Saturday, October 24, 2009
ĐÀN ÁP TRONG TUYỆT VỌNG : THIÊN CHÚA GIÁO và CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN
Đàn áp trong tuyệt vọng: Thiên Chúa Giáo và chế độ cộng sản
Nguyễn Gia Thưởng
Đăng ngày 24/10/2009 lúc 02:46:59 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4253
Lấy lịch sử thay thế Thượng Đế
Triết gia Nga Nikolai Berdiaev (1874 – 1948) là người đầu tiên nhận chân tính chất cứu tinh của chủ nghĩa cộng sản, mặc dù nó là một chủ thuyết vô thần và nhất là bài bác Thiên Chúa giáo.
Tổ chức chính quyền và tổ chức đảng Cộng Sản Nga lúc thành lập đã sao chép và rập khuôn kiểu mẫu của chế độ hoàng gia Nga mà họ đã đánh đổ. Sau khi chiếm chính quyền, đảng cộng sản Nga đã sao chép cơ cấu tổ chức của giáo hội Thiên Chúa giáo. Tín lý đầu tiên của họ là khước từ sụ hiện hữu của Thượng Đế, họ thành lập một giáo hội triệt để nêu cao chủ trương vô thần. Guồng máy tuyên truyền sách động được giao phó cho một cơ quan tư tưởng với sự hỗ trợ của vũ lực để nhào nặn tư tưởng của nhiều thế hệ. Họ tự cho họ đã vượt thoát ra khỏi sự kiềm toả của những tín điều «lỗi thời» từ trước đến nay vẫn xem trọng Thượng Đế và các vị thiên thần. Người cộng sản tin tưởng mãnh liệt là họ có khả năng thay đổi tiến trình lịch sử của nhân loại, xây dựng một thế giới mới, với những con người mới, không bị tha hoá, không còn đầu óc trục lợi, khai thác và thống trị, vì theo Karl Marx, chính đây là nguyên do gây nên sự thống khổ của phần lớn nhân loại. Họ thay thế Thượng Đế bằng lịch sử. Thêm vào đó, những lý thuyết gia của chủ nghĩa cộng sản nhận thấy cần phải nguỵ hoá và đổ tội cho các thành phần tiểu tư sản tư bản, các thành phần ưu đãi của giai cấp phong kiến cũ, các thành phần tu sĩ và những nhóm xã hội dân chủ. Chủ nghĩa cộng sản có nhu cầu phải tiêu diệt những thành phần này để tảy sạch thế giới trước khi thực thi chủ nghĩa.
Chủ nghĩa cộng sản tự hào cho rằng có thể thay thế giáo hội Thiên Chúa Giáo. Họ tự nhận mình là vị cứu tinh và hứa sẽ đem lại sự cứu rỗi cho nhân loại. Người cộng sản không cần phải chờ lên Thiên đàng và sự siêu thoát linh hồn của con người. Chủ nghĩa cộng sản kêu gọi con người hãy tự tìm lấy ơn cứu độ trong một trận đấu cuối cùng huy động tất cả những ai «chẳng còn gì để mất ngoài giây xiềng xích» và can đảm đứng lên cướp chính quyền bằng cách phá bỏ quyền tư hữu và tiêu diệt «kẻ thù giai cấp». Chủ nghĩa Lê-nin đã hứa hẹn nâng giai cấp vô sản lên hàng «dân tộc được tuyển chọn», giống như dân Do-Thái trong Thánh Kinh được nâng lên hàng dân tộc được Thượng Đế đặc biệt sủng ái. «Vô sản thế giới» được mời gọi để làm gương mẫu cho tất cả các dân tộc khác. Những kẻ vô sản bao gồm những kẻ sống bên lề xã hội, những nông nô, những kẻ ấm ức, những kẻ khốn cùng đã được đảng Cộng Sản mời gọi và trao sứ mạng lịch sử đi rao giảng một loại Thánh Kinh mới. Vô sản thế giới có trách nhiệm tiến hành «trận đấu cuối cùng» chống lại cái ác, chống bóc lột, chống vinh thân phì gia, chống tư bản và những thế lực đen tối.
Những người theo đạo Thiên Chúa giáo vốn là những người kế thừa nhận lãnh Thánh Kinh và lời Giao Ước đầu tiên đã hợp thức hoá đức tin của họ qua những lời của những vị tiên tri trong Cựu Ước, đảng viên Cộng Sản tuyên xưng đức tin và coi bản Tư bản luận, những bài vở của Mác, của Engels và những đệ tử của họ là Thánh Kinh của họ. Trong thiên niên kỷ mà uy quyền của khoa học bắt đầu thay thế cho những «huyền thoại tôn giáo», các lý thuyết gia cộng sản đề nghị một lý thuyết «khoa học» xem lịch sử như là bước tiến của nhân loại để đi đến hoàn mỹ. Theo chủ nghĩa cộng sản, nhân loại đã trải qua thời ký sống bộ tộc, rồi kinh qua thời kỳ nô lệ, thời kỳ phong kiến, thời kỳ tư bản để đi đến con đường cuối cùng của lịch sử : thời kỳ giải phóng nhân loại khỏi những gông cùm giữ chặt không cho nhân loại thụ hưởng quyền bình đảng, quyền tự do và tình anh em quốc tế. Chủ thuyết hoang tưởng này đã được Thiên Chúa giáo sơ khai đề nghị, sau đó các triết gia thời Thế Kỷ Ánh Sáng cũng đề nghị nhưng từ trước tới nay chưa được đem ra thực hiện cụ thể. Chủ nghĩa cộng sản có mục tiêu tối hậu là biến ước mộng này thành một thực tế xã hội.
Tính chất “cứu rỗi” của chủ nghĩa cộng sản giống hệt với lịch sử của Thiên Chúa giáo một cách lạ lùng. Ông thánh Paul muốn tháo gỡ những vướng mắc ngăn cản người Do Thái cải hoá tất cả các dân tộc trở lại với nhất thần (một Thiên Chúa độc nhất). Vướng mắc này buộc người được cải hoá theo Thiên Chúa giáo phải tuân thủ những giới răn của luật Moses, ví dụ như những cấm kị về cách ăn uống và tục lệ cắt da quy đầu. Ông Paul, trái ngược với ý kiến của các vị tông đồ khác, đã tuyên bố con người có thể được cứu rỗi nhờ vào bí tích rửa tội và đức tin vào sự Phục Sinh và tính chất thiêng liêng của Đức Giê-su mà không cần phải tuân thủ những quy tắc lễ nghi của đạo Do Thái. Lê-nin đã thực hiện được sự phân cách tương tự với chủ thuyết của Mác (Karl Marx), mở con đường phát triển cho toàn thế giới ơn cứu độ của chủ nghĩa xã hội, thêm vào đó một chút “bạo lực cách mạng”. Ông tuyên bố để tiến tới chế độ cộng sản không cần quy chiếu vào những giáo điều dân chủ xã hội, vì giáo điều này xác định một quá trình tôi luyện bắt buộc qua thời kỳ tư bản để có thể tiến đến chế độ cộng sản đích thực. Trông mong vào viễn tượng thụ hưởng ngay những thành quả của chủ nghĩa xã hội, phong trào cộng sản đã bắt rễ ở Trung Hoa hơn là ở Anh Quốc. Nó ăn sâu vào các nước ở Á Châu và Phi Châu hơn là ở nước Đức. Nhờ vậy, sức tuyên truyền của họ thành công hơn những luận điểm của nhóm dân chủ xã hội tại các nước kém mở mang, những nước mà các chuyên gia gọi là “ thế giới thứ ba”.
Đọc những ghi nhận và những phóng sự về hội nghị thành lập Quốc Tế Cộng Sản (Komintern), được tổ chức ngày 1 tháng 3 năm 1919, chúng ta thấy lòng hồ hởi của các thành viên nghe Lê-nin tuyên bố thành lập Đệ Tam Quốc Tế. Các đảng phái đến tham dự đã bày tỏ lòng tin sắt đá vào cuộc cách mạng thế giới này và chính họ mà những đội tiên phong. Những đảng phái ngả theo chủ trương của Lê-nin đã gởi người đại diện đến tham dự từ khắp các nước Đức, nước Áo, Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ và Hung Gia Lợi. Năm 1920, các đảng cộng sản được thành lập khắp nơi, tại Pháp, tại Tây Ban Nha, tại Anh Quốc, tại Thổ Nhĩ Kỳ, tại Ai Cập, tại Úc Đại Lợi, tại Iran, tai Uruguay, tại thuộc địa Hoà Lan Ấn Độ (sau nay trở thành Nam Dương – Indonesia), vân vân. Các phái đoàn đại diện, phần đông thuộc phong trào dân chủ xã hội, xem Đệ Tam Quốc Tế là đội tiên phong quảng bá một thời kỳ mới của lịch sử thế giới. Khẩu hiệu bất hủ của Mác đã được Lê-nin tận dụng : “Vô sản thế giới, hãy đoàn kết lại !”.
