Saturday, October 24, 2009
HOA KỲ : MỘT XÃ HỘI ĐANG BỊ MỜ MẮT VÌ NHỮNG CUỒNG ĐIÊN ?
Hoa Kỳ: một xã hội đang bị mờ mắt vì những cuồng điên?
Lê Mạnh Hùng
Đăng ngày 24/10/2009 lúc 03:04:18 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4254
Gần đây, trong bài bình luận thường xuyên của ông trên nhật báo New York Times, Thomas Friedman nói đến một vấn đề đang là một đề tài nóng hổi ám ảnh nhiều người Mỹ. Ông Friedman viết: “Tôi không thấy có vấn đề gì trong những lời chỉ trích tổng thống Obama từ phía hữu cũng như phía tả. Nhưng hiện có một cái gì rất nguy hiểm đang xảy ra. Những chỉ trích từ phía cực hữu đã chuyển thành một sự bác bỏ quyền chính đáng cai trị của ông Obama và tạo ra một bầu không khí tương tự như đã xảy ra tại Israel trong những ngày trước khi xảy ra vụ ám sát thủ tướng Rabin”.
Vừa qua, trong một tuần ở tại nước Mỹ, tôi cũng đã cảm thấy được cuồng bạo giận dữ đã trở thành cảm tính chi phối trong chính trị Hoa Kỳ. Cảm tính này không phải chỉ giới hạn trong những người cực hữu. Những kẻ cực đoan ở cả hai bên của quang phổ chính trị đều không chấp nhận bên kia có quyền có ý kiến. Quả thật có một sự cách biệt như trời với đất giữa việc chỉ trích đối thủ của mình là sai lầm với việc lên án đối thủ của mình là gian dối, lừa đảo, là phản bội. Người ta không tranh luận với một đối thủ như vậy hay tìm cách đạt được một sự dung nhượng nào đó. Người ta tìm cách bịt miệng kẻ kia lại, giết chết y hoặc là truy tố trước pháp luật.
Nhũng nhóm cực hữu gọi là “birthers” hoài nghi là ông Obama không sinh ra ở Mỹ và vì vậy không thể làm tổng thống Hoa Kỳ một cách hợp pháp. Những kẻ tương tự như họ nhưng ở phía cực tả thì cho rằng ông George W. Bush đã “ăn cắp” cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 và cho phép cuộc tấn công khủng bố 9/11 xảy ra để biện minh cho tham vọng xâm lược Iraq của ông và muốn biến nước Mỹ thành một nuớc “công an” trị. Những người bảo thủ thì tố cáo kế hoạch chăm sóc sức khoẻ của ông Obama là một âm mưu biến nước Mỹ thành một nước xã hội chủ nghĩa. Những người khai phóng, cầm đầu bởi chính cựu tổng thống Jimmy Carter, thì lại khuyến dụ rằng những chống đối của cánh hữu với ông Obama chỉ là một hình thức kỳ thị chủng tộc trá hình.
Trong khi đó, người ta không hề bàn thảo đến nội dung của các chính sách mà bên kia đưa ra. Quan điểm của đối thủ không đáng được người ta nhắc đến. Nói một cách khác mỗi bên đều cho rằng bên kia không có một quyền chính đáng được tham dự.
Cố nhiên cần phải nói rằng đây chỉ là một thái độ của một số người cực đoan ở hai phía và họ không phải là đại biểu cho nước Mỹ nói chung. Quả thật, hầu hết người Mỹ đều cảm thấy khó chịu trước những trò tố cáo điên khùng mà hai bên đưa ra; và đây cũng là một yếu tố giải thích sự thất vọng và xa rời ngày một nhiều của quần chúng Mỹ đối với chính trị. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy quần chúng đánh giá Quốc Hội thấp hơn bao giờ hết. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy ông Obama được ủng hộ nhiều hơn là những chính sách ông đưa ra, một điều cho thấy rằng người ta vẫn còn muốn có một sự đồng thuận trong chính trị - điều mà ông Obama vẫn nói là ông muốn làm - tuy rằng những chính sách ông đưa ra đôi khi khiến người ta tự hỏi rằng liệu ông có thật sự muốn như vậy hay không. Điều đó cũng cho thấy rằng tinh thần kỳ thị chủng tộc không phải là một yếu tố quan trọng: nếu không thì ông Obama chắc chắn sẽ được ủng hộ ít hơn là những chính sách mà ông đưa ra.
So với những nước thuộc văn hóa gọi là Anglo Saxon thì chính trị Mỹ luôn luôn có tính cách cực đoan và tàn bạo hơn. Cái gọi là “cuộc chiến văn hóa” (culture war) giữa tả và hữu không phải là một cái gì mới trong chính trị Hoa Kỳ. Nhưng cường độ của cuộc chiến lần này có vẻ đặc biệt cao hơn. Một chính phủ đồng thuận mà ông Obama hứa hẹn - và đại đa số dân Mỹ bỏ phiếu cho - càng ngày càng có vẻ trở thành một ảo ảnh. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu việc này có cần thiết hay không?
Về câu hỏi này, cả hai phe tả và hữu đều đồng ý. Đồng thuận là một cái gì không thể chấp nhận được. Chính trị là đè bẹp đối thủ chứ không phải tìm cho ra một giải pháp mà tất cả các bên đều chấp nhận được. Nhưng đa số những cử tri ở giữa vẫn còn tin ở sự đồng thuận cho rằng làm vậy sẽ tạo ra được những chính sách tốt hơn vì hai lý do.
Thứ nhất, chính sách tốt đòi hỏi phải có dung nhượng. Đối với những người cực đoan, cả tả lẫn hữu, đây là một điều không thể chấp nhận được. Đối với cánh tả chẳng hạn, không bao giờ có thể có một lý do để hạ thuế cho những nhà giàu. Để khuyến khích cho họ chăng? Không vì đánh thuế nhà giàu càng ít, họ càng giàu thêm và càng có lý do để lười biếng huởng thụ không làm gì. Trong khi đó đối với cánh hữu, không bao giờ có thể có một lý do tăng thuế đối với nhà giàu. Để cắt giảm thiếu hụt ngân sách chăng? Không, vì nếu tăng thuế họ sẽ không có lý do để cố gắng kiếm thêm và thuế thu được sẽ giảm xuống chứ không tăng. Thành ra những dung nhượng cần thiết trong vấn đề này chỉ có thể được thảo luận nếu người ta rời khỏi hai cực và đi vào trung tâm.
Thứ hai, chính sách tốt đòi hỏi một sự ổn định. Mặc dầu hiện nay đảng Dân Chủ đang kiểm soát cả Quốc Hội lẫn toà Bạch Ốc, nhưng không phải họ sẽ tiếp tục giữ được như vậy. Những chính sách mà làm cho bên kia giận dữ chống đối có thể bị lật ngược lại. Một thí dụ gần nhất là những biện pháp cắt giảm thuế của ông Bush. Và nếu chính sách đối với một vấn đề nào đó cứ thay đổi 180 độ hoài thì có hại nhiều cho xã hội. Một chính sách có được sự đồng thuận sẽ ít bị thay đổi hơn khi chiều hướng chính trị thay đổi.
Từ trước tới nay, một sự đồng thuận tương đối vẫn là một đặc điểm của chính trị Mỹ. Và đây chính là một ưu điểm của Hoa Kỳ đối với các nước khác trên thế giới. Nếu chính trị Mỹ bắt đầu trở thành phân cực thì đây sẽ là một điều đáng buồn cho nước Mỹ và thế giới. Nước Mỹ, theo giòng lịch sử, vẫn luôn luôn chấp nhận và thu được nhiều ích lợi qua việc chấp nhận một mức độ đa văn hóa nào đó với tinh thần bao dung, hỗ tương tôn trọng các khác biệt cộng với với một tinh thần ái quốc nồng nàn làm chất keo dán tất cả những thành phần khác biệt của xã hội vào làm một xã hội thống nhất theo đúng tôn chỉ “E Pluribus Unum” (The many becomes one: Từ nhiều người trở thành một) trong huy hiệu của nước Mỹ. Nhưng nay, có vẻ như ước muốn của các nhà chính trị và những ủng hộ viên của họ không còn muốn kết hợp mà lại muốn phân rẽ. Ông Obama khi tranh cử đã hứa hẹn là sẽ sửa đổi lại điều này, nhưng hy vọng một chuyện như vậy hiện đang càng ngày càng mờ dần. Và điều này đã được các phương tiện truyền thông cả mới lẫn cũ thúc đẩy. Họ hoặc đứng về bên này hay bên kia, nếu không thì đứng làm ông bầu kích thích hai bên. Trong khi đó mạng Internet đóng vai trò của một máy khuếch đại đẩy cho hai cực càng ngày càng xa nhau.
Trong những năm tới, Hoa Kỳ sẽ phải đối phó với nhiều thách thức khổng lồ. Và trong tình trạng xã hội Mỹ hiện nay thì có nguy cơ rằng những thách thức đó khó mà có thể vượt qua được. Abraham Linconln chẳng đã viết: “Một căn nhà chia rẽ tự chống lẫn nhau không thể đứng vững được” (A house divided against itself cannot stand)!
Lê Mạnh Hùng
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment