Saturday, September 5, 2009
Nhà Dân Chủ NGUYỄN NGỌC QUANG vừa Mãn Hạn Tù
Nhà dân chủ Nguyễn Ngọc Quang - Khối 8406 được trả tự do
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2009-09-05
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/8406-member-out-of-jail-after-3-years-imprisoned-tmi-09052009114223.html
Nhà dân chủ Nguyễn Ngọc Quang, thành viên Khối 8406, vừa ra khỏi trại giam vào 8h sáng ngày 3/9/2009, sau 3 năm bị cầm tù về tội vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự, “Tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Anh Nguyễn Ngọc Quang (phải) và anh Trần Mạnh Hảo. RFA Photo
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/8406-member-out-of-jail-after-3-years-imprisoned-tmi-09052009114223.html/nguyen-ngoc-quang-305.jpg
Trà Mi có cuộc trao đổi với anh Ngọc Quang ngay sau khi anh vừa được phóng thích:
Trà Mi: Thưa anh Ngọc Quang, muốn được hỏi thăm về tình trạng sức khỏe, về thể chất, cũng như về tinh thần của anh hiện nay ra sao?
Một nhà tù lớn hơn
Anh Nguyễn Ngọc Quang: Sức khỏe vẫn tốt, tinh thần vẫn như xưa, hoàn toàn không khác, nhưng mà xin thưa như thế này: Tôi, Ngọc Quang, chưa được tự do là tại vì tôi vừa mới từ trong cái tù nhỏ mà đi ra một cái tù lớn hơn thôi. Thực sự chưa được tự do, đang chịu lệnh quản thúc 2 năm. Sau 2 năm đó nếu như nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn chưa thay đổi cái thể chế thì cả Việt Nam cũng biến thành cái nhà tù.
Trà Mi: Dạ. Anh được ra khỏi trại giam đó là nhân dịp ân xá của ngày 2 tháng 9, hay là vì anh đã mãn hạn tù?
Anh Nguyễn Ngọc Quang: Tôi mãn hạn tù chứ không phải là được một sự khoan hồng nào đối với nhà nước này cả. Tôi đã nói trước tòa rồi là tôi hoàn toàn hài lòng và tự hào về hành vi của mình cho nên tôi không có tội. Người muốn tôi khoan hồng thì tôi sẽ khoan hồng chứ tôi không xin người khác khoan hồng, tại vì họ đã bắt tôi sai luật rồi mà thì lấy đâu mà họ xử tôi đúng luật được. Tôi ngồi tù 3 năm 1 ngày. Tôi bị bắt ngày 2-9-2006 đến ngày 3 tháng 9 họ mới làm cái lệnh gửi bắt khẩn cấp để họ hợp thức hóa cái việc bắt phi pháp.
Ngược đãi tù nhân
Trà Mi: Vâng. Và cảm nghĩ đầu tiên khi anh vừa được trả tự do ngày hôm nay, anh có thể chia sẻ như thế nào, thưa anh?
Anh Nguyễn Ngọc Quang: Cái cảm nghĩ đầu tiên là tôi thất vọng vô cùng đối với chính sách đãi ngộ tù nhân của chính phủ này, tại vì tôi ở trong đó tôi chứng kiến rất nhiều điều bất cập. Tôi có thể bạch hóa tất cả những sự việc đó.
Trà Mi: Thưa anh, chắc là ngay bây giờ cũng không tiện để anh chia sẻ hết tất cả, nhưng anh có thể cho biết đối với riêng bản thân anh, trong thời gian qua anh được đối xử như thế nào trong trại giam?
