Friday, October 23, 2009

CÁI MIỆNG PHƯƠNG NGA và LỜI ÔNG ĐẠI SỨ


Cái Miệng Phương Nga và Lời Ông Ðại Sứ
Giáo Già
Ngày 21 tháng 10 năm 2009
http://www.doi-thoai.com/baimoi1009_310.html
Kể từ giữa Tháng 6 đến đầu Tháng 8/2009, nhiều tàu đánh cá của ngư dân Việt hoạt động ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm hoặc bắt về đảo Phú Lâm đòi tiền chuộc, nhưng Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cứ làm ngơ... cho ngư dân chịu... chết. Do vậy, khi được tin Thái thú Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến Thành Ðô, tỉnh Tứ Xuyên, tham dự Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế Miền Tây lần thứ 10, vào giữa tháng 10/2009, để gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo “trao đổi về việc Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị ký kết các văn kiện quan trọng...” người theo dõi tình hình Việt Nam, đặc biệt là ngư dân, trông đợi người lãnh đạo Nhà nước Cộng sản Việt Nam ít ra cũng có một lời phản đối, hay đòi hỏi Trung cộng phải có biện pháp nào đó coi cho được.

Nhưng, nghe bản tin được đài VOA loan đi ngày 16-10-2009 không ai không thở dài chán ngán: “Việt Nam và Trung Quốc cam kết xử lý thỏa đáng các vấn đề biên giới và Biển Ðông trong lúc ca ngợi các mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước”. Cùng ngày, đài RFA cũng cho hay: “Hai thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc hôm thứ sáu [16-10-2009] lên tiếng cam kết giải quyết các bất đồng biên giới giữa hai nước một cách ôn hoà, vào khi nhiều người Việt Nam đang quan ngại về ý đồ của người láng giềng phương bắc. Các phát biểu được đưa ra ngày hôm qua, khi hai vị thủ tướng gặp nhau tại Thành phố Thành Ðô của tỉnh Tứ Xuyên, Trung quốc, nhân dịp Thủ tướng Việt Nam sang dự hội chợ triển lãm quốc tế miền Tây lần thứ 10. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói là Bắc Kinh muốn tăng cường niềm tin tửơng lẫn nhau giữa hai nước và sẽ ứng phó thích đáng các vấn đề biên giới trên đất liền cũng như ngoài Biển Ðông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đáp lại rằng Việt Nam muốn giải quyết vấn đề Biển Ðông cũng như các vấn đề khác thông qua thương thảo trong tình hữu nghị với Trung quốc để mối quan hệ song phương tiếp tục phát triển”. Tất cả chán ngán vì không ai nghe họ nói sẽ xử lý như thế nào, chớ đừng nói là có thỏa đáng hay không.

Có thể Ôn Gia Bảo làm ngơ coi như không biết chuyện lính Trung Quốc đã và đang hiện nguyên hình là “hải tặc” trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; nhưng Nguyễn Tấn Dũng không thể nào không biết đến trường hợp ngư dân Việt Nam vào một hòn đảo gần Hoàng Sa để trú bão đã bị lính Trung Quốc cướp bóc tàn tệ hơn cả hải tặc trên biển, mà các cơ quan truyền thông trong nước lẫn hải ngoại và quốc tế đều đăng tải liên tiếp nhiều ngày.
Có thể các báo, các đài phát thanh, truyền hình và các diễn đàn Internet ở hải ngoại bị Dũng cho là của các thế lực thù địch, loan tin không theo cái “lề đường bên phải” của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nên Nhà nước dễ lên tiếng chối cãi; nhưng khi báo nằm trên cái “lề đường đỏ” của Bộ Thông tin và Truyền thông ở trong nước viết thì chắc Nguyễn Tấn Dũng khó có thể coi đó là chuyện bịa đặt được; nhứt là chuyện vừa xảy ra chưa đầy 1 tuần lễ, trước khi Dũng lên đường, được đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị [ngày 10-10-2009], ghi theo lời thuật của ngư dân Việt Nam vào trú bão ở đảo “Cần Cẩu”, gần Hoàng Sa. Xin được ghi lại vài đoạn tiêu biểu:
“Khoảng 21 chiếc ghe (17 ở Lý Sơn, 4 ở Bình Châu) đã gặp bão khi đang lênh đênh trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa..., nơi có cảng trú bão, chỉ khoảng 50 hải lý... nhiều ghe đã gọi điện thẳng về biên phòng tỉnh Quảng Ngãi nhờ can thiệp để ghe được vào cảng trú bão và đừng lấy đồ của ghe. Biên phòng nhận lời và dặn thêm, không lo đồ đạc, vì nguyên tắc, vào núp bão sẽ không ai lấy gì. Ðoàn ghe tạm yên tâm, quay mũi về cửa cảng, nhưng đạn lại vãi ra, ghe lại cuống cuồng bỏ chạy... Kể chuyện buổi sáng hôm đó, ông Nguyễn Phụng Lưu còn bàng hoàng, ghe của ông chạy cùng lúc với ông Thọ, lính đảo bắn chóe lửa quá trời quá đất... Tất cả neo ngoài khơi, nhìn từng đoàn ghe tàu của Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản chậm rãi vô tránh bão mà buồn bực. Neo đến chiều, gió lớn thổi mạnh, sóng cao đập từng hồi, bão đang đến gần, thấy vậy ông Lưu la lớn: “Lao vô đại thôi, trúng đạn thì còn người sống người chết, ở ngoài này bão vô sẽ chết hết”. Thế là thoát bão, ba ngày ba đêm trong cảng an toàn, không bị ai kiểm tra, ai nấy mừng thầm tai qua nạn khỏi... Sáng 30 Tháng Chín, biển đã bớt sóng gió, 17 chiếc ghe sửa soạn ra khơi. Bỗng dưng, trước cửa cảng xuất hiện một toán lính khoảng vài chục người, tay lăm lăm súng đạn nhảy xuống các ghe... Lúc đó, ông Thọ bị bất ngờ vì đinh ninh ghe trú bão sẽ không bị làm khó, nên khi lính ồ ạt nhảy lên ghe, cả chục nòng AK chĩa vào, mọi người chỉ còn biết quỳ xuống, giơ hai tay lên đầu... đồ đạc bị thu gom một cách nhanh chóng: máy Ecom (liên lạc), máy đo nước, bốn cuộn dây lặn, định vị, khoảng một tạ cá. Có lẽ do ghe ông cập ngay sát cầu cảng nên hai chiếc thuyền thúng cũng bị tước mất. Ông nài nỉ xin lại máy định vị (để biết hướng đi về) nhưng kẻ lấy không cho. Tài sản còn lại chỉ là chiếc la bàn. Xong việc, toán lính lại nhảy sang ghe khác... Thấy các ghe trước lao xao chuyện lính lấy đồ, ông Lê Ðủ liền giấu ngay máy móc xuống khoang máy, vừa kịp lúc toán lính khác nhảy lên. Hai lính đi trước, một cầm búa, một cầm dao chỉ mặt ông ý hỏi máy định vị và Ecom đâu? Ông lắc đầu, chiếc dây chuyền vàng trong cổ lòi ra, một tên lao vào vạch áo giật sợi dây đút ngay vào túi. Tên khác ra hiệu mọi người lột đồ trong túi, nguy ngập, ông Ðủ lanh trí móc ra cái điện thoại xịn và số tiền còn để chúng không truy bạn ghe. Chưa yên, tên cầm búa bằm nát tám cuộn dây lặn, một số tên khuân luôn đồ ăn, thức uống xuống ca nô. Mọi thứ tạm ổn, lúc này hai tên trong toán quay lại hỏi máy móc, ông Ðủ chỉ sang ghe bên cạnh nói hai ghe đi chung nên chỉ có một máy (đã bị thu). Thấy Hợp (con út ông Ðủ, 15 tuổi) nhỏ bé nhất, hai lính vắt người thằng bé lên cửa và bắt đầu tra tấn. Hợp nhớ lại, giày đinh thi nhau đá vào hai mạng sườn, những cú tát nảy lửa. Ðau đến ngất nhưng thằng bé nhất định không hé răng. Trước họng súng dí vào đầu, người cha bất lực nhìn con bị hành hạ. Ðánh một lúc, không moi được gì, hai tên lính thả Hợp ra..., thằng bé đổ gục, toán lính rút, người cha lao ra ôm đứa con, hai be sườn đỏ tấy, người mềm oặt... Số phận của cha con ông Lưu còn bi đát hơn, thấy lính chặn đường, ông cùng con trai tên Tâm, 19 tuổi, vội vàng nhét máy móc, điện thoại vào thùng gạo ở gầm ghe. Khi toán lính ập vào, thấy cục sạc pin điện thoại ở góc, tất cả lao vào tra tấn thủy thủ để tìm điện thoại. Cả hai cha con bị đánh nặng, đứa con chịu đòn không nổi, chỉ sau vài loạt đấm đá, Tâm khóc thét chạy vô lấy điện thoại từ hũ gạo ra. Nhưng, một tên lính đi theo, biết chỗ và moi ra hết đồ giấu, trận đòn tái diễn và nặng hơn đổ xuống đầu cha con ngư dân và bạn ghe vì tội “nói dối, không chịu khai”. Mắt phải Tâm đỏ rực, máu chảy ròng ròng, người cha vừa chịu đòn, nhìn đứa con trong nước mắt. Ðánh xong, toán lính gom sạch đồ, cả hai chiếc radio cũng không thoát, trừ chiếc la bàn... Cứ thế, hết chiếc này đến chiếc khác, mười bảy chiếc ghe cùng chung bi kịch, phần đông bị đánh, có người bị đánh đến ngất xỉu, máy móc, thức ăn bị cướp, thùng phuy chứa nước ngọt bị búa băm thủng, thúng bị chặt rách đít... Tính sơ, mỗi ghe mất hết đồ chừng 50-70 triệu đồng... Ngồi quanh ngọn đèn dầu dưới nền nhà, đôi vai ông Lưu như càng thõng xuống khi kể lại những ngày đã qua. “Mình trú bão chứ có làm gì đâu mà họ đánh đập, cướp bóc tàn tệ”, ông nức nở. Mấy người bạn ghe ngồi cạnh đều lặng lẽ khóc, không một tiếng nấc mà nước mắt cứ chảy dài xuống chiếu (Bài và ảnh Doãn Khởi).

Vậy thì “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai), và “4 tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt)... của các cấp lãnh đạo hàng đầu Việt-Trung phải được đánh giá như thế nào cho xứng đáng với sự khiếp nhược của của Việt cộng và thái độ hống hách của Trung cộng.
Chưa kịp đánh giá thì kẻ khiếp nhược [Thái thú Dũng] và tên đô hộ [Ôn Gia Bảo] thấy bao nhiêu đó chưa đủ, nên cả hai thấy cần phải làm một cái gì hơn nữa để củng cố tham vọng bá quyền của Trung cộng và sự trung thành của Việt cộng trên toàn Biển Ðông. Từ đó, Trung cộng ra lịnh cho Việt cộng đứng ra tổ chức một Hội nghị về Biển Ðông do Việt cộng chủ trì vào cuối tháng 11/2009 [tin BBC 21/10/2009] sau khi Việt cộng đã cho tổ chức một buổi Hội thảo về Biển Ðông coi như thất bại, vì chỉ có tiếng nói một chiều trên cái lề đường bên phải của Việt cộng, mà thiếu tiếng nói có tầm vóc ngoại giao và luật học quốc tế. Do đó, để hội nghị lần này có tính quốc tế Việt cộng đã đặt tên cho nó có cái tên là “Biển Ðông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển Khu vực”. Nó sẽ được diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11/2009 do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Cộng sản Việt Nam đồng tổ chức. Chưa biết hội nghị sẽ đưa tới kết quả nào, chờ xem.

Mặt khác, sự phản đối càng lúc càng dồn dập hơn của dư luận đối với sự cai trị nghiệt ngã của Cộng sản Việt Nam khiến cả đám 15 tên Thái thú trong Bộ Chánh trị ngồi ở Bắc Bộ phủ Hà Nội phải lúng túng chống đỡ theo từng bước lùi, trước thế tấn công càng lúc càng dồn dập hơn của các nhà đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam ở trong nước, và các thế lực đấu tranh ở hải ngoại, cùng dư luận quốc tế. Trong đó, hai điển hình đấu tranh càng lúc càng phấn khởi thêm là cuộc đấu tranh không khoan nhượng của thế hệ tiếp nối trưởng thành ngay trong lòng Xã hội Chủ nghĩa chống Trung cộng đô hộ Việt Nam; và sự lớn mạnh của Phật tử được nghĩ là trưởng thành ngay trong lòng Phật giáo Quốc doanh của đám cán bộ cạo đầu làm Phật sự huyễn mị dư luận lâu nay:

1.
Ngày 27 Tháng Chín, 2009, sau khi tham dự Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, Thái thú Nguyễn Minh Triết trốn chạy sự chống đối quyết liệt của người Quốc gia Việt Nam hải ngoại tại Hoa Kỳ, đến Cuba, nước Cộng Sản từng đóng góp xương máu cho Cộng sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam Việt Nam, hớn hở tuyên bố với báo chí ngay ở phi trường Havana rằng: “Việt Nam-Cuba như là trời đất sinh ra, một anh ở phía Ðông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ.” Xin hỏi Nguyễn Minh Triết “gác” cái gì vậy? Trừ ý nghĩa mang tính tiếu lâm, hỏi cũng là một cách trả lời rằng chúng “không canh giữ hòa bình cho thế giới”; mà chúng gác những nhà đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam, nhưng gác không xuể, càng lúc các nhà đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam càng xuất hiện đông hơn, nhà tù chứa họ càng lúc càng nhiều hơn, những người tù không tội càng lúc càng kiên cường hơn, kiên cường trong nhà tù, kiên cường trước tòa án... mà tấm gương là những người tù kiết xuất Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân...

