Saturday, September 19, 2009

VỀ TÁC GIẢ Bài Viết "ĐỔI MỚI ĐẢNG ĐỂ TRÁNH SỤP ĐỔ"


Về tác giả bài viết “Đổi mới Đảng để tránh sụp đổ!”
Hoàng Hưng
19/09 /2009 2:40 sáng
http://www.talawas.org/?p=10374
Tôi lấy làm vinh dự được tác giả Thiện Ý gửi gắm việc giới thiệu công khai danh tính thật cũng như nhân thân của anh sau khi bài Đổi mới Đảng để tránh sụp đổ!” được công bố trên talawas blog. Việc công khai này đánh dấu một bước ngoặt lớn của anh trên con đường phản biện với những người lãnh đạo Đảng của mình, tổ chức mà anh gắn bó suốt 50 năm nay, đến nay anh vẫn “giận mà thương” và thực lòng hy vọng vào sự thay đổi của nó để nó tự cứu vãn và cứu vãn cả tương lai dân tộc.

Thiện Ý chính là Tống Văn Công, nguyên Tổng Biên tập một số tờ báo của hệ thống công đoàn: báo Lao động Mới (Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam Việt Nam), báo Công nhân Giải phóng (tiền thân của báo Người Lao động, Liên đoàn Lao động TPHCM) báo Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cũng là ngòi bút bình luận sắc bén một thời của báo này với bút danh Thuận Lý. Xuất thân từ một gia đình cách mạng, cha là Tống Văn Thêm bút hiệu Tăng Ích, tham gia Đảng Cộng sản từ 1929, dịch giả của Tạp chí Tân Trung Hoa thời kháng chiến chống Pháp (chi tiết rất thú vị: vậy thì anh có trong người dòng máu Minh Hương, tức có thể nói anh là một “người cựu-Tàu yêu nước Việt”, trái ngược với những kẻ “người Việt yêu nước… Tàu” hiện nay).
Tống Văn Công sinh năm 1932, tham gia Vệ quốc Đoàn chống Pháp (1950-1959), được giải Ba cuộc thi viết truyện ngắn về miền Nam 1959, làm báo Lao động từ 1960, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Con đường phản biện với Đảng của đảng viên kỳ cựu Tống Văn Công bắt đầu từ thời gian sau “Đổi mới”, chủ yếu với công việc lãnh đạo báo Công nhân Giải phóng và sau đó báo Lao động trong những cuộc đấu tranh dũng cảm chống quan liêu tham nhũng, bênh vực quyền lợi công nhân và nhân dân lao động, đặc biệt là trong mấy năm huy hoàng của tờ Lao động Chủ nhật mà lịch sử báo chí Việt Nam sẽ phải ghi nhận như người xung kích của báo chí “cách mạng” (đúng nghĩa là báo chí trong vòng kim cô của đường lối tuyên giáo cộng sản) đã phá rào để nói lên những tiếng nói trung thực với đời sống và “khác” với ý của lãnh đạo Đảng. Và tất nhiên anh phải trả giá, may mà cái giá cũng không quá đắt: bị cho về hưu (Xem bài “
Xa lộ thông tin chỉ còn lề phải của Thiện Ý trên talawas blog). Điều đáng ghi nhận là chính ở tờ báo này, Tống Văn Công đã thể hiện “tư tưởng Hồ Chí Minh” đúng như anh trình bày trong bài viết “Đổi mới Đảng…”: không “ngu trung” với ý thức hệ, thực lòng đoàn kết mọi lực lượng của dân tộc để xây dựng một nước Việt Nam mới – ở đây là một tờ báo mới (bao gồm những nhà báo đảng viên trung thực, những nhà báo tay nghề cao của Sài Gòn cũ, những cựu-tù-chính-trị của chế độ, những người trẻ có tâm huyết…). Và quả nhiên là tất cả mọi người trong tờ báo cũng thực lòng đoàn kết dưới sự lãnh đạo của những đảng viên cấp tiến và có trình độ như anh, mong được dùng ngòi bút phục vụ công cuộc Đổi mới. Chính đó là sức mạnh khiến mọi người chấp nhận san sẻ thu nhập ít ỏi như nhau (80.000 VND/tháng vào năm 1990) say sưa làm báo như đi “làm cách mạng”. Tình cảm giữa anh Công và tôi nảy nở trong những ngày tháng không quên ấy. Tôi là một người vừa đi cải tạo vì thơ văn “phản động” về chưa bao lâu, lại được giao toàn quyền nắm trang Văn hoá-Văn nghệ của một tờ báo lớn, đó là chuyện chưa từng có và không thể hình dung (ngày hôm nay thì lại càng không thể!). Nhờ sự kiên quyết của anh, báo Lao động đã là tờ báo đầu tiên giới thiệu các nhân vật Nhân văn-Giai phẩm (Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng…), ủng hộ những khuynh hướng sáng tác mới, hiện đại còn bị kỳ thị của giới chính thống (đặc biệt trong mỹ thuật và văn học). Qua nhiều thử thách, tình đồng nghiệp giữa chúng tôi đã biến thành tình bạn, tình đồng chí.
