Monday, September 21, 2009

MỸ THAY ĐỔI MND : MỘT MŨI TÊN NHẮM NHIỀU CON CHIM


Mỹ thay đổi MND: Một mũi tên nhắm nhiều con chim
11h:48' - 20/9/2009
http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/www.toquoc.gov.vn/My-thay-doi-MND-Mot-mui-ten-nham-nhieu-con-chim/3232988.epi
(Toquoc) - Mỹ từ bỏ dự án lá chắn phòng thủ tên lửa ở Trung và Đông Âu, đánh dấu sự điều chỉnh các ưu tiên đối ngoại của Mỹ, tác động đến quan hệ Washington với châu Âu, Nga, Trung Quốc và giữa Nga với Mỹ, NATO và Iran.

Ngày 17/9, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố việc điều chỉnh kế hoạch lá chắn tên lửa ở châu Âu, theo đó các hệ thống phòng thủ gồm rada và tên lửa đánh chặn sẽ được đặt trên tàu Hải quân, bố trí tại các vùng biển ở Bắc Âu và Nam Âu, thay vì đặt tại Ba Lan và Cộng hòa Séc như trước. Giai đoạn I, đến năm 2011 sẽ hoàn thành việc lắp đặt các rada và hệ thống đánh chặn, như các tàu được trang bị hệ thống Aegis và triển khai các tên lửa đánh chặn SM-3 trên tàu thủy. Giai đoạn II (khoảng năm 2015) sẽ tập trung vào việc lập các hệ thống SM-3 đặt trên mặt đất.
Theo Lầu Năm góc, chương trình “điều chỉnh thích ứng và được chia theo giai đoạn” sẽ giúp cho hệ thống phòng thủ nội địa Mỹ chống đỡ được những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo có thể có bằng tên lửa từ Iran. Trước đó, chính quyền của cựu Tổng thống George W.Bush đã lên kế hoạch triển khai 10 lá chắn tên lửa tại Ba Lan và một hệ thống rada tại Séc. Nga kịch liệt phản đối kế hoạch này vì cho rằng nó đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia Nga.
Nhận xét về sự điều chỉnh này, tác giả Joseph Cirincione trong bài viết "Chủ nghĩa hiện thực mới về quốc phòng" trên tạp chí "Chính sách Đối ngoại" ra ngày 17/9 gọi đây là sự thắng thế của chủ nghĩa thực dụng trước ý thức hệ. Theo tác giả, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thay thế một hệ thống không hiệu quả trước một mối đe dọa không tồn tại bằng các loại vũ khí có thể phòng thủ chống lại khả năng tên lửa thực sự của Iran. Không những thế, ông đã NATO hóa hệ thống để củng cố liên minh này, chứ không phải để chia rẽ nó.

