Thursday, September 17, 2009
VỀ VẤN ĐỀ NHÀ ĐẤT CÓ NGUỒN GÔC TÔN GIÁO
Giải quyết các rắc rối về nhà đất tôn giáo
Lữ Giang
VietCatholic News (16 Sep 2009 10:54)
http://vietcatholic.net/News/Html/71207.htm
Ngày 4.9.2009, Bộ Xây Dựng đã gởi công văn số 1878/BXD-QLN yêu cầu các địa phương rà soát tình hình sử dụng nhà đất có nguồn gốc tôn giáo trong cả nước vì đang có “những diễn biến phức tạp” và việc giải quyết của các địa phương “đang gặp nhiều khó khăn."
Bộ Xây Dựng cho biết từ ngày 8.12.2008 Bộ đã có công văn số 2437/BXD-QLN yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê và tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo và báo cáo về Bộ trước ngày 30.12.2008 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhưng các địa phương chưa thi hành. Bộ yêu cầu các địa phương phải gởi báo cáo về Cục Quản Lý Nhà và Thị Trường Bất Động Sản trước ngày 15.9.2009. Có 23 tỉnh và thành phố phải báo cáo là Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bình Phước, Hậu Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Cà Mau.
CHỈ NHẮM VÀO CÔNG GIÁO
Tuy gọi là “rà soát, thống kê và tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo” , nhưng trong thực tế chỉ nhắm vào Công Giáo, vì hiện nay Nhà Nước đã “quốc doanh hoá” Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo, Cao Đài và một số giáo hội Tin Lành. Những tổ chức không gia nhập các tổ chức này đều bị coi là “phản động”, không được phép hoạt động.
Dĩ nhiên, các tổ chức tôn giáo quốc doanh (state-run) không có “tranh chấp” nào về nhà đất với chính quyền vì được đặt dưới sự chỉ đạo của Mặt Trận Tổ Quốc và chính quyền luôn cung ứng cho họ đầy đủ các phương tiện để có thể hoàn thành “sứ mạng tôn giáo vận” . Trường hợp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thường được gọi là Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước, là một thí dụ điển hình nhất. Giáo hội này được chính quyền quản lý rất chặt chẽ và giúp đỡ tối đa nên đã đạt rất nhiều “thắng lợi vẽ vang”, chẳng hạn như:
Tài liệu thống kê được công bố trong hội nghị thường niên của Giáo Hội cho biết:
Số tự viện Phật Giáo hiện nay là: 14.303 ngôi tự viện, trong đó gồm 13.312 tự viện Bắc tông, 469 tự viện Nam tông nguyên thủy và Khmer, 142 tịnh xá khất sĩ, 95 tịnh thất và 185 niệm Phật đường.
Số tăng ni: 26.268 vị.
Số cơ sở đào tạo: Có ba Học Viện Phật Giáo (Sai Gòn, Huế và Hà Nội), một Trường Cao Đẳng Chuyên Khoa Phật Học, 30 trường cơ bản phật học, một Trường đào tạo đội ngũ giảng viên hoằng pháp. Ngoài ra, chính phủ cũng đã thành lập một Viện Nghiên Cứu Phật Học tại Sài Gòn và một phân viện tại Hà Nội.
Theo tài liệu thống kê của Ban Hướng Dẫn Phật Tử, cả nước cho biết hiện nay có gần 45 triệu tín đồ Quy y Tam Bảo, 839 đơn vị Gia đình Phật tử, 7568 Huynh Trưởng và 85.000 đoàn sinh.
