Monday, September 28, 2009
KHÔNG PHẢI TIẾN SĨ
Không phải Tiến sĩ
Phạm Quang Tuấn
01:06 ngày Thứ Hai, 28/09/2009
http://bauxitevietnam.info/c/11240.html
Gần đây ta thấy nhiều dấu hiệu rằng rất nhiều người trong nước có một quan niệm hoàn toàn khác hẳn với quốc tế về từ “tiến sĩ”. Ở ngoại quốc, bằng Tiến sĩ (doctorat, PhD – xin gọi tắt là doctorat) là một bằng cấp về nghiên cứu. Nó chứng tỏ rằng người nhận bằng đã được đào luyện về kỹ năng nghiên cứu, đã làm một dự án nghiên cứu để đóng góp những kiến thức mới cho nhân loại về một ngành nào đó. Người có bằng doctorat dù ở bất cứ nước nào cũng phải có khả năng tìm tài liệu, biết cách đánh giá thông tin, cẩn trọng khi suy diễn và kết luận.
Mục đích của bằng doctorat là để đào tạo những nhà nghiên cứu và giáo dục cao cấp. Nhiều khi, những đức tính được coi trọng ở nhà nghiên cứu lại không tốt cho các công việc quản lý, lãnh đạo hành chính, chẳng hạn như tính cực kỳ cẩn trọng, dè dặt, xem xét đủ mọi mặt, kiểm chứng mọi việc bằng lý thuyết hay kiến thức đã có. Người lãnh đạo hay quản lý dĩ nhiên cũng phải có một chút nào những đức tính đó, nhưng nếu có nhiều như nhà nghiên cứu thì dễ trở thành do dự, kém dứt khoát, khó lòng đối phó với những vấn đề cấp bách thường ngày.
Trong khi đó, ở trong nước thì nhiều người lại coi “Tiến sĩ” như một tiêu chuẩn nên hay cần có trong quản lý, hành chính. Chính quyền thành phố Hà Nội vạch kế hoạch theo đó, đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu có 100% cán bộ diện Thành ủy quản lý có trình độ Tiến sĩ, 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ Tiến sĩ (http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2009/08/865203/). Tiến sĩ Lê Anh Sắc, thành viên soạn thảo chiến lược này, giải thích rằng “Có bằng Tiến sĩ mới đột phá tư duy” (http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2009/09/868806/). Ông nói rằng sẽ tăng số Tiến sĩ bằng cả hai cách, tuyển thêm cán bộ mới ở trình độ Tiến sĩ và đưa cán bộ hiện có đi đào tạo tiếp thành TS.
Tôi chắc rằng chính quyền thành phố Hà Nội không muốn tự biến mình thành một viện nghiên cứu hay một trường đại học, vậy tại sao họ sính xài Tiến sĩ như vậy? Theo thiển ý, đó là vì họ quan niệm Tiến sĩ theo nghĩa ngày xưa, thời Nho học phong kiến: Tiến sĩ là bằng cấp chứng tỏ văn hay chữ tốt, làu thông kinh sử thánh hiền (hoặc thời nay là kinh sử Mác Lê chăng?), và là bước đầu của sự nghiệp… làm quan. Thậm chí, đã có người đề nghị lập bia khắc tên các Tiến sĩ thời nay!
Ta hãy nghe chính TS Lê Anh Sắc giải thích: “Nếu xét về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chúng ta chưa có thước đo nào khác ngoài học vị. Theo quan điểm của chúng tôi, một người phải được trang bị những kiến thức nền tảng mới có nền móng để tích lũy kinh nghiệm có tính chắt lọc, có giá trị. Còn những người có trình độ học vấn ở mức giới hạn, thì kinh nghiệm dù có nhiều chăng nữa cũng chỉ có thể giúp giải quyết những vấn đề cá nhân, chứ không thể dùng được cho công việc của bộ máy hành chính, khó mang ra để giúp dân, giúp nước được”. Tức là ông cho rằng bằng Tiến sĩ là để chứng tỏ sở hữu những “kiến thức nền tảng”! Ông còn cho rằng “đề xuất ra cái mới, có khả năng tư duy đột phá phải là những người đã được cấp bằng Tiến sĩ” và “Giám đốc một sở hay Chủ tịch một quận, huyện mà không có những suy nghĩ đột phá thì ngành chuyên môn cũng như địa phương ấy không thể tiến lên được”!
Thực ra, kỹ năng quản lý hành chính thì trong hệ đại học quốc tế có những ngành public administration, business administration. Chỉ cần học đến Cử nhân hay Thạc sĩ những ngành này là đủ kiến thức căn bản để đi vào những chức vụ mà ông Lê Anh Sắc nói, sau đó là tích lũy kinh nghiệm để tiếp tục tiến lên. Dĩ nhiên, cũng có những Tiến sĩ về ngành này, nhưng đó là những người chuyên sâu vào nghiên cứu trong địa hạt đó và không chắc là họ sẽ giỏi hơn Cử nhân, Thạc sĩ trong thực tế khi hành nghề.