Điều chỉnh ưu tiên chính sách đối ngoại
Quyết định từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cho thấy rõ hơn các ưu tiên chinh sách của chính quyền Mỹ trong việc giải quyết vấn đề an ninh toàn cầu chống lại các mối đe dọa hạt nhân, cũng như làm rõ hơn quan hệ đối ngoại của Mỹ trong kỷ nguyên Obama.
Tuy nhiên, quyết định thể hiện sự khác biệt với chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Obama dấy lên những phản ứng khác nhau của dư luận trong và ngoài nước. Các chính trị gia đảng Cộng hoà phản đối gay gắt, cho rằng ông Obama đã “phản bội các đồng minh trước sức ép của Nga”.
Trong một bài viết ra ngày 17/9, trang mạng của Đài Công cộng Quốc gia (NPR) của Mỹ cho biết để thay cho chương trình lá chắn phòng thủ tên lửa gây tranh cãi ở Đông Âu, Tổng thống Obama đã thông qua một kế hoạch phòng thủ tên lửa mới mà ông cho là "thông minh hơn, mạnh mẽ hơn và nhanh hơn" và kế hoạch đó trước tiên sẽ tập trung vào mối đe dọa từ tên lửa tầm ngắn mà Iran đang tích cực phát triển.
Mạng NPR viết rằng đánh giá của các cơ quan tình báo Mỹ lâu nay đã tập trung nhiều vào tên lửa tầm ngắn và tầm trung, và họ cho rằng kho vũ khí của Iran đang ngày càng đe dọa các lực lượng của Mỹ hoạt động tại khu vực Vịnh Pécxích. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Dennis Blair đã từng nói với Quốc hội Mỹ rằng tại Trung Đông, Iran sở hữu nhiều tên lửa đạn đạo nhất.
NPR khẳng định với tuyên bố về chương trình tên lửa phòng thủ mới vào ngày 17/9, ông Obama đã nêu đánh giá của các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng mối đe dọa từ tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Iran đang gia tăng một cách nhanh chóng, hơn cả những dự báo trước đây.
Mạng này cũng cho rằng các khu vực khác được đề cập trong kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ vẫn tiếp tục được triển khai, kể cả việc triển khai các địa điểm đánh chặn tại Alaska và California, chủ yếu nhằm mục tiêu ngăn chặn mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Mạng này trích lời của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates nói cách tiếp cận mới này "đáp ứng tốt hơn đối với mối đe dọa đang lớn mạnh mà chúng ta nhìn thấy và cho phép chúng ta tận dụng năng lực về kỹ thuật mới mà chúng ta đang có".
NPR cho rằng động thái này của Obama có thể tạo ra một cơ hội mới đối với Nga vì khi lên cầm quyền, ông Obama từng tuyên bố muốn "khởi động lại" mối quan hệ với Nga và với việc chấm dứt chương trình tên lửa phòng thủ này, ông Obama đã loại bỏ một trong những trở ngại đối với mục tiêu đó.
Theo "Times Online", quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama từ bỏ các kế hoạch của người tiền nhiệm về việc triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc đã gây ra nỗi kinh hoàng ở Đông và Trung Âu, nơi lá chắn phòng thủ tên lửa này được coi là một đảm bảo về sự ủng hộ của Mỹ cho các nền dân chủ thuộc khối Xô viết trước đây.
Quyết định từ bỏ kế hoạch lá chắn phòng thủ nhằm làm giảm căng thẳng với Nga, nước luôn coi kế hoạch này là mối đe dọa cho các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của họ. Nhưng nó lại như giội một gáo nước lạnh vào các nước láng giềng của Nga. Cựu Thủ tướng Séc Mirek Topolaqnek nói: "Đây không phải là tin tốt lành cho nhà nước Séc, cho tự do và độc lập của Séc. Nó đặt chúng tôi vào một tình thế, nơi chúng tôi không được nương tựa vững chắc về mặt cộng tác, an ninh và liên minh và đó là mối đe dọa chắc chắn".

Sơ đồ hệ thống MND cũ
http://www.toquoc.gov.vn/Portals/16/Attachments/11597___news__tg1897tenlua17.jpg

