Saturday, October 24, 2009
DÂN KHÍ BẠC NHƯỢC . . .
Dân khí bạc nhược...
Thứ Bảy, 24/10/2009
http://danluan.org/node/3029
Nước Nam không phải thiếu người tài, lại càng không phải những người tài ngoảnh mặt đi trước tổ quốc lâm nguy. Vấn đề là những người nhiệt tâm cất tiếng nói lại sớm bị bịt miệng một cách đê hèn, tiếng nói phản biện trung thực bị ngăn cản. Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định v.v... vẫn đang nằm tù chưa được xét xử. Những trang như Minh Biện hay Vneconomist.net hay Dân Luận bị đặt tường lửa. Ngay cả trong Tathy, một bản sao thu nhỏ của xã hội, thì những nhân vật như Lãng cũng bị treo nick, các thread tranh luận "giáo chã" nảy lửa bị vứt vào thùng rác. Làm sao còn ai dám "xã tắc lâm nguy, thất phu hữu trách" nữa đây?
Cụ Phan Chu Trinh viết:
"Nước Nam độ bốn mươi năm nay, vận nước ngày một suy, suốt từ trên đến dưới chỉ biết chuyện lười biếng vui chơi. Pháp chế luật không còn có cái gì ra trò, nhân tài cũng tiêu diệt đi mất cả. Người trên thì lâu lâu được thăng trật, chẳng qua như sống lâu lên lão làng; người dưới thì đem của mua quan , thật là tiền bạc phá lề luật. (...). Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma như quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu, cũng không dám ho he một tiếng."
"Trong khoảng vài mươi năm nay, các bậc đại thần ăn dầm nằm dìa ở chốn triều đình, chỉ biết chiếu lệ cho xong việc, quan lại ở các tỉnh thì chỉ lo cho vững thần thế mà hà hiếp bóp nặn ở chốn hương thôn, đám sĩ phu thì ganh nhau vào con đường luồn cúi hót nịnh, không biết liêm sỉ là gì, bọn cùng dân bị nặn bóp mãi mà máu mủ ngày một khô, không còn đường sinh kế nữa. Đến bây giờ thì thế sự hư hỏng, nhân dân lìa tan, phong tục suy đồi, lễ nghĩa bạt hoại, một khu đất bốn mươi vạn dặm vuông, một dân tộc hơn hai mươi triệu người lại sắp ở vào cái địa vị bán khai mà quay về cái địa vị dã man. (… ) Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức... Trong một làng một ấp cũng cấu xé lẫn nhau, cùng nòi cùng giống vẫn coi nhau như thù hằn, có dẫu ai có muốn lo toan việc lớn, chưa kể rằng không có chỗ mà nương thân, không có khí giới mà dùng, không có tiền của mà tiêu, giá phỏng Chính phủ cho mượn trăm nghìn khẩu súng, cấp đất vài tỉnh cho ở, không thèm hỏi đến, tha hồ muốn làm gì thì làm, chẳng qua vài năm nếu không báo thù lẫn nhau thì cũng tranh giành địa vị với nhau, nếu không cướp đoạt tiền tài thì cũng giành giật tướcvị, tự chém giết nhau đến chết hết mới thôi, quyết không thể sống nổi trong thế giới này, lại còn chống cự ai được nữa."
Em xin thưa thật với các bác đầu đuôi câu chuyện nó thế này. Chả là hôm nay rỗi việc nhân đọc vụ "Người Việt xấu xí" em mới đọc được mấy cái bài nói chuyện của cụ Phan. Lại nhân tiện đang lượn trong tathy nên đâm ra có chút liên hệ.
Các bác em cứ xét mà xem nhé. Dạo này tathy hào hoa chỉ có topic hình gái với chứng chiếc là đông, không thì đấu giá mua bán hay đả kích nhau là nhiệt tình. Lâu lắm rồi em chả hóng hớt được cái gì gọi là chính sự. Chả nhẽ các hải đăng dạo này lượn hết hay hoặc là gái gú nhiều hoặc là bận "buôn hành bán tỏi" mà quên cái gọi là "giáo chã".
Chã, như hải đăng gì đã nói em quên mịa nó mất, không được giáo sẽ hỏng. Mà xã hội thì cứ sôi sùng sục chả thấy hải đăng nào "giáo" cả. Nào là kinh tế khó khăn, nào là ICOR cao ngất ngưởng với các bạn Vinashin đốt tiền như đốt mã, nào là bão lụt trầm trọng, nào là giáo dục như... toàn cái thiết thân cả.. ấy nhưng chả thấy hải đăng nào có ý kiến. Em các bác ngày ngày ngụp lặn qua dăm chỗ ùn tắc với tắc đường, chứng kiến cảnh quần chúng cần lao bon chen luồn lách thật chẳng có tí văn minh nào cả. Đúng ra là em thấy thật chả có tí tương lai nào cả.
