Tuesday, September 22, 2009

VIỆT NAM TÌM CÁCH DẬP TẮT NHỮNG LỜI CHỈ TRÍCH TRUNG QUỐC


Asia Sentinel
Việt Nam tìm cách bịt miệng những lời chỉ trích Trung Quốc
Vietnam Seeks to Silence its China Critics
Written by Our Correspondent
Monday, 21 September 2009
http://www.asiasentinel.com/index.php?option=com_content&task=view&id=2064&Itemid=188
Bloggers and online journalists beware. Big Brother is watching

Tqvn2004 chuyển ngữ
Thứ Ba, 22/09/2009
http://danluan.org/node/2724

Một số nhà bất đồng chính kiến tin rằng Trung Quốc đã mua chuộc chính quyền Việt Nam một cách hiệu quả bằng cách bí mật ứng trước 50 tỷ USD để Việt Nam sử dụng tại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính. Họ cho rằng lúc đó Việt Nam đang ở ngưỡng sắp sụp đổ về tài chính.

Không có chứng cứ nào chứng minh “lý thuyết âm mưu” đó, nhưng Việt Nam đã buộc phải nhờ đến Ngân hàng Phát Triển Châu Á trong tuần này để vay 500 triệu USD để bù đắp ngân sách “trông không được tốt” của mình. Điều này cho thấy chính quyền Việt Nam không ở vị thế để từ chối các khoản ứng trước của Trung Quốc [nếu có].

Các blogger và nhà báo internet hãy cẩn thận. Anh Cả đang quan sát bạn [*]!

Đối với những người cất tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc, chỉ có một nơi trên thế giới nguy hiểm cho họ hơn chính tại nước mẹ Trung Hoa, đó là Việt Nam.
Trong khi nhiều người Việt Nam vẫn e ngại Trung Quốc, quốc gia đã đô hộ Việt Nam hơn 1000 năm và năm 1979 đã tiến hành một cuộc chiến tranh biên giới ngắn nhưng đẫm máu chống lại Việt Nam, thì chính quyền Cộng Sản Việt Nam ngày càng lo lắng về những chỉ trích [của người dân] dành cho anh chàng hàng xóm phương Bắc này. Lý do cho những vụ đàn áp này không phải là sự đoàn kết giữa những người cộng sản, hay biện pháp xóa bỏ chủ nghĩa bài ngoại; mà đơn giản là vì tiền.
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã khiến Việt Nam trở nên phụ thuộc hơn bao giờ hết vào nguồn đầu tư từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Với sự “siêu nhạy cảm” đối với chỉ trích của Trung Quốc, chính quyền Việt Nam, vốn đã xếp hạng bét trong hầu hết các bảng xếp hạng về tự do báo chí, đã tăng cường sự trấn áp đối với những ai đặt dấu hỏi về bản chất mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Trong vụ càn quét mới nhất bởi công an tư tưởng Việt Nam, hai blogger và một nhà báo mạng đã bị bắt và giam giữ trong vài ngày vì bị nghi ngờ đã “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để xâm phạm quyền lợi nhà nước. Blogger Bùi Thanh Hiếu, có bút danh “Người Buôn Gió”, nhà báo Phạm Đoan Trang, người làm việc cho trang tin tức nổi tiếng VietnamNet, và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, có bút danh “Mẹ Nấm”, đã viết các chỉ trích về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trên internet.
Họ đã bị bắt giữ sau khi công an phát hiện ra kế hoạch bé nhỏ của họ: in áo phông mang khẩu hiệu dừng việc đầu tư đầy tranh cãi của Trung Quốc vào một dự án khai thách bauxite tại Tây Nguyên, và phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.
Mặc dù ba người này đã được thả vào đầu tháng này, máy tính và các đồ nghề của họ đã bị tịch thu, và Quỳnh, người bị cầm giữ 10 ngày, nói rằng cô chỉ được thả sau khi hứa không viết blog nữa.
Đó chỉ là phần mới nhất của những sự kiện đàn áp liên tục dành cho những người mắng nhiếc mối quan hệ với Trung Quốc ngày càng chặt chẽ của chính quyền. Một vài nhà báo và cây viết khác đã bị bắt hoặc mất việc sau khi chỉ trích Trung Quốc một cách công khai vào đầu năm nay.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã buộc nhiều công ty ngoại quốc phải cân nhắc việc đầu tư vào các thị trường đang lên – rủi ro hơn – như Việt Nam. Đầu tư nước ngoài (FDI) đã giảm 82% trong tám tháng đầu năm nay, xuống còn 10.4 tỷ USD, theo con số của chính phủ. Chính phủ Việt Nam, vốn đang kẹt tiền, lại không thể ban hành trái phiếu chính phủ, vì thị trường đòi hỏi lợi nhuận cao hơn mức quốc gia này có thể đáp ứng.
Kết quả là, quốc gia Đông Nam Á này phải dựa vào Trung Quốc ngày càng nhiều. Việt Nam đang duy trì thâm hụt thương mại lớn với kẻ xâm lược truyền thống, và đã luôn thúc giục Trung Quốc tăng cường đầu tư để tái cân bằng mối quan hệ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm Trung Quốc vào tháng Tư với sứ mệnh thương mại to lớn, tại đó ông gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo và hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Trung Quốc kinh doanh ở Việt Nam.
Sự thân thiện với Trung Quốc này đã không được đội quân yêu nước trên internet của Việt Nam đón nhận nồng nhiệt. Mặc dù sự nghi ngờ dành cho Trung Quốc có một lịch sử lâu dài ở Việt Nam, các blogger và những người Việt tham gia bình luận trên mạng khăng khăng rằng nỗi lo ngại ngày càng tăng dành cho mối quan hệ với Trung Quốc không đơn thuần là chủ nghĩa bài ngoại.
Nhiều người sợ rằng Việt Nam không được lợi gì, mà sẽ mất nhiều khi mở cửa cho đầu tư Trung Quốc. Họ cũng lo ngại rằng việc chính quyền dựa dẫm vào tiền của Trung Quốc sẽ làm Việt Nam không đủ sức cất tiếng đòi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, hai quần đảo được cho là nằm trong khu vực có dự trữ khí đốt và dầu lớn.
Mối lo ngại cũng dấy lên xung quanh việc Chinalco, một nhóm khai thác khoáng sản quốc doanh Trung Quốc, tham gia vào dự án khai thác bauxite lớn tại Tây Nguyên Việt Nam. Chỉ trích được đưa ra từ các nhà sư tới các nhà khoa học, ngay cả đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã lên tiếng phản đối kế hoạch này vì lo ngại mất an ninh quốc gia và vì những “chiến tích” làm hại môi trường của các công ty khai khoáng Trung Quốc.
Sau khi Giáp, người đã chỉ huy các chiến thắng Pháp và Mỹ trong hai cuộc chiến liên tiếp, lên tiếng công khai lo ngại của mình đầu năm nay, chính quyền đã cho phép một mức độ tranh luận chưa từng thấy về chính sách quan trọng này, thậm chí cho phép các nhà khoa học đa nghi tổ chức hội thảo để bàn về dự án khai thác.
Tuy nhiên, vụ “mùa xuân Hà Nội” này đã sớm tắt một cách đáng buồn, nếu không muốn nói là theo đúng dự đoán. Chính quyền không đủ khả năng để bịt miệng cụ Giáp 98 tuổi, nhưng đã sớm chứng minh cho mọi người thấy rằng nó không sẵn sang tán thành những chỉ trích dành cho đối tác kinh doanh quan trọng của mình từ những blogger và nhà báo thấp kém.
Sự đàn áp các tiếng nói chống Trung Quốc là một phần của cuộc đàn áp rộng hơn dành cho các nhà bất đồng chính kiến trước đại hội Đảng quan trọng năm 2011, khi mà 3 vị trí chính trị quan trọng nhất của Việt Nam sẽ có sự thay đổi.
Chính phủ đã đưa ra những giới hạn mới vào tháng 12 năm ngoái, khiến việc viết blog về các vấn đề chính trị hoặc viết dưới bút danh là bất hợp pháp. Công an cũng đã bắt một số đe dọa tới an ninh quốc gia như Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà văn và người ủng hộ dân chủ, và Lê Công Định, một luật sư nhân quyền nổi tiếng.
Trong khi chính quyền Việt Nam duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với hơn 700 tờ báo và tạp chí có mặt trên các quầy báo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nó đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát Internet.