Một thời gian dài sau khi nghỉ hưu, Tống Văn Công hầu như không xuất hiện trong đời sống báo chí, hoặc chỉ xuất hiện dưới bút danh nào đó với những bài vô thưởng vô phạt, dường như anh đã an phận thủ thường. Nhưng anh lại vẫn luôn luôn theo dõi, trao đổi bàn bạc với bạn bè thân hữu về mọi tình hình đang diễn ra trên đất nước. Những ai quan biết anh đều nghĩ sẽ đến lúc Tống Văn Công tái xuất giang hồ, không thể khác.
Không phải vì anh là anh hùng hảo hớn gì, mà đơn giản là tình hình đất nước dần dần đi đến chỗ hiểm nguy mà nếu không quá hèn nhát, quá giá áo túi cơm hay nhất quyết mũ ni che tai thì những người có hiểu biết, có lương tri, có tâm huyết buộc phải bước ra khỏi nơi trú ẩn an toàn để bày tỏ thái độ. Với những người đã trót mang nghiệp “ngôn luận”, im lặng trước cái sai, cái xấu, cái lỗi thời lúc này là mang tội đồng lõa không thể biện minh.
Và bắt đầu xuất hiện bút danh Thiện Ý trên talablog, với những bài viết rất được chú ý vì sự thẳng thắn, cái nhìn mang tính tổng quát, lập trường triệt để nhưng tỉnh táo và chân thành xây dựng của một người trong cuộc. Từ
bài viết đầu tiên về khủng hoảng văn hóa đạo đức, tác giả đã nêu rõ nguyên nhân sâu xa, nền tảng của nó là khủng hoảng ý thức hệ; đến bài mới nhất, anh vẫn triển khai lập luận ấy đến cùng, và mở nó ra thành cái nhìn toàn diện về thể chế. Cuối cùng việc phải đến đã đến: anh đặt thẳng vấn đề về hệ thống chính trị và tính chính đáng của đảng cầm quyền. Chính ở bài này, anh quyết định công bố tên thật đằng sau cái bút danh mà anh muốn giữ vì đã quen với bạn đọc và có thể chuyển tải “thiện ý” của mình.
Anh đã giải phẫu vào cái đệ nhất yếu huyệt, gót chân Achille của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, nếu như với việc công bố bài này cùng tên thật, mặc dù đầy “thiện ý”, Tống Văn Công có bị những thành phần cứng rắn trong Đảng của mình làm khó thì cũng là chuyện dễ hiểu.
Tôi là một công dân Việt Nam ngoài Đảng, nhưng nhận thức rõ rằng trong một thời gian còn dài, tương lai của đất nước, của dân tộc phụ thuộc chủ yếu vào những biến chuyển trong nội bộ đảng cầm quyền. Từ lâu tôi đã đặt câu hỏi: Ngoài những kẻ thoái hóa biến chất, đặc quyền đặc lợi đang múa tay trong bị trước tình trạng hỗn loạn của xã hội hiện nay, Đảng CSVN còn được bao nhiêu đảng viên chân chính, không bám quyền bám lợi mà thật sự nghĩ đến dân đến nước? Tại sao họ im lặng thế? Vì sợ hãi kỷ luật Đảng? Vì luyến tiếc một quá khứ oai hùng? Vì chưa tìm được lối ra? Vì lo lắng một sự sụp đổ nguy hiểm?
Bài viết mới nhất của Thiện Ý – Tống Văn Công là một câu trả lời cho tôi. Vẫn có không ít đảng viên mang trong đáy sâu lòng mình phẩm chất của người yêu nước thực sự, và không phải không có những người nghĩ được “lối ra” khá an toàn cho cuộc “khủng hoảng” (“
Khủng hoảng và lối ra” là tên một luận văn của Nguyễn Kiến Giang). Và họ đã lên tiếng, ngày càng đông, ngày càng thẳng thắn. Tôi tin rằng những ý kiến của Tống Văn Công hôm nay về căn bản đã nói đúng suy nghĩ của đa số người dân Việt Nam hôm nay, cả đảng viên lẫn không đảng viên, kể cả những quan chức đang hưởng lợi từ cơ chế hiện hành nhưng có tầm nhìn xa về tương lai của con cháu họ. Và tôi vẫn chưa hết hy vọng ở sự biết lắng nghe của những người có quyền trong Đảng Cộng sản Việt Nam, ít ra là một số và con số này sẽ ngày càng tăng. Nếu không, thì thảm họa cho đất nước này không xa!

© 2009 Hoàng Hưng
© 2009 talawas blog

Thiện Ý – Đổi mới Đảng để tránh nguy cơ sụp đổ! Góp ý với Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam 19/09/2009 2:31 sáng


No comments:

Post a Comment