Anh Nguyễn Ngọc Quang: Tôi cùng với một số người bị biệt giam hoàn toàn, mà người ta gọi là "tù nhân chính trị". (Nhà nước) Việt Nam không công nhận rằng họ có tù nhân chính trị, họ nói với quốc tế vậy thôi, nhưng ngay trong trại giam họ nói với chúng tôi rằng là tù nhân chính trị. Khi mà phát tất cả những khẩu phần thực phẩm họ cũng ghi ở trên những khẩu phần thực phẩm là "khu chính trị", "khu biệt giam chính trị". Tất cả các anh em tù nhân chính trị bị biệt giam không được tiếp xúc với tất cả các tù nhân khác. Tất cả những chuyện khác, những chế độ khác đều phân biệt đối xử cả. Chẳng hạn như chúng tôi không có cái quyền được học, nghĩa là họ cấm không cho chúng tôi mang sách vở vào để mà học, không cho chúng tôi tham gia tất cả những cái sinh hoạt văn hóa - thể thao ở trong trại đặc biệt là khủng bố về tinh thần. Chẳng hạn như người ta sử dụng côn đồ để mà đàn áp những tù nhân chính trị. Rồi chẳng hạn người ta không cho thư từ một cách đàng hoàng: viết thư là bị kiểm duyệt rồi không được gửi, thư gửi về gia đình mà không nhận được. Gia đình không nhận được là tại vì người ta bỏ vào thùng rác hết.
Trà Mi: Cái công việc chính yếu ở trong trại thì anh cũng như những tù nhân chính trị khác phải làm là gì ạ?
Anh Nguyễn Ngọc Quang: Bị giam riêng và không cho đi ra ngoài. Vì vậy cho nên không phải lao động gì cả. Điều kiện sinh hoạt về vật chất thực sự rất là kém cỏi. Cái khẩu phần ăn, rồi là khống chế về không gian. Bề ngang của phòng giam 6 mét, bề dài của phòng giam 7 mét, bề cao của phòng giam 3 mét ruỡi, nhốt 14 người vào đấy. Chỉ có 4 cái cửa sổ nhỏ, hoàn toàn không có một lổ thông gió nào cả. Chúng tôi là coi như đêm nằm cực kỳ nóng và thiếu không khí để thở. Đó là thời gian ở trong trại giam. Còn ở trong trại tạm giam trong thời gian người ta điều tra (thì) còn khủng khiếp hơn nữa. Một cái phòng giam một người bề ngang 1 mét tám, bề dài 2 mét, cả toilette đồ gì ở trong đó và người ta gắn cả camera ở trong đó nữa. Chỉ có một cái lổ cơm nho nhỏ để họ đưa cơm vô hàng ngày với có một cái lổ thông gió nhỏ thôi, rất thiếu dưỡng khí. Đó là một cái phương pháp bức cung rồi. Ngoài cái đó ra, họ đã từng xách tôi vào ban đêm để họ điều tra, họ khủng bố tinh thần tôi, làm đủ hết. Đó là phòng giam ở Trại B34. Người ta sử dụng cái phòng giam như vậy để cưỡng cung những người bị bắt vào đó cho người ta thấy một cuộc sống quá sức như thế, người ta không tưởng tượng nổi và người ta phải khai hoặc người ta phải nhận tội để người ta được trả tự do. Sự vi phạm này thực sự là có hệ thống. Tôi bị giam ở tại B34 là 2 năm 1 tháng, còn lại 11 tháng họ giam ở tại trại giam Z30A, Khu K2, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Trà Mi: Thưa, còn người thân của anh có được thăm nuôi anh đều đặn như trường hợp của các tù nhân khác hay không?
Anh Nguyễn Ngọc Quang: Chúng tôi vẫn được thăm nuôi ở trại giam ở khu K2 - Xuân Lộc, nhưng mà ở trong trại B34 trong thời gian người ta điều tra tôi là người ta bắt tôi như bắt cóc, không cho liên lạc gia đình, không cho liên lạc luật sư.
Trà Mi: Ngoài ra thì có những kỷ niệm nào hay có những cái dấu ấn nào ghi đậm trong anh, anh có thể chia sẻ thêm?
Anh Nguyễn Ngọc Quang: Đó là một câu hỏi phải trả lời rất dài và tôi sẽ có một bài viết hẳn hoi về điều này. Tôi không ngại bất cứ một điều gì khi nói lên tất cả sự thật.
