Sunday, October 25, 2009

ĐẠO MẤT TRƯỚC, NƯỚC MẤT SAU


ĐẠO MẤT TRƯỚC, NƯỚC MẤT SAU
Mai Thục
16.09.2009
http://newvietart.com/index4.580.html
Triết gia Việt Nam- Lương Kim Định (1914- 1997) để lại hàng chục cuốn sách giá trị, giúp định hướng cho sự phát triển của dân tộc và nhân loại trong kỷ nguyên mới như: Triết lý Đông- Tây, Gốc rễ triết Việt, Thái bình minh triết, Hồn nước với lễ gia tiên, Khổng Tử, Kinh Dịch, Trống đồng Đông Sơn… và một lời tiên tri: “Đạo mất trước, nước mất sau.” Kim Định xác định “Minh triết là Đạo tức là con đường hướng dẫn con người đến hạnh phúc”. Nền tảng của Minh triết là: Thái hòa, Nhân chủ, Tâm linh.

Trung tâm nghiên cứu minh triết (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) với đề tài nghiên cứu “Minh triết trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam- những vấn đề cơ bản”, bước đầu thu hút sự tham gia của các học giả trong, ngoài nước.
Hội thảo lần I- khẳng định nghiên cứu Minh triết trên thế giới đang phục hưng từ ba, bốn thập niên gần đây. Hàng loạt trường Đại học Minh triết ra đời. Công trình đáng giá nhất ở Mỹ đầu thế kỷ XXI là bộ Thánh kinh Minh triết (Bible of Wisdom) tập hợp những giá trị Minh triết Đông- Tây: Phật, Khổng Tử, Lão Tử, Thiền, Hy Lạp cổ đại…(Nguyễn Khắc Mai)
Tìm về giá trị Minh triết, nhất là Minh triết phương Đông, bởi con người bất an trước những nghịch lý: kinh tế và khoa học càng phát triển, thì càng phá hoại, dẫn đến hủy diệt môi trường sống tự nhiên của con người và vạn vật. Đạo lý làm người mất dần. Trái đất và bầu khí quyển có ngày ra tro.
Minh triết Việt bao gồm những giá trị sống tươi đẹp, nảy nở từ vạn kiếp con người đã sinh ra, ăn, ở, đi, về, suy nghĩ, học, sản xuất, sáng tạo văn hóa, thực hành tâm linh… trong vùng địa lý, khí hậu, lịch sử riêng biệt, trên cánh đồng lúa nước. Minh triết Việt tiếp thu Minh triết của những dân tộc khác, nhưng khi nó ăn nhập vào sức sống của cư dân Việt, nó trở thành “Văn minh lúa nước” mà Minh triết Việt là đỉnh chóp.
Ngô Thời Sĩ quan niệm Minh triết là đạo lý đời thường: “Đem đạo Thánh hiền để quở trách thói đời, không bằng đem đạo đời thường để cảm hóa lòng người”.
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (Chủ tịch Hội đồng khoa học đề tài nghiên cứu Minh triết Việt) đã tóm gọn Minh triết Việt trong một câu: “Minh triết là biết làm thế nào để sống hẳn hoi”.
Hoàng Ngọc Hiến đã vạch hướng nghiên cứu lâu dài, với sự kết hợp nhiều tiếng nói, đa ngành, đa phương, đa sắc tộc Việt Nam: “Không thể khác được, nghiên cứu Minh triết ở Việt Nam bắt đầu bằng sự tổng kiểm kê và sưu tầm, bổ sung, những viên ngọc quí của Minh triết hiện đang rải rác khắp nơi”.

Con đường nghiên cứu đã mở. Những tiếng nói bốn phương tụ hội vang lên, gọi người Việt Nam- Trở về cội nguồn Minh triết Việt (Hà Văn Thủy). Cội nguồn đó, do triết gia Kim Định phát hiện: “Từ xa xưa, người Việt vẫn cảm nhận rằng mình là con cháu của dân tộc Minh triết. Những hạt Minh triết luôn lấp lóa tỏa sáng trong cuộc sống. Nhưng chưa ai biết nguồn cội Minh triết là gì. Cho đến nửa thế kỷ trước, bằng quán tưởng, bằng giải mã những huyền thoại, truyền thuyết Việt, triết gia thiên tài Kim Định đã đốn ngộ phát hiện cội nguồn Minh triết Việt. Phát kiến lớn về văn hóa Việt của ông được đông đảo sinh viên Sài Gòn một thời hoan hỉ, hưởng ứng”(Hà Văn Thủy).

