Wednesday, September 30, 2009
QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG KHAI
QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG KHAI
Tạ Phong Tần
Công Lý và Sự Thật’s Blog
29/09/2009
http://conglysuthat.blogspot.com/2009/09/quyen-uoc-xet-xu-cong-khai.html#comments
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Quyền bình đẳng là quyền được đối xử như nhau (giống nhau, ngang bằng nhau) về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục,... không phân biệt thành phần và địa vị xã hội, trong đó, trước tiên và cơ bản nhất là bình đẳng trước pháp luật.
Bình đẳng trước pháp luật là nguyên tắc thể hiện sự bình đẳng về các quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi công dân trước Nhà nước, pháp luật và Toà án, là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ. Nguyên tắc này được ghi nhận ở điều 52 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và gia đình.
Bình đẳng trước pháp luật còn là quyền được xét xử công khai, công bằng và đúng pháp luật. Tội danh truy tố bị cáo, chứng cứ buộc tội, gỡ tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ phải thuyết phục được đa số đồng tình và ủng hộ, nói nôm na là "tâm phục khẩu phục".
"Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.". (Điều 18 BLTTHS)
"Mọi người" tức là không hạn chế một ai đã thành niên đến tham dự xem xét xử, bất kể người tham dự có liên quan hay không liên quan đến vụ án, có giấy triệu tập của Tòa án hay không có. Nếu có giấy triệu tập, bạn phải bắt buộc đến phiên tòa vì đó là nghĩa vụ và trách nhiệm công dân, bạn tham gia trực tiếp vào diễn biến phiên tòa với tư cách người bị hại, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ (dân sự) liên quan, người phiên dịch, người giám định, người giám hộ, người đại diện theo ủy quyền, người bào chữa. Nếu không có giấy triệu tập, giấy mời, bạn tham dự với tư cách cử tọa, quan sát.
Về khoản "trừ trường hợp do Bộ luật này quy định" thì BLTTHS giới hạn không được mang trẻ em vào phòng xử, trừ phi do yêu cầu của Hội đồng xét xử. Nếu ai đó vào phòng xử mà gây ồn áo, náo động thì HĐXX có quyền ơời ra ngoài, yêu cầu cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt hành chính hay bắt giữ, xử lý hình sự (tùy trường hợp cụ thể); nhưng không được quyền hạn chế người tham gia vì lý do "Nghi làm ồn".
Khác với xét xử công khai, xử kín là người tham dự phiên tòa chỉ giới hạn ở một số người có giấy triệu tập được vào phòng xử, cử tọa không được vào, cũng không truyền hình ảnh diễn biến phần thủ tục, xét hỏi, tranh luận ra ngoài.
Những trường hợp cần giữ gìn thuần phong mỹ tục thường là xét xử các vụ án hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với người dưới 16 tuổi.... và việc xử kín này thường theo yêu cầu của phía người bị hại; nếu bị hại không yêu cầu thì Tòa vẫn xét xử công khai, chớ không phải vụ nào liên quan đến tình dục thì đều xử kín.
"trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước" thì xử kín. Bí mật nhà nước là gì? Cụm từ này rất quen thuộc trên các báo, nhưng người dân ít ai hiểu rõ khái niệm của nó, mà người ta chỉ hiểu một cách chung chung cái gì thuộc Nhà nước thì... đều bí mật. Cách hiểu này không đúng và hạn chế quyền công dân.
Điều 1 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước (số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000) định nghĩa:
"Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
Như vậy, những thứ gì của Nhà nước quản lý đã kể ở trên mà Nhà nước không công bố, chưa công bố, nếu tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước (phải đảm bảo đủ 2 điều kiện về hành vi và hậu quả) thì mới được coi là bí mật Nhà nước. Trường hợp Nhà nước không công bố, chưa công bố nhưng nếu tiết lộ mà không gây nguy hại gì cho Nhà nước thì cũng không được coi là "bí mật Nhà nước".
Bí mật Nhà nước được phân chia làm 3 mức độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Phạm vi của tuyệt mật và tối mật được quy định tại Điều 5, Điều 6 Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước.
"Danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật do người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an quyết định" (Điều 7), "Việc lập, quyết định, thay đổi độ mật và giải mật đối với từng bí mật nhà nước phải được tiến hành theo thẩm quyền và thủ tục quy định tại Pháp lệnh này" (Điều 9). Danh mục này được lập, trình phê duyệt mỗi năm, chỉ những mục nào có tên trong Quyết định được phê duyệt mới được coi là bí mật Nhà nước; chớ không phải cứ tùy tiện đóng con dấu "mật" đỏ đỏ, vuông vuông vào rồi bảo nó là "mật" thì nó là "mật" thật. Hoặc khôi hài hơn là hành vi phát ngôn vô tội vạ "mật từ miệng" mà chả có mảnh giấy lộn lưng. Cái loại "mật từ miệng" này cũng là "mật" nhưng không phải là "bí mật Nhà nước" mà là "lớn mật", dám ngang nhiên cho mình cái quyền ngồi trên pháp luật, tự đặt ra pháp luật để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường thấy cơ quan tố tụng viện dẫn lý do "bí mật" để cản trở cử tọa vào tham dự các phiên xét xử, nhất là khi bị cáo bị truy tố các tội thuộc chương xâm phạm An ninh quốc gia.Tuy nhiên, căn cứ vào quy định của Pháp lệnh bí mật Nhà nước, căn cứ vào nội dung quy định tại 14 Điều luật ở chương này (từ Điều 78 đến Điều 91 BLHS) thì chúng ta thấy rằng chỉ duy nhất điểm c khoản 1 Điều 80 (Tội gián điệp) là dính dáng đến bí mật thuộc Nhà nước quản lý: "Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; các nội dung Điều luật còn lại thì mô tả hành vi phạm tội đều là do bị cáo tự mình làm ra, chớ không liên quan gì đến bí mật Nhà nước.
"Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm." (Điều 27 BLHS). Bộ luật TTHS nhấn mạnh tính giáo dục và phòng ngừa, vì vậy, trong thực tế cơ quan tố tụng thường tổ chức những phiên xử lưu động ngoài trời để tạo điều kiện rộng rãi, thoáng đãng cho cử tọa tham gia càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đáng lẽ phải công khai để người dân biết hành vi phạm tội cụ thể thế nào mà phòng tránh thì luôn bị lạm dụng để cản trở người tham dự. Tạm chưa bàn đến bản án có xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hay không, nhưng trong trường hợp này, hình phạt dường như được dùng để trả thù, để trừng trị, để thỏa mãn, chớ không có ý nghĩa giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
Điều 10 Bộ Luật Tố Tụng Hình sự quy định: "Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.". Đồng thời, phải "Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo" (Điều 11).
Một trong những biện pháp nhằm bảo vệ quyền bình đẳng trước pháp luật, hạn chế sự lạm dụng quyền lực, áp đặt chủ quan, chứng cứ sơ sài, buộc tội hàm hồ, bào chữa bâng quơ, tuyên án bỏ túi... là nguyên tắc xét xử công khai. Nếu bị cáo may mắn được tại ngoại từ trước thì bị cáo còn có cơ hội để kêu gào về những sai phạm của cơ quan tố tụng, còn bị cáo đang bị tạm giam thì đương nhiên không có cơ hội kêu cầu công lý, nhất là những trường hợp án bỏ túi được "xét xử theo chỉ đạo", có kháng cáo thì cũng chỉ "lưu hành nội bộ", trong vòng "bí mật" mà thôi, án xử đúng hay sai, đầy đủ hay thiếu sót không ai hay biết.
Điều 3 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định rõ: "Nghiêm cấm mọi hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật Nhà nước và việc lạm dụng bảo vệ bí mật Nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện các kế hoạch Nhà nước.".
Trong thực tế, để che giấu hành vi cản trở người dân, báo chí tham dự phiên tòa, có nơi người ta không cho cử tọa vào phòng xử mà đặt màn hình truyền trực tiếp ra ngoài, nhưng điều lạ là mỗi khi HĐXX, Công tố nói thì âm thanh rất rõ, còn khi bị cáo, nhân chứng hay luật sư nói thì âm thanh cứ khẹc khẹc suốt từ đầu đến cuối làm bên ngoài chả ai nghe thấy gì. Hoặc người ta đem nhét các bị cáo vào cái phòng con con tít trên cao không phải là trụ sở Tòa án, rồi lấy lý do "phòng chật", "cơ quan nhà nước không phận sự cấm vào"... để cản trở cử tọa vào tham dự phiên tòa.
Như vậy, xét xử công khai không những là biện pháp để cho người dân, dư luận xã hội, báo chí tham gia kiểm tra, giám sát tính đúng đắn của hoạt động tố tụng, để giáo dục, phòng ngừa tội phạm; mà còn là quyền lợi hợp pháp của công dân.
Để bảo vệ quyền được xét xử công khai, khi xét thấy hành vi bị cáo buộc phạm tội của bạn không liên quan gì đến bí mật Nhà nước, mà trong phiên xử bạn không trông thấy người nhà, bạn bè quen thuộc, cơ quan báo chí... có mặt trong phòng xử, thì bạn có quyền từ chối xét xử, từ chối trả lời mọi câu hỏi. Đừng vội tin vào luận điệu là "không ai đến" của bất cứ ai. Hãy nhớ rằng chỉ có hạng súc sinh mới không đến, còn người thân, bạn bè tốt của bạn không thể không đến, mà một khi họ vắng mặt tất có lý do mờ ám.
Bạn đừng sợ việc từ chối này sẽ làm bản án cho bạn thêm nặng nề, xin thưa với bạn rằng: Khi việc xét xử có nhiều khuất tất và phải dấm dúi, giấu giếm dư luận thì khả năng một bản án "không giống ai" được duyệt trước nằm sẳn trong túi vị Chủ tọa Hội đồng xét xử từ lâu, bạn có "ngoan ngoãn" hay từ chối xét xử cũng thế thôi.
No comments:
Post a Comment