Cộng Sản Quốc Tế có mục tiêu “đấu tranh võ lực để lật đổ bọn tư sản thế giới và thành lập một Cộng Hoà Quốc Tế Xô Viết, phá huỷ sự thống trị của tư bản, ngăn chặn chiến tranh, xoá bỏ biên giới các quốc gia, biến thế giới thành một cộng đồng tự túc và thực hiện tình huynh đệ và giải phóng các dân tộc”. Lời kêu gọi này khiến cho người ta liên tưởng đến bài giảng của ông thánh Paul với các tông đồ vào ngày sau lệ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Pentecost). “Đức tin Lê-nin” đã bắt đầu bắt rễ. Và các đảng cộng sản tại các nước trên thế giới bắt đầu xây dựng tổ chức với niềm tin không hề lay chuyển là họ những tiền đồn của lịch sử và các đảng viên sẵn sàng chấp nhận bắt bớ và chịu “tử vị đạo” để rao giảng Tin Mừng mới và thành lập một Giáo Hội quốc tế mới. Đảng cộng sản đã vay mượn cơ cấu tập quyền của Thiên Chúa giáo cũng giống Giáo Hội của thánh Paul trước đây vay mượn những định chế của đế quốc La Mã.
Toà án dị giáo
Khởi sự năm 1199, Giáo Hoàng Innocent đệ III, trong giáo chỉ Vergentes in senium, xem tội rối đạo như là một tội phạm thượng đối với Hoàng Đế giống như luật của Đế quốc Lã Mã. Và đến năm 1231 các vị thẩm phán của Toà Án Dị Giáo được Giáo Hội Công Giáo đề cừ. Và từ đó Toà Án Dị giáo được thành lập ở khắp Châu Âu. Tất cả những ai chống đối Giáo Hội và những tín điều của Giáo Hội đều bị đem xử đốt trên dàn hoả.
Toà án dị giáo thời trung cổ
http://i159.photobucket.com/albums/t139/HaMi-75/danhoa.jpg
Toà án dị giáo thời nay
http://i159.photobucket.com/albums/t139/HaMi-75/6dissidents-HaiPhongCourt-10082009.jpg
Và cuộc thanh trừng này kéo dài từ thế kỷ 12 cho đến cuối thế kỷ thứ 17. Năm 1633, nhà khoa học Galileo bị quản thúc tại gia và Giáo Hội Công Giáo phán quyết những luận án của ông cho rằng trái đất tròn và quay xung quanh mặt trời đi ngược lại những tín điều của Giáo Hội thời đó.
Chủ Nghĩa Cộng Sản mặc dù hiện nay không còn chỗ đứng trên thế giới, nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì “định hướng xã hội chủ nghĩa” và vẫn mù quáng bắt chước phương pháp lỗi thời của Toà Án Dị Giáo, bắt bớ các tín đồ của các tôn giáo và tìm cách ngăn cấm những sinh hoạt tôn giáo. Tín điều cộng sản chủ nghĩa là chân lý tối thượng và không một chân lý nào khác có thể đi ngược lại chân lý này.
Những vụ đàn áp gần đây tại Việt Nam cho thấy đảng CSVN đang đi lại con đường của Toà Án Dị Giáo của Giáo Hội Công Giáo cách đây mấy trăm năm. Đảng CSVN đang vùng vẫy trong tuyệt vọng ngăn chặn những sinh hoạt “dị giáo” đi ngược lại với chủ trương của đảng, đi ngược lại với quyền lợi của đảng. Đảng có tham vọng áp đặt mọi sinh hoạt tâm linh của người dân dưới sự kiểm soát của đảng, cho nên đảng đã cho nặn ra những nhà sư quốc doanh, những chùa chiền quốc doanh và trong một chừng mực nào đó những linh mục quốc doanh (những linh mục phục tùng đảng). Cố vùng lên lần cuối
Linh mục Jerzy Popieluszko, người có liên hệ mật thiết với Công Đoàn Đoàn Kết Solidarnosc đã bị bắt cóc vào ngày 19 tháng 10 năm 1984. Ngày 30 tháng 10, người ta đã tìm thấy xác của vị linh mục trên sông Vistule. Linh mục Popieluszko đã trở thành người tử vị đạo của cả phong trào. Tháng 6 năm 1989, trong một cuộc bầu cử lịch sử, Solidarnosc chiếm 99 trên 100 số ghế trong Thượng Viện của Ba Lan. Đảng Cộng Sản Ba-Lan hốt hoảng kêu gọi thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia trong đó có sự tham gia của Solidarnosc. Nhưng công đoàn đã từ chối không cộng tác với đảng CS Ba-Lan và các đảng nhỏ ngoại vi của đảng CS Ba-Lan vào giờ phút chót đã gỡ bỏ sự không chế của đảng. Và đảng CS chỉ còn chiếm 38% số ghế trong Quốc Hội (Diet). Tướng Jaruzelski không còn lựa chọn nào khác là giáo quyền hành lại cho Solidarnosc.
