Thursday, September 17, 2009

NHÂN ĐỌC QUYẾT ĐỊNH 97


Nhân đọc Quyết định 97
Trần Văn Thọ

Cập nhật : 16/09/2009 23:23
http://www.diendan.org/viet-nam/nhan-111oc-quyet-111inh-97/

Nhân đọc Quyết định 97:
Tự do hay hạn chế lĩnh vực nghiên cứu?(*)
Trần Văn Thọ

Vào giữa tháng trước (8/2009), một số bạn bè trong nước có gửi tôi xem toàn văn quyết định mới đây của Thủ tướng ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ 1 và hỏi ý kiến tôi về tình hình ở nước ngoài. Để trả lời tôi xin giới thiệu một số kinh nghiệm bản thân và nêu vài ý kiến về chính sách nên có ở Việt Nam.

Khoảng 30 năm trước sau khi học xong bậc tiến sĩ kinh tế tôi được nhận vào làm việc cho một công ty nghiên cứu và tư vấn của Mỹ có bản bộ ở Tokyo. Công ty tư nhân nầy có tên gọi là International Business Information (IBI) chuyên nghiên cứu về kinh tế Nhật và cung cấp kết quả nghiên cứu cho các công ty và các tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Nhật để họ tham khảo khi đưa ra các quyết định về phương hướng hoạt động tương lai. Bốn năm sau đó tôi chuyển sang làm nghiên cứu viên cho Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (gọi tắt là JCER), một viện nghiên cứu tư nhân trực thuộc Nikkei là nhật báo kinh tế lớn nhất của Nhật. Tôi chuyển qua JCER vì ở đây vừa nghiên cứu thực tiễn vừa được nghiên cứu lý luận, hàn lâm (ở IBI không phải không được nghiên cứu lý luận nhưng không có thì giờ vì phải ưu tiên nghiên cứu các vấn đề khách hàng quan tâm. IBI là công ty tìm kiếm lợi nhuận còn JCER thì phi lợi nhuận). Từ năm 1989 tôi chuyển sang dạy ở đại học nhưng kiêm nhiệm công việc nghiên cứu ở JCER thêm 5 năm nữa.

Kinh nghiệm ở một công ty tư vấn tư nhân và ở một viện nghiên cứu tư:
Nếu nhìn từ góc độ của VN mấy mươi năm trước đây thì hoạt động của IBI rất nhạy cảm vì đây là công ty tình báo về kinh tế phục vụ cho nước ngoài. Tổng giám đốc và nhiều thành viên trong ban điều hành là người Mỹ. Tuy nhiên chúng tôi hoạt động rất tự nhiên, bình thường như mọi công ty tư nhân khác. Tất cả những vấn đề chúng tôi thấy cần cho khách hàng là chúng tôi nghiên cứu, không có quy định nào hạn chế. Tư liệu, thống kê nghiên cứu thì dựa trên tư liệu công khai của nhà nước, trên sách báo và trên kết quả điều tra riêng của mình. Không có quy định cụ thể nhưng ai cũng hiểu rằng nếu không cố tình tiếp cận với những thông tin thuộc loại mật của nhà nước thì không có gì phải lo ngại, không bị hạn chế về đề tài hay thông tin. Trong việc điều tra thêm thông tin, chúng tôi đến cả các cơ quan công quyền phỏng vấn các quan chức liên hệ. Dĩ nhiên các quan chức tự biết vấn đề gì chưa có thể nói ra được. Nhiều lúc chúng tôi mời các quan chức đến nói chuyện trực tiếp với khách hàng về các chính sách mới của nhà nước.

Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) thì quy mô lớn và có uy tín trong xã hội hơn. Đây là viện nghiên cứu tư, độc lập với chính phủ, nghiên cứu mọi vấn đề liên quan đến kinh tế Nhật và những nền kinh tế nước ngoài có quan hệ giao lưu kinh tế mật thiết với Nhật như Mỹ, Tây Âu và các nước Á châu. Chính phủ Nhật cũng có các viện nghiên cứu tương tự như viện nghiên cứu của Bộ Công thương (bây giờ gọi là Bộ Kinh tế và Công nghiệp), của Bộ Tài chánh và của Tổng cục kế hoạch (Tổng cục nầy bây giờ đã sáp nhập vào Văn phòng Chính phủ). Nhưng các viện nghiên cứu của chính phủ không đủ mọi nguồn lực (về ngân sách, về chuyên gia) để có thể nghiên cứu mọi vấn đề. Hơn nữa cũng giống như các nước khác, nhà nước hiểu rằng phải đứng từ nhiều góc độ khác nhau mới phát hiện được nhiều vấn đề hay và thấy nhiều cách giải quyết hiệu quả.

Một trong những lãnh vực nghiên cứu của JCER là đánh giá hiện trạng kinh tế và dự báo về hướng đi của kinh tế Nhật trong đó có cả các chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng, tỉ giá hối suất, lạm phát, v.v… Ngoài JCER còn có nhiều viện, trung tâm nghiên cứu tư nhân khác trực thuộc các công ty chứng khoán (nổi tiếng là Viện nghiên cứu tổng hợp Nomura, Viện nghiên cứu tổng hợp Daiwa) hoặc của các ngân hàng lớn. Hàng năm các dự báo kinh tế của chính phủ và của các cơ quan nghiên cứu tư nhân được công bố trên báo. Dân chúng, nhất là doanh nghiệp tha hồ so sánh các kết quả dự báo. Nhà nước cũng nhân dịp nầy so sánh kết quả của chính phủ với các viện nghiên cứu tư nhân và nếu thấy sai biệt quá họ sẽ xem xét lại các tiền đề dự báo của mình để có thể tu chỉnh cho hợp lý hơn.

Nhân đây cũng nên nói thêm về cơ chế công bố chính sách, phương châm nhà nước để nhân dân tham khảo và phản biện. Hằng năm các bộ của chính phủ công bố bản báo cáo gọi là Bạch thư tức là Sách trắng (White Paper), nổi tiếng nhất là Bạch thư kinh tế (bây giờ gọi là Bạch thư kinh tế tài chính) Bạch thư về ngoại thương. Những Bạch thư kinh tế thời cuối thập niên 1940 (lúc kinh tế Nhật đang khốn đốn sau chiến tranh) hoặc những bạch thư đầu thập niên 1960 (là thời kỳ Nhật bắt đầu giai đoạn phát triển thần kỳ) đã để lại dấu ấn lớn trong lòng người Nhật ngày nay. Trong Bạch thư kinh tế, chính phủ phân tích hiện trạng và các vấn đề được xem là cơ bản nhất về kinh tế Nhật và đưa ra phương hướng giải quyết cho những năm tới. Trước khi công bố vài ngày, chính phủ đưa cho các tờ báo lớn một bản để họ chuẩn bị đăng lên trong ngày công bố và nhân dịp đó, mỗi tờ báo nhờ các học giả, các nhà nghiên cứu uy tín viết bài đánh giá về Bạch thư năm ấy. Các bài đánh giá nầy là các phản biện độc lập với chính phủ được đăng lên cùng với bản tóm tắt của Bạch thư giúp cho người đọc so sánh được ý kiến của nhà nước với ý kiến của các chuyên gia độc lập. Các chuyên gia trong bộ máy nhà nước thông thường không được tự do nêu hết ý kiến của mình trong Bạch thư vì họ phải tham khảo ý kiến của các bộ ngành liên quan, đôi khi các ý kiến đó đối chọi nhau (Chẳng hạn Bộ Công Thương chủ trương tự do hoàn toàn trong ngoại thương trong khi Bộ Nông nghiệp chủ trương không tự do nhập khẩu gạo, gạo là ngoại lệ). Nhiều khi Bạch thư phải viết theo lối chiết trung để tránh xung đột trong chính phủ. Các học giả, chuyên gia độc lập thì tự do phát biểu trên căn cứ hoàn toàn khách quan, khoa học, và sự phản biện độc lập nầy làm cho trí tuệ của toàn xã hội được nâng lên.