Trà Mi: Sau những gì đã xảy ra thì anh có cảm nhận ra sao?
Anh Nguyễn Ngọc Quang: Tôi cảm thấy rằng quá khủng khiếp, quá khủng khiếp! Tôi không tưởng tượng ra nổi là chính phủ bây giờ, trong cái thời đại đương thời này, họ hô hào xây dựng một đất nước hùng mạnh, dân giàu nước mạnh, dân chủ, văn minh, ấy thế mà họ đã đối xử với tù nhân chính trị của chúng tôi rất là tệ bạc như vậy, trong khi đó họ lại đi nói những cái điều ngược lại lên công luận quốc tế. Cho nên điều đó làm cho tôi thất vọng vô cùng. Cơ quan an ninh điều tra luôn luôn họ ép cung, nhưng mà đối với riêng cá nhân tôi, tôi luôn luôn và mãi mãi tự hào về những gì mình đã làm dù rằng (đó là) một việc rất nhỏ bé cho cái nền dân chủ Việt Nam này. Vì vậy cho nên tôi thấy rằng là mình không có tội và tôi hoàn toàn không bị những cái áp lực đó ép buộc tôi được.
Trà Mi: Anh đang trong khoảng thời gian 2 năm “quản thúc” sau khi ra khỏi trại giam, mà anh vẫn mạnh dạn phát biểu lên những gì mà anh vừa chia sẻ trong cuộc nói chuyện này. Anh có e ngại điều gì chăng?
Anh Nguyễn Ngọc Quang: Tôi biết rằng sau cuộc phỏng vấn này có thể ngày mai đây họ sẽ bắt tôi, nhưng điều đó tôi hoàn toàn không ngại nữa. Bởi vì qua 3 năm, tôi đã nhìn rõ họ quá nhiều rồi.
Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn anh rất nhiều về thời gian dành cho buổi nói chuyện này.
Anh Nguyễn Ngọc Quang: Vâng. Xin cảm ơn chị rất nhiều.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
----------------------------------------
Phản ứng trong-ngoài nước về bản án đối với 3 thành viên Khối 8406
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2008-05-02
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam_sentences_3_8406_democracy_activists_TMi-05022008125610.html
Mười năm tù dành cho 3 thành viên khối 8406 Vũ Hoàng Hải, Nguyễn Ngọc Quang, và Phạm Bá Hải vì các hoạt động ôn hoà cổ võ cho dân chủ của họ tại Việt Nam là điều đang khiến dư luận trong và ngoài nước hết sức quan tâm.
Trong số những người dự buổi họp mặt đầu tiên của Khối 8406 vào tháng 4 năm 2006, 3 nhà dân chủ Nguyễn Ngọc Quang, Phạm bá hải và Vũ Hoàng Hải vừa bị kết tổng cộng 10 năm tù ngày 25-4-2008. RFA PHOTO
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam_sentences_3_8406_democracy_activists_TMi-05022008125610.html/8406_group_2006_305.jpg
Sau gần 20 tháng bị giam giữ không án lệnh, ngày 25/4/2008, Vũ Hoàng Hải, Nguyễn Ngọc Quang, và Phạm Bá Hải bị tuyên án lần lượt từ 2, 3, và 5 năm tù giam, với tội danh vi phạm điều 88 “tuyên truyền chống phá nhà nước.” Theo phán quyết của Toà án Nhân dân TP HCM, sau khi mãn án, cả ba đều sẽ bị an ninh quản thúc 2 năm.
Ngay khi thông tin này được loan đi trên các phương tiện truyền thông quốc tế, các tổ chức bảo vệ nhân quyền có uy tín trên thế giới đã lập tức lên tiếng phản đối.
Ân xá Quốc tế: VN coi thường cam kết về nhân quyền
Bà Sophie Richardson, Giám đốc Vụ Châu Á của tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch), phát biểu:
“Chúng tôi thật hết sức thất vọng khi thấy nhà nước Việt Nam xét xử những người chỉ thực hiện quyền công dân vốn không những đựơc luật pháp trong nước công nhận mà còn được quy ước bởi Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã xin ký tên làm thành viên kể từ năm 1992. Để rồi 16 năm sau, chính phủ Hà Nội lại vẫn cứ tiếp tục đi ngược lại với những gì đã cam kết trong việc bảo vệ nhân quyền cho người dân.