Từ Vương quốc Anh, học giả Vũ Khánh Thành- học trò xuất sắc của Kim Định, gửi tham luận: “Minh triết Việt- Định hướng cho việc phát triển đất nứớc” đã tổng hợp tư tưởng Kim Định và đề xuất học Nho, học Phật, học Kinh Thánh để phục hồi đạo làm người: “Nhân Trí Dũng của Nho- Bi Hỷ Xả của Phật- Tin cậy Mến của Thiên Chúa giáo, để thành Người.”
Về giáo dục, Vũ Khánh Thành mong mỗi học sinh học ba thứ tiếng (Việt, Anh, Hán) ở bậc tiểu học; giáo dục Lễ gia tiên hay Đạo thờ ông bà; Tiên học lễ, hậu học văn… Học chữ Hán để tìm về vốn minh triết Việt, Tinh hoa tổ tiên và Đạo Việt hàng nghìn năm trước, sống đúng Đạo làm người.

Từ Sydney học giả Phạm Việt Hưng về Hà Nội trả lời câu hỏi: Đâu là nền văn minh đích thực?
Nền văn minh đích thực phải là sự chắt lọc tổng hòa tinh túy của hai nền văn minh Đông và Tây. Văn minh Đông phương cổ truyền thiên về Tâm (thông qua chiêm nghiệm, trực giác). Văn minh Tây phương thiên về Vật (thông qua quan sát, đo đạc, chứng minh).
Song thế kỷ XX, Lý Tường Hải- nhà nghiên cứu Trung Quốc nhận định: “Sự phát triển cao độ của kỹ thuật thành một công cụ sắc bén để nhân loại tàn hại lẫn nhau… người ta vốn là đứa con của tự nhiên, giờ đây họ muốn lấy trí thức và kỹ thuật làm chỗ dựa, hy vọng trở thành chủ nhân của tự nhiên. Họ làm những việc lay trời chuyển đất, tát đầm bắt cá, kết quả là phá vỡ sự cân bằng sinh thái vốn có của giới tự nhiên, khiến nhân loại gặp nguy cơ là mất đi chỗ dựa sinh tồn. Con người hiện đại sau khi thoát khỏi gông cùm của “chủ nghĩa cấm dục” truyền thống, đi đến chỗ phóng túng không biết kiêng kỵ là gì, cuối cùng đau đớn cảm thấy rằng cuộc sống chẳng có gì đáng gọi là hứng thú nữa. Ngoài ra, bởi sự chủ tể của kỹ thuật đối với con người, tác động vạn năng của đồng tiền, sự tha hóa nhân tính và sự lầm lẫn ngọn nguồn giá trị… không thể không khiến người ta đau đớn cảm thấy sự chìm lấp ý nghĩa nhân sinh”.
Phạm Việt Hưng đưa ra hàng loạt câu chuyện về mặt trái của tấm huân chương khoa học. Tại Úc, một công ty bị phát giác làm thí nghiệm cấy tế bào người vào nhân trứng lợn và tạo ra một sinh thể sống được 42 ngày. Thực ra nó bị giết chết vì các nhà nghiên cứu nhận thấy “cơ thể” của nó chứa cả AND của người và AND của lợn. Một tác phẩm khoa học trứ danh, sinh ra một sinh vật lợn- người hoặc người- lợn. Đó là lý do để Albert Enistein buồn rầu thốt lên: “Hãy thận trọng đừng biến trí tuệ thành chúa của chúng ta; nó có sức mạnh cơ bắp, nhưng phi nhân tính”.

Vậy mà ngày nay, người Việt Nam tất tưởi, vội vã chạy theo Tây phương, phá cánh đồng lúa trĩu hạt mùa vàng làm sân gôn, dự án, đầu tư nước ngoài, nhà xưởng, công nghiệp hóa, thải độc xuống những dòng sông xanh mát trưa hè, bê- tông hóa nền văn minh lúa nước… đánh mất ánh sáng Minh triết phương Đông cổ truyền của chính mình, nên gặp quá nhiều bất ổn trong đời sống của mọi người, mọi chốn, mọi nơi, từ đồng quê đến thị thành.
Ở đâu có dự án lấy đất, là ở đó cuộc sống bình yên bỗng trở nên hỗn loạn. Cái gốc của sự bất ổn định là mất đất. Mất đất, sẽ mất Đạo. “Mất Đạo trước, mất nước sau”.

Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh đau đớn vẽ bức tranh quê Việt Nam hiện đại:
Bọn họ bán hết biển Đông
Ta mới bán được cánh đồng làng ta…
Mẹ già như chuối chín cây
Sổ đỏ mẹ quyết cầm tay chẳng rời
Ông sở địa chính phì cười
Mai kia qui hoạch đất thì của ông…
Cây đa, giếng nước, chùa làng
Hương đồng gió nội, Niết Bàn chân quê
Từ ngày họp chợ chân đê
Chùa ra mặt phố đất qui y vàng…
Đậm đà bản sắc chân quê
Thanh lâu xóa sạch, cave đầy đường…”


Còn bức tranh Hà Thành thì sao?
T.S Nguyễn Hoàn- Hội KHKT Thủy Lợi nói: “Thiên tai có 13 loại thì Hà Nội phải chịu 12 loại: nước mặn dâng cao; nước ngọt đầu nguồn các dòng sông khô cạn; ngập lụt. mưa to; lũ ống; lũ quét; bão cường độ cao; lốc xoáy; hạn hán; rét đậm; rét hại; sạt lở bờ sông; động đất; dịch bệnh với con người, gia súc, gia cầm, thực vật; mù quang hóa hay gọi là đảo nhiệt; Hà Nội chỉ thiếu sóng thần vì xa biển.
Vấn đề an ninh lương thực cho Hà Nội. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, Việt Nam không còn gạo để xuất khẩu. Khi đó với một Thủ đô hàng chục triệu dân, vấn đề cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm sẽ là một bài toán cần có lời giải…”
Không ai giải được. Nếu họ cứ tiếp tục bán đất và bán đất. Đầu tư và đầu tư nước ngoài.
Đau đớn thay!

Song chúng ta theo Minh triết Ngô Thời Sĩ. Không quở trách thói đời. Mà cùng nhau gọi người Việt “Trở về cội nguồn Minh triết Việt” do Kim Định phát hiện với những đặc trưng:
1. Người Việt quan niệm về một vũ trụ “tham thiên lưỡng địa” có nghĩa là vũ trụ vận hành đi lên với ba phần Dương và hai phần Âm. Đấy là sự phát triển tích cực nhưng cân đối, nay gọi là phát triển bền vững. Nếu để Dương cực thịnh, Âm cực suy, phát triển quá nóng sẽ hủy diệt trái đất.
2. Từ trong bộn bề văn hóa phương Đông với Khổng Nho, Hán Nho, Tống Nho… Kim Định tìm ra Việt Nho là nền văn hóa hoang sơ của người Việt, mà ông gọi là Nguyên Nho với nội dung: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh. Việt Nho quan niệm trong tam tài Thiên- Địa- Nhân thì con người là chủ. Trong vị trí chủ nhân, con người phải sống thái hòa với nhau và với thiên nhiên. Con người không chỉ là thể xác vật chất mà còn sống trong tâm linh, trong tương quan với thế giới siêu nhiên khác.
3. Để được như trên, con người phải sống trong Đạo Việt An vi. Không hữu vi duy vật tranh giành chiếm đoạt. Không vô vi lánh đời, mà sống tích cực, tận tâm tận lực làm việc cho mục đích hướng thiện, theo lẽ an nhiên, an hòa của lòng mình hợp với sự vận hành của vũ trụ.
4. Sự tồn tại của xã hội dựa trên cơ sở bình sản.
Những hạt nhân Minh triết Việt tồn tại trong tầng sâu văn hóa Việt, tỏa năng lượng nuôi sức sống Việt hàng vạn năm nay, lẽ nào chúng ta lại không tiếp nhận để cứu chính mình và dân tộc thoát khỏi sự mất Đạo. “Đạo mất trước, nước mất sau”


Mỗi người dân Việt cần Minh triết Việt để sống làm người. Thế giới càng hỗn loạn, con người càng cần Minh triết. Minh triết bảo thân. Tiến sĩ Lloyd Bruce khẳng định “Những người lãnh đạo (điều hành vi mô và vĩ mô) nếu không biết Minh triết và ứng dụng Minh triết sẽ phải trả giá đắt cho sự vô tâm của mình.”

© tác giả giữ bản quyền.
Đăng tải theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 16.09.2009.



No comments:

Post a Comment