Dĩ nhiên là những con số tuyên truyền này cần phải được xem lại, nhưng những dữ kiện trên cho thấy nhà cầm quyền đã giúp đỡ Phật Giáo Nhà Nước tối đa, đặc biệt là trên lãnh vực xây cất các cơ sở Phật Giáo mới. Một thí dụ cụ thể là nhà cầm quyền đã giúp Phật Giáo Nhà Nước xây cất và điều hành ba Học Viện Phật Giáo lớn để huấn luyện các tăng ni (cán bộ) Phật Giáo: Năm 1984 xây cất Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam lớn ở Phú Nhuận, Sài Gòn, sau đổi thành Viện Phật Giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh. Tháng 7 năm 1997, xây cất Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế. Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội lúc đầu được đặt tại chùa Quán Sứ. Ngày 24.12.2003, UBND Thành phố Hà Nội đã giao 106.515m2 đất thuộc lâm trường Sóc Sơn, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cho Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước xây dựng một Học Viện Phật Giáo Việt Nam mới.
Dưới thời Lý – Trần, Phật Giáo trở thành Đạo Nhà Nước, được ưu đãi tối đa: Một phần ba tài sản quốc gia trở thành tài sản của nhà chùa, người người lớp đi tu, các tăng ni được cấp Độ Diệp (chứng minh thư đi tu), được miễn mọi lao dịch, được cấp ruộng và nông nô để cày ruộng cho chùa, v.v. Sự ưu đãi ngày nay mà Nhà Nước dành cho Phật Giáo Nhà Nước cũng theo hình thức đó.
Về đạo Tin Lành: Tại miền Bắc có Tổng Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam gồm 32 Hội Thánh, nhưng bị coi là quốc doanh.
Tại Miền Nam, ngày 23.12.2006, nhà cầm quyền Việt Nam đã chính thức cho Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm và Báp Tít Ân Điển được chính thức hoạt động. Được biết giáo hội này được thành lập năm 1929 và truyền vào Việt Nam năm 1962, hiện có 3 mục sư, 21 truyền đạo với 2.600 tín đồ và 4 chi hội cơ sở, sinh hoạt tại Sài Gòn và các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Các giáo phái khác đang gặp nhiều khó khăn vì không được công nhận. Họ thường bị coi là làm tình báo cho CIA. Tuy nhiên, tài liệu thống kê cho biết năm 1999 số tín hữu Tin Lành tại Việt Nam là 400.000 người, đã tăng lên tới 1.500.000 người năm 2008. Nhưng vì các Giáo Hội Tin Lành không có cơ cấu thống nhất nên việc nghiên cứu và tranh đầu có nhiều khó khăn.
Với một số sự kiện nói trên, chúng ta thấy hiện nay chỉ còn Giáo Hội Công Giáo là đứng ngoài “quốc doanh”, hoạt động độc lập nên mới có những “tranh chấp” về nhà đất với Nhà Nước mà thôi.
TÀI SẢN CẦN RÀ SOÁT
Trong cuộc phỏng vấn tại Paris ngày 16.7.2009, Đức Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có cho biết:
“Tòa thánh Vatican rất quan tâm đến hoàn cảnh của chúng tôi. Chúng tôi đã đề cập đến vấn đề trả lại tài sản của Giáo Hội và của các Đại Chủng viện. Giáo Hội Việt Nam có 26 giáo phận và 32 giám mục, trong số đó 29 vị đã đến Roma trong dịp này. Cộng đồng công giáo có 6,5 triệu tín hữu với 3.000 linh mục và 12.000 nữ tu trong tổng số dân 83 triệu”.
Được hỏi vê những khó khăn Giáo Hội nay, ĐGM Nhơn nói:
“Sau năm 1975, các tôn giáo đều bị mất đất đai và tài sản, cũng như các tổ chức điều hành các trường học, bệnh viện hay bệnh xá. Tất cả tài sản này đều bị Nhà nước – độc quyền về giáo dục và y tế – thu hồi. Tài sản bị tịch thu đã không được dùng vào công ích nhưng cho các cá nhân. Tuy nhiên Nhà nước Việt Nam đã nhận thức được điều này và có lẽ trong tương lai tình hình sẽ được cải thiện.