Với khoảng 21 triệu người sử dụng Internet, và khoảng 1 tới 4 triệu trang blog, chính quyền Việt Nam không có đủ nguồn lực và công nghệ để theo cách của Trung Quốc trong việc kiểm soát Internet, triển khai hệ thống tường lửa bao quát cho phép chặn tất cả các trang web không mong muốn.
Thay vào đó, công an tư tưởng chọn phương pháp giống như ở Malaysia, Singapore hay Thái Lan, đánh gục các blogger nổi tiếng nhất với hy vọng sẽ tạo ra sự sợ hãi, khiến những người khác không dám thảo luận ngay cả những vấn đề hơi nhạy cảm.

Các tổ chức tự do báo chí quốc tế như Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo và Nhà Báo Không Biên Giới đã lên án những vụ bắt bớ gần đây nhất, và cảnh báo rằng sự gia tăng đàn áp tự do ngôn luận sẽ làm hại tới cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam. Nhưng chính quyền đã chối bỏ những lời phê bình này, với người phát ngôn bộ ngoại giao khẳng định rằng các cuộc bắt bớ “theo đúng luật pháp Việt Nam” và cho rằng “một số tổ chức và cá nhân đã cố ý phóng đại và bóp méo vấn đề này với mục đích xấu”.

Một số nhà bất đồng chính kiến tin rằng Trung Quốc đã mua chuộc chính quyền Việt Nam một cách hiệu quả bằng cách bí mật ứng trước 50 tỷ USD để Việt Nam sử dụng tại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính. Họ cho rằng lúc đó Việt Nam đang ở ngưỡng sắp sụp đổ về tài chính.
Không có chứng cứ nào chứng minh “lý thuyết âm mưu” đó, nhưng Việt Nam đã buộc phải nhờ đến Ngân hàng Phát Triển Châu Á trong tuần này để vay 500 triệu USD để bù đắp ngân sách “trông không được tốt” của mình. Điều này cho thấy chính quyền Việt Nam không ở vị thế để từ chối các khoản ứng trước của Trung Quốc [nếu có].

----------------------------------

[*] “Anh Cả đang quan sát bạn” (Big Brother is watching) là lời của tấm bích chương dán khắp mọi nơi, ở một xã hội chuyên chế tưởng tượng, được George Orwell miêu tả trong cuốn tiểu thuyết “1984”. Mọi người trong chế độ chuyên chế đó đều bị theo dõi sát sao bởi hệ thống Cảnh Sát Tư Tưởng do Anh Cả thiết lập.
Độc giả có thể xem cuốn 1984 tại đây:
George Orwell - 1984


No comments:

Post a Comment