Saturday, September 19, 2009
LÁNG GIỀNG HỮU NGHỊ hay BÁ QUYỀN NƯỚC LỚN
Láng giềng hữu nghị hay bá quyền nước lớn
Ðinh Kim Phúc
00:27 ngày Thứ Bảy, 19/09/2009
http://bauxitevietnam.info/c/9248.html
Theo Tân Hoa xã ngày 9/5/2009 cho biết, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Chiêu Húc ngày 8 trả lời câu hỏi của nhà báo về việc Việt Nam lại đơn phương trình “Phương án hoạch định vùng thềm lục địa ngoài khơi” lên Ủy ban phân giới vùng thềm lục địa cho biết, phương án của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, quyền lợi chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc, là phi pháp và vô hiệu.
Được biết, Malaysia và Việt Nam ngày 6 đã phối hợp trình “Phương án hoạch định vùng thềm lục địa ngoài khơi” 200 hải lý lên Ủy ban phân giới vùng thềm lục địa, Việt Nam ngày 7-5 lại đơn phương trình “Phương án hoạch định vùng thềm lục địa ngoài khơi” trên Biển Nam Trung Hoa.
Ông Mã Chiêu Húc cho biết, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo và vùng biển xung quanh trên Biển Nam bao gồm cả Quần đảo Tây Sa và Nam Sa, có quyền lợi chủ quyền và quyền quản lý đối với vùng biển và đáy biển của vùng biển liên quan. Phái đoàn Trung Quốc thường trực tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm cho Tổng Thư ký Liên hiệp quốc về “phương án hoạch định” nói trên căn cứ theo các quy định liên quan của “Công ước quốc tế về Luật biển của Liên hiệp quốc” và “Nguyên tắc làm việc của Ủy ban phân giới vùng thềm lục địa”, trình bày rõ lập trường nghiêm khắc của Chính phủ Trung Quốc, trịnh trọng yêu cầu Ủy ban này không xem xét “phương án hoạch định”nói trên.
Tại sao Trung Quốc có thái độ cứng rắn về vấn đề biển Đông? Và các vấn đề toàn cầu của Trung Quốc?
Willy Lam, Giáo sư về Trung Quốc học tại Đại học quốc tế Akiat, Nhật Bản và phụ tá giáo sư về lịch sử tại Đại học Trung Hoa, Hongkong, trong một bài viết với nhan đề “Beijing Learns to be a Superpower” đăng trên tạp chí Far Eastern Economic Review, số tháng năm 2009 [1] đã giải mã như sau:
“Năm 2009 sẽ đi vào lịch sử như là một bước ngoặt trong sự mở mang ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới có thể đã giáng một đòn vào kinh tế Trung Quốc nhưng khó mà cản được giới lãnh đạo Trung Quốc phóng chiếu một cách hăng hái cả quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm. Họ có thể làm được điều đó không chỉ nhờ sức mạnh kinh tế và quân sự tăng nhanh của Trung Quốc mà còn nhờ sự suy giảm ảnh hưởng quốc tế của Hoa Kỳ thời kỳ sau chiến tranh Iraq và sự tan rã của các định chế tài chính của Mỹ.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang đẩy mạnh “nền ngoại giao gần-như-siêu-cường” (quasi-superpower diplomacy) nhằm củng cố sự nổi trội của Trung Quốc trong một trật tự thế giới mới. Mặc dù Tổng thống Barack Obama vừa khởi động chiến dịch thu hút ở châu Âu và châu Mỹ Latinh, không thể phủ nhận rằng ông Hồ đã đánh cắp được một ít sự chú ý mà theo truyền thống vẫn dành cho người lãnh đạo của Thế giới Tự do.
Hồ Cẩm Đào, người đồng thời là Chủ tịch Quân ủy trung ương, đã thực hiện những sự điều chỉnh quan trọng đối với các chính sách an ninh và ngoại giao của những người tiền nhiệm. Ông Đặng Tiểu Bình, từng đặt ra một loạt phương châm từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990: trong chính sách đối ngoại, “giữ tư thế thấp và không bao giờ lãnh đạo”; đối với Hoa Kỳ thì “tránh đối đầu, tìm cơ hội hợp tác”. Những phương châm này đã thay đổi một chút vào giữa thập niên 1990; từ giữa thập niên 1990 trở về sau, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đi tiên phong trong cái gọi là “chính sách ngoại giao cường quốc trong bầu không khí toàn cầu có một siêu cường và vài cường quốc”; điều đó có nghĩa là Trung Quốc nên hợp tác với các cường quốc khác như Nga, Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu để chuyển hóa “trật tự thế giới đơn cực” do Hoa Kỳ thống trị thành một “trật tự thế giới đa cực”.