“Tình hình các Đại Chủng Viện cũng thế. Trước 1975, các giáo phận đều có chủng viện riêng, nhưng đã bị đóng cửa vào năm 1975. Đến năm 1987 mới được mở lại hai Đại Chủng Viện: một ở Hà Nội cho các giáo phận Miền Bắc và một ở Sài Gòn cho các giáo phận Miền Nam. Chỉ tiêu cho mỗi giáo phận là từ 5 đến 7 chủng sinh cho một chu kỳ học 6 năm. Chỉ tiêu này do Nhà nước ấn định. Niên khóa 2009-2010 mỗi chủng viện được ấn định chỉ tiêu riêng của mình. Hiện nay chúng tôi có 7 chủng viện. Nhưng khó khăn vẫn còn đó, vì chính quyền cộng sản là vô thần, và chúng tôi không được tham gia vào lãnh vực truyền thông vốn do Nhà Nước kiểm soát”.
Tài liệu thống kê cho biết năm 1969, Giáo Hội Công Giáo miền Nam có 226 trường trung học, 1030 trường tiểu học, 58 cô nhi viện, 48 bệnh viện, 35 viện dưỡng lão, 8 trại Phong cùi và 159 phòng phát thuốc. Các cơ sở này đều bị tịch thu.
Nói chung, trong thời kỳ chủ trương xoá bỏ tôn giáo để “tiến lên xã hội chủ nghĩa”, chính phủ đã tịch thu của Giáo Hội Công Giáo khoảng 2250 cơ sở. Đến thời kỳ đổi mới, trên đường tiến tới xoá bỏ chủ nghĩa xã hội, nhà nước bắt đầu trao trả lại một phần tài sản cho Giáo Hội Công Giáo.
1.- Những nhu cầu ưu tiên
Vì là một tổ chức có nhiệm vụ chính là rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội Công Giáo đề nghị chính quyền ưu tiên trao trả lại cho Giáo Hội những cơ sở sau đây:
- Các cơ sở được dùng thực thiện các công tác bác ái và từ thiện để có thể phục vụ những người không may mắn.
- Các chủng viện để đào tạo linh mục.
- Các cơ sở giáo dục để Giáo Hội có thể góp phần vào việc nâng cao trí dục và đức dục của người dân.
Nói rằng chính phủ không trả thì không đúng. Chính quyền chỉ trả nhỏ giọt và thường không trả khi đang có áp lực. Chính quyền địa phương thường khắt khe hơn chính quyền trung ương, vì các địa phương thường nghĩ đến quyền lợi riêng tư hơn quyền lợi đất nước, cố chấp và không thấy rõ ảnh hưởng sâu rộng khi các cuộc tranh đấu bùng nỗ.
a) Về các cơ sở bác ái và từ thiện: Tính đến năm 2004, nhờ chính quyền trả lại và tự kiến tạo thêm, Giáo Hội Việt Nam đã có 78 trạm xá hay bệnh viện, 75 trung tâm phòng chống HIV và ma túy, 38 trung tâm khuyết tật, cô nhi viện và viện dưỡng lão, 5 trung tâm giúp đỡ di dân và 30 nhà trọ cho sinh viên.
Ngày 2.7.2008, Ban Tôn Giáo Chính Phủ Ủy đã gởi công văn số 941/TGCP-CP cho phép Ban Bác Ái Xã Hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (Caritas Việt Nam) hoạt động trở lại và cho Caritas Việt Nam được hoà nhập vào mạng Caritas Quốc Tế (Caritas Internationalis).
Tuy nhiên, nhiều nơi chính quyền địa phương vẫn còn viện những lý do rất vớ vẫn và khôi hài để tước đoạt tài sản của Giáo Hội. Sau đây là một vài thí dụ điển hình:
Tu Viện Dòng Thánh Phao Lồ trong tỉnh Vĩnh Long được thành lập từ năm 1871 và được các nữ tu sử dụng như một tu viện và một viện mồ côi. Tháng 9 năm 1977, chính quyền địa phương đã tịch thu tu viện này, đuổi các trẻ mồ côi đi, trong có những em tàn phế, viện lý do các nữ tu đã đào tạo lớp trẻ bất hạnh trở thành lực lượng chống đối chính phủ cách mạng. Nay chính quyền muốn xây khách sạn ở đó.