Nga và các đồng minh Tây Âu hài lòng
Từ Moscow, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đánh giá cao quyết định trên của Mỹ, coi đây là một hành động có trách nhiệm. Qua kênh truyền hình nhà nước, ông Medvedev cho biết sự thay đổi đó của Mỹ được đưa ra trên tinh thần nhất trí hợp tác giữa Washington và Moscow trong các cuộc gặp hồi đầu năm về nguy cơ của hệ thống này. Ông Medvedev cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với Nhà Trắng, gần nhất là cuộc gặp ngày 23/9 tới tại New York.
Ngoại trưởng Nga hoan nghênh những tin tức về quyết định này của Mỹ. Một người phát ngôn của Nga nói: "Một diễn biến như vậy sẽ phù hợp với lợi ích của các mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ".
Lãnh đạo các nước châu Âu tham dự một hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Brussels cũng có phản ứng tích cực về động thái trên của Nhà Trắng. Thủ tướng Anh Gordon Brown tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Obama và dự đoán sẽ còn có một số tiến triển trong các vấn đề quốc tế trong vài tháng tới. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định quyết định này của Mỹ là một "dấu hiệu của hy vọng", có thể góp phần "khắc phục những trở ngại trong quan hệ với Nga". Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mô tả đây là "một quyết định tuyệt vời".
Thủ tướng Séc Jan Fischer nhận định tuyên bố trên của Mỹ có tác động tích cực tới quan hệ với Nga. Cả Séc và Ba Lan đều bác bỏ thông tin nói rằng quyết định thay đổi kế hoạch lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ làm tổn thương quan hệ giữa Mỹ với các nước Đông Âu.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen cũng hoan nghênh quyết định của Mỹ, cho rằng đây là một bước đi quan trọng giúp cả Mỹ và NATO cải thiện quan hệ với Nga, một ưu tiên hàng đầu của NATO. Ông Rasmussen cho biết trong vài tuần tới sẽ lập kế hoạch chi tiết về hợp tác an ninh gần gũi hơn với Moscow.
Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán quyết định trên của Mỹ sẽ làm dấy lên một cuộc tranh cãi an ninh ở châu Âu trong thời gian tới.
Quyết định từ bỏ kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu của Washington được giới bình luận và các quan chức an ninh, quốc phòng Nga mô tả là một chiến thắng đối với ngoại giao nước này.
Alexander Konovalov, Giám đốc Viện Đánh giá Chiến lược ở Moscow, đánh giá tính hiệu quả của hệ thống này rất thấp; bên cạnh đó chi phí của nó rất lớn và đặc biệt là không được dư luận CH Séc ủng hộ.
Tuy nhiên, ông Konovalov kêu gọi sự thận trọng, cảnh báo rằng chiến thắng này có "ý nghĩa chung" chứ không chỉ đối với Moscow. Theo ông, thật vô lý khi chi hàng tỷ đôla để "phát triển một hệ thống nhằm chống lại một mối đe dọa không tồn tại giữa bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang diễn ra".
Các nhà bình luận khác ở Moscow thì hoan nghênh quyết định của Mỹ là một dấu hiệu chấm dứt cái họ gọi là "ảo tưởng về thế giới cứu tinh" của chính quyền Mỹ thời cựu Tổng thống George W Bush.

Nhân tố Nga-NATO-Trung Quốc
Nhà Trắng bác bỏ thông tin cho rằng quyết định không thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa tại Đông Âu có tác động từ phía Nga.
Thực tế, việc thay đổi kế hoạch lá chắn của Mỹ không đơn giản bắt nguồn từ một nguyên nhân đơn lẻ nào. Đó là do điều chỉnh thứ tự ưu tiên chiến lược: Nhằm giải tỏa mối lo ngại lớn nhất đối với Nga - vũ khí chiến lược Mỹ đặt sát sườn Nga có thể tiêu diệt các tên lửa chiến lược Nga khi chúng ở giai đoạn khởi động. Chính quyền Mỹ tỏ rõ cần đổi mới quan hệ với Nga để tranh thủ Nga hợp tác trong các vấn đề ưu tiên đối ngoại: Ngăn chặn tiến tới giải giáp vũ khí hạt nhân; kiềm chế chương trình hạt nhân Iran; giải quyết vấn đề nóng của chiến trường AFPAK… Đồng thời hệ thống lá chắn tên lửa mới triển khai trên tàu chiến vẫn phục vụ kiềm chế Nga, Iran và các đối thủ khác.
Một số nhà phân tích cho rằng quyết định của Mỹ còn nhằm đối phó với sự phát triển nhanh chóng sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc. Quyết định ngừng triển khai hệ thống phòng thủ ở Đông Âu có thể thúc đẩy hòa hoãn Mỹ-Nga để giải quyết những vấn đề toàn cầu thuộc ưu tiên của chính quyền Obama và không phải không tạo không gian để Mỹ có điều kiện quan tâm đối phó với vũ khí chiến lược của Trung Quốc.
Việc Mỹ ngừng kế hoạch lá chắn tên lửa Đông Âu còn nhằm thúc đẩy đàm phán và ký kết START2 Nga - Mỹ vì Moscow luôn gắn START2 với MND. START2 liên quan đến chương trình tham vọng của Tổng thống Obama ngăn chặn tiến tới giải giáp vũ khí hạt nhân và vũ khí chiến lược toàn cầu.
Một số nhà quan sát quốc tế đánh giá rằng quyết định kể trên của ông Obama là một bước ngoặt có thể dẫn đến những thay đổi lớn về triển vọng chính trị và quân sự trên thế giới, đặc biệt tác động mạnh đến quan hệ NATO-Nga. Bản đồ chính trị quốc tế đã được người Mỹ vẽ lại. Bức tường chính trị của kỷ nguyên George W. Bush đã đột ngột bị phá bỏ theo chính sách đối ngoại mới của Obama.