Trong một sự điều chỉnh rõ ràng “học thuyết trỗi dậy hòa bình”, các sĩ quan quân đội và nhà phân tích quân sự Trung Quốc nói rằng, để giành được quy chế toàn cầu tương xứng với sức mạnh toàn diện của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc (PLA) không nên chỉ tìm kiếm những vũ khí tinh xảo mà còn phải thường xuyên chuẩn bị chiến tranh để bảo vệ những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Theo tướng Zhang Zhaoyin (đang là Phó tư lệnh quân đoàn ở Quân khu Thành Đô), PLA phải từ bỏ học thuyết lỗi thời “xây dựng một quân đội hướng tới hòa bình trong một thời đại hòa bình”. Viết trên tờ nhật báo chính thức Quân Giải phóng, tướng Zhang lập luận rằng “chuẩn bị tác chiến, đánh trận và chiến thắng luôn luôn là nhiệm vụ cơ bản của quân đội”. “Quân Giải phóng PLA phải không bao giờ đi chệch khỏi học thuyết ‘tích cực chuẩn bị chiến tranh, tìm cách chiến thắng mọi cuộc chiến”.
Nhà chiến lược Jin Yinan, giảng dạy tại Đại học Quốc phòng quốc gia Trung Quốc (National Defense University – NDU) thừa nhận lý thuyết rằng “Trung Quốc không thể trỗi dậy giữa tiếng hót của chim sơn ca và vũ điệu của bầy chim én”, đề cập tới những thú vui bình lặng của thời hòa bình. Ông Jin, chỉ ra rằng trong cuộc tìm kiếm sự vĩ đại, Trung Quốc phải “dò tìm một con đường qua gai góc và cỏ rậm”. “Khi một quốc gia và một dân tộc đã đi tới một khoảnh khắc quyết định, các lực lượng vũ trang thường giữ vai trò rường cột, then chốt” trong việc bảo đảm sẽ đạt được những mục tiêu của quốc gia”, ông Jin nói.
Điều đặc biệt làm các nước láng giềng của Trung Quốc phải cảnh giác là một số sĩ quan diều hâu trong PLA muốn chỉnh đốn lại một học thuyết khác của Đặng Tiểu Bình về cách thức xử lý những vụ tranh chấp chủ quyền với các lân bang. Ông Đặng yêu cầu “gác sự tranh chấp chủ quyền và tập trung vào liên kết phát triển”. Theo Thiếu tướng hải quân Yang Yi, một giáo sư khác của NDU, phương châm của ông Đặng “phải dựa trên tiền đề rằng chủ quyền thuộc về Trung Quốc”. Ông ta cảnh cáo các nước mà ông ta không nêu tên rằng, sẽ là rất “nguy hiểm” nếu nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ không dùng vũ lực đơn giản chỉ vì muốn nuôi dưỡng sự phát triển hòa bình và đánh bóng hình ảnh trên trường quốc tế. “Lực lượng quân sự mạnh là một bức tường thành nâng cao quyền lợi quốc gia”, ông Yang chỉ ra. “Hải quân Trung Quốc là một lực lượng ngăn chặn hùng hậu sẽ cản trở các nước khác vô cớ xâm phạm quyền lợi của Trung Quốc trên mặt biển”.
Đáng chú ý hơn nữa, bình luận viên Huang Kunlun của nhật báo Quân giải phóng còn nêu lên ý niệm về “biên giới quyền lợi quốc gia”. Ông Huang lập luận rằng, quyền lợi quốc gia của Trung Quốc vượt xa ra ngoài lãnh thổ, lãnh hải và không phận để bao gồm cả những khu vực như các đại dương mênh mông mà các tàu chở dầu của Trung Quốc qua lại, cũng như khoảng không vũ trụ. “Các quyền lợi quốc gia của chúng ta mở rộng tới đâu thì đó là nhiệm vụ của lực lượng vũ trang”, ông Huang viết. “Do nhiệm vụ lịch sử mới của chúng ta, các lực lượng sẽ không chỉ bảo vệ ‘biên giới lãnh thổ’ mà con bảo vệ cả ‘biên giới quyền lợi quốc gia’”. “Chúng ta cần phải bảo vệ không chỉ các quyền lợi về an ninh quốc gia mà cả những quyền lợi liên quan tới sự phát triển quốc gia [trong tương lai]”.Cái quan niệm lạ lùng này sẽ làm gia tăng đáng kể phạm vi “hợp pháp” mà quân PLA có thể hoạt động.
Theo ông Chen Xiangyang, nhà chiến lược cao cấp của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (China Institute of Contemporary International Relations), Bắc Kinh muốn “chiếm thế thượng phong, giành quyền chủ động” trong cuộc ganh đua địa chính trị toàn cầu. “Chúng tôi muốn quảng bá tiếng nói của Trung Quốc, bảo vệ hình ảnh của Trung Quốc và mở rộng quyền lợi quốc gia của Trung Quốc”.
Những quan hệ mà Bắc Kinh duy trì với một loạt nhà nước như Myanmar, Sudan, Angola và Zimbabue hiện nay và Việt Nam trước đây là những bài học không bao giờ được quên.
Phản ứng của Trung Quốc vào ngày 7 và 9 tháng 5 năm 2009 về việc Việt Nam nộp hồ sơ lãnh hải cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hiệp quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf-CLCS) là một cái tát nảy lửa vào mặt những ai còn mê ngủ ./.
Chú thích:
[1] Nguồn: Nguyên văn: Beijing Learns to be a Superpower, Far Eastern Economic Review, Tháng năm 2009 (http://feer.com/essays/2009/may/beijing-learns-to-be-a-superpower). Một thân hữu của viet-studies.info dịch.
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
No comments:
Post a Comment