Saturday, September 19, 2009
ĐƯỢC TỊ NẠN CHÍNH TRỊ NHỜ BỘ SƯU TẬP TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ
Một Kết Quả Không Ngờ Cho Những Người Làm Văn Hóa
Bộ Sưu Tập Tù Nhân Chính Trị VN Của Hội VAHF/FVPPA
Giúp Cựu Đại Úy VNCH Được Tị Nạn Chính Trị Tại Mỹ
Triều Giang
9/19/2009 9:40:47 AM
http://www.take2tango.com/~/n3ws/mot-ket-qua-khong-ngo-cho-nhung-nguoi-lam-van-hoa-8242.aspx
• Bộ sưu tập hiện đang được lưu giữ tại Vietnam Center do hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị VN đóng góp
• Hiện có một hồ sơ xin tị nạn chính trị khác tại North Carolina đang được xúc tiến
Cựu Đại Úy Trần Văn Sang (Hình của VAHF)
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/09-2009/Tuan%207/Nancy-01.jpg
« Như người chết được sống lại »
« Sau khi được biết đơn xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ của tôi được chấp thuận, tôi mừng vui, sung sướng như người chết được sống lại. Gần 35 năm qua, tôi và gia đình tôi sống tại Việt Nam như những cái xác không hồn. Sau khi đi tù 2 năm 4 tháng 15 ngày về tôi còn bị quản chế thêm một năm. Xả chế xong tôi vẫn còn bị theo dõi và phải đi trình diện hàng tuần vì lúc đó tôi sống tại tỉnh nhỏ Cần Thơ. Tôi không xin đưọc việc làm nên phải làm đủ mọi nghề: vá xe đạp, khuôn vác hoặc làm bất cứ việc gì, nếu có người mướn. Ba đứa con của tôi chỉ được học hết cấp một vì có cha là tù cải tạo. Hai con trai lớn của tôi hiện đang làm nghề chạy xe ôm, và đứa con gái út thì bán hàng rong với má nó ngoài chợ. Ước mơ của tôi là làm việc để có tiền lo cho vợ con có thể qua đây để hít thở không khí tự do, dù là một lần rồi chết cũng mãn nguyện. »
Đó là lời tâm sự của Ông Trần văn Sang, một cựu Đại Úy của Quân lực VNCH sống tại Cà Mau trước khi đến Hoa Kỳ với lý do thăm gia đình người em tại thành phố Louiseville, tiểu bang Kentucky vào năm ngoái 2008. Sau dó, ông Sang đã làm đơn xin tị nạn chính trị. Đơn xin tị nạn chính trị của ông đã được văn phòng Tị nạn Chính trị (Asylum Office) của sở Di Trú tại thành phố Chicago chấp thuận vào ngày 4 tháng 6 vừa qua. Một quyết định đã đem lại sự đổi đời cho người cựu sĩ quan và gia đình ông đã phải gánh chịu quá nhiều bất hạnh chỉ vì là sĩ quan của chế độ cũ và thời gian đi tù thiếu 7 tháng 15 ngày nên không được hưởng quy chế tị nạn nhân đạo qua chương trình HO như hàng nhiều chục ngàn cựu sĩ quan Miền nam Việt Nam.
Phải nói đây là một trong những trường hợp hiếm hoi và có lẽ chưa từng xảy ra. Phần lớn khi phỏng vấn để cấp visa cho người Việt Nam vào Hoa Kỳ, các nhân viên toà Đại sứ và Lãnh sự Hoa Kỳ thường rất khó khăn. Điều kiện tiên quyết của họ vẫn là tìm hiểu để có thể xác quyết rằng những người khách này sẽ không tìm cách ở lại nước Mỹ bằng bất kỳ hình thức nào. Do đó, việc cho người vào Mỹ để rồi xin tị nạn chính trị là một điều rất hiếm có. Trong quá khứ có một vài trường hợp của một số nghệ sĩ Việt nam đến Hoa Kỳ với mục đích trình diễn và xin được tị nạn và được chấp thuận, như trường hợp của ca sĩ Thanh Lan. Hầu như trường hợp của ông Sang là trường hợp đầu tiên của một cựu sĩ quan từng bị tù đày nay được hưởng ân huệ này. Lý do nào đã khiến cho văn phòng tị nạn chính trị của thành phố Chicago có quyết định này ?
