Tuesday, October 27, 2009
HOA KỲ CÔNG BỐ PHÚC TRÌNH về TỰ DO TÔN GIÁO VIỆT NAM
Hoa Kỳ công bố phúc trình về tự do tôn giáo Việt Nam
Nguyễn Trung
26/10/2009
https://us.dongtaiwang.com/dmirror/http/www.voanews.com/vietnamese/2009-10-26-voa40.cfm
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 26/10 công bố ‘Phúc trình về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2009’ liên quan tới gần 200 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Phúc trình đánh giá tình hình tự do tôn giáo từ tháng Bảy năm 2008 tới tháng Sáu năm 2009 có đoạn: ‘Xét về một số khía cạnh, việc tôn trọng tự do và hoạt động tôn giáo tiếp tục được cải thiện trong thời gian chuẩn bị phúc trình, dù những vấn đề lớn vẫn còn tồn tại’.
Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo toàn cầu nhận định: ‘Chính phủ (Việt Nam) tiếp tục duy trì vai trò nổi bật trong việc giám sát các tôn giáo được chính thức công nhận. Các nhóm tôn giáo đối mặt với những giới hạn lớn khi tham gia các hoạt động mà chính phủ cho là một sự thách thức đối với quyền hành của họ hoặc quyền lực của Đảng Cộng sản’.
Ngoài ra, báo cáo cho rằng tình trạng ‘vi phạm quyền tự do tôn giáo tiếp tục giảm bớt’ nhưng cho rằng ‘một số tín đồ tôn giáo, đặc biệt là những ai chưa được chính quyền thừa nhận, tiếp tục bị sách nhiễu và đàn áp’.
Tuy vậy, báo cáo cho rằng chính phủ Việt Nam ‘nhìn chung đã cho phép các công dân hoạt động tôn giáo một cách tự do hơn’.
‘Chính phủ cũng đã cho phép các tín đồ Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Tin lành tổ chức các cuộc cầu nguyện tôn giáo trên quy mô lớn, với hơn 10 nghìn tín đồ tham gia mỗi một buổi lễ’.
Trong buổi công bố phúc trình hôm 26/10, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng tự do tôn giáo ‘không phải là giá trị của riêng nước Mỹ mà là giá trị chung toàn cầu’.
Bà Clinton nói: "Tự do tôn giáo là nền tảng của bất kỳ một xã hội lành mạnh nào. Như Tổng thống Obama từng nói ở Cairo, tự do tôn giáo là "điều thiết yếu để các dân tộc có thể chung sống với nhau'."
Theo bản phúc trình, Miến Điện, Trung Quốc và Cuba được coi là các quốc gia ‘vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất’.
Trong phần liên quan tới Việt Nam của bản báo cáo cũng nêu ra các trường hợp tranh chấp đất đai tại giáo xứ Thái Hà và vụ đất Tòa Khâm Sứ hồi năm 2008, cũng như đề cập tới sự việc gần đây liên quan tới các môn sinh theo pháp môn Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng.
Phúc trình cũng cho biết rằng Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TP HCM 'duy trì đối thoại thường xuyên với các giới chức cấp cao và cấp chính phủ nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo hơn' cũng như 'gặp gỡ và trao đổi thường xuyên với các lãnh đạo tôn giáo, trong đó có các nhà hoạt động tôn giáo nằm dưới sự kiểm duyệt của chính phủ’.
Hôm 14/10, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội đã ra thông cáo, cho rằng ‘việc cưỡng ép các sư sãi ra khỏi Tu viện Bát Nhã ở tỉnh Lâm Đồng và việc chính phủ đã không bảo vệ họ khỏi bị tấn công là trái với cam kết của chính Việt Nam đối với các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận về nhân quyền và nền pháp trị’.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối Washington ‘can thiệp vào công việc nội bộ’.
Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách đặc biệt quan tâm về tình hình tự do tôn giáo (CPC) hồi năm 2006.
Thời gian qua, một số dân biểu Hoa Kỳ quan tâm tới Việt Nam kêu gọi chính quyền Obama đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.