Chúng tôi cũng hết sức quan ngại về việc Hà Nội tăng cường sử dụng điều 88 để hợp thức hóa ngăn cấm người dân không được phép chỉ trích nhà nước dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi cho rằng chừng nào Việt Nam vẫn còn hạn chế người dân thực hành quyền căn bản của con người, thì khi đó thế giới vẫn cần phải tiếp tục lên án hành động này.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh đến 3 trường hợp này cũng như nhiều trường hợp bị đàn áp khác để nói lên tình trạng người dân Việt Nam bị hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến.”
Đại diện Tổ chức Ân xá Quốc tế ( Amnesty International) ông Steve Denney, nhấn mạnh:
“Tổ chức Ân xá Quốc tế phản đối việc bắt giữ và giam tù 3 nhân vật đấu tranh dân chủ Nguyễn Ngọc Quang, Phạm Bá Hải, và Vũ Hoàng Hải. Đáng tiếc là nhà nước Việt Nam lại có khuynh hướng sử dụng điều 88 của Bộ luật hình sự để hợp thức hoá các hình phạt đối với những nhà bất đồng chính kiến, dùng luật để ngăn cấm bất kỳ tiếng nói nào ngược chiều với nhà nước và điều này hoàn toàn đi ngược lại với quan điểm của chúng tôi.
Theo Ân xá Quốc tế, người dân không thể bị tù đày vì quyền tự do bày tỏ ý kiến và quan điểm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặc biệt quan ngại về mức độ công bằng, sự minh bạch của các phiên toà xét xử những người này.
Tổ chức Ân xá quốc tế sẽ công bố văn bản phản đối những gì đang xảy ra và thúc giục Hà Nội phóng thích những tiếng nói dân chủ. “
Quyền phát biểu trong phiên xử?
Về phiên toà diễn ra hôm 25/4 vừa qua, chị Trang, vợ anh Nguyễn Ngọc Quang cho biết:
“Ở phiên toà anh ấy không được phép nói luôn, họ cắt ngang lời anh ấy nhiều lần lắm. Nhưng giờ chuyện đó xong rồi, giờ này tôi chỉ mong ở bên ngoài những ai hiểu chuyện lên tiếng với nhà nước Việt Nam sớm thả chồng tôi về thôi. Bây giờ có kháng cáo chắc cũng không đựơc gì hơn vì họ đã định trước như thế rồi.
Nhà nước này cứng nhắc như thế mà. Không riêng gì anh Quang mà mọi người cũng đều thấy rằng cả 3 người đều không đáng bị nhà nước gán ghép cho cái tội như thế. Họ có tinh thần vì đồng bào chứ không phải họ chỉ trích riêng một mình ai, nhưng nhà nước thích xử sao thì xử.
Câu kết của anh Quang trước phiên toà, anh ấy nói là : “Tôi chỉ mong phiên tòa thắp sáng niềm tin cho chúng tôi thôi, chứ còn tôi không mong mỏi gì hơn hết.”
Chị Yến, vợ anh Vũ Hoàng Hải:
“Mấy ảnh nói lên sự thật quá nên họ nói mấy ảnh vậy chứ mấy ảnh chẳng có tội gì hết, tội nghiệp cho mấy anh này lắm.”
Báo chí trong nước khi đăng tải thông tin về phiên toà này chỉ cáo buộc các đương sự bằng những cụm từ chung chung thường nghe thấy như “vi phạm điều 88, kích động biểu tình và nói xấu đảng và nhà nước, nhằm mục đích phá hoại nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, khiến nhiều người thắc mắc là các đương sự cụ thể đã làm những gì phạm pháp hoặc gây hại cho quốc gia mà lại bị lãnh những bản án nặng nề như thế.