Thư khố cứu ngưòi
Người viết đã liên lạc với luật sư của ông Sang là ông Shane L. Parker, một luật sư trẻ chuyên về luật Di trú có văn phòng tại thành phố Louiseville, tiểu bang Kentucky là nơi ông Sang đang cư ngụ. Luật sư Parker đã mau mắn trả lời :
“Có nhiều lý do nhưng lý do chính là nhờ vào tài liệu lấy từ thư khố về Cựu Tù nhân Chính Trị Việt Nam của hội Bảo Tồn Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) đang được lưu trữ tại Việt Nam Center, sự sốt sắng giúp đỡ của cô Ann Malette, người đang quản thủ thư khố này, sự cương quyết trước sau như một của ông Trần văn Sang về quyết tâm tìm tự do tại nước Mỹ trong các cuộc phỏng vấn và nhất là trát truy nã ông Trần văn Sang do chính phủ địa phương gửi đến cho gia đình ông và được người nhà chuyển cho chúng tôi.”
Những án lệ gợi ý
Người viết đã yêu cầu luật sư Parker giải thích rõ ràng hơn. Ông cho biết khi nhận để bào chữa cho ông Sang, luật sư Parker đã không biết phải bắt đầu từ đâu. Ông đi sưu tầm các án lệnh trong nhiều thư khố nhưng chỉ tìm ra 3 trường hợp có đôi chút giống với trường hợp của ông Sang. Án lệnh thứ nhất là án lệnh « Vấn đề của ông Chen » (The matter of Chen) của toà án New York, án lệnh thứ nhì từ chối đơn xin tị nạn của ông Phommasoukha, một người Lào của toà thượng thẩm Washington DC, và án lệnh thứ ba chấp thuận đơn xin tị nạn của ông Vongsakdy, cũng một người Lào, của toà thượng Thẩm San Fransisco, California.
Luật sư Shane L. Parker (Hình cuả VAHF).
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/09-2009/Tuan%207/Nancy-02.jpg
Án lệnh « Vấn đề của ông Chen » chấp thuận đơn xin tị nạn chính trị của ông Chen, một người Trung Hoa 31 tuổi đến Hoa Kỳ với lý do du học và ở lai sau khi đã hết hạn. Ông Chen là con trai của mục sư Oikai Chen, vào thời Cách Mạng Văn Hoá của Trung Cộng, ông Oikai Chen đã bị bắt tù, bị đánh, và hành hạ cho đến chết lúc vị mục sư này mới 46 tuổi chỉ vì lý do tôn giáo. Lúc cha bị bắt, ông Chen cùng với bà nội bị giam giữ trong nhà trong nhiều tháng không được liên hệ với người bên ngoài. Cha ông bị đánh và kéo lê trên đường phố đến 50 lần, và mỗi ngày mỗi phải làm giấy tự kiểm. Lý do chính khiến toà Phúc Thẩm chấp thuận cho ông Chen được tị nạn vì lý do bị hành hạ trong quá khứ và sự sợ hãi sẽ bị hành
hạ trong tương lai ( persecuted in the past and well-found fear for future persecution). Luật sư của ông Chen đưa ra luận cứ rằng ; mặc dù xã hội Trung Hoa đã dổi thay rất nhiều nhưng chế độ CS vẫn còn và những vi phạm về quyền tự do tôn giáo vẫn còn đó khi giảm thiểu nhưng lại có lắm lúc gia trọng hơn. Do đó, ông Chen, một người vẫn có niềm tin và sống đạo Thiên Chúa lại rất có thể bị bách hại một lần nữa.