Trở lại chuyện Việt Nam:
Câu chuyện ở Nhật đã cho thấy vai trò quan trọng của các tổ chức nghiên cứu độc lập. Việc tự do chọn đề tài nghiên cứu cũng hiển nhiên. Kinh nghiệm bản thân tôi không hề phải quan tâm về đề tài gì, vấn đề gì được phép nghiên cứu, và những vấn đề gì thì không được phép. Chỉ nghĩ đến chuyện bị ràng buộc nầy đã thấy mất hứng thú rồi. Mới đây tôi có dịp trao đổi ý kiến với các đồng nghiệp trong Khoa Khoa học xã hội của Đại học Waseda, nơi tôi đang giảng dạy và nghiên cứu. Hôm đó có các giáo sư chuyên ngành triết, lịch sử, dân số. Ai cũng ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi họ có biết nước nào có chính sách hạn chế đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học hoặc của các tổ chức nghiên cứu không.

Về Quyết định 97, nhiều người đã bàn đến tính không khả thi của việc hạn chế các đề tài nghiên cứu khoa học. Khoa học (cả xã hội và tự nhiên) biến đổi nhanh, cái mới luôn xuất hiện, tính liên ngành cũng ngày càng cao, nhà nước làm sao nắm bắt được hết các biến đổi đó để có thể hằng năm làm mới danh mục các đề tài được nghiên cứu. Mà dù có làm được chuyện đó (chắc chắn rất tốn kém) thì có ích gì cho sự phát triển của khoa học nước nhà?

Nếu nhà nước vì lý do gì đấy muốn hạn chế một số lãnh vực nghiên cứu thì nên lập danh mục cấm hoặc hạn chế, kèm theo giải thích có tính thuyết phục. Cách quản lý có hiệu quả là tránh đưa ra một danh mục dài ghi những ngành được phép nghiên cứu (giới chuyên môn quản lý nhà nước gọi đây là Positive List) vì nó phiền toái cho cả nhà nước và người nghiên cứu. Tốt nhất là đưa ra danh mục cấm, ngắn gọn (gọi là Negative List). Negative List có tính minh bạch cao, phản ảnh rõ chính sách của nhà nước và việc quản lý cũng đơn giản, người nghiên cứu cũng dễ nhớ. Nhà nước cũng sẽ không thể tự tiện đưa ra một danh mục dài nếu không kèm theo các giải thích thỏa đáng.

Tôi cũng thấy rất khó hiểu khi nhà nước quy định phản biện là phải nộp cho cơ quan liên quan của nhà nước. Như vậy không thể gọi là phản biện xã hội. Chỉ có một ngoại lệ: Nếu nhà nước có yêu cầu riêng đối với một viện nghiên cứu độc lập hay một cá nhân nào đó phản biện về một phân tích hay một chính sách sắp đưa ra của mình thì trường hợp nầy viện nghiên cứu hay cá nhân đó sẽ chỉ gửi phản biện của mình cho nhà nước. Trong trường hợp nầy thông thường chính phủ phải trả thù lao cho viện nghiên cứu hoặc cá nhân được đề nghị.

Các nước chung quanh ta đang tiến rất nhanh trên con đường nghiên cứu khoa học. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động nghiên cứu để VN không bị tụt hậu về lãnh vực nầy./.

Trần Văn Thọ
24/8/2009
--------------------------------------

(*) Nguồn: Bài viết để góp ý với Chính phủ VN trước ngày Quyết định 97 có hiệu lực (15.9.2009). Tác giả gửi cho Diễn Đàn sau khi thấy ý kiến của mình và các đồng nghiệp đã không được tiếp thu.

1 Quyết định 97/2009/QĐ-TTg ký ngày 24-7-2009, có hiệu lực từ ngày 15-9-2009


No comments:

Post a Comment