Thursday, September 17, 2009

KHI NGƯỜI MỸ CHÁN GHÉT HÀNG TRUNG QUỐC


Khi người Mỹ chán ghét hàng Trung Quốc
Uyển Mai - Tổng hợp
17-09-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6716

Từ vỏ xe dzỏm đến vách nhà thối
Sở Y Tế bang Florida (USA) đã nhận hơn 140 đơn khiếu nại của cư dân về việc vách ngăn của căn nhà họ đang ở bỗng dưng phát mùi hôi thối: người ta ngửi thấy trong nhà có một mùi kỳ lạ giống như mùi trứng thối, thậm chí có người còn bị nhức đầu và rát cổ họng, tìm kiếm mãi mới phát giác ra “thủ phạm” chính là những vách ngăn (dry wall). Sau khi coi lại mới biết những vách ngăn này được nhập từ… Trung Quốc!

Mùi trứng thối đó là do vách ngăn có hàm lượng chất lưu huỳnh quá cao. Chất lưu huỳnh này còn ăn mòn các ống dẫn và dây điện gắn trong tường. Những ngôi nhà gặp tình trạng đó đa số được xây trong những năm 2005- 2006, lúc vật liệu xây dựng khan hiếm vì nhà đất đang được giá, nhiều nhà thầu xây cất đã mua các vách ngăn từ Trung Quốc mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Không riêng Florida, những tiểu bang khác như Louisiana, Alabama..., nơi có độ ẩm cao, cũng bị cảnh ngộ tương tự. (1)

Không quá khó để hình dung ra sự tức giận của chủ nhân các căn nhà đó: một căn nhà mới toanh bỗng nhiên bị hư hại nặng nề mà chẳng phải vì bão lụt gì hết. Người Mỹ còn chưa quên việc vỏ xe Trung Quốc thiếu phẩm chất đã gây ra hàng loạt tai nạn và việc đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng… bị nhiễm chất chì độc hại. Sự bực tức lên đến mức một bài báo phải lấy tựa đề là: “Communism Seeps Into American Homes And It Smells Like Rotten Eggs.” (Chủ nghĩa Cộng Sản đang mò vào nhà người Mỹ và nó có mùi trứng thối) (2)

Thuế vỏ xe của Tổng thống Obama làm Trung Quốc tím mặt
Trước khi đón tiếp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong hội nghị thượng đỉnh G-20 tháng 9 này, Tổng thống Barack Obama đã ra quyết định đánh thuế thêm 35% trên mức thuế cũ 4% mặt hàng vỏ xe Trung Quốc bắt đầu từ 26/09/2009. Qua năm thứ hai, mức thuế sẽ là 30%, và năm thứ ba sẽ là 25%

Từ nhiều năm qua, giá công nhân rẻ mạt với những quy định kém về môi sinh và an toàn lao động đã giúp cho vỏ xe Trung Quốc có giá thành quá rẻ. Thế nhưng, với mức thuế nói trên (tuy vẫn thấp hơn mức đề nghị của Cơ quan Thương mãi Quốc tế Hoa Kỳ) vỏ xe Trung Quốc sẽ không còn dễ dàng chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ. Thậm chí mức thuế đó còn có thể chặn luôn sự nhập cảng mặt hàng này.

Ông Chen Deming, Bộ trưởng bộ Thương mại Trung Quốc, nói rằng, “Đây là một hình thức trầm trọng của hành vi bảo hộ mậu dịch. Nó không những vi phạm luật lệ của WTO mà còn làm trái lại lời cam kết của Hoa Kỳ tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính G-20. Nó là một sự lạm dụng những điều khoản bảo vệ đặc biệt và sẽ tạo ra một tín hiệu sai lầm với thế giới.”

Để trả lời những cáo buộc của Trung Quốc, phát ngôn viên của tòa Bạch Ốc, ông Robert Gibbs, phát biểu, “Chúng tôi (Hoa Kỳ) chỉ đơn giản làm việc chấn chỉnh lại những quy định đó và chúng tôi mong mỏi người Trung Quốc cũng hiểu được những quy định này.” (3)

Hoa Kỳ không thiếu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ
Không thể chối cãi việc sản phẩm nước ngoài, nhất là hàng Trung Quốc, được bày bán tràn lan ở Mỹ vì giá rẻ và mẫu mã phong phú, bắt mắt. Nhưng sẽ là một lầm lẫn to lớn nếu nghĩ rằng người Mỹ không biết hay không thích tự làm lấy vật dụng cho mình.

Hàng thủ công mỹ nghệ của Hoa Kỳ ít được người nước ngoài biết đến vì giá thành khá cao nhưng đã và đang giữ một vị trí quan trọng trong đời sống cũng như trong văn hóa Mỹ. Những sản phẩm thủ công như thêu đan, may mặc, nữ trang, vật dụng, đồ chơi... không chỉ là vật để đem bán lấy tiền mà còn là cách giúp người nghệ nhân thể hiện khiếu thẩm mỹ của mình. Tuy không kiếm được nhiều tiền, đa số nghệ nhân đều cảm thấy hài lòng vui vẻ vì đó vừa là nghề tự do vừa là thú tiêu khiển của họ. (4)

Với sự hỗ trợ của Internet, hoạt động của các nghệ nhân Hoa Kỳ ngày càng được nhiều người biết đến. Người Mỹ mua nhiều hơn những mặt hàng “pround-to-be-made-in-USA” (hãnh diện được làm tại Mỹ). Theo báo cáo của Association of Crafts and Creative Industries (Hiệp hội các nghề Thủ Công và Sáng tạo - UM) ngành thủ công Hoa Kỳ đã từng có lúc thu vào gần 10 tỷ đô la một năm. (5)

Cơ hội cho Việt Nam?
Khi người Mỹ chán ghét hàng Trung Quốc thì đó chính là cơ hội cho những nước khác, đặc biệt là Việt Nam. Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ rất nhiều hang dệt may và thủ công nghệ. Gốm Bát Tràng, tranh sơn mài, tranh thêu... là những sản phẩm thủ công có tiếng của Việt Nam.

Nhưng sản phẩm mỹ nghệ của Việt Nam còn nhiều bất cập như chất lượng chưa cao hay mẫu mã không theo thị hiếu của người tiêu dùng. Một cái áo rất đẹp nhưng sau khi giặt đã thấy bị sổ lông, hay một chiếc túi được thêu rất khéo nhưng mầu sắc hơi (bị) “quê” là điều thường thấy ở các mặt hàng thủ công Việt Nam.

Nếu muốn đứng vững trong thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu thị hiếu của người dân Mỹ. Điều này sẽ không quá khó nếu để ý tới cách làm việc và sản phẩm của các nghệ nhân Hoa Kỳ thay vì chạy đi bắt chước mẫu mã của hàng Tàu, hàng Thái, hàng Hồng Kông... (6)

Với mạng lưới thông tin toàn cầu, việc giao lưu học hỏi với thế giới sẽ giúp cho người dân mở mang kiến thức dẫn đến sự phát triển tay nghề và khả