Tội tuyên truyền chống phá Nhà nước
Thế nào là phạm điều 88 chống nhà nước? Luật sư Trần Lâm, nguyên Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, người từng xét xử cũng như bào chữa trong các vụ án chính trị, trong đó các trường hợp liên quan đến điều 88 cho câu trả lời:
“Thế nào là chống nhà nước thì còn phải bàn vì sự thật các vụ xử trước đối với vi phạm điều 88 cũng không hẳn là vi phạm điều 88, tức là đứng về cấu thành tội phạm, cái tội ấy nội dung, đặc điểm như thế nào, hành vi ra sao thì thường nó cũng không được rõ đâu, họ cứ xử như vậy thôi.”
Những đương sự vừa bị tuyên án vì phạm tội “tuyên truyền chống nhà nước” là ai , đã làm gì?
Phạm Bá Hải, sinh năm 1968, ngụ tại Hóc Môn, Sài Gòn, là một doanh nhân làm việc cho một công ty ở Ấn độ, thường xuyên về Việt Nam đảm trách công tác tìm hiểu thị trường. Sau khi tham gia cuộc gặp gỡ của các thành viên khối 8406 hôm 27/7/2006, anh được lệnh cấm xuất ngoại. Cuộc họp mặt này bị an ninh quay phim và sau đó mỗi thành viên đều bị công an mời lên thẩm vấn.
Đến lượt anh Bá Hải bị mời lên làm việc là ngày 3 và 4/8/2006. Cả hai buổi thẩm vấn này đều được ghi âm và phát sóng trên đài Á Châu Tự Do ngay sau đó, Nội dung thẩm vấn xoay quanh mối liên hệ với khối 8406, cũng như các hoạt động đấu tranh dân chủ của anh. Một tháng sau, vào ngày 7/9/2006, khi đang thực hiện chuyến đi xuyên Việt với nhà dân chủ Lê Trí Tuệ, anh Bá Hải chính thức bị bắt giam cho tới ngày xử án 25/4 năm nay. Còn anh Tuệ thì hiện giờ không ai rõ tung tích đang ở đâu.
Nguyễn Ngọc Quang, sinh năm 1962, ngụ tại quận 8, Sài Gòn, kinh doanh ngành trang trí nội thất. Cũng như anh Bá Hải, anh Ngọc Quang bị an ninh Bộ Công An kêu lên thẩm vấn cũng vì sinh hoạt và gặp gỡ với các thành viên trong khối 8406. Các buổi thẩm vấn với anh Quang diễn ra liên tiếp trong các ngày 5, 6/8/2006 về việc anh Quang gia nhập khối 8406 và tải đọc các bài viết về dân chủ trên mạng internet.
Sau khi đoạn ghi âm của hai buổi làm việc này được phát đi trên sóng RFA, ngày 10/8/2006, anh Ngọc Quang lại bị gọi thẩm vấn, nội dung chủ yếu xoay quanh việc bằng cách nào băng ghi âm nội dung hai buổi làm việc ngày 5 và 6 được phát sóng trên RFA. Anh Ngọc Quang bị bắt giam kể từ ngày 2/9/2006 khi đang trên đường về Quảng Trị thăm mộ cha.
Vũ Hoàng Hải, sinh năm 1965, làm việc trong ngành xây dựng, ngụ tại quận 4, Sài Gòn, cũng bị thẩm vấn liên tiếp trong 4 ngày kể từ 5/8/2006, và thậm chí còn bị hành hung ngay tại trụ sở công an. Anh Hoàng Hải bị bắt giam kể từ ngày 5/9/2006.
Các đương sự đều bị cáo buộc là xâm phạm nền an ninh quốc gia khi tham gia khối dân chủ 8406 và tổ chức Bạch Đằng Giang, những tổ chức không được nhà nước Việt Nam công nhận. Song, cả 3 người chỉ thừa nhận mình là thành viên của khối 8406.