Nó khiến tổ chức Human Rights Watch trao tặng Giải thưởng Hellman/Hammett năm 2009 cho sáu nhà văn Việt Nam gồm các ông Nguyễn Hoàng Hải bút hiệu Ðiếu Cày, Nguyễn Thượng Long, Trần Anh Kim, Vi Ðức Hồi, cô Phạm Thanh Nghiên, Thượng tọa Thích Thiện Minh, cùng với 31 nhà văn của 18 nước khác trên thế giới. Họ được tuyên dương về sự dấn thân để binh vực quyền Tự Do Phát Biểu Quan Ðiểm và lòng dũng cảm khi phải đối phó với sự ngược đãi, đàn áp của quyền lực chính trị tại quê hương thân yêu của họ. Chắc chắn Giải thưởng Hellman/Hammett năm 2009 sẽ làm công luận thế giới chú ý, quan tâm nhiều hơn nữa về tấn thảm kịch Nhân Quyền dưới chế độ của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhứt là sau những bản án tù bất công và phi pháp mới đây tại Hà Nội và Hải Phòng, cũng như vụ công an Cộng sản Việt Nam gây sự, dựng chuyện, kiếm cớ để hành hung tàn bạo nhà văn nữ Trần Khải Thanh Thủy và ngụy tạo hình chụp để che dấu những hành vi tội ác mà lịch sử sẽ ghi chép cho hậu thế.

Nó cũng khiến Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội hôm thứ Tư 14-10-2009 phải nói rằng “rất khó chịu” qua chuyện chín người Việt Nam hoạt động đấu tranh cho dân chủ bị án tù, bất chấp những cam kết quốc tế tôn trọng nhân quyền của Cộng sản Việt Nam. Họ nói rằng “chín người này đã bị kết án vì đã có những hoạt động ôn hòa nhằm ủng hộ dân chủ, nhân quyền và tính đa nguyên trong lãnh vực chính trị. Một cách đơn giản, những người này chỉ bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hoà và đã không hăm dọa gì nền an ninh quốc gia của Việt Nam hết thảy”. Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ cũng nói thêm là họ “lấy làm quan tâm trường hợp nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, là người đã bị hành hung và bị bắt sau khi bà ta bày tỏ công khai sự ủng hộ chín người hoạt động này”.

Tích cực hơn nữa là nó đã khiến thành phần trí thức có lúc bị gọi là gia nô của Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS phản tỉnh, khi họ chịu không nổi phải lên tiếng giải thể, để ngay tức khắc bị đe dọa “xử lý thích hợp, đúng quy định của đảng và nhà nước”; khiến một người ký tên Nguyễn Vạn Phú trong diễn đàn X-Café phải lên tiếng: “...đó là dấu chấm hết cho một xã hội bình thường, một đất nước bình thường”. Ôi! một xã hội bình thường đã chấm hết, một đất nước bình thường cũng đã chấm hết từ lâu khiến hiện tại chỉ còn một xã hội của những người nô lệ trong một đất nước bị đô hộ. Ðó cũng là chỉ dấu cho thấy lớp người trẻ tham gia Dân chủ hóa Việt Nam càng lúc càng ồ ạt hơn... mà những tên lính “gác” Nguyễn Minh Triết chỉ còn là những kẻ... chờ ngày đền tội.

2.
Còn nhớ, Thiền sư Nhất Hạnh về nước và phát triển Pháp môn Làng Mai được sự chấp thuận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Nhà nước Việt Nam để giúp Cộng sản Việt Nam thoát khỏi danh sách các quốc gia bị Hoa Kỳ lên án vi phạm tự do tôn giáo [CPC]. Từ đó, Tu viện Bát Nhã thành hình. Nó lớn quá mau và quá mạnh. Nó được thành lập năm 1995 bởi Thượng tọa Thích Ðức Nghi. Ðến năm 2007, Ðức Nghi đồng ý cho Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai tại Pháp xây dựng nơi này thành một Trung tâm Tu học Phật giáo theo Pháp môn Làng Mai. Ðến nay, tu viện này có khoảng 400 thầy, sư cô và tăng sinh tu học. Phần đông tu sinh là lớp trí thức trẻ, mà mỗi khóa tu tập thu hút số người tham dự lên đến vài ngàn, càng lúc càng đông thêm, ngoài vòng kiểm soát của chánh quyền địa phương, điển hình là sự thú nhận của cô T.M.T. Tập sự nữ Mây Ðầu Núi vốn là một tiểu thư học khá giỏi, từng là thủ khoa văn của một tỉnh, đã đậu vào Y Khoa..., sinh ra và lớn lên trong một môi trường hoàn toàn truyền thống và có thể nói là rất gia giáo.