Tiếp sau động thái này sẽ là một loạt vấn đề nảy sinh và trở thành động lực chi phối quan hệ quốc tế. Đó là một mối quan hệ mới, phụ thuộc vào nhau nhiều hơn giữa phương Tây và Nga, đồng thời bác bỏ mối đe dọa tiềm ẩn từ Iran. Đây cũng có thể coi là "cú huých" cho nỗ lực giải giáp hạt nhân đa phương và làm giảm ý định xây dựng hàng rào đồng minh bao vây biên giới phía Tây của Nga. Giờ đây Nga có thể trở thành đối tác của Mỹ và phương Tây. Tổng thống Nga Medvedev khẳng định kế hoạch bố trí MND của Mỹ tại châu Âu đã làm cho quan hệ giữa Nga với Mỹ và Tây Âu trở nên phức tạp và căng thẳng. Vì vậy, việc ngừng thực hiện kế hoạch này tốt cho châu Âu và cho quan hệ Nga-Mỹ. Ông Medvedev còn nói: Nếu Mỹ quan tâm đến những lo ngại của Nga, đương nhiên Nga sẽ chú ý đến những lo ngại của Mỹ.

Vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập CHND Trung Hoa, Trung Quốc sẽ trình làng 52 vũ khí thế hệ mới. Trong đó có tên lửa DH-10, với tầm bắn hiệu lực từ 1.500 km-2.000 km, mà 200 quả đang triển khai dọc theo bờ biển phía đông, không chỉ đe dọa Đài Loan mà còn đe dọa cả căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa do chỉ cách đó khoảng 700 km. Nhiều tên lửa hành trình xuyên lục địa (ICBM) được nâng cấp cũng sẽ được giới thiệu lần này, trong đó có tên lửa ICBM Đông Phong-31 A đời mới di động trên mặt đất có tầm bắn hơn 11.000 km, có thể vươn tới Washington, và có thể mang ít nhất 3 đầu đạn. Còn loại tên lửa DF-41, Đông Phong đời mới hơn nữa, có tầm bắn từ 11.000 km tới 13.000 km và có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân, chưa được thể hiện trong buổi diễn tập tại Thiên An Môn vừa qua. Các tên lửa này không chỉ răn đe Mỹ mà răn đe cả Nga. Vì vậy vừa qua, Nga lần đầu tiên điều động các tên lửa hiện đại nhất của Nga thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tới Viễn Đông./.
Trần Hạnh Nhân

----------------------------

Chiến lược mới của Obama (BBC)
Mỹ từ bỏ dự án lá chắn chống tên lửa : dư luận Ba Lan không lo ngại (RFI)
NATO đề nghị với Nga một hệ thống chống tên lửa chung (RFI)
Nga ngừng triển khai tên lửa gần Ba Lan, lên án Iran (VNN)
Hoa Kỳ từ bỏ dự án lá chắn chống tên lửa tại Trung-Đông Âu (RFI)
Mỹ bỏ kế hoạch tên lửa ở Đông Âu (BBC)


No comments:

Post a Comment