Trước 1975, khu bất động sản ở số 32 bis Nguyễn Thị Diệu, Quận 3, Sài Gòn, của Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn được dùng làm trường dạy trẻ. UBND thành phố đã liệt ngôi trường này vào diện nhà vắng chủ rồi cho đập phá và xây lên một vũ trường với tên gọi VIP-CLUB. Trong thực tế đây là nơi kinh doanh mãi dâm, bị công an bắt quả tang nên phải đóng cửa. Nay thành phố đang cho đập phá để xây khách sạn, v.v.
b) Về các chủng viện: Trước đây mỗi giáo phận của Giáo Hội Công Giáo đều có chủng viện để huấn luyện những người làm linh mục. Nhưng khi nắm chính quyền, đảng CSVN đã ra lệnh đóng cửa các chủng viện này. Kể từ năm 1987, chính quyền mới cho hai Đại Chủng Viện hoạt động trở lại, nhưng hạn chế số chủng sinh. Hiện nay, Giao Hội có 6 đại chủng viện (Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Vinh, Nha Trang và Cần Thơ) đang hoạt động và được tuyển sinh tự do. Trong năm qua, chính quyền cũng đã trả lại ba chủng viện ở miền Bắc là Phát Diệm, Thái Bình và Hưng Hoá.
c) Vể các cơ sở giáo dục: Hiện nay, chính quyền chưa cho các tôn giáo tham gia vào việc giáo dục vì sợ ảnh hưởng của tôn giáo đối với giới trẻ. Các cơ sở giáo dục của các tôn giáo đã bị tịch thu. Nhưng đây là một sự lo sợ quá đáng. Trước năm 1975, chính quyền miền Nam đã cho các tôn giáo tham gia vào việc giáo dục mà có sao đâu? Trái lại, ai cũng công nhận rằng các trường Công Giáo đã cung cấp một nền giáo dục rất tốt. Cứ cho mở trường Công Giáo đi, các cán bộ cao cấp sẽ đua nhau cho con cái mình vào học các trường này.
Về các cơ sở giáo dục, Giáo Hội Công Giáo có một định hướng mới thay vì đi đòi lại từng cơ sở cũ. Nhờ sự giúp đỡ của các giáo hội anh em, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sẽ từ từ kiến tạo những cơ sở giáo dục tốt đẹp hơn.
Năm nay, chính quyền đã cho Trường Đại Học Dòng Tên Loyola Chicago (Loyola University of Chicago) của Công Giáo Mỹ được phép thành lập Văn phòng đại diện tại Saigòn. Đây là trường đại học đầu tiên của Mỹ có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Văn phòng này sẽ tìm hiểu và giới thiệu khả năng hợp tác về giáo dục với các trường đại học và cơ sở giáo dục, đào tạo của Việt Nam. Đây là một bước tiến đáng kể trong việc nâng cao nền giáo dục quá thấp kém của Việt Nam lên.
d) Các trường hợp đặc biệt: Ngày 24.5.2008, trên đường đi Roma, khi ghé thăm nhà thờ St. Bonifatius, Herne, ở Đức, Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã nhấn mạnh: "Trọng tâm hiện nay của hàng Giáo Phẩm Việt Nam là Toà Khâm Sứ, Thánh Địa La Vang và Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt".
Hiện nay, chính phủ đã trả lại sở đất 23 mẫu của Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang. Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Hà Nội cũng sẽ được trả lại sau khi Việt Nam thiết lập bang giao với Vatican. Riêng trường hợp của Đại Chủng Viện PIO X gặp nhiều khó khăn vì chính quyền đã cho rất nhiều gia đình cán bộ và công nhân viên vào chiếm dụng làm chỗ ở. Giải tỏa những người chiếm ngụ này không phải là chuyện dễ dàng.
