Monday, October 19, 2009
CSVN TIẾP TỤC RĂN ĐE NHỮNG TIẾNG NÓI BẤT ĐỒNG
Chính quyền Việt Nam tiếp tục răn đe những tiếng nói bất đồng
Mai Vân
Bài đăng ngày 18/10/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 18/10/2009 16:02 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/118/article_5357.asp
Dưới tựa đề ''Để răn đe người khác'', tuần báo Anh The Economist đã phân tích về các phiên toà mở ra đầu tháng này tại Hà Nội và Hải Phòng, nhắm vào 9 nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ, với các bản án lên đến 6 năm tù. Theo tờ báo, đây là phong cách cố hữu của một nhà nước độc đảng, thường hạn chế quyền tự do ngôn luận và giam giữ giới ly khai. Tuy nhiên, cung cách cổ hủ này lại được thể hiện vào lúc Việt Nam đang phô trương một phong thái ngoại giao mới để tô điểm thêm cho hình ảnh của mình trên trường quốc tế.
Đối với The Economist, phong cách ngoại giao mới đó không xa lạ với sự kiện Việt Nam được tạm thời giữ chức Ủy Viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ năm 2008, cũng như việc Hà Nội chuẩn bị lên làm chủ tịch luân phiên Hiệp hội Đông Nam Á Asean kể từ năm 2010.
Theo tuần báo Anh, một thí dụ về cung cách ngoại giao mới đó của Việt Nam được thấy nhân khoá họp vào tháng trước của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève. Vào lúc ấy, phái đoàn Việt Nam đã có vẻ cởi mở khác thường trước những lời chỉ trích, và đã chấp thuận hai phần ba trong số 140 khuyến cáo mà Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đề xuất. Phái đoàn Việt Nam đồng thời nhấn mạnh : ''Tại Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là tù nhân vì lương tâm, và không ai bị bắt vì chỉ trích chính phủ''.
The Economist châm biếm, tuyên bố đó có lẽ là quá mới mẻ đối với các thẩm phán tại Hà Nội và Hải Phòng, vốn đã phạt tù các nhà ly khai, vì một số người đã bị buộc tội phát tán tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước. Họ đã bị bắt từ năm ngoái sau khi treo biểu ngữ bên đường và phát truyền đơn kêu gọi dân chủ đa đảng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ chủ quyền các quần đảo trên Biển Đông đang có tranh chấp với Trung Quốc.
Chiến dịch đàn áp kể trên đã khiến Hoa Kỳ phải lên tiếng cho dù nước này từng tỏ ra chú trọng đến việc thúc đẩy quan hệ thương mại hơn là chỉ trích Việt Nam trong lãnh vực nhân quyền.
Đối với The Economist, chính quyền Việt Nam không hề ngại ngùng trong việc sử dụng luật pháp để chống lại sự phê phán. Thề nhưng năm nay, chính quyền lại tỏ thái độ quyết liệt hơn trong cố gắng bóp nghẹt các tiếng nói bất đồng, dù đó là các luật sư bảo vệ nhân quyền nổi tiếng, hay những người viết blog bình thường phản đối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền với Trung Quốc.
Theo giới quan sát, chiến dịch đàn áp hiện nay thể hiện thái độ nóng nảy trước Đại Hội Đảng Cộng sản vào năm 2011. Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc có phân tích khác. Theo ông, chính quyền Việt Nam có thể là đang lo ngại trước khả năng những nhóm ly khai khác nhau, từ các tu sĩ Phật giáo, các linh mục Công giáo, cho đến các blogger, có thể liên kết với nhau quanh một số vấn đề chung, cụ thể là quan điểm chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc tại Việt Nam.
Đối với The Economist, bất luận nỗi lo ngại là gì, nhưng chính quyền Việt Nam đang đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi muốn dẹp tan những lời chỉ trích. Nguyên nhân là vì việc sử dụng Internet và blog đang phát triển mạnh tại Việt Nam, với một tốc độ nhanh hơn hầu hết các nước khác trên thế giới.
Chính quyền Việt Nam đã công nhận là Internet là một vấn đề thiết yếu cho sự phát triển của đất nước. Thế nhưng, phương tiện thông tin này lại được đa số các nhà ly khai sử dụng, trong lúc chính quyền không đủ sức kiểm soát mạng lưới tin học một cách đồng loạt như tại Trung Quốc hay Iran. Trong tình hình đó, theo The Economist, chính quyền Việt Nam đã phải dựa trên các phiên toà dàn dựng và đôi khi bắt giữ một số blogger để răn đe khối lượng người sử dụng Internet ngày càng tăng.
-----------------------------
Vietnam’s crackdown on dissent To discourage the others (econnomist)
No comments:
Post a Comment