy điện hạt nhân khác nhau mỗi cái lò. Nhà máy nhiệt điện thì lò đốt bằng than, dầu, khí còn nhà máy điện nguyên tử là lò phản ứng”.

BONUS

Về địa điểm chọn xây 2 nhà máy ĐHN

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Anh cho biết: “Riêng về đánh giá địa điểm, IAEA đã ban hành 7 tiêu chuẩn: đánh giá địa điểm cho các cơ sở hạt nhân; những sự kiện từ bên ngoài do con người gây ra trong việc đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân; sự phát tán phóng xạ trong không khí và nước và vấn đề phân bố dân cư trong việc lựa chọn địa điểm nhà máy điện hạt nhân; đánh giá các nguy cơ động đất đối với nhà máy điện hạt nhân; các sự kiện khí tượng học trong đánh giá địa điểm đối với nhà máy điện hạt nhân; nguy cơ lụt lội đối với nhà máy điện hạt nhân gần biển hoặc gần sông; các khía cạnh địa kỹ thuật trong đánh giá và thiết lập địa điểm cho nhà máy điện hạt nhân.

Bộ tiêu chuẩn này của IAEA chúng ta mới tiếp cận gần đây, trong khi chủ đầu tư báo cáo việc lựa chọn và đánh giá địa điểm đã tiến hành từ nhiều năm trước; do đó rất nhiều tiêu chuẩn của IAEA có thể chưa được xem xét, áp dụng trong đánh giá, lựa chọn đối với địa điểm dự kiến xây dựng tại Ninh Thuận.

Việc bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân phải được thẩm định kỹ lưỡng ở tất cả các công việc, bắt đầu từ lựa chọn địa điểm.

Rất tiếc rằng, ngoài Luật Năng lượng nguyên tử với những quy định khung, chúng ta chưa có bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân. Thậm chí chúng ta còn chưa có bất cứ một tiêu chuẩn nào về an toàn hạt nhân đối với tất cả các khâu cần thẩm định để đi đến quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn để thẩm định địa điểm, liệu quyết định sẽ xây dựng 4-8 tổ máy ở hai địa điểm cách nhau chỉ có 40 km ở Ninh Thuận có chính xác?

Hiện ở Ninh Thuận vẫn chưa có trạm quan trắc khí tượng nên không có số liệu chính xác về khí tượng, các số liệu đánh giá chỉ là mô phỏng giả định”.(
http://www.tuanvietnam.net/rui-ro-dang-sau-nhung-nha-may-dien-hat-nhan)

Tôi vào mạng, tìm được 2 bản đồ chỉ dẫn về địa điểm dự kiến xây nhà máy ĐHN. Hai bản đồ này chắc có chung 1 nguồn vì hoàn toàn giống nhau:
http://www.khoahoc.com.vn/photos/Image/2006/05/15/map.jpg
http://www.khoahoc.com.vn/photos/Image/2006/05/15/map.jpg

Cụ thể, theo thông báo, nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 nằm ven biển tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, diện tích 540 ha. (
http://vietnamnet.vn/khoahoc/2009/04/843201/còn cho biết tên thôn là Vĩnh Trường). Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 nằm ven biển tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, diện tích 550ha. Chỉ dẫn của bản đồ này chắc chắn sai hoàn toàn. Trước hết, chấm màu vàng chỉ địa điểm đó KHÔNG NẰM VEN BIỂN mà cách đường bờ biển ít nhất 20km theo đường chim bay. Thứ hai, gần điểm vàng đó có địa danh PHƯỚC DÂN. Nhưng xã Phước Dinh thực tế là địa điểm khác, sát biển (xem bản đồ dưới đây)
http://a367.yahoofs.com/lifestory/hebUwsiZGRLfUD97OEitOrqs_1/blog/ap_20091027062855804.jpg?lb_____DwX5tdFN2

Tôi chưa truy được nguồn cuối cùng của bản đồ này (có 1 nguồn là TTXVN). Nhưng ai cung cấp cho báo chí tư liệu như vậy cũng thật vô trách nhiệm và thích đùa không kém ông Tấn, ông Vang, ông Phong. Liệu đã có vị đại biểu Quốc hội nào lưu ý những câu “nói thật như đùa” của các vị này?

NHK
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập



No comments:

Post a Comment