2.- Các cơ sở Công Giáo tại địa phương
Những tài sản của Công Giáo ở địa phương bị tước đoạt rất nhiều, kể cả những nơi thờ phượng. Chính quyền chỉ mới trả lại một số nhỏ. Ngoài những vụ đã bùng nổ lớn là vụ Toà Khâm Sứ, vụ Thái Hà và vụ Tam Tòa, sau đây là một số vụ khác đã bùng nổ ra trong thời gian gần đây:
- Phá hủy cơ sở thuộc nhà thờ Bình Lộc thuộc Giáo Phận Xuân Lộc; đập phá nhà thờ Sông Mao tại xã Hải Ninh, Bình Thuận; phá hủy Trường Mai Khôi ở xã Vinh Hưng, Phú Lộc, Thừa Thiên.
- Chiếm đoạt nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tọa lạc tại số 22 đường Trần Phú, Phường 3, ngay trong thị xã Bạc Liêu.
- Chiếm đoạt đất Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn tọa lạc tại Số 6 và 6Bis Tôn Đức Thắng, Quận I, rộng 40.000m2 của Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
- Xí Nghiệp Khai Thác và Dịch Vụ Thủy Sản Khánh Hòa chiếm giữ Tu Viện Dòng Thánh Giuse ở Nha Trang.
- Chiếm đoạt đất đai của Đan viện Thiên An Huế để xây dựng Trung Tâm Vui Chơi Giải Trí Đồi Thiên An - Hồ Thủy Tiên.
- Cướp đất của Giáo Xứ Kế Sung, Huế.
- Ngang nhiên trưng dụng khu đất phía sau của Tòa Giám Mục Phan Thiết.
- Chiếm đất đai nhà thờ tại Giáo xứ Mỹ Dụ thuộc xã Hưng Châu, tỉnh Nghệ An.
- Lấy đất nhà thờ Kẻ Mui ở Hà Tĩnh cấp cho một số hộ, đặc biệt là hai gia đình ở sát ngay Cung Thánh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nơi tôn nghiêm.
- Chiếm đoạt nhà thờ Đồng Đăng thuộc tỉnh Lạng Sơn, cách cửa Ải Nam Quan có 4 cây số, rồi cấp cho một khu đất ở nơi hoang vắng không điện nước, không hệ thống thông tin và không có giáo dân.
Ngay tại thành phố Hà Nội, chính quyền đang chiếm đoạt các nơi thờ phụng sau đây: Nhà Thờ Thánh Đa Minh ở Quận Ba Đình (hiện dùng làm trạm canh gác Lăng Hồ Chí Minh); Nhà Nguyện Dòng Kín Ca-mê-lô ở đưòng Cát Linh; Nhà Nguyện Fatima ở Quân Hai Bà Trưng, v.v.
Chính phủ cũng có trả lại một số rất nhỏ cơ sở thờ phụng như nhà thờ Tam Đảo thuộc giáo phận Bắc Ninh, được xây dựng từ năm 1937 và bị tịch thu từ năm 1954.
Nhìn một cách tổng quát, hiện nay Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có 2.730 giáo xứ, trong đó có 1.186 giáo xứ không có nơi trú ngụ cho linh mục, vì chính quyền đã cướp mất nhà và đất.
ĐƯỜNG HƯỚNG GIẢI QUYẾT
Thật ra, chính quyền trung ương không cần yêu cầu các chính quyền địa phương rà soát tình hình sử dụng nhà đất có nguồn gốc tôn giáo trong cả nước, vì họ có bao giờ nói đúng sự thật đâu. Chính quyền chỉ cần yêu cần 26 giáo phận của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nộp danh sách các tài sản của Giáo Hội đã có trước 1954 (với Miền Bắc) và trước 1975 (với Miền Nam), trong đó ghi rõ các tài sản đó trước đây đã dùng vào việc gì và nay đã bị chính quyền chiếm đoạt để dùng vào việc gì. Chỉ cần nhìn vào các bảng kê khai này cũng có thể biết các chính quyền địa phương đã hành động lếu láo như thế nào.