Ngộ nhận về bằng Tiến sĩ có nhiều hậu quả nghiêm trọng ở Việt Nam. Một mặt, nó sẽ làm lãng phí tài nguyên nhà nước (tức là lãng phí tiền thuế của dân) vào việc đào tạo nhân viên quảnh lý hành chính một cách vô bổ. Nhiều người sẽ được đào tạo trong nước, nhưng chắc chắn là sẽ có một số vị – nhiều ít chưa biết – đi du học ngoại quốc nhiều năm bằng tiền của dân. Dù là chỉ đào tạo trong nước, cũng sẽ tốn tiền đổ vào đại học để đào tạo nhà quản lý, trong khi phương tiện đào tạo chuyên gia khoa học kỹ thuật còn quá thiếu thốn. Sẽ có nạn bằng dỏm, bằng hữu nghị, bằng đô la. Giáo dục đại học đã yếu kém, thua sút ngoại quốc (http://www.diendan.org/viet-nam/lua-chon-thanh-cong/) sẽ lại càng yếu kém hơn nữa.
Mấy năm nay đã nhiều người viết bài cải chính những ngộ nhận của các cơ quan trong nước về bằng Tiến sĩ (xin xem các tài liệu ở phần cảm tạ ở cuối bài này). Tuy nhiên, không có dấu hiệu gì chứng tỏ rằng những người cầm quyền trong nước lưu ý.
Ông Bùi Trọng Liễu ở Pháp đã đề nghị một giải pháp thực tế cho sự ngộ nhận này trong bài “Có nên trả lại cho tên gọi “Tiến sĩ” vị trí cũ của nó?” (http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/giaoduc/conentralaitentiensi.htm) Ông kiến nghị Nhà nước gọi bằng doctorat hay PhD ở nước ngoài, tức là bằng nghiên cứu, là “đốc-tút” (doctus). Theo ông, “từ này không hoành tráng, chắc chẳng mấy ai ham”, nên không sợ các vị hành chính ở Việt Nam sính như từ Tiến sĩ. Tôi e rằng Chính phủ Việt Nam sẽ coi kiến nghị này cũng như bao nhiêu kiến nghị khác của trí thức mà thôi, nghĩa là coi như không có (chứ chưa tới mức độ được động tay vứt vào sọt rác).
Tuy nhiên, giới giáo dục và nghiên cứu có thể giành quyền chủ động, không phải vô vọng trông chờ vào Nhà nước. Tôi xin đề nghị là từ giờ trở đi, khi viết kiến nghị, blog, bài báo, thư từ cho Chính phủ, v.v. không bao giờ ký tên là Tiến sĩ này nọ. Không những thế, để tránh việc bị nhà báo biên tập thêm chữ Tiến sĩ trước tên tác giả, hãy đề trong ngoặc đơn cụm từ “không phải Tiến sĩ” sau tên mình. Dĩ nhiên, khi giới giáo dục nghiên cứu nói về nhau, cũng phải theo nguyên tắc này.
Một khi giới giáo dục ĐH và nghiên cứu tuyệt đối và công khai tẩy chay danh xưng Tiến sĩ, thì hẳn sự phân biệt giữa Doctor/PhD/đốc-tút với Tiến sĩ cũng sẽ dần dần xâm nhập vào truyền thông và trong quần chúng. Mọi ngộ nhận sẽ biến mất. Tiến sĩ sẽ chiếm hữu lại cái nghĩa xưa của nó, là bằng cấp để làm quan, và không ai có thể nhầm lẫn nó với bằng doctorat hay PhD của quốc tế.
Mong chờ sự hưởng ứng của các đồng nghiệp bốn phương.
Phạm Quang Tuấn (không phải Tiến sĩ)
Xin cảm tạ các đồng nghiệp (không phải Tiến sĩ) đã viết những bài rất nghiêm túc và công phu về vấn đề này:
- Trần Văn Thọ (http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai13/200813_TranVanTho.htm)
- Bùi Trọng Liễu (http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/giaoduc/conentralaitentiensi.htm)
- Hồ Tú Bảo (http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/8022/index.aspx)
- Đàm Quang Minh (http://www.minhbien.org/?p=1422)
- Nguyễn Văn Tuấn (http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/09/nhung-ngo-nhan-ve-hoc-vi-tien-si.html).
- Nguyễn Quang A (http://bauxitevietnam.info/c/10552.html)
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.
No comments:
Post a Comment