Tuesday, October 6, 2009

IDS TỰ GIẢI THỂ VÌ DUYÊN CỚ GÌ ?


Duyên cớ gì đã khiến IDS tự giải thể?
Phong Uyên

Đăng ngày 05/10/2009 lúc 12:32:30 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4197
Tôi thú thực lần đầu tiên nghe tiếng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS lại cũng đúng vào lúc Viện này tuyên bố tự giải thể. Khi được biết trong số 16 vị thành viên sáng lập, có nhiều vị trước nay tôi rất ngưỡng mộ như Giáo sư Hoàng Tụy, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà văn Nguyên Ngọc... tôi không thể không ngạc nhiên là một tổ chức kết tụ những người mà tôi cho là đại diện đứng đắn nhất của thành phần trí thức trong nước ngày nay, chỉ vì không muốn vào khuôn phép của Quyết định 97, một quyết định trong số cả trăm quyết định được bày đặt ra từ trước đến nay, lại có thể tự ý giải tán một cách dễ dàng như vậy. Tôi nghĩ Quyết định 97 chỉ là cái cớ viện ra (un prétexte) chứ nguyên do đưa đến sự giải thể không phải là những bất cập nằm trong Điều 2 của Quyết định 97.

Thử đọc lại Điều 2 Quyết định 97 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 24-7-09: " ...Các tổ chức khoa học và công nghệ chỉ được hoạt động trong lãnh vực thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định này... Nếu có ý kiến phản biện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cần gửi ý kiến cho cơ quan Đảng có thẩm quyền không được công bố công khai...".

Hai khoản trong Điều 2 mà Hội đồng IDS đòi bãi bỏ là chỉ được hoạt động trong lãnh vực thuộc danh mục và không được công bố công khai ý kiến phản biện.

Tất nhiên là dù có thư đi thư lại, mời đi mời lại 2 lần gặp thủ tướng, các kiến nghị của Hội đồng viện IDS về 2 điều khoản này đều không được chấp thuận.

Sống trong Chế độ Đảng ta, các vị trong Hội đồng viện IDS thừa biết là từ Hiến pháp trở xuống, mọi luật lệ, mọi nghị quyết, mọi quyết định đều nhằm một đối tượng nào, trong một giai đoạn nào, nên bao giờ cũng có những điều trái ngược nhau có khi cùng nằm trong một đạo luật. Quyết định 97 chắc chắn là cũng theo thông lệ đó, nhằm IDS là đối tượng tuy trong hình thức là chung cho tất cả mọi tổ chức tập hợp những thành phần trí thức. Chính Bộ trưởng bộ Tư pháp cũng đã thú nhận là QĐ 97 đã được dự thảo cách đây hơn 1 năm rồi. Đó là không muốn nói cho hết chứ có thể là QĐ 97 đã được phác thảo ngay từ khi cho phép thành lập IDS. Sở dĩ QĐ 97 nay mới được ký và thi hành cấp tốc là vì đã đến lúc cần phải vô hiệu hoá IDS, không thể để những vị giáo sư, tiến sĩ của cái viện này cứ mỗi ngày một thêm ảnh hưởng tới các tầng lớp trí thức và tuổi trẻ và đề ra những cải cách được sự hưởng ứng của mọi người khiến chế độ sẽ phải "tự diễn biến" hay sẽ bị diễn biến dưới sức ép của người dân theo chiều những cải cách đó. Bởi vậy phải hơi ngây thơ mới tưởng thuyết phục được ông Nguyễn Tấn Dũng bằng những luận chứng về luật pháp như Điều 2 của QĐ 97 phản lại Điều 60 và 69 của Hiến pháp là trái với Hiến pháp v.v. Ngoài ra cũng cần phải đặt thêm câu hỏi là QĐ 97 được ký và được thi hành hấp tấp như vậy có liên quan gì đến Đại Hội 11 Đảng sắp tới không?

Cái cần phải tìm hiểu là có thật Viện IDS không còn đường lối nào khác ngoài tự giải thể khi các kiến nghị về Điều 2 của QĐ 97 bị bác bỏ như Hội đồng IDS đã tuyên bố ngày 14-9-09: "... không thể tiếp tục hoạt động theo sứ mệnh đã xác định trong mục tiêu ghi vào Điều lệ... quyết định tự giải thể để biểu thị thái độ dứt khoát của Viện đối với QĐ 97" hay có một động cơ nào khác?

Có nhiều người cho rằng tự giải thể chỉ cốt để biểu thị thái độ dứt khoát đối với QĐ 97 (chứ không dám đối với Đảng), thì khác gì các trung thần ngày xưa, khi sớ tâu lên vua không được chấp thuận, chỉ dám quì phục lạy Chiếu chỉ rồi treo ấn từ quan về quê làm vườn để khỏi mang tội là bất trung với vua mà vẫn giữ được tiếng là có cái khái của kẻ sĩ!