Án lệnh từ chối đơn xin tị nạn chính trị của ông Phommasoukha, một người đến Mỹ với lý do thăm gia đình, lý do chính là tình hình nước Lào đã thay đổi (change of country condition) mặc dù trong quá khứ, ông bị cầm tù nhiều năm và ông từng làm việc cho cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA. Tòa Phúc thẩm tại Washington DC, nhận định rằng chính phủ Lào hiện tại không gây khó khăn cho những cựu tù nhân.
Thế nhưng toà Phúc Thẩm của San Fransisco lại chấp thuận đơn xin tị nạn chính trị của một cựu tù nhân chính trị của Lào vì lý do ông này trong quá khứ đã bị hành hạ quá tàn nhẫn (atrocious). Năm 1975 khi Pathet Lao cướp chính quyền, ông Vongsakdy mới 19 tuổi, ông bị bắt và đưa vào nhà tù khổ sai làm việc trên 10 tiếng đồng hồ một ngày. Ông phải chặt cây làm củi và nấu nướng cho toàn trại tù. Ông bị đánh đập thương tích và sẹo đầy trên mặt, trên thân thể và bị bắt chứng kiến cảnh người bạn thân duy nhất bị giết.
Sự giúp đõ tận tình của Vietnam Center
Nhìn vào 3 án lệnh trên, luật sư Parker thấy điều khó khăn phải làm là làm sao đó chứng minh được những năm tù đày của ông Sang là những hành hạ gia trọng và nếu ông trở về VN thì ông rất có thể sẽ bị bắt tù và bị hành hạ trở lại. Hơn thế nữa, luật sư Parker phải chứng minh rằng những thay đổi tại VN chỉ là những thay đổi về kinh tế, riêng về chính trị, chưa có gì đảm bảo cho sự an toàn của ông Sang. Nhưng làm thế nào để chứng minh được những sự hành hạ mà ông Sang đã phải gánh chịu là có thật khi chỉ có những lới khai của chính ông ?
Luật sư Parker suy nghĩ mãi và cuối cùng ông dùng « Google search” để tìm kiếm. Khi ông đánh hàng chữ « Vietnamese Political Prisoners », thì Google đưa ông tới một danh sách của những trang web có nói về vấn đề này. Ông đặc biệt chú tâm đến Vietnamese Political Prisoner Collection cuả hội VAHF đang đặt tại Vietnam Center. Ông đã liên lạc với Vietnam Center qua thư khố viên Amy Hooker. Vấn đề sau đó được chuyển tới cô Ann Mallett, người đang quản thủ bộ sưu tập này và được cô tận tình giúp đỡ.
Bà Khúc Minh Thơ và cô Ann Mallette trong buổi khai mạc Bộ Sưu Tập Tù Nhân Chính Trị VN tại Vietnam Center vào tháng 5, năm 2008 (Hình cuả VAHF).
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/09-2009/Tuan%207/Nancy-03.jpg
Cô Ann Mallett đã thông báo với bà Khúc Minh Thơ, Chủ tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị VN (FVVPA) và bà Nancy Bùi, hội trưởng hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) để tiếp tay trong việc lập nên một hồ sơ của một tù nhân chính trị. Một chuỗi giấy tờ (paper trail) làm bằng chứng về một tù nhân chính trị đã được cô Ann Malette và bà Mary Saffell, một thư khố viên của Vietnam center lập nên. Một chuỗi chứng từ ; từ giấy gọi đi trình diện, giấy gia đình đi thăm nưôi, giấy thả, giấy quản chế, giấy xả chế, v..v… một số lá thư của gia đình gửi cho các tù nhân, cũng như các tù nhân đã gửi về gia đình để nói lên sự tàn khốc của các trại tù, một số bài báo và sách viết về tù nhân chính trị Việt Nam và địa chỉ của Cao Ủy Tị Nan, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế...