Trước khi đảng Cộng Sản Ba-Lan đi vào dĩ vàng, nó đã chứng tỏ sự hung hãn của nó. Trước khi nó từ biệt lịch sử, nó vẫn tìm cách tiêu diệt các thành phần mà nó gọi là “phản động”. Hiện nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam đang đi vào tiến trình phân hoá và tan rã. Họ hành xử giống như các đảng Cộng Sản trong thời kỳ đi vào tuyệt lộ, tức là vô cùng hung bao. Họ cũng đã rút kinh nghiệm bài học Ba Lan. Họ sẽ không tạo ra những vị “tử vị đạo”. Họ áp đặt những bản án thật khắt khe để tự trấn án. Họ tưởng chừng những vụ kết án có thể khủng bố tinh thần những thành phần mà họ cho là “phạm pháp”. Họ lầm. Họ đã để lộ hình ảnh bất dung của một ông thẩm phán của thời Toà Án Dị Giáo cách đây bảy thế kỷ.
Chủ nghĩa cộng sản có cao vọng muốn thay thế Thiên Chúa giáo, nhưng họ đã quên một điều quan trọng mà một vị giáo trưởng chính thống giáo ở một làng Roumania đã giải thích cho một ông bạn nhậu làm bí thư huyện uỷ địa phương. Ông bí thư hỏi “bí quyết” thành công của giáo trưởng: làm thế nào để mỗi Chủ Nhật, mỗi khi nghe chuông nhà thờ đổ, giáo dân đến đầy nghẹt nhà thờ và nghe bài giảng của ông, trong khi đó đương sự, một người đầy quyên uy của Đảng, với tất cả guồng máy tuyên truyền của đảng, chỉ tụ tập được vài chục cán bộ? Ông giáo trưởng mách nước: “Chúng tôi, người Ky-Tô-Giáo, chúng tôi không bao giờ hứa thiên đàng ở trần gian”. Thực ra, những nghịch lý mối lúc một chồng chất giữa hình ảnh vinh quang và tươi đẹp mà chế độ tự gắn cho mình và thực tế thảm não của cuộc sống hàng ngày đã khiến cho quần chúng không còn tin những lời nói của chính quyền nữa. Chế độ mà một tổng thống Hoa Kỳ cho là “Độc ác hiện thân” cuối cùng sẽ tan rã mà miệng vẫn không ngớt tự xưng mình là «Sự Thiện Toàn hiện thân”.
Có nhiều người đã lẫn lộn “chủ nghĩa xã hội hiện thực” được áp dụng từ thời Staline cho đến thời Brejnev với chủ nghĩa xã hội dân chủ. Thực ra, ý thức hệ hoặc nói cho đúng hơn ước vọng xã hội chủ nghĩa chính là sự tổng hợp của quyền tự do cá nhân với tình thần liên đới và là công cuộc đấu tranh nhằm xoá bỏ những bất bình đẳng xã hội. Lý tưởng “xã hội chủ nghĩa”, thừa kế những lý tưởng của thời Thế kỷ Ánh Sáng, của cách mạng 1789 của Pháp, thực ra không thể nào dung hợp được với những thể chế chuyên chính quân phiệt, công an hoặc độc đảng. Đảng Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế đã cố tình pha trộn chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản của Lê-Nin và Stalin là một biến dạng, một sự bóp méo hoặc là một dị giáo của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Tinh thần dân chủ xã hội rất gần gũi với tinh thần đa nguyên, lòng bao dung và tinh thần hoà giải.
Nguyễn Gia Thưởng
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment