Tuesday, September 29, 2009
NỮ THƯỢNG SĨ CHỈ HUY MỘT TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN QUÂN SỰ
Thượng sĩ King, phụ nữ Mỹ chỉ huy trung tâm huấn luyện quân sự
Lan Nguyễn
28/09/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-09-28-voa39.cfm
Lần đầu tiên một phụ nữ Mỹ vừa được giao phó chức vụ chỉ huy trung tâm đào tạo các huấn luyện viên cho chương trình huấn luyện cơ bản của lục quân Hoa Kỳ. Đây là chuyện chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Mời quí thính giả theo dõi các chi tiết về Thượng sĩ nhất Teresa L. King trong câu chuyện nước Mỹ với Lan Phương sau đây.
Về cấp bậc, tuy chỉ là hạ sĩ quan nhưng giờ đây bà Teresa L. King là phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ chỉ huy cao nhất trong chương trình huấn luyện cơ bản cho toàn thể lục quân Hoa Kỳ tại Fort Jackson, bang South Carolina.
Vóc người bé nhỏ nhưng dáng dấp oai vệ, dường như bà sinh ra để chỉ huy trong quân đội. Đối với những binh sĩ đang trong thời kỳ huấn luyện, bà luôn luôn áp dụng kỷ luật cứng rắn.
Năm nay 48 tuổi, bà đã phục vụ trong quân ngũ được 29 năm. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân cấy rẽ đông con gần trại binh Fort Bragg, bang North Carolina bà thường được nhìn thấy những nữ quân nhân dáng dấp oai phong trong quân phục ra vào trại binh, bà đã tòng quân khi còn học trung học.
Thuở nhỏ bà đã không chịu tập nấu ăn theo lời mẹ dạy mà lại thích chơi bóng rổ, lái máy cày của cha, và mỗi khi các em gặp rắc rối với bố mẹ, bà thường lãnh đòn hộ cho chúng.
Bà đã thỏa mãn những đòi hỏi cơ bản gay go của chương trình huấn luyện: nhảy dù tất cả 33 lần, đứng ưu hạng trong tất cả mọi thử thách về thể chất đòi hỏi nơi một quân nhân. Công việc đầu tiên khi bà nhập ngũ là thư ký bưu chính.
Sau một thời gian làm Thượng sĩ huấn luyện cơ bản trong độ tuổi ngoài 20, Thượng sĩ Nhất King đã được mau chóng thăng chức, đảm nhiệm những chức vụ như trợ lý cho Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là ông Dick Cheney, nhiều chức vụ khác gần khu vực phi quân sự tại bán đảo Triều tiên, với binh đoàn 18 nhảy dù tại Fort Bragg và tại tổng hành dinh của NATO ở Châu Âu.
Vào một lúc nào đó trong lứa tuổi ngoài 30 bà đã lập gia đình, mang thai nhưng sảy thai và sau đó đã ly dị.
Đã có lúc bà dự tính nghỉ hưu, nhưng rồi được giao phó cho chức vụ chỉ huy trung tâm huấn luyện cơ bản cho lục quân Hoa kỳ, bà đã ở lại quân ngũ vì bà coi quân đội là gia đình của bà.
Bà cho biết bà tiếc là qua 29 năm quân ngũ, bà chưa bao giờ được phái đến khu vực chiến tranh, mặc dù bà đã huấn luyện cho nhiều binh sĩ để sau họ ra đồn trú ở những nơi đó. Giờ đây trong chức vụ mới, bà sẽ có ảnh hưởng đáng kể đối với việc huấn luyện cơ bản cho mọi tân binh.
Trong năm ngoái, lục quân Hoa Kỳ đã sáp nhập nhiều trường huấn luyện cơ bản vào trung tâm tại Fort Jackson. Điều này có nghĩa là Thượng sĩ nhất Teresa King, với ban giảng huấn 78 người, sẽ giám sát toàn bộ công trình giảng dạy và huấn luyện cơ bản cho toàn thể lục quân Hoa Kỳ.
Nổi tiếng với chiếc mũ nỉ rộng vành, tiếng nói sang sảng và tác phong quân kỷ, những hạ sĩ quan này mỗi năm giúp huấn luyện hàng chục ngàn tân binh. Huấn luyện cơ bản là một trong những công việc chính yếu của quân đội, và một phụ nữ chỉ huy ngành này càng nhấn mạnh đến vai trò của nữ giới đang rộng mở trong hàng ngũ chỉ huy quân đội.
Tuy nhiên việc nắm giữ một trọng trách như vậy của Thượng sĩ nhất Teresa King cũng là một nhắc nhở đến những giới hạn trong việc hội nhập phụ nữ vào tổ chức quân đội. Phụ nữ chiếm 13% số nhân viên trong lục quân, nhưng hạ sĩ quan thì chỉ có 8%.
Nhất là hiện nay lục quân Hoa Kỳ đang gặp khó khăn khi tuyển mộ nữ quân nhân hạ sĩ quan để đảm trách công tác huấn luyện cơ bản, vì những lý do như mang thai, làm việc quá nhiều giờ và lệnh cấm không được đưa phụ nữ vào những công việc tác chiến nơi tiền tuyến. Thượng sĩ nhất King cho biết một trong những ưu tiên của bà sẽ là tuyển mộ thêm phụ nữ vào trường huấn luyện này.
Bà bác bỏ ngay ý tưởng cho là sở dĩ bà leo lên được chức vụ chỉ huy chương trình huấn luyện cơ bản cho bộ binh Hoa Kỳ vì bà là phụ nữ. Bà nói, “Khi nhìn vào gương thì tôi không thấy một phụ nữ nào cả, mà chỉ thấy một quân nhân”
Với cung cách nói năng ngắn, gọn, lúc nào cũng theo sát quân kỷ và rõ ràng ghê tởm những gì lôi thôi luộm thuộm, Thượng sĩ nhất King tỏ ra rất cứng rắn nhưng bà cũng có thể tỏ lộ tình cảm dịu dàng đối với những binh sĩ đang được bà huấn luyện.
Bà gọi họ là “các con tôi” và lề lối huấn luyện theo đúng quân kỷ được bà gọi là “yêu thương nhưng cứng rắn.” Tôn trọng quân phong quân kỷ và tận tụy với việc học tập, huấn luyện là những điều giúp các binh sĩ có thể sống sót khi phải tác chiến. và bà trông đợi là các hạ sĩ quan giảng dạy theo sát những điều này trong suốt 24 tiếng một ngày. Theo bà những hạ sĩ quan huấn luyện cơ bản cho các binh sĩ là những khuôn mẫu để họ noi theo.
Bà cho biết đôi khi bà cũng gặp những thách thức của nam giới đối với thẩm quyền của bà, nhưng bà cho biết là bà có đủ khả năng để xử trí.
Và cuối cùng, khi được hỏi là phụ nữ có nên được phép tham gia các đơn vị tác chiến hay không, bà trả lời: nên, nhưng chỉ với điều kiện là họ hội đủ mọi tiêu chuẩn như nam giới.
Trong lúc bà cho rằng hầu hết phụ nữ không hội đủ những tiêu chuẩn tác chiến nhưng bà tin rằng bà hội đủ những điều kiện đó. Lý do khiến bà tin tưởng như vậy là do cuộc trắc nghiệm sức khỏe mỗi sáu tháng mới đây cho thấy ở vào tuổi 48, chưa đầy 2 phút bà có thể hít đất 34 lần, và đứng lên ngồi xuống 66 lần cũng trong khoảng thời gian chưa đầy 2 phút, và chạy gần 3 kilomét rưỡi chỉ trong vòng 16 phút 10 giây, có nghĩa là nhanh hơn tiêu chuẩn đòi hỏi 17 phút 36 giây !
Chúng tôi cũng xin nói rõ là trong quân đội Hoa Kỳ, có những người về cấp bậc chỉ là hạ sĩ quan nhưng họ có thể được giao cho những chức vụ ngang với trọng trách của chỉ huy trưởng.
Lúc bà King trở thành nữ thượng sĩ nhất đầu tiên giám sát công việc huấn luyện cơ bản tại Fort Bragg, bang North Carolina thì bà có trách nhiệm đối với 500 binh sĩ nhảy dù, 22 hạ sĩ quan, 22 đại tá và 3 tướng lãnh.
Hiện bà đã có bằng cao học về quản trị doanh nghiệp và đang học thêm về thần học.
No comments:
Post a Comment