Báo Nhân Dân viết rằng tại phiên toà, cả 3 đều tỏ ra ăn năn và cúi đầu nhận tội. Tuy nhiên, phía người thân các nạn nhân có mặt tại toà hôm 25/4 cho biết:
“Không, anh ấy chẳng có nhận điều gì. Anh nói là Hiến pháp của nhà nước cho phép mà. Anh một mực khăng khăng là vì sao nói là đựơc tự do ngôn luận, tự do báo chí mà bây giờ gán vào tội vi phạm điều 88? Anh bảo ảnh không phạm Hiến pháp, mà luật pháp của Việt Nam thì bây giờ cũng khác rồi”.
Trong tình trạng chính phủ Việt Nam không chấp nhận những tiếng nói ngược chiều, thể hiện rõ nét nhất qua điều 88, tội “tuyên truyền chống nhà nước”, thì những người khẳng khái công khai đòi hỏi dân chủ như các anh Ngọc Quang, Bá Hải, Hoàng Hải phải đối diện với rất nhiều thử thách nghiệt ngã. Họ đã nhận những sách nhiễu, đe doạ đối với gia đình và bản thân, bị theo dõi sát mọi sinh hoạt hay thẩm vấn, rồi giam cầm không án hàng năm trời. Cuối cùng là những bản án định sẵn. Mặc dù vậy, lòng nhiệt huyết và ý chí tranh đấu vì tự do-dân chủ của họ vẫn kiên cường, mãnh liệt.
Xả thân tranh đấu cho dân chủ
Trong những cuộc trao đổi với Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự do trước khi bị bắt, họ luôn khẳng định ý chí đấu tranh để xây dựng một nền dân chủ thực thụ trên quê hương Việt Nam, như lời anh Bá Hải:
“Tôi hoàn toàn không chùn chân và tinh thần của tôi vẫn rất là cao. Tôi không thể nào, không bao giờ có thể từ bỏ tinh thần đấu tranh dành lại tự do, dân chủ cho nước nhà. Mong rằng sự thật phải được công khai. Nếu họ có bắt giữ tôi vào ngày mai, cũng mong những người ủng hộ tôi, yêu chuộng dân chủ, những người biết đựơc sự thật sẽ bênh vực tôi, và tôi tin rằng chuyện của tôi sẽ được đưa ra ánh sáng”.
Hay như những chia sẻ của anh Ngọc Quang:
“Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả vì chúng tôi đã xác định chúng tôi là con dân nước Việt, phải có trách nhiệm với dân tộc của mình.”
Khi dân chúng chưa được hưởng các quyền căn bản như ở các nước tiến bộ trên thế giới, và những lời cam kết với thế giới về cải thiện nhân quyền của nhà nước chưa được thực thi nghiêm túc, thì những người yêu chuộng dân chủ như các anh Hoàng Hải, Bá Hải, Ngọc Quang, có thể làm gì để thoát khỏi sự tù đày, đàn áp?
Luật sư Trần Lâm đề nghị:
“Bây giờ đầu tiên phải chống án, thứ hai phải mời luật sư, thứ ba phải đưa câu chuyện này ra để cho các thông tin đại chúng có ý kiến giúp đỡ mình, đề nghị những tổ chức, những báo chí, công luận, có thể lên tiếng ủng hộ mình.”
Hà Nội vẫn khẳng định với quốc tế rằng tại Việt Nam không có tù nhân chính trị. Hiến pháp Việt Nam vẫn công nhận quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm của người dân. Nhưng những tiếng nói cổ suý dân chủ vẫn bị bắt bớ, tù đày.
Họ là những “tội nhân-dân chủ” hay “nạn nhân-dân chủ”, cần phải hiểu như thế nào cho đúng? Sự phán xét - xin được nhường cho công luận.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
--------------------------------
Anh Nguyễn Ngọc Quang bị công an bắt giữ khi đi thăm mộ Cha RFA - 2006.09.03
Vợ anh Nguyễn Ngọc Quang: sự hy sinh của gia đình tôi là cần thiết (X-Cafe/RFA)
No comments:
Post a Comment