Đâu đó có bác bảo em là nói làm cái gì, cũng chỉ tán phét ném lựu đạn cả rổ. Em mới tự hỏi thế ngày xưa hai cụ Phan nói chắc cho bọn trẻ trâu nó nghe cả sao! Ấy có bác nào đó đã nói (tự tôn tí ) đến tathy nói còn thế ra đường nói chả nước mẹ gì! Cứ nghĩ đến thế em các bác lại tự nhiên đâm liên tưởng đến cái chữ "bạc nhược" của cụ Phan.
Em các bác thôi thì mỗi ngày một chuyện. Phải cái không nói được một cái chuyện gì đó thì chắc ngồi không nhiều quá mà chết mất.
Nói đến cái câu của cụ Phan "Pháp chế luật không còn có cái gì ra trò, nhân tài cũng tiêu diệt đi mất cả". Thế nghĩa là thế nào ạ! Em ngu ngu tí nhưng cũng mạo muội đoán là pháp luật mà không nghiêm, không còn là pháp luật, không được tuân thủ nữa thì đừng mong có nhân tài. Ấy như cụ Lê Quí Đôn hình như cũng nói, kỷ cương không nghiêm minh mà vua quan, tức lãnh đạo, chỉ ham vui chơi đấu đá tranh giành vụ lợi thì "sĩ phu ngoảnh mặt". (Em cũng hơi lơ mơ cái này có gì các bác em bỏ quá cho).
Vậy sẽ có bác hỏi là thế pháp chế thời ta nay nó thế nào. Thật em chả biết phân tích sâu xa thế nào chứ cứ nhìn vào giao thông ta hiện nay em đoán chắc là rõ nhất. Chắc các bác cũng đồng ý ít nhiều với em là giao thông ta hiện nay quả thật là một mớ hỗn độn. Hệ thống cơ sở hạ tầng quả là có được nâng cấp nhưng không ra cái hình thù gì và cũng chả vì thế mà giao thông ta được tiến bộ hơn hay ít ra là đỡ ùn tắc hơn. Thế còn luật lệ thì sao ạ. Thưa với các bác là chả có luật lệ gì được thực thi một cách nghiêm túc. Nói thế thì quả thật là hơi quá nhưng mà em thấy cũng không sai. Cứ nhìn đám ùn tắc các bác thấy có luật lệ không hẳn các bác sẽ rõ. Nhiều người trong cái đám ùn tắc ấy sẽ làm cái gì có thể để chỉ mong thoát cho riêng mình bất chấp luật lệ thế nào. Cuối cùng thì hoá ra một đám hỗn loạn chỉ có duy nhất ở ta mà thôi. Tại sao lại vậy, ắt có bác bảo em, như đài báo vẫn nói, ý thức và văn hoá giao thông của dân ta còn chưa cao. Ô hay, chả lẽ pháp luật có ra cái gì không lại phải dựa vào ý thức sao, thế tại sao ý thức lại chưa cao. Chốt lại là có vì cái gì đi nữa thì phần đông dân ta chả coi cái luật giao thông ra gì. Rõ nhất là vào giờ cao điểm, các nhân viên công cụ cảnh sát có mặt đa phần chỉ để đảm bảo rằng dân ta có đi thì đi cho đúng luật, ấy cũng là phúc lớn rồi. Ắt hẳn trên này có nhiều bác đã từng chứng kiến những vụ tắc đường chả đâu vào đâu, đèn xanh đỏ vẫn hoạt động thế mà thế nào giữa ngã tư lại có đến 4 cái ô tô đâm đầu vào nhau đúng hình chữ thập rồi lại chưa kịp hiểu thế nào thì nhất loạt ô tô xe máy đi sau chen chúc lèn cho chặt cái ô vuông gọi là ngã tư kia để rồi tất cả đứng yên nhìn nhau. Tệ hơn nữa là đã thế lại còn để máy xe nổ ì ạch, hình như dân ta định đầu độc cho nhau ngửi khói xe đến chết thì thôi, âu cũng dễ hiểu vì sau dạo này ung thư nhiều thế. Các bác em cũng đã từng thấy các cháu học sinh không có bằng không mũ bảo hiểm, kẹp ba kẹp bốn đi học hay đi học về hồn nhiên vô tư luồn lách, em chả trách các cháu nó nhưng chả hiểu bố mẹ các cháu không cho thì các cháu chả lẽ cướp ra xe máy mà đi học sao. Mà bố mẹ các cháu đã thế hoá ra họ tiếp tay cho các cháu nó, thế hệ tương lại sau này nhổ toẹt vào cái gọi là pháp luật hay sao. Vậy họ định hay vô tình mà truyền cho các em học sinh cái ý chí coi thường luật lệ mà chú trọng cái lợi ích cho riêng mình, bỏ qua cái chung của cộng đồng mà chỉ bo bo vụ lợi. Nếu thế thật thì hệ thống giáo dục của ta qua cái cảnh giao thông đi học hàng ngày làm sao có thể truyền cho các em cái mục tiêu học làm người.
