Monday, September 7, 2009

VÊ BÀI "CON ĐƯỜNG ĐẾN DÂN CHỦ HOÁ TRUNG HOA"


Góp ý về bài: Con đường đến dân chủ hóa ở Trung Hoa của Mao Vu Thức [*]
Hà Dương Dực
06:30 ngày Thứ Hai, 07/09/2009
http://bauxitevietnam.info/c/7654.html
Sau khi tóm tắt rất sơ lược thực trạng TQ trên 160 năm qua thì MVT nhận định: “ bây giờ chúng ta có một khung khổ sơ bộ của nền kinh tế thị trường, dân chủ và pháp quyền được ghi vào hiến pháp”, ý thức về bảo vệ người dân cũng đã được tăng cường và “tuy môi trường chính trị hiện tại là tốt hơn 25 năm trước rất nhiều {nhưng} đã không có bất cứ thay đổi cốt yếu nào trong hệ thống” và từ thời Đặng Tiểu Bình 20 năm nay hầu như chưa có cuộc thảo luận chính trị nào.
MVT đã rất có lý khi đề nghị: Để tiến tới dân chủ tự do thì người dân TQ phải có các cuộc thảo luận chính trị, thảo luận về tự do ngôn luận, nhưng thảo luận chỉ có nghĩa trong không khí bình thản, trọng lý trí (hình như Hà Sĩ Phu đã nói tới lâu rồi) trong tinh thần trách nhiệm, lễ độ, nhất quán với tinh thần dân chủ, và cởi mở cho sự tham vấn. Nhưng: ngay cả việc trút hết một số bất mãn phải là có thể chịu đựng được.
MVT càng đúng: Khi đã có khung cảnh đó rồi thì thảo luận về vấn đề chính đáng của đảng CS; khởi đầu bằng thuyết phục đảng CS công nhận các lầm lỗi quá khứ, đồng thời chính thức công nhận sự chính đáng của chính phủ Cộng sản vì thành quả kinh tế của 25 năm qua, và cũng vì vấn đề an ninh, nhưng không công nhận độc quyền.
Theo MVT thí dụ tốt nhất là thảo luận về hiến pháp nhưng phải từ bỏ lý thuyết lỗi thời, phải tách biệt dứt khoát giữa quá khứ và hiện tại.
Để mở rộng thêm tính cách chính đáng của Đảng CS MVT đề nghị bắt đầu bằng cách phân quyền hạn, (phân trách nhiệm) không phân biệt đảng viên hay người ngoài đảng đều phải được tham gia vào việc điều hành và quản trị Quốc Gia.
MVT viện dẫn đến lịch sử TQ để biện minh cho tinh thần khoan dung cần thiết và cần nhớ rằng tiến trình dân chủ hóa chỉ có thể có được nếu xã hội {dân chúng và chính quyền} khoan dung. Khoan dung đã được MVT đưa lên mức quan trọng tối cần thiết. MVT mong đảng CS chứng tỏ tinh thần khoan dung nên: đề nghị áp dụng ngay cho luật tử hình mà Ông cho là hiện tại có khắt khe, và nói nếu ân xá cho các tội được quy là tội phạm chính trị thì tính cách chính đáng của đảng CS sẽ cao hơn.
MVT viện dẫn đến nhận định: loại hình dân chúng quy định loại hình chính phủ mà họ sẽ có, để biện minh cho lập luận rằng tiến trình dân chủ hóa là tiến trình chậm mà chúng ta chỉ có thể từng bước tiến hành.
Trong lịch sử TQ cũng như VN khi đất nước bất hạnh gặp các vị vua hoang tàn, phung phí tài nguyên… hay tàn ác, chúng ta thấy rất nhiều các tờ SỚ, sớ vừa có tính cách can gián vừa có tính cách báo động, vừa nêu một chiều hướng mới nhưng căn bản vẫn là tôn Quân… Sớ của MVT hơn thế một bậc là dâng lên cả dân chúng.
Với dân chúng MVT mong mỏi có sự kiên nhẫn, lý trí, khoan dung, lễ độ… học hỏi bàn luận để từng bước tiến tới xã hội dân chủ và hiện đại hóa, trong khi công nhận tính cách chính đáng của Đảng CS vì vấn đề an ninh và thành quả phát triển kinh tế trong 25 năm qua.
Với Chính Quyền MVT đề nghị nên khoan dung nên cởi mở, tiến trình dân chủ hóa, hiện đại hóa cần vài thập niên, vì dân trí, vì an ninh, miễn là tiến trình vẫn từng bước được tiếp tục, chính quyền phải thực thi điều đó. Phải cho thảo luận để thực thi cởi mở.


Lập luận của MVT có nhiều điểm cần bàn luận thêm:

1/ Người dân Mỹ trước đây trên 200 năm, hay người dân Ấn Độ trước đây trên 60 năm chắc là dân trí và ý thức về dân chủ tự do không thể bằng người dân TQ ngày nay.
Gắn liền tiến trình dân chủ với trình độ giáo dục và văn hóa của người dân thì Việt Nam chúng tôi có câu tục ngữ: Đánh bùn sang ao.
Ông Mahatma Gandhi và Đảng Quốc Đại của Ấn Độ sau khi tranh đấu giành được Độc Lập cho nước Ấn không hề bấu víu vào thành tích đó để đòi hỏi dân Ấn phải công nhận sự chính đáng, để đòi hỏi độc đảng, mà cũng không viện dẫn lý do là dân Ấn Độ chưa quen với chế độ dân chủ để đòi hỏi một thời gian dài cho chuyển tiếp mà đi ngay tới một chế độ dân chủ, tự do đa đảng.

