Friday, September 18, 2009
TIẾN SĨ - ANH LÀ AI ?
Tiến sĩ - Anh là ai?
Đàm Quang Minh
17-09-2009
http://www.minhbien.org/?p=1422
Tôi đã từng rất ảo tưởng với bằng tiến sĩ, cho rằng đó là những nhà bác học hiểu sâu biết rộng. Khi ở Việt Nam chứng kiến cảnh một số giám đốc bắt nhân viên làm hộ mình, mua chuộc thầy để có bằng tiến sĩ làm tôi thấy buồn cười. Ra nước ngoài ở nơi tưởng như quy củ nhất thế giới mà vẫn thấy giúp đỡ nhau, các thầy vẫn châm chước cho những kiến thức nông cạn và nực cười tôi mới thực sự hiểu và chấp nhận thực tế của tấm bằng tiến sĩ. Vậy mà ở Việt Nam, anh tiến sĩ vẫn được huyễn hoặc bởi một màu vinh quang mà dường như ai cũng muốn khoác vào mình.
Tuyên bố hùng hồn của Thành ủy Hà Nội – một cơ quan Đảng với mục tiêu 100% viên chức là Tiến sĩ đã khiến dư luận được một phen bối rối. Nạn bằng cấp và việc các nhà khoa học chạy sang làm quản lý được tuyên bố một cách thẳng thắn như đi ngược lại dư luận xã hội. Nhưng nếu đem câu này lùi lại cỡ 200 năm thì có khi lại được coi là vị quan anh minh? Tiến sĩ là cái gì mà mọi người bàn tán nhiều như vậy?
Tiến sĩ – Doctor of Philosophy
Hiện nay, trên các danh thiếp hoặc trong giao dịch quốc tế, từ Tiến sĩ hay được đồng nghĩa với từ Doctor of Philosophy và vì vậy nếu xét theo nghĩa này doctor theo nghĩa Latin có nghĩa là thầy. Hiện nay trên thế giới nói chung, mọi người coi Tiến sĩ là một học vị dành cho những người làm trong lĩnh vực nghiên cứu. Và chính vì vậy để đạt được học vị này các ứng viên (candidate) cần phải hoàn thành một nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của một người dẫn dắt (supervisor). Công trình nghiên cứu này cần mang một số yêu cầu như về tính mới, tính duy nhất, tính thực tiễn,… và được thực hiện theo phương pháp luận khoa học.
Chính vì thế, giá trị của bằng tiến sĩ giống như giấy phép hành nghề nghiên cứu, là điểm khởi đầu cho những người có mong muốn làm trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên nghiệp. Những người này có thể làm trong các trường đại học, các viện nghiên cứu hoặc các công ty có bộ phận nghiên cứu phát triển hoặc có thể làm cho chính phủ hoặc tổ chức ở các bộ phận liên quan đến đánh giá, xây dựng chính sách, …
Tiến sĩ – Khoa cử Việt Nam phong kiến
Khái niệm Tiến sĩ phong kiến Việt Nam cũng là một học vị liên quan mật thiết đến việc phát hiện và tìm kiếm những người giỏi cho bộ máy hành chính của xã hội phong kiến. Do đó, muốn thi kỳ đầu tiên là Thi Hương để có bằng cử nhân, các thí sinh đã cần có lí lịch trong sạch, đạo đức tốt được xã trưởng và quan địa phương xác nhận. Các môn thi bao gồm:
• Kỳ I: kinh nghĩa, thư nghĩa;
• Kỳ II: chiếu, chế, biểu;
• Kỳ III: thơ phú;
• Kỳ IV: văn sách.
Hơn nữa, mỗi khóa chỉ lấy số người đỗ nhất định tùy theo yêu cầu thực tế của việc tuyển dụng làm quan.
Những ngộ nhận, vô tình hay hữu ý
Như vậy có thể nói khái niệm tiến sĩ đã rất khác theo thời gian. Tiến sĩ ngày xưa chú trọng đến đạo đức, lý lịch, chủ yếu học tập văn chương – chữ nghĩa phục vụ việc quản lý nhà nước phong kiến. Số lượng tiến sĩ là theo nhu cầu của tầng lớp thống trị. Trong khi đó, tiến sĩ ngày nay là một học vị cơ bản dành cho giới nghiên cứu, chú trọng đến năng lực nghiên cứu chủ yếu phục vụ việc nghiên cứu phát triển. Số lượng không phụ thuộc vào nhu cầu nào mà phụ thuộc vào chất lượng. Ngày xưa, tiến sĩ là khởi đầu của việc làm quan (đương nhiên) và ngày nay, tiến sĩ là chứng chỉ để làm nghiên cứu.
Thế nên nhiều vị vô tình hay cố ý đánh tráo hai khái niệm hoàn toàn khác nhau dù mang một tên gọi chung là tiến sĩ. Đã có dự án định xây dựng bia tiến sĩ hiện đại nhằm đưa các tiến sĩ hiện đại nằm chung với tiến sĩ xưa dù các vị này chẳng ăn nhập gì với nhau.
Quay trở lại với Thành ủy Hà Nội hay Đảng ủy Thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu 100% nhân sự là tiến sĩ thì quả thật là quá sức tưởng tượng trừ khi cơ quan này quyết định sẽ trở thành một đơn vị nghiên cứu. Ở Việt Nam, nói chung khi đã là tiến sĩ thì cái mác đó sẽ theo họ đến cuối đời nhưng ở các nước khác thì khác hẳn, nếu sau 5 năm không có nghiên cứu nào trong lĩnh vực được công bố, anh sẽ mất học vị tiến sĩ vì lúc đó anh đã quá lạc hậu. Chính vì thế mà nhiều vị dù trong khủng hoảng kinh tế và nhận trợ cấp thất nghiệp vẫn cố xin được làm không công cho các trường đại học nhằm duy trì giá trị tấm bằng của mình. Cho nên, nếu anh không làm nghiên cứu nữa thì việc đặt trước mình hai chữ tiến sĩ cũng bằng thừa.
Vì vậy, liệu có nên đặt câu hỏi là các lãnh đạo đã phát biểu câu nói trên có vấn đề gì về nhận thức không khi tuyên bố hùng hồn như vậy. Âu cũng là được câu chuyện vui cho thiên hạ.
-----------------------------------
Tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2009/08/865203/
[2] http://vi.wikipedia.org/wiki/Khoa_b%E1%BA%A3ng_Vi%E1%BB%87t_Nam
[3] http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=138499&ChannelID=71
--------------------------------------
Hà Nội sẽ có số tiến sĩ đạt kỷ lục thế giới? (VNN)
Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy (VNN)
No comments:
Post a Comment