Có bác sẽ hỏi vặn em thế nói mãi thế có đi đến cái kết gì không. Em xin thưa là em không kết được ạ. Cái hỗn loạn mà em vừa tả cho các bác em thấy nó rất đúng với câu mà cụ Phan nói "một dân tộc hơn ***** triệu người lại sắp ở vào cái địa vị bán khai mà quay về cái địa vị dã man."
Có bác sẽ hỏi tiếp em thế thì liên quan gì đến "nhân tài cũng tiêu diệt đi mất cả". Em xin thưa thật là nếu bắt em lý luận đàng hoàng chắc em chịu. Nhưng mà em cũng có đọc chút ít, từ thời cụ Chu Văn An đến nay, ắt cứ pháp chế không ra cái gì thì y như rằng nhân tài tự nhiên mất hẳn. Ấy là em nói vậy chứ người tài chắc vẫn còn đó nhưng mất ở đây là họ không xuất đầu lộ diện ra nữa mà thôi. Chắc thế nên mới có câu "sĩ phu ngoảnh mặt" của cụ Lê Quí Đôn. Thế thì cũng nguy phải không các bác. Sẽ có bác dẫn chứng ra nhiều bác GS, nhiều TS với nhiều thứ nữa để chứng minh cho cái nhân tài đất Việt. Cái việc này em chịu không đàm luận được nên để lại cho các bác em vậy.
Trong "Quần thư khảo biện" cụ Lê Quí Đôn viết thế này :
“Trẻ không kính già,
Trò không trọng thầy,
Quan kiêu, tướng thoái,
Tham nhũng tràn lan,
Sĩ, phu ngoảnh mặt,
Xã tắc lâm nguy”
Thành viên Bò Đội Nón viết:
Cái nguyên nhân sâu xa nhất của xã tắc trong đoạn văn trích của tqm cho thấy cụ Lê Quý Đôn có tầm nhìn chiến lược. Cụ thấy được nguyên nhân của mọi nguyên nhân là đạo đức của xã hội bị suy đồi. Khi đạo đức mà không giữ được thì nền tảng tinh thần của xã hội bị lung lay, các chân giá trị của đời thường bị đảo lộn. Con người sống mất phương hướng, xã hội vì thế mà đảo điên. Chuyện đó có phổ biến trên thế giới không? Câu trả lời là có. Không phải vô cớ mà các trường lớp từ phổ thông cho đến đại học tại nhiều nước phát triển và đang phát triển có bộ môn đạo đức học trong chương trình của mình. Ở ta thì có vẻ như coi cái bộ môn này phụ và không cần thiết nên học sinh, sinh viên học rất láng cháng nhưng có biết đâu rằng đạo đức học là một bộ môn giúp cho người học có được phương hướng sống trong xã hội. Họ biết thế nào là đúng, là sai, là liêm, là sỉ. Nếu ai mà cũng học và hành môn đạo đức học một cách chuyên cần thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Nhưng đạo đức cũng có khuôn khổ của nó, thế mới có đạo đức kinh doanh, đạo đức của nhà tài chính (cái này hình như Tuanbass có lần than là nếu thằng làm tài chính giữ được đạo đức thì....), đạo đức công chức và đạo đức học đường. Như vậy thì đạo đức không chung chung trừu tượng mà nó rất cụ thể và cũng rất đời thường. Chữ ký của Supaman cũng là một đạo của đời thường, nhưng nó có thuộc phạm trù đức hay không thì còn phải bàn. Nhiều người cứ băn khoăn không biết hành vi của mình là tốt hay là xấu bởi lẽ lý tưởng sống của họ bị khô kiệt. Điều đó bắt nguồn từ chính môi trường mà người đó được nuôi dưỡng và trưởng thành. Nuôi dưỡng trong môi trường hà khắc làm cho tình cảm của con người trở nên khô khan và khắc nghiệt, ngược lại, nuôi dưỡng trong môi trường tràn ngập tình cảm yêu thương làm cho con người biết cảm nhận nỗi đau, niềm vui của đồng loại. Đơn giản hơn, gia đình chính là nơi nuôi dưỡng và phát triển các hình thái đạo đức cá nhân của mỗi con người. Do đó cái nền tảng cơ bản đó mà bị ảnh hưởng thì những thế hệ tương lai của gia đình đó sẽ bị suy đồi mà nảy sinh ra hiện tượng "trẻ không kính trọng già".
Khi ở trong nước mình được nghe giảng là ở phương Tây sùng bái cá nhân nên thanh niên không tôn trọng người già. Nhưng khi sống và làm việc ở các nước đó mình mới thấy điều mà năm xưa mình được giảng dạy có phần không đúng. Sùng bái cá nhân là sai và thanh niên không tôn trọng người già là sai. Mình cũng chỉ cảm nhận được vậy thôi nhưng lý giải cụ thể thì cũng khó vì bộ môn đạo đức học (luân lý học) là thứ không phải để nói xàm.
Trích từ "Dân khí bạc nhược" trên Tathy
No comments:
Post a Comment