Friday, October 23, 2009

CON CỰU BINH ĐẠI HÀN LÊN TIẾNG


Con cựu binh Đại Hàn lên tiếng
Cập nhật: 11:06 GMT - thứ ba, 20 tháng 10, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/10/091020_skorean_vnchilren.shtml
Tổng thống Hàn quốc Lee Myung Bak ngày 20/10 tới Việt Nam trong chuyến thăm chính thức đầu tiên kể từ khi ông lên nhậm chứng hồi năm 2007.
Ngay trước chuyến đi của ông, một tờ báo Hàn Quốc đã đòi ông phải có những cử chỉ đối với Việt Nam liên quan tới việc tham chiến của hàng trăm ngàn lính Hàn quốc trong cuộc chiến Việt Nam.
Trong khi đó tại chính Việt Nam, con lai của những người lính Hàn Quốc cũng đang đòi hỏi ông Lee Myung Bak phải có những hành động đối với họ.

Ông Trần Đại Nhật, tên Hàn Quốc là Kim Sang Il, một trong những người con lai ở thành phố Hồ Chí Minh nói với Nguyễn Hùng của BBC hôm 19/10 về nhu cầu nhìn nhận nỗi đau khổ của những người Việt Nam có liên quan đến lính Đại Hàn tại miền Nam trước 1975.

NGHE PHỎNG VẤN :
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/10/091020_skorean_vnchilren.shtml

Ông nói ông Lee Myung Bak "phải thừa nhận rằng những con lai của các binh lính sư đoàn Bạch Mã, Mãnh Hổ mang dòng máu của họ là họ phải thừa nhận, bù đắp"
"Họ phải có chính sách gì đó để bù đắp cho những con lai vô tội."
"Họ đến bây giờ làm gì cũng khó, đi học, xin việc cũng khó, ra địa phương xin giấy tờ cũng khó,"
Ngoài ra, ông Nhật nói về các bà mẹ có con lai với quân lính Đại Hàn trước đây, mà có người sinh con sau khi bị cưỡng bức:
"Phải rửa được nỗi ô nhục của các bà mẹ trong vòng 35, 36 năm qua".
Chính thức có tới 300 nghìn quân Đại Hàn tham chiến bảy năm tại Việt Nam, đông thứ nhì sau quân đội Hoa Kỳ.
Theo tờ Korean Herald, có vẻ như phía Hàn Quốc bị xấu hổ vì Việt Nam phản đối một dự luật công nhận danh dự và quyền lợi cho các cựu binh Đại Hàn từng tham chiến tại Việt Nam cạnh quân đội Hoa Kỳ.
Ngoài việc cho cựu chiến binh được hưởng quyền lợi vật chất, dự luật công nhận họ sang Việt Nam chiến đấu "để gìn giữ hòa bình trên thế giới".
Hồi 2008, ông Trần Đại Nhật ra một cuốn sách nói về thân phận của các con lai Hàn tại Việt Nam.
Cuốn 'Những mảnh đời luân lạc’ có số phận truân chuyên không kém tác giả, phải qua nhiều nơi trước khi được quyết định xuất bản.
Nhiều phần ‘tế nhị’ trong cuốn sách cũng đã bị cắt bỏ hoặc phải biên tập lại.



Con lai Hàn Quốc muốn được quan tâm
Cập nhật: 15:39 GMT - thứ tư, 21 tháng 10, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/10/091021_viet_sk_children.shtml
Ông Trần Đại Nhật nói Hàn Quốc cần thừa nhận vấn đề con lai và những gì họ gây ra trong cuộc chiến Việt Nam
Một con lai Hàn Quốc nói Tổng thống Lee Myung Bak cần nhìn nhận vấn đề con lai trong chuyến thăm Việt Nam tuần này.
Nói chuyện với BBC hôm 19/10, một ngày trước khi ông Lee Myung Bak tới Hà Nội, ông Trần Đại Nhật, con của một trong những người lính Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam nói:
''Tổng thống Lee Myung Bak phải thừa nhận những đứa con lai của những sư đoàn Bạch Mã, Mãnh Hổ, Thanh Long và sư đoàn Cây Dừa mang dòng máu của họ và họ phải bù đắp lại những việc đó.
Ông Nhật, hay còn được biết tới với tên Trần Văn Ty, nói ông đã tới Hàn Quốc hơn 30 lần để kêu gọi giúp đỡ cho hơn 1500 con lai Hàn Quốc ở Việt Nam nhưng không nhận được trợ giúp.
Ông nói truyền thông đại chúng và những người ông tiếp xúc nói ''những chuyện này họ không làm, họ chỉ làm những gì hòa bình, tốt đẹp thôi chứ còn những chuyện đó là cái quá khứ, họ không quan tâm tới nữa.''
Bản thân ông Nhật đã kêu gọi những hội đoàn ở Hoa Kỳ và một số nơi giúp đỡ được hơn 100 con lai Hàn Quốc nhưng ông nói ông gặp khó khăn ngay từ khi lập hồ sơ xin giúp đỡ khi tới các địa phương như Bình Định hay Phú Yên:
''Địa phương bảo chúng tôi không biết ai là con lai Hàn và chúng tôi cũng không biết bà đó quan hệ với ông lính nào của Hàn Quốc nên họ không xác nhận.
''Có một điều mà họ nói là chính phủ Việt Nam và chính phủ Hàn đang bang giao làm ăn nên cần có sự yên lặng cho đất nước phát triển. Còn chính phủ Hàn thì không bao giờ trả lời một câu cho con lai Hàn.
''Có rất nhiều anh em con lai Hàn đến bây giờ không có giấy khai sinh. Có rất nhiều gia đình lao đao ở Gia lai, Đắc Lắc, Phú Yên, Khánh Hòa, ở Bình Định, những vùng lính đóng, họ không có cơm ăn, không có tiền cho con ăn học.''

NGHE PHỎNG VẤN :
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/10/091021_viet_sk_children.shtml

'Lạc loài trên phố'
Trong cuộc phỏng vấn dài với BBC, ông Nhật cũng nói:
''Cái điều quan trọng của chính bản thân tôi là tôi muốn phải rửa được nỗi nhục cho những người mẹ đã chịu ô nhục 35, 36 năm ở Việt Nam và đến bây giờ Việt Nam vẫn coi đó là những người mẹ ô nhơ của xã hội Việt Nam.
''Bản thân tôi ra đời trong thời chiến nhưng sống trong thời bình.
''Tôi đã chứng kiến cảnh lúc vừa giải phóng, gia đình tôi bị chiếm đoạt tài sản, mẹ tôi phải đi tù, ông tôi bị đánh chết, đánh từ đêm khi đưa lên xe lam, họ đạp xuống đất, đánh cho đến khi đưa ông vô giam, một tuần sau thả ông về thì ông chết.
''Cái câu mà tôi nhớ mãi là 'nợ máu thì phải trả máu, con của ông lấy chồng lính nam Triều Tiên là cái tụi lính đánh thuê chém mướn ở Việt Nam đã giết không biết bao nhiêu người dân vô tội ở Việt Nam''
''Mẹ tôi phải đi tù bốn lần... cậu, dì tôi phải đi tù.''
Ông Nhật nói ông đã chuyển một phần những gì ông trải qua vào các cuốn truyện và thơ trong đó có bài
''Những đứa con lạc loài trong phố''
''Tôi sinh ra đời không tìm thấy quê hương
''Không có cha những ngày tôi còn nhỏ
''Tôi hỏi cha đâu mẹ mẹ chỉ mây trời - cha đó
''Ngắm mây trôi theo lòng mẹ lại buồn
''Tôi vẫn nhớ ngày mẹ dẫn tôi tới trường
''Chiếc áo sờn vai, mảnh quần rách gối
''Nép bên mẹ tôi như người có tội
''Tội sinh ra đời mang dòng máu con lai
''Khai sinh ghi cha tôi 'vô danh'
''Sao không ghi là Y là X
''Quốc tịch ghi tôi là Việt Nam
''Sao nhìn tôi như là kẻ lạ.''

Không cải thiện
Ông Nhật, hiện là giám đốc một công ty du lịch và thương mại ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng kể ông đã đi tìm và gặp lại cha ông.
''Tôi đã tìm rồi và đã gặp ở Hàn Quốc. Thực ra chúng tôi gặp một lần sau rồi họ cũng trốn.
''Đó là năm 2000... sau này chúng tôi không liên lạc được, ông ấy đổi số điện thoại.
Ông Nhật nói ông biết nhiều cựu chiến binh Hàn Quốc hiện đang sống ở Việt Nam và có con lai ở Việt Nam nhưng cũng không muốn gặp gỡ mặc dù ông đã báo cho họ con cái họ ở đâu.
Khi được hỏi ông có thấy sự cải thiện nào trong đời sống của con lai Hàn Quốc kể từ khi Việt Nam và Hàn Quốc lập quan hệ ngoại giao hồi năm 1993 không, ông nói:
''Không có một phần trăm nào cải thiện hết.''
Ông nói thêm: ''Chúng tôi là những người con lai, dù khó thế nào cũng phải bươn chải chứ không thể dựa vào chính phủ Việt Nam. Họ đâu có thừa nhận chúng tôi là công dân.''
Ông Nhật, người đã từng tới Hàn Quốc hơn 30 lần để vận động cho những người con lai, muốn Hàn Quốc thừa nhận vấn đề con lai và cả những gì mà lính Hàn Quốc đã gây ra khi tham chiến ở Việt Nam.
Ông nói trong số hơn 1500 con lai Hàn Quốc, 55% là con của những người lính, còn lại là con của những người làm việc trong lĩnh vực dân sự.
Hàn Quốc gửi hơn 300.000 lính tới tham chiến cùng Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam.



No comments:

Post a Comment