Monday, September 7, 2009
SỔ ĐỎ
Sổ Đỏ
Ô Sin
September 07 2009
http://www.blogosin.org/?p=1004
Cuối tuần trước, báo Pháp Luật TP đòi “quy trách nhiệm đối với những thiệt hại phát sinh” khi có nhiều người dân “chưa thể thực hiện các quyền luật định đối với nhà đất của mình”; do, đã qua ngày 1-8 mà Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. Bài báo cho rằng: “Chính phủ đã có lỗi với dân và Bộ Tài nguyên và Môi trường thì có lỗi với Chính phủ” do không kịp đệ trình một mẫu “giấy” có thể kết hợp “sổ hồng”, “sổ đỏ”.
Hiện ở Việt Nam có 4 loại mẫu giấy chứng nhận bất động sản: “sổ đỏ cũ”, theo Luật Đất đai 1993; “sổ đỏ mới”, theo Luật Đất đai 2003; “sổ hồng cũ”, chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị, theo Nghị định 60; “sổ hồng mới”, theo Luật Nhà ở. Chưa kể, nhiều “sáng kiến” đã được đệ trình: “sổ xanh lá cây – lâm bạ” cho đất lâm nghiệp; “sổ tím” cho công sản; “Sổ xanh nước biển” cho đất đai ở khu công nghiệp…
Ai cũng nhận thấy nếu vì lợi ích của người dân thì chỉ cần một loại sổ thôi. Nhưng, theo ông Đặng Hùng Võ thì, “cuộc tranh cãi đã kéo dài 15 năm qua”, Bộ Tài Nguyên bảo vệ “sổ đỏ”, Bộ Xây dựng vẫn giữ “sổ hồng”. Ông Võ nói, mỗi bộ đều muốn nắm về mình quyền lực thông qua quyền cấp sổ. Ngay cả sau khi Quốc hội có “Nghị quyết 07” (11-2007) gộp hai sổ rồi, Chính phủ vẫn phải “tiến hành 8 buổi họp”, như phát biểu của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên. Cuối cùng, tháng 6-2009, Quốc hội phải sửa Luật mới quy được về “một sổ”.
Khi còn đương chức thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Đặng Hùng Võ nói trong một hội thảo: chế độ “hai sổ” đưa lại cho các bộ một nguồn thu không nhỏ từ tiền độc quyền bán “phôi”- mẫu in sẵn các cuốn sổ này. Ông Võ không ngần ngại thừa nhận, “nguồn thu” ấy cũng là một động cơ để duy trì hai sổ. Có lẽ không ở đâu như Việt Nam, các cơ quan quyền lực tối cao lại phải tiêu tốn rất nhiều thời gian để quyết định một vấn đề thuộc về kỹ thuật. Quyền sử dụng đất là tài sản, có được là nhờ mồ hôi và có khi là máu của nhân dân, chứ không phải có được từ những cuốn sổ ấy. Chính vì coi cấp sổ không chỉ là lợi mà còn bởi là quyền nên ở cấp vĩ mô thì phung phí không ít thời gian của các cơ quan tối cao, ở địa phương, thì đem lại cho quan chức vô số đặc quyền đặc lợi.
Như thừa nhận của Cựu Bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc, năm 1980, khi thông qua Hiến pháp, nhiều đại biểu Quốc hội đã không thực sự nhận thấy “sở hữu toàn dân” thực chất là “quốc hữu hoá”. Điều này đã được “cách mạng” một bước khi hình thành Hiến pháp 92. Cho dù quan điểm cho người dân sở hữu đất đai của những người đứng đầu Chính phủ lúc ấy không tìm được sự ủng hộ đủ mạnh để trọn vẹn thành công; nhưng, trên thực tế “5 quyền của người sử dụng đất” đã mang đủ nội hàm của quyền sở hữu.
Tuy nhiên, do không “danh chính ngôn thuận”, “ý chí của các nhà lập hiến 92” đã bị diễn dịch sai kể cả ở cấp ban hành chính sách và cấp thi hành chính sách. Nghị định 18 ra đời năm 1995 là một ví dụ đau thương cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Một số doanh nghiệp, chiểu theo Nghị định 18 phải thuê lại đất vốn đã thuộc quyền sử dụng của mình. Nghị định 18 cũng làm cho thị trường địa ốc đóng băng dẫn tới án tử hình cho 3 nhà doanh nghiệp trong vụ Tamexco và cái “chết” đau thương của EPCO- Minh Phụng.
Nhưng, sự lạm dụng quyền thu hồi đất của người dân để “giao” cho các “đại gia” ở các cấp chính quyền mới là một mối đe doạ lâu dài cho mục tiêu duy trì ổn định.
Ngay sau khi thông qua Hiến pháp 92, Quốc hội, năm 1995, đã cho ra đời Bộ Luật Dân sự. Một Bộ Luật đã khá tiến bộ khi xác định: “năm quyền” về đất đai là “quyền dân”. Lẽ ra từ tinh thần này, các cơ quan Chính phủ, phải triển khai. Theo đó, việc thủ đắc bất động sản của người dân không chỉ bởi do quyền lực công: “được giao”; mà chủ yếu do từ các giao dịch dân sự như: thừa kế, mua bán… Và, đối tượng thủ đắc bất động sản phải là cá nhân hoặc pháp nhân thay vì một khái niệm pháp lý chông chênh như là “hộ”. Bộ Luật Dân sự gần như đã không được tham chiếu trong quá trình sửa đổi chính sách đất đai sau đó. Nó cho thấy, chính sách thường được thông qua mà chưa ý thức được nguyên tắc giới hạn của quyền lực công và chưa thể hiện văn hoá tôn trọng quyền dân sự.
Việc thủ đắc quyền sử dụng đất phải như thế nào mới được coi là hợp lệ, đấy là điều cần phải đem bàn và luật có thể quy định một loại giấy tờ chứng thực cho người dân quyền ấy. Tuy nhiên, cấu trúc tờ giấy ra sao là công việc chuyên môn. Tờ chứng thực này có thể thay đổi tùy theo trình độ quản lý, hôm nay bằng “sổ”, hôm sau có thể là một cái thẻ từ. Khi thay đổi mẫu, thay vì ban hành nghị định, chỉ cần một văn bản công bố của Bộ Tài nguyên. Bộ xây dựng cũng không cần phải khẳng định vai trò bằng “sổ hồng” vì giấy phép xây dựng đã vừa thể hiện được quyền lực hành chánh của Bộ này vừa mô tả được quyền của dân về bất động sản.
“Sổ hồng, sổ đỏ” không phải là một quy phạm pháp luật hay một chính sách mà chỉ là một chứng thư có tính chất hành chánh. Nó là việc của một vài nhà chuyên môn am hiểu về trắc địa và biết cách thiết kế các mẫu văn thư chứ không thuộc phạm vi quan tâm của các cấp ban hành chính sách. Chỉ vì một hay hai sổ mà phải “tranh cãi suốt 15 năm” thì không chỉ lãng phí thời gian của các cơ quan quyền lực tối cao mà người dân cũng phải khốn khổ rất nhiều vì sự thay đổi thất thường thủ tục.
Huy Đức
No comments:
Post a Comment