--------------------
'Tiếp tục tiến bộ'
Cập nhật: 10:36 GMT - thứ ba, 27 tháng 10, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/10/091027_us_religious_report.shtml
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra phúc trình thường niên về tự do tôn giáo, trong nói Việt Nam tiếp tục có tiến bộ tuy còn nhiều vấn đề.
Thời gian thu thập thông tin cho phúc trình này được nói là 01/07/2008 cho tới 30/06/2009 và trọng tâm xem xét của phúc trình là hành động của các chính phủ trong lĩnh vực tôn giáo và nhân quyền.
Phần nói về Việt Nam đánh giá rằng "sự tôn trọng tự do và hoạt động tôn giáo tiếp tục được cải thiện trên nhiều phương diện tuy còn nhiều vấn đề nghiêm trọng".
Theo phúc trình, Hà Nội đã có các bước tiếp theo nhằm thực hiện Pháp lệnh về Tín ngưỡng và Tự do Tôn giáo năm 2004 cùng các văn bản đi kèm.
Các thí dụ được đưa ra là việc công nhận và cấp giấy phép cho nhiều tổ chức tôn giáo trong năm qua.
Tuy nhiên bản phúc trình cho rằng còn nhiều vấn đề trong việc thực thi pháp lệnh, nhất là tại các cấp địa phương, như hạn chế, cản trở hay sách nhiễu các tổ chức tôn giáo.
Bản phúc trình cũng điểm qua nhiều chủ đề nóng trong hoạt động tôn giáo ở trong nước thời gian qua, như các vụ Tam Tòa, Bát Nhã, hay các vụ cản trở việc hành đạo của tín đồ Tin Lành ở Trà Vinh hay vùng Tây Bắc.
Riêng vụ Bát Nhã, vì thời điểm xem xét là cuối tháng Sáu nên bản phúc trình chỉ dừng lại ở việc các tăng ni theo pháp môn Làng Mai bị cắt nước, cắt điện, cản trở tu tập tại Bát Nhã, chứ không nhắc tới việc họ bị ép ra khỏi tu viện vào tháng Chín.
Phúc trình cũng nhấn mạnh: "Còn các khiếu nại về đất đai chưa giải quyết liên quan tới hầu hết các tôn giáo, dẫn tới các cuộc biểu tình đông người của tín đồ Công giáo mà sau đó đã bị dập tắt bằng vũ lực".
Danh sách CPC
Phúc trình Tự do tôn giáo thường niên cũng nhắc tới việc nhiều nhà hoạt động tôn giáo bị cản trở, sách nhiễu, thậm chí giam cầm, một số giáo hội không được công nhận.
Phúc trình viết: "Chính phủ Việt Nam tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc quản lý các tôn giáo được chính thức công nhận trong nước."
"Các nhóm tôn giáo bị hạn chế tối đa khi tham gia các hoạt động mà chính quyền cho là thách thức cho chế độ hay cho quyền lực của Đảng Cộng sản."
Tuy nhiên, phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ không khuyến cáo đưa tên Việt Nam trở lại Danh sách Các nước gây Quan ngại về Tự do Tôn giáo (CPC).
Hiện trong danh sách đi kèm chế tài trừng phạt này có tám quốc gia, trong có một số nước châu Á như Trung Quốc, Miến Điện và Bắc Hàn.
Việt Nam đã được rút tên khỏi CPC năm 2006, sau khi được đánh giá là có tiến bộ.
Phúc trình về Tự do Tôn giáo thường niên do Ủy ban Dân ch̉u, Nhân quyền và Lao động thực hiện.
Hôm 19/10 vừa qua, tân trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao chuyên trách ủy ban này, ông Michael Posner, vừa tuyên thệ nhậm chức.
Được tin ông Posner có dự định thăm Việt Nam trong tương lai gần.
Mỹ chủ trương duy trì đối thoại với Việt Nam và kêu gọi tiếp tục cải thiện trong các lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo.
No comments:
Post a Comment