Luật sư Parker đã lấy tất cả những giấy tờ của ông Sang hiện có. Những giấy tờ này đã đúng hệt (matched) với chuỗi giấy tờ của một tù nhân chính trị đã được mô tả trong bộ sưu tập Tù nhân Chính trị Việt Nam của hội VAHF tại Vietnam Center. Điều này đã chứng minh đưọc ông Sang đã trải qua những nhục hình của các trại học tập « re education camp) tại Việt Nam. Sau đó, may mắn cho ông Sang là chính quyền địa phương tỉnh Cà Mâu thấy ông vắng mặt quá lâu không ra trình diện nên đã gửi giấy truy nã (warrant) tới gia đình ông cũng như kêu vợ con ông lên điều tra, hạch hỏi nhiều lần, gia đình ông đã gửi giấy truy nã qua cho ông Sang và đó là giấy chứng minh rõ rệt nhất nếu bị trục xuất về Việt Nam, nhà tù đang đợi ông Sang. Do đó, mặc dầu vấn đề Việt Nam hiện có những thay đổi về kinh tế và có đôi chút về các chính sách nhưng luật sư Parker đã có thể thuyết phục viên chức thuộc văn phòng Tị nạn Chính trị tại thành phố Chicago rằng, những thay đổi này không giúp ích gì ông Sang.
Luật sư Parker cũng giải thích thêm là khi bào chữa cho ông Sang, ông đã trình bày thật chi tiết và cặn kẽ với những bằng chứng giấy tờ đầy đủ, điều này đã thuyết phục được văn phòng Tị nan Chicago.
Thật vinh dự được quản thủ bộ sưu tập vô giá
Người viết có liên lạc với cô Ann Mallette và hỏi cô về cảm tưởng của cô khi nghe tin vui cuả ông Sang. Cô Ann Mallette phát biểu :
« Tôi rất hãnh diện về công việc của hội VAHF và cảm thấy thích thú và vinh dự được trông coi bộ sưu tập cuả hội VAHF và hội FVPPA về tài liệu về Tù Nhân Chính Trị VN. Một bộ sưu tập vô giá. Rất nhiều lần, tôi đã tự hỏi nếu tôi ở trong trường hợp của những tù nhân can đảm này, liệu tôi có đủ nghị lực và khả năng
thích ứng như họ để vượt qua tất cả và cuối cùng lại lượm lặt lại những mảnh tan vỡ của cuộc đời để bắt đầu lại hơn một lần ở một đất nước xa lạ và mang theo sự đau khổ cuả những mất mát quá nhiều hay không ?... »
Cô Ann Mallett cũng vừa viết điện thư gửi cho Bà Khúc Minh Thơ và Bà Nancy Bùi thông báo cho biết một luật sư khác thuộc tiểu bang North Carolina mới vừa liên lạc với cô để nhờ cô giúp lấy tài liệu từ bộ sưu tâp của VAHF/FVPPA để giúp cho một người thượng du Việt nam đang xin tị nạn chính trị. Cô Ann Mallette cũng cho biết hiện có một học viên đang làm luận án Tiến sị từ Thuỵ Điển đang tra cứu hồ sơ để làm án về đề tài này và không biết bao cơ quan hành pháp, luập pháp và tư pháp mỗi ngày liên lạc để tra cứu và lấy tài liệu. Độc giả có thể lên trang web cuả bộ sưu tập về tù nhân chính trị Việt Nam qua địa chỉ : http://www.vietnam.ttu.edu/vietnamarchive/fvppa/index.htm
Tiếc nuối của quá khứ, nỗ lực hiện tại và niềm vui tràn ngập hôm nay
Người viết cũng đã liên lạc với bà Khúc Minh Thơ để hỏi về suy nghĩ và cảm tưởng của bà về kết quả bất ngờ của bộ sưu tập. Bà Thơ rất vui và trả lời :
- Tôi thật vui mừng khi nghe tin này. Đây là chuyện ngoài dự trù của chúng tôi. Khi lưu lại đống hồ sơ khổng lồ này rồi trao cho chị Triều Giang cuả hội VAHF, trong thâm tâm chúng tôi và các anh chị em trong hội FVPPA đã nghĩ rằng nó sẽ trở thành tài liệu để học hỏi, tra cứu và nhất là trở thành những chứng từ cho con em và thế hệ mai sau của các tù nhân chính trị được biết về sự hy sinh của cha ông mình và lý do tại sao các em có mặt tại đất nước này. Không dè đâu nay đã trở thành một kho tàng với những công dụng đa dạng đến như thế. Tôi xin chúc mừng Ông Trần văn Sang vừa tìm được bến bờ tự do. Xin chúc cho gia đình ông sớm đoàn tụ.”
