Sunday, September 27, 2009

QUAN HỆ MIẾN ĐIỆN - TRUNG QUỐC


"Cuộc hôn nhân không tình yêu" Miến-Trung
Soe Win Than
Phó ban Miến Điện, BBC
Cập nhật: 08:42 GMT - thứ bảy, 26 tháng 9, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/09/090925_burma_china.shtml
Miến Điện là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa kể từ ngày Quốc Khánh Trung Quốc 1/10/1949.
Miến Điện đã giành độc lập từ Anh một năm trước đó, nhưng rồi lại rơi vào cuộc loạn lạc giao tranh giữa phe cộng sản và những phiến quân sắc tộc thiểu số.
Những người cộng sản Miến Điện nhận được sự cảm thông từ Đảng Cộng Sản Trung Quốc và cả những hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất từ những người đồng chí có chung ý thức hệ.
Chính quyền Miến Điện đã nhanh chóng công nhận tân Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vì lý do riêng của mình.

Theo Thakhin Chan Tun, một chính trị gia kỳ cựu và từng là đại sứ Miến Điện tại Trung Quốc hồi thập niên 1970: "Rõ ràng là chính phủ muốn Trung Quốc cân nhắc lại sự ủng hộ mà họ giành cho những người cộng sản Miến Điện và muốn phía Trung Quốc không công khai giúp đỡ những người cộng sản."
Thế nhưng giới chức Trung Quốc đã vỗ về những người hàng xóm rằng quan hệ thân thiết giữa những người cộng sản chỉ đơn thuần là giữa hai đảng, và họ muốn quan hệ giữa hai chính phủ được phát triển tốt đẹp.
Phía Miến không mấy hài lòng, nhưng rồi họ bị những khoản cho vay không tính lãi hào phóng của Trung Quốc làm cho tắt tiếng.
Miến Điện cũng phải đối diện với những hậu quả từ cuộc soán vị ở Trung Quốc, khi phe cộng sản đánh bại lính Quốc Dân Đảng, đẩy quân Tưởng Giới Thạch vào khu vực miến đông bắc Miến Điện và xâm chiếm một số thị trấn. Hàng ngàn lính Miến đã hy sinh thân mình để đẩy lui quân Tàu trắng tại các chiến địa kéo dài nhiều năm sau đó.

"Mượn gió bẻ măng"

Năm 1967, thêm một ảnh hưởng nữa từ cuộc Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc lan sang Miến Điện.
Sinh viên người Hoa tại Rangoon tới các trường học, ngực đeo huy hiệu Mao Trạch Đông tay cầm Mao tuyển lớn tiếng thách thức giáo viên và giới chức. Từ đó đã nổ ra các cuộc đụng độ giữa người Hoa và người Miến.
Một số người Hoa bị giết chết trong các cuộc đụng độ, nhiều cơ sở nhà cửa của người Hoa bị phá hủy.
Chính quyền Trung Quốc phản đối Miến Điện và thúc giục họ phải bảo hộ các gia đình người Hoa sống tại đây. Chính quyền Miến ra tay đối với một số thủ phạm gây các vụ đụng độ, nhưng phía Trung Quốc nay đã có cớ để giúp phe cộng sản chống lại chính quyền trung ương Miến Điện.
Trước đó, sự ủng hộ chủ yếu là về tinh thần và vật chất. Nhưng sau các vụ đụng độ, Đảng Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu công khai cung cấp vũ khí cho phe cộng sản Miến.
Phát ngôn nhân của Đảng Cộng Sản Miến Điện, Po Than Chaung, hiện đang sống tại Dengchung thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc thừa nhận việc Trung Quốc cung cấp vũ khí đã giúp họ giành một số chiến thắng quân sự mà trước đó không ai nghĩ họ có thể đạt được.
Chuyện này gây căng thẳng giữa hai nước. Mặc dù quan hệ giữa hai chính phủ đủ nồng ấm để có các chuyến viếng thăm qua lại thường xuyên của các lãnh tụ hai bên, nhưng phe tướng lĩnh Miến Điện cảm thấy oán hận việc Trung Quốc can thiệp và giúp đỡ cho phe cộng sản Miến.
Cựu sỹ quan quân báo, đồng thời là một nhà ngoại giao hiện đang sống tại Hoa Kỳ, Aung Lin Htot nói ngay cả các lãnh đạo cao cấp của chính quyền quân nhân hiện nay cũng vẫn cảm thấy không tin cậy gì Trung Quốc.
Ông nói: "Hầu hết các tướng lĩnh, kể cả Thống Chế Than Shwe và Phó Thống Chế Maung Aye đều từng chỉ huy quân đội ở khu vực đông bắc, đánh nhau với phe cộng sản được Trung Quốc hậu thuẫn. Họ vẫn còn nhớ tới các chiến địa ngày xưa và thỉnh thoảng vẫn nói về sự căm ghét của họ đối với Trung Quốc."

Quyền lợi song phương
Tuy nhiên, đến năm 1988, quan hệ song phương đã đột ngột thay đổi khi các tướng lĩnh Miến Điện cướp quyền, đàn áp dã man hàng ngàn người biểu tình ôn hòa.
Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã dẫn đầu một loạt các nước lên án thể chế quân sự mới ở Miến Điện và bắt đầu tẩy chay.
Tình thế buộc các tướng lĩnh Miến Điện phải đón nhận sự yểm trợ từ Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc được trao ưu đãi và các hợp đồng vào kinh doanh tại Miến. Nguồn khoáng sản và tài nguyên giàu có của Miến Điện từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc và nay chính là cơ hội để họ tới làm ăn, khai thác và bòn rút những nguồn của cải của Miến.
Dòng chảy đều đặn từ Trung Quốc tràn vào Miến Điện thông qua hệ thống kiểm soát đường biên đầy tham nhũng và lỏng lẻo. Nó làm thay đổi bộ mặt của một số thành phố thuộc miền đông bắc.
Ngay cả ở miền trung Miến Điện, thành phố lớn thứ nhì đồng thời cũng là đất cũ của vương quốc xưa kia, Mandalay cũng trở thành nơi đa phần các cơ sở kinh doanh buôn bán thuộc về nhóm dân cư mới tới.
Ký giả nổi tiếng Kyaw Yin Myint sống tại Madalay nhận xét: "Ở trung tâm thành phố, người ta có thể nhìn thấy rợp trời băng đỏ với những dòng chữ tiếng Hoa ngay trước hầu như tất cả các tòa nhà. Trong dịp Tết Nguyên đán thành phố trở nên tê liệt vì các cơ sở kinh doanh đóng cửa hết. Những hoạt động kinh doanh trước đây do người địa phương làm thì nay rơi vào tay người mới đến. Họ có thẻ cư trú Miến Điện nhưng lại không biết nói tiếng Miến."
Dân bản địa vốn gắn bó cuộc sống và chuyện làm ăn ở khu ngoại vi thành phố thì tức giận trước những người mới tới, nhưng chẳng thể làm gì nhiều để thay đổi tình thế.
Nhiều người dân Miến Điện thấy rằng chính quyền hiện nay cần có sự bảo hộ của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế, cho nên đã trao cho người Hoa quá nhiều.
Tiến sỹ Thaung Tun, phát ngôn viên phụ trách quan hệ với Liên Hợp Quốc của chính phủ lưu vong Miến Điện, Chính Phủ Liên Minh Dân Tộc Thống Nhất Miến Điện, nêu ví dụ: "Hồi 2007, khi vấn đề Miến Điện được thảo luận tại Hội Đồng Bảo An và được đưa ra biểu quyết thì Trung Quốc đã phủ quyết. Chỉ ba ngày sau đó, các tướng lĩnh Miến đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc, bán cho họ nguồn khí đốt tự nhiên ở Mỏ Khí Shwe thuộc khu duyên hải phía tây Miến Điện.
"Điều thú vị là cả Ấn Độ lẫn Nam Hàn đã đề nghị mua khí với mức giá cao hơn nhưng rốt cuộc thì hợp đồng lại rơi vào tay Trung Quốc. Sau đó thì chúng ta thấy là Trung Quốc đã liên tục tích cực bảo vệ Miến Điện trên các diễn đàn quốc tế."
Điều này khiến nhiều người Miến Điện cảm thấy giới tướng lĩnh có thể thoát khỏi các tội đối xử tàn bạo với đồng bào bởi đã được Trung Quốc chống lưng.
Họ bắt đầu đổ lỗi cho Trung Quốc trong vấn đề thiếu cải cách dân chủ tại Miến Điện.
Này, cảnh giác đấy, cựu sỹ quan quân báo Augn Lin Htut nhắc nhở. Các tướng lĩnh Miến thực ra chả tin cậy gì Trung Quốc và đang sẵn sàng đối phó với ông láng giềng hùng mạnh.
Ông nói: "Khi nhìn vào lực lượng quân đội tại Miến Điện, quý vị sẽ thấy là mọi mệnh lệnh quân sự mới đã được thiết lập dọc theo đường biên với Trung Quốc. Các tướng lĩnh luôn cảm thấy nếu như đất nước có kẻ đột nhập, thì đó sẽ chính là từ phía đông bắc. Quý vị có thể so sánh kế hoạch quân sự ở khu vực này với các vùng khác sẽ thấy, như với vùng tiếp giáp Thái Lan chẳng hạn."

Một bản phúc trình mới đây của Nhóm Nghiên Cứu Khủng Hoảng Quốc Tế nhận xét rằng mối quan hệ giữa Miến Điện và Trung Quốc có thể giải thích như một cuộc hôn nhân vì lợi ích mỗi bên chứ không phải vì tình yêu.
Trung Quốc cần những nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Miến Điện, còn giới tướng lĩnh Miến thì cần một ông bạn hùng mạnh như Trung Quốc để đối phó với sức mạnh dân chủ.
Trung Quốc muốn có một chế độ ổn định ở quốc gia láng giềng để khu vùng biên được yên ổn.
Thế nhưng những sự kiện gần đây ở vùng Kokkang, nơi quân đội Miến có chiến dịch chống lại nhóm sắc tộc thiểu số đã khiến nhiều người tị nạn chạy tràn sang khu đường biên với Trung Quốc. Nó cho thấy tình thế không có gì là yên ổn.
Khi Hoa Kỳ ngày càng tỏ thêm dấu hiệu muốn xem lại quan điểm cứng rắn trước đây với Miến, thì các tướng lĩnh có lẽ cảm thấy sự bảo hộ của Trung Quốc không còn là chuyện thiết cốt như trước.
Trong một mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở quyền lợi mỗi bên, khi một đối tác thấy không còn có lợi để tiếp tục nữa, thì mối quan hệ sẽ chẳng thể tồn tại thêm được nữa.


No comments:

Post a Comment