Nhiều người khác lại cho rằng tự giải thể sau khi đã công khai lột trần những cái gian xảo của Quyết định 97 là một hành động can đảm và là cách hay nhất để cho thế giới thấy rằng đối với CSVN đường lối "cải lương nhu mì" ôn hoà không được, chỉ còn con đường tranh đấu mãnh liệt mới có thể làm chế độ thay đổi và các vị trong IDS đang phất ngọn cờ đấu tranh lôi kéo toàn thể trí thức trong nước noi theo gương mình.
Tôi không dám phán xét về khía cạnh đạo đức của quyết định tự giải thể. Tôi cũng không nghĩ là đa số các vị trong Viện IDS ngày trước là những đại công chức của chế độ, nay đã về hưu lại có ý nghĩ biến sự tự giải thể của mình thành một hành động đề kháng chính trị.

Ngược lại, tôi cho tự giải thể là một hành động tiêu cực và hơi vội vàng tự để mình rơi vào bẫy của những người đã đặt ra QĐ 97:

Khi đã tự động giải tán là đã "lạy ông tôi ở bụi này", tự đặt mình dưới thẩm quyền của QĐ 97 rồi. Những người đưa ra QĐ 97 tha hồ mà xoa tay vì mới chỉ giơ cái roi QĐ97 mà đã sợ.

Ngược lại nếu cứ giữ vững tôn chỉ tự coi mình không phải là một tổ chức nằm trong QĐ 97, nên:

• Cứ tiếp tục hoạt động trong mọi lãnh vực, không cần biết nằm trong hay nằm ngoài danh mục: Theo luật pháp của các nước văn minh, cái gì không nói là cấm thì mình có thể làm, huống hồ đây là những lãnh vực khảo cứu.
• Cứ tiếp tục coi Viện là nơi tập trung những suy nghĩ (Think tank, cercle de réflexions) chứ không phải là một tổ chức theo nghĩa thông thường hay một hội đồng tư vấn trực thuộc Đảng, phải làm báo cáo, phải nộp trình ý kiến lên Đảng. Những người có tên trong Viện là những nhà khoa học, những học giả có danh tiếng quốc tế, độc lập không ăn lương của ai. Những công trình, những sáng tác, những đề nghị của các vị này chỉ có giá trị nếu được công bố, đăng tải, phổ biến mọi nơi, để các đồng sự trong nước cũng như quốc tế được biết và phán xét, phản biện. Ở thời buổi Internet này không dễ gì kiểm duyệt, ngăn cấm được các thành viên trong Viện công bố công trình của mình dù có bày đặt ra cả trăm quyết định để hù doạ hay huy động cả ngàn công an tư tưởng để uy hiếp.
• Để mặc các người cầm quyền ra tay trước: Nếu những người này áp dụng điều này điều nọ trong QĐ 97 để bịt miệng hay kết tội một thành viên IDS nào thì khác gì tự tố cáo là đã đặt ra QĐ 97 để đàn áp, không phài chỉ những người bị nghi ngờ là có tư tưởng chống đối, mà cả những người có ý nghĩ mới mẻ có thể làm bật gốc chính sách ngu dân bất di bất dịch từ bao thế hệ. Thực thi những luật phi nghĩa được tạo ra cốt để hăm doạ những người yếu bóng vía không phải là dễ. Nếu các vị thành viên IDS can trường hơn thì sẽ không mong mỏi gì hơn là bị đàn áp để có dịp bộc lộ sĩ khí của mình, làm gương cho những thế hệ trẻ, học trò ngày trước của mình.

Nói vậy chứ nếu chỉ đứng ngoài bàn luận "giải thể hay không giải thể" kiểu "to be or not to be" thì nói thế nào cũng được. Nhưng nếu thử đặt mình vào hoàn cảnh và tuổi tác những vị trong Hội đồng Viện, thì sẽ hiểu rằng nguyên do của sự giải thể rất là "sát đất" (terre à terre): Các vị này cho rằng ở cái tuổi đã về hưu còn có hảo ý muốn cống hiến cho hậu sinh kiến thức còn lại của mình mà bị nghi ngờ, bị cản trở thì tốt hơn là tự giải tán mỗi người đi một ngả. Cho tới nay đa số các vị thành viên đều chọn con đường vui thú điền viên an dưỡng tuổi già im hơi lặng tiếng. Người độc nhất tiếp tục lên tiếng đấu tranh bằng thư ngỏ, bằng khua động báo chí để cố gắng đánh thức dư luận là Ts. Nguyễn Quang A. Nhưng đơn thương độc mã, không có hậu thuẫn, không được hưởng ứng, dù can trường đến mấy cũng sắp đến lúc phải tự biết là trứng không chọi nổi đá.

Phong Uyên
© Thông Luận 2009

No comments:

Post a Comment