Nhận thấy Bát Nhã lớn mạnh đang tuột khỏi tầm tay của Giáo hội Quốc doanh, tuột khỏi tầm tay của Ðảng và Nhà nước; đặc biệt là có nguy cơ lan rộng đến khu vực được coi là lãnh địa chiến lược của Trung Quốc đang đô hộ Việt Nam trên vùng Cao nguyên Trung phần, nên bằng mọi giá Bát Nhã phải bị dẹp và tướng công an Trần Tư đã chỉ đạo việc thẳng tay truy dẹp... Ðiều này đã khiến Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội phải công bố bản thông báo [14-10-2009] nói rằng “Những hành động bất chấp những cam kết quốc tế tôn trọng nhân quyền của Việt Nam, cùng với sự trục xuất nam, nữ tu sĩ mang tính bạo động ở Thiền viện Bát Nhã ở tỉnh Lâm Ðồng và sự thất bại của nhà nước Việt Nam đã không bảo vệ cho họ tránh những cuộc hành hung này, đã đi ngược lại với sự cam kết của chính Việt Nam đối với những tiêu chuẩn nhân quyền và nguyên tắc pháp luật đã được thế giới công nhận”.

Tất cả đã khiến dư luận thế giới lên án gắt gao, chính bà Sophie Richardson, Giám đốc phụ trách Châu Á của Human Rights Watch khi lên tiếng với đài RFA đã nói: “...Chúng tôi đặc biệt lo lắng về vụ tấn công vào Tu viện Bát Nhã nơi hàng chục tu sinh bị trục xuất khỏi đây và phải tìm nơi trú ẩn ở một tu viện khác cách xa khoảng 16 km...” Vậy mà, trong buổi họp báo ngày 8 tháng 10 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, đã phủ nhận mọi tin tức liên quan đến Tu viện Bát Nhã. Bà khẳng định rằng ‘không có cái gọi là Việt Nam ép bốn trăm người tu theo Pháp môn Làng Mai phải rời khỏi Tu viện Bát Nhã’ và thông tin ‘đã xảy ra đụng độ giữa các sư thầy sư cô tại Tu viện Bát Nhã và chính quyền làm một số người bị thương và bị bắt’ là hoàn toàn sai sự thật.

Việt cộng vẫn có thói quen phũ nhận những điều có thật nên không ai ngạc nhiên về những lời nói láo của bà Nguyễn Phương Nga và lời lên án đúng sự thật của Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ. Vấn đề còn lại là sự tận tụy phục vụ lợi ích Trung Quốc và nặng tay đàn áp các nhà đấu tranh Dân chủ hóa Việt Nam, đẩy Phật giáo vào pháp nạn mới... sẽ có làm trầm trọng hơn đại họa Bắc thuộc lần thứ 5 của dân tộc Việt; hay sớm đưa 15 tên Thái thú trong Bộ Chánh trị an toàn về Tàu, hoặc lũ lượt qua Mỹ và các quốc gia Tây phương, sống hết cuộc đời của kẻ phản quốc, cho dầu đó là cuộc sống trong nhung lụa như Nguyễn Tấn Dũng sẽ sống bên cạnh đứa con gái tên Nguyễn Thanh Phượng thành tỷ phú nhờ tiền tham nhũng của cha, bên cạnh chàng rễ gốc ngụy mang quốc tịch Mỹ mau quên thân phận tỵ nạn của gia đình và bản thân mình khi được cho tái định cư trên đất Mỹ???

Nếu đúng như lời Émile Francois Zola nói: “La vérité est en marche, rien ne peut plus l’arrêter” [Sự thật đang tiến bước, không có gì có thể làm cho nó ngưng lại được] thì sự tiến bước đưa dân tộc thoát cảnh trầm luân của các nhà Dân chủ hóa Việt Nam hẳn là những bước vinh quang trên đại lộ Bình Minh của Tổ Quốc Việt Nam.

Giáo Già


No comments:

Post a Comment