Năm 1975, sau khi chiếm được Miền Nam, lòng thèm khát nhà đất của cán bộ Miền Bắc, từ cao đến thấp, đã lên đến cao độ, ai cũng muốn chiếm cho mình một bất động sản, bất kể bất động sản đó là công hay tư và thuộc về ai. Có nhiều cán bộ đã chiếm đất mặt tiền nhà của tư nhân, trước nói là làm phòng thông tin hay văn phòng hợp tác xã, sau biến thành nhà của mình. Khi có quyền hành trong tay, đa số cán bộ cao cấp ở địa phương đã coi nhà đất của tư nhân cũng như của Giáo Hội như những mối lợi có thể khai thác để kiếm lợi nhuận, làm cho tình trạng nhà đất trở thành rối loạn.
1.- Vẫn chủ trương “xin cho”
Hôm 31.12.2008, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Chỉ thị số 1940/CT-TTg về nhà, đất liên quan đến tôn giáo.
Chỉ thị viết:
"Trường hợp cơ sở tôn giáo đã nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất nhưng có tranh chấp thì phải giải quyết dứt điểm tranh chấp theo quy định của pháp luật trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất."
“Cơ sở tôn giáo có nhu cầu chính đáng để phục vụ cho hoạt động tôn giáo thì Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương có trách nhiệm xem xét, căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà Nước, quy hoạch, kế hoạch xử dụng đất và qũy đất của địa phương, quyết định giao cho cơ sở tôn giáo, diện tích nhà đất theo đúng trình tự, thủ tục quy định của luật pháp”.
Chỉ thị trên chỉ lặp lại chủ trương “xin-cho” của Đảng và Nhà Nước vốn có từ trước đến nay, nhưng các địa phương có thi hành đâu?
Trả lời cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn AsiaNews, Đức Cha Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Giám phận Bắc Ninh, cho biết ngài đã nói với các giáo dân trong giáo phận:
“Nếu chúng ta đòi lại thánh đường và đất đai của Giáo Hội bị chính quyền tịch thu, thì họ sẽ lắc đầu, nhưng nếu chúng ta xin họ cấp phát cho chúng ta để dân chúng có nơi sinh hoạt, thì có thể họ sẽ đồng ý, vì họ không muốn mang tiếng ‘cướp của’ của Giáo Hội”.
2.- Những đề nghị cần xem xét
Ngày 25.9.2008, Hội Đồng Giám Mục Việt họp tại Long Khánh đã đưa ra một bản nhận định tình hình về một số vấn đề. Về tình trạng khiếu kiện nhà đất, Hội Đồng đã đề nghị như sau:
“Trước hết, nếu luật về đất đai còn nhiều bất cập thì nên sửa đổi cho hoàn chỉnh. Việc sửa đổi này cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: "Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán" (số 17). Vì thế, chúng tôi cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội”.
Thật ra, dù có sửa đổi luật đất đai công nhận quyền sở hữu, nhưng nếu hệ thống cai trị theo kiểu “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” như hiện nay, vấn đề cũng chẳng giải quyết được, vì các đảng bộ ở địa phương thường coi “miệng tao là luật” chẳng coi luật pháp và quyền lợi của dân ra cái gì cả. Vậy, ngoài việc sửa đổi luật lệ, cần phải thay đổi cả hệ thống cai trị “đảng lãnh đạo” hiện nay.