2/ Vấn đề an ninh là rất quan trọng, nhưng với nước lớn như TQ thì ngày nay đâu có gì phải lo lắng quá sức. Tìm bước đi nào khả thi và an toàn cho tất cả các bên, liệu có phải là một lo lắng dư thừa không? Nước Nga đó, đảng viên đảng CS có làm sao đâu? Tiến từ độc đảng sang dân chủ tự do đa đảng thì cũng như từ quả trứng sang con gà, không thể có cái gọi là an ninh cho vỏ trứng, con gà sẽ phá vỡ vỏ trứng để chui ra .
Bàn luận về tự do dân chủ là bàn luận công khai về tổ chức chính quyền và tổ chức xã hội cùng các phương pháp thực thi để người dân có thể an sinh. Khi đã có tinh thần khoan dung thì vấn đề an ninh cho mọi người phải là vấn đề của luật pháp vô tư. Có nên đặt vấn đề luật pháp phải độc lập và vô tư ngay không?

3/ Bàn tới dân chủ, tới pháp trị nhưng MVT không nói rõ tới điều kiện căn bản của nó là sự bình đẳng. Suy nghĩ cẩn trọng về câu: Tất cả mọi quyền đều thuộc về nhân dân sẽ đưa tới kết luận là vậy, là mọi người đều bình đẳng. Sự bình đẳng phải được thực thi ngay từ đầu: bước lựa chọn, phải có nhiều món hàng cho dân chúng lựa chọn (đa đảng) Phân quyền, phân trách nhiệm không thể đi từ chức quan nhỏ tới quan lớn (xã, thị, trấn), cũng không phải là vấn đề đảng viên hay không đảng viên.
Phân quyền, phân trách nhiệm trên bình diện quốc gia chính là phân biệt hành pháp và lập pháp để kiểm soát lẫn nhau hầu tránh trường hợp vừa đá bóng vừa thổi còi. Đây cũng như vấn đề chính đáng mà MVT đã không nói đầy đủ. Công nhận sự chính đáng hiện nay thì được nhưng từ nay về sau thì sao? Tổ chức xã hội và tổ chức chính quyền phải như thế nào để tránh các sai lầm lớn. Dân chủ hơn hiện nay không phải là câu trả lời mà là dân chủ như thế nào để tránh được các sai lầm đó. Sai lầm chết vài chục triệu người. (Đối với các nước nhỏ thì là sai lầm đưa tới nô lệ hay mất nước). Tại dân trí hay tại tổ chức?

4/ Biện luận cho quan niệm cần một tiến trình chậm MVT còn nói thêm: có một số tầm nhìn thật kỳ vỹ nhưng không có công cụ để thực hiện .

James Madison khi viết các ý tưởng kỳ vỹ sau này được dùng làm bản Hiến Pháp cho Hoa Kỳ thì ông và nhóm các nhà thông thái chung quanh ông là những người hiểu dân MỸ lúc đó. Ý tưởng kỳ vỹ chỉ có thể là kỳ vỹ khi nó đại diện cho đại đa số nhân dân. Nếu nó không được quảng bá rộng rãi thì làm sao biết được là nó hợp lòng dân? Nó kỳ vỹ? Nó là các ý tưởng tích cực? Đặt vấn đề ý tưởng tốt hay xấu, tích cực hay không tích cực là tiền phán đoán. Nhạc luân vũ khi mới được phổ biến đã bị bà Hoàng nước Anh cấm vì không hợp đạo lý.
Chờ đợi công cụ mới quảng bá ý kiến kỳ vỹ là đặt cái cày trước con trâu.
Nếu đã không có một số các nhà thông thái, bác học thì đã không có các cuộc thay đổi thể chế cho tốt hơn như ở Pháp, ở Mỹ và nhiều nước khác. Nếu không có Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử thì thời đánh nhau Đông Chu liệt quốc không biết còn kéo dài bao lâu. Và nhà Hán làm sao ổn định được 400 năm.

5/ Theo tôi hiểu khi bàn tới dân chủ, tự do, pháp trị, tính cách chính đáng… thì còn hai yếu tố tâm lý rất quan trọng không thấy MVT đề cập tới đó là:
a/ Tính tham lam vô độ của con người cần được kiểm soát; nhất là với những người giữ trọng trách liên quan tới danh vọng, tiền tài, liên quan tới an sinh của dân chúng.
b/ Càng ở vị trí nhiều quyền lực con người càng dễ hư hỏng. Cơ chế tổ chức xã hội và, chính quyền phải như thế nào để giúp họ tránh các cạm bẫy, các sa ngã? Giúp người cũng là giúp mình.
HDD
Nguồn: diendan.org, 5-9-2009
[*] Xem Con đường đến dân chủ hóa ở Trung Hoa – Một lộ trình đi tới sự chính đáng và hiện đại hóa


No comments:

Post a Comment