Người viết có hỏi bà Thơ về vấn đề tranh đấu cho các tù nhân tù dưới ba năm được hưởng chương trình HO. Bà cho biết đây cũng là một điều đáng tiếc trong cuộc đời tranh đấu cho tù nhân của bà. giữa lúc có khá nhiều thuận lợi để làm việc này nhưng sự đánh phá của một số người đã là sự cản trở cho công việc. Theo chỗ bà biết số sĩ quan học tập từ hai năm tới dưới 3 năm cũng có nhiều ngàn người. Nếu mọi chuyện xuôi chảy thì có cả chục ngàn người trong diện này và gia đình của họ trong đó có gia đình ông Trần văn Sang đã tìm được bến bờ tự do như chúng ta.
Bà Thơ cũng cho biết hiện còn một nhóm nữa tức là con trên 21 tuổi của những người làm cho sở Mỹ đang cần được sự tranh đấu của chúng ta. Bà Thơ đang cố gắng làm xong vấn đề này trước khi bà về hưu. Bà đang cần sự hỗ trợ cuả nhiều người trong vấn đề vận động cũng như lập hồ sơ. Mọi đóng góp xin liên lạc với bà Khúc Minh Thơ. Điện thoai số : 703-560-0058.
Các hội viên trong hội VAHF thăm Bộ sưu tập vào tháng 11 năm 2007 tại Việt Nam Center. Từ trái sang phải: Phó hội trưởng Đặc trách Nghiên cứu Nguyễn Chính Trực, Hội trưởng Nancy Bùi, Thủ quỹ Tuyết Trần, Thành viên Ban Quản trị Ann Phạm, Cô Ann Mallette thuộc Vietnam Center, hai người đứng kế là sinh viên của Đại học Texas Tech, và Vinh Nguyễn, hội viên của VAHF (Hình của VAHF).
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/09-2009/Tuan%207/Nancy-04.jpg
Người vui nhất trong những ngày qua vẫn là cựu Đại Úy Trần Văn Sang, người đang hít thỏ không khí tự do với niềm vui sướng tràn ngập. Với tuổi đời 68, đi làm 2 « jobs » nhưng ông với ông đây là « thiên đường của tự do ». Ông làm việc không biết mệt. Ông đang cóp tiền để lo cho vợ con sang Mỹ một ngày rất gần đây để « hít không khí tự do trong một ngày rồi chết cũng mãn nguyện ! ». Ông Sang có nhờ người viết chuyển lời cám ơn chân thành của ông tới tất cả những người đã giúp đỡ ông trong những ngày tháng qua ; trong đó có cha sở của nhà thờ Việt Nam tại Louiseville, Vietnam Center, Hôi Gia Đình Tù Nhân Chính Trị VN, Hội VAHF, những người thân quen đã giúp đỡ ông bằng mọi cách. Đặc biệt là luật sư Shane Parker, một luật sư trẻ rất nhiều sáng kiến và tận tâm.
Bạn đọc cần liên lạc với luật sư Shane Parker để hỏi thăm về trường hợp của ông Sang, xin liên lạc với
Shane L. Parker, esq.
LAW OFFICES OF J.GREGORY CLARE
2933 Bowman Avenue
Louisville, KY 40205
Phone: (502) 451-3030
Fax: (502) 451-4516
Triều Giang (Tháng 9/2009)
No comments:
Post a Comment