Ngày 04.12.1993, Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã ban hành Hướng Dẫn số 500-HD/TGCP về việc thực hiện Chỉ thị 379/TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23.07.1993, về hoạt động tôn giáo, trong đó có nêu rõ:
“Nơi thờ tự của các tôn giáo cho mượn có thời hạn nay đã hết hạn thì phải trả lại. Nếu còn nhu cầu sử dụng phải thỏa thuận với Giáo hội. Nếu chưa hết hạn mà sử dụng không đúng mục đích thì phải trả lại... Không để dân lấn chiếm nơi thờ tự. Ở những nơi do tồn tại của quá khứ, nơi thờ tự có dân đang ở thì Chính quyền địa phương phải có kế hoạch giải tỏa trong một thời gian nhất định.”
Nhưng các chính quyền địa phương có coi ra gì đâu? Tình trạng có nơi còn tệ hơn. Vì thế, còn nhiều cuộc tranh đấu đòi công lý sẽ được phát động để thúc đẩy chính quyền phải có những thay đổi.
SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI
Khi các cuộc tranh đấu đòi công lý của giáo dân Thái Hà và Tam Tòa dâng lên cao, nhiều người chống cộng ở hải ngoại đã dùng những lời kích động hay khích bác với mục đích thúc đầy Giáo Hội Công Giáo Việt Nam biến những cuộc tranh đấu này thành một cuộc nổi dậy lật đổ chế độ cộng sản. Họ lý luận rằng với cộng sản phải làm tới nơi tới chốn, không nhượng bộ mới có thể thắng được. Nhưng trong bản tuyên bố 25.9.2008, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã xác định:
“Giáo Hội không có chức năng làm chính trị, nhưng cũng không đứng bên lề xã hội. Do đó, là những người lãnh đạo trong Giáo Hội, chúng tôi có trách nhiệm rao giảng giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, nhằm thăng tiến con người và đời sống xã hội cách toàn diện.”
Báo chí Cuba đã hỏi ĐHY Jaime Ortega Alamino, Tổng Giám Mục Havana, Cuba, rằng khi một chính quyền hay một hệ thống chính trị trở nên một chế độ chuyên chế, lập trường của Giáo Hội và của người Công Giáo như thế nào và phải như thế nào? ĐHY đã trả lời:
“Trước những chế độ có thể trở thành toàn trị, chuyên chế hay độc đoán, lập trường của Giáo Hội và của những người Công Giáo phải phù hợp với hoàn cảnh mà chúng ta đã biểu hiện cho toàn thể sứ mạng của Giáo Hội ở đó hôm nay...
“Tôi đã nói lên quan điểm này khi tôi được phỏng vấn ở ngoại quốc, Giáo Hội không có sứ mạng trở thành một đảng chính trị đối lập mà, rất tiếc Cuba ngày nay không có đảng đối lập nào cả... Nhưng người ta không thể đòi hỏi Giáo hội trở thành một đảng đối lập.
“Giáo Hội cũng không thể bị đòi hỏi phải ủng hộ một chính phủ cách mạng nào. Trong trường hợp khác, họ phải luôn hiểu điều mà chúng tôi đã nói: Chúng tôi ở đây để rao giảng Nước của Thiên Chúa. ”
Trong bài giảng tại Santa Clara, Cuba, ngày 22.1.1998, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác quyết:
“Giáo Hội, hiện diện giữa lòng xã hội, không nhằm đi tìm bất cứ hình thức quyền hành chính trị nào khi thực hiện sứ mạng của mình; Giáo Hội chỉ muốn là hạt giống phát sinh những thiện ích của mọi người bằng sự hiện diện của mình trong các cơ cấu xã hội”.
Vậy những ai muốn lật đổ hay đối kháng với chế độ hiện tại, phải thành lập một tổ chức chính trị như Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan hay Khối Công Dân Công Giáo ở Miền Nam trước năm 1975 để thực hiện ý nguyện của mình. Đừng bao giờ nghĩ rằng có thể biến Giáo Hội Công Giáo thành một công cụ chính trị.
(Ngày 15.9.2009)
Lữ Giang
No comments:
Post a Comment