Wednesday, September 23, 2009
NGỘ NHẬN về TRUNG QUỐC
Ngộ nhận về Trung Quốc
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, September 22, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=101653&z=7
Ít khi đọc tin tức thể thao trên báo, một người bạn mới gửi cho tôi bản tin trên nhật báo New York Times về trận tranh chức vô địch thế giới môn Cờ Vua dành cho phụ nữ (Women World Team Championship 2009), mới tổ chức vào đầu Tháng Chín ở Trung Quốc, chỉ vì bài báo này nhắc đến tên nước mình, Việt Nam.
Bài báo cho biết năm 1991 một nữ kỳ thủ Trung Quốc đã thắng giải vô địch thế giới Cờ Vua của phụ nữ, các nước còn nghi ngờ; nhưng đến nay họ đã thắng ba lần rồi, và trong 10 nữ kỳ thủ hàng đầu thế giới thì có 4 người Trung Hoa. Trong trận vô địch năm nay Trung Quốc có 2 đội tham dự, và đội A đã lấn áp các đội từ Nga và Ukraine cuối cùng thắng giải trong vòng chung kết “một cách bất thường” (an unusual finish). Ông bạn tôi gửi cho bài bào để đặt một câu hỏi, nguyên nhân vì có một đoạn được anh gạch dưới viết thế này: “Trong vòng đấu chót, Trung Quốc chỉ cần thủ huề cũng chiếm chức vô địch, phải đấu với Việt Nam, là đội đứng hạng chót bảng.”
Ðiều khiến nhà báo coi là bất thường được mô tả trong câu: “Cả 4 trận đấu đều gay go và đều kết cục là hòa. Nhưng trong một trận đấu, kỳ thủ người Việt vào lúc cuối ván cờ đang thắng thế thì bất ngờ đề nghị xin hòa luôn, thế là chức vô địch vào tay Trung Quốc.”
Nguyên văn xin trích dẫn như sau, để quý vị biết nhiều về thủ tục tranh giải coi lại, xem chúng tôi dịch sai hay không, “In the last round, China, needing a tie match to win the tournament, faced Vietnam, the last-place team. All four games were hard-fought and ended in draws. But, in one of the games, the Vietnamese player was winning at the end when she unexpectedly proposed a draw, which clinched the title for China.”
Anh bạn tôi tỏ ý nghi ngờ về quyết định “xin hòa” của nữ kỳ thủ Việt Nam mà tờ báo không nêu tên. Tại sao kỳ thủ người Việt đang thắng thế mà lại đề nghị hòa? Nếu đấu tới cùng thì sao? Nếu cô thắng, cá nhân cô được vẻ vang, nhưng đội tuyển Việt Nam cũng không lên được địa vị cao hơn hạng chót. Nếu cô thua, hoặc hòa, đội tuyển nước mình cũng vẫn đứng hạng chót. Nhưng chỉ trong trường hợp cô hòa với đối thủ thì đội tuyển Trung Quốc mới chiếm chức vô địch. Tất nhiên đề nghị xin hòa (proposed a draw) của cô được đối thủ chấp nhận ngay, vì chỉ cần hòa, không cần thắng trong cả 4 trận đó thì đội Trung Quốc cũng chiếm chức vô địch một cách chắc chắn.
Người gửi cho tôi bản tin trên nghi ngờ là đấu thủ người Việt đã được lệnh của “bí thư đảng bộ” phải nhường đội Trung Quốc để tránh cho đội tuyển nước Cộng Sản “trước là đồng chí sau là anh em” được thắng giải vô địch thế giới. Ðể cho công bằng, chúng tôi không cổ động cho niềm ngờ vực của ông bạn. Vì phóng viên báo New York Times chưa chắc đã hiểu rõ các thế cờ trong trận đấu chót, chưa chắc họ đã nói đúng khi nhận xét rằng cô người Việt đang thắng thế. Có thể là nhìn thấy hai bên cuối cùng sẽ hòa, cho nên cô ta mới xin hòa.
Quý vị, và nhiều người đọc tin trên, cũng có thể đặt câu hỏi nghi ngờ như vậy. Chúng tôi nhắc đến bản tin và mối nghi ngờ này chỉ muốn nhắc đến mối lo lắng của người Việt Nam trong bất cứ cuộc cạnh tranh, đua tài nào đối với nước láng giềng phương Bắc. Lo lắng nhất là lo chính quyền Cộng Sản Việt Nam không bảo vệ quyền lợi của nước Việt Nam. Lo hơn nữa là lo đảng Cộng Sản Việt Nam sẵn sàng hy sinh quyền lợi quốc gia dưới áp lực của Trung Quốc. Mối lo đó có thật. Vì lo lắng cho nên người Việt Nam nghi ngờ, chứ không phải vì nghi ngờ cô kỳ thủ người Việt trong giải vô địch năm nay đã “bán độ.” Không ai biết tên cô và gốc tích của cô. Nhưng tôi tin rằng bất cứ đấu thủ nào trong các cuộc tranh giải thể thao cũng muốn thắng, không thắng giải thì cũng phải thắng từng ván cờ một, thắng một ván, huề ba ván cũng là một vinh dự rồi. Cô kỳ thủ người Việt có thể nhìn rõ thế thắng bại hơn những quan sát viên cố vấn cho nhà báo New York Times. Khi thấy có thể thua, hoặc cố lắm cũng chỉ hòa, cô xin hòa. Chỉ tiếc là cô không để cho chính đối phương xin hòa nếu cô thấy mình khó lòng thua được! Khiến cho đồng bào đọc tin mà cứ thắc mắc, vì quá lo lắng về những chuyện không phải chuyện đấu cờ!
Mối lo lắng của người Việt Nam đối với Trung Quốc là có thật. Trong một bài trước, chúng tôi viết rằng người Nam Hàn và Ðài Loan không lo lớn như vậy mặc dù họ cũng sống ngay bên Trung Quốc như nước mình. Có độc giả đã ngộ nhận, phản bác lại ý kiến đó, nói rằng dân chúng và chính phủ hai nước kia cũng rất lo lắng trước sự bành trướng của Trung Quốc chứ không riêng gì Việt Nam. Hàm ý rằng tình trạng ba nước cũng giống nhau. Ký giả này hoàn toàn đồng ý, không hề nói rằng hai nước đó họ không lo. Chỉ nhấn mạnh rằng không dân chúng nước nào lại lo nhiều như dân Việt mình.
Một ngộ nhận khác của độc giả sau khi đọc bài Bình Luận trước, là thấy trong đó một sự thành công của chế độ Cộng Sản ở nước Tầu. Tức là nghĩ rằng hễ có nhiều nước sợ nước Tầu như vậy thì chắc hẳn nước Tầu đã hùng mạnh, và nguyên nhân gây ra cảnh hùng mạnh đó là chế độ Cộng Sản của ông Mao Trạch Ðông! Chế độ Cộng Sản làm cho Trung Quốc mạnh cho nên, chế độ Cộng Sản là tốt, ai cũng nên bắt chước!
Kết luận như vậy ai cũng biết là tào lao.
Thứ nhất, hiện nay kinh tế Trung Quốc giầu mạnh hơn hồi ông Mao cai trị gấp bội chính nhờ họ đã vứt bỏ những nguyên tắc căn bản của chế độ ông Mao. Kinh tế họ lên vì họ bắt chước theo kinh tế thị trường, cũng gọi là kinh tế tư bản.
Thứ nhì, sự phồn thịnh kinh tế tại Trung Quốc còn rất mong manh. Họ sản xuất nhiều hơn vì khi được tự do hơn thì người dân Trung Hoa làm việc giỏi bằng trăm lần khi bị đảng Cộng Sản trói buộc. Nhưng chính sách của Cộng Sản Trung Quốc vẫn còn kìm hãm chưa cho kinh tế quốc dân được phát triển đầy đủ. Chính sách chỉ huy của Bắc Kinh đang nhắm vào xuất cảng, ép dân không được tiêu dùng, hoạt động kinh tế dựa trên đầu tư vào cơ sở, thiết bị chứ không đặt trên nhu cầu tiêu thụ trong nước, cho nên không vững chắc. Cũng giống như các kế hoạch kích thích kinh tế ở Mỹ và Âu Châu hiện nay, chỉ có kết quả tốt sau khi chấm dứt nếu tư nhân bắt đầu tiêu thụ và sản xuất trở lại, chứ nếu chỉ trông vào tiền nhà nước chi ra để kích thích thì sẽ thất bại. Kinh tế thị trường không sống bằng tiền nhà nước kích thích hết năm này sang năm khác được. Cộng Sản Trung Quốc đang can thiệp vào sinh hoạt kinh tế bằng việc kích thích như vậy cho nên không vững chắc. Một nền kinh tế chưa giải phóng được hệ thống tài chánh để nâng cao hiệu năng, chưa tạo nền tảng vững chắc trên giới tiêu thụ, thì vẫn chỉ là “phồn vinh giả tạo” mà thôi. Nếu người dân được tự do hơn nữa thì nước Trung Hoa còn tiến xa hơn.
Cần phải xóa bỏ ngộ nhận này vì không hiểu mà bắt chước Trung Quốc thì có hại. Nhìn vào những thống kê kinh tế ở Trung Quốc hiện nay mà kết luận rằng nên bắt chước “mô hình” ưu việt của Trung Quốc thì cũng chẳng khác gì những năm 1930 đến 1950 thấy kinh tế Liên Xô tiến rất nhanh thì coi đó là kiểu mẫu! Mô hình Stalin và mô hình Ðặng Tiểu Bình có thể tạo nên cảnh “phồn vinh giả tạo” trong một thời gian, có khi kéo dài mấy chục năm. Nhưng trong nền tảng, những cách tổ chức kinh tế đó sẽ đến lúc đụng phải trần nhà và sẽ khựng lại. Khi thấy người ta lóa mắt trước cảnh tiến bộ kinh tế ở Trung Quốc, nhiều nhà kinh tế chỉ cần nêu thí dụ Nhật Bản. Những năm 1970, 80 bao người nghĩ kinh tế Nhật cứ một tốc độ như thế mà tiến mãi; nhưng từ 1990 đến nay cơ cấu kinh tế Nhật Bản cũng đụng trần nhà, cố gắng cải tổ mà chưa gỡ ra khỏi. Vì tháo gỡ một cơ cấu rất khó, để càng lâu càng khó gỡ.
Người Việt chúng ta đang lo lắng về sự bành trướng của Trung Quốc, nhưng không nên ngộ nhận rằng tất cả phải cùng quay ra chống Trung Quốc. Ðó cũng là một ngộ nhận nguy hiểm. Chúng ta chỉ chống những chính sách nào của Bắc Kinh làm hại cho nước Việt Nam mà thôi. Một độc giả đã nhắc cho chúng tôi một đề tài quan trọng trong mạng lưới của đài RFI. Theo RFI: “Một kết quả khảo sát của viện nghiên cứu thuộc trường đại học Colorado Hoa Kỳ đăng trên báo Nature Geoscience ngày 20 Tháng Chín báo động là 2/3 các đồng bằng quan trọng của địa cầu- trong đó có Ðồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam - trong thế kỷ này sẽ bị mất bớt đi diện tích hiện có do đất bị lún xuống và mực nước biển dâng cao.” Ðây là một đề tài đã được nhóm Cửu Long báo động đồng bào trong và ngoài nước từ nhiều năm qua. Trung Quốc có thể gây thêm tai họa cho dân Việt với những chương trình xây đập của họ. Ðó là điều chúng ta phải lên tiếng tranh đấu.
Vị độc giả này, lấy tên là Taylor, cũng không chủ trương chỉ thù ghét và chống Trung Quốc. Ông viết: “Hãy chiến thắng ‘kẻ thù’ không phải bằng thù hằn nhiều hơn, mà bằng xây dựng tốt hơn. Ưu tiên đã quá rõ, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn, hội nhập với thế giới để phát triển.”
Nhiều vị độc giả đọc những bài trước trong mục này cũng thấy như vậy. Mối lo lắng của dân tộc Việt Nam đối với Trung Quốc không phải vì họ mạnh hơn (dù sức mạnh chưa vững chắc) nhưng lo vì nước mình yếu quá, và các nước khác đều chạy rất nhanh còn nước mình đi rất chậm. Mối lo lớn nhất là cả guồng máy kinh tế của Trung Quốc đang mở hết tốc độ chạy tới, mà ở nước mình thì vẫn “cà rịch cà tàng!” Lý do vì guồng máy điều khiển nền kinh tế ở Việt Nam vẫn nằm trong tay các quan chức Cộng Sản tham nhũng và bất lực, chưa được trả cho tư nhân hoạt động trong thị trường tự do thật sự. Và vì chế độ chính trị độc tài độc hại cho nên người dân Việt không được góp ý kiến để thay đổi. Các nước Ðài Loan, Nam Hàn người dân được tự do hơn, chính vì thế họ không lo lắng nhiều như dân Việt Nam.
Như một doanh nhân người Mỹ gốc Việt Nam đã làm việc ở Trung Quốc nhiều năm nhận xét, ở bên đó “chúng cũng ăn, nhưng chúng có làm việc thật. Quan chức Việt Nam thì chỉ lo ăn mà không thiết làm, không làm vẫn có ăn!”
• Tại sao Việt Nam lo về Trung Quốc nhất?
Thursday, September 17, 2009
• Ðiều lo nhất về Trung Quốc
Tuesday, September 15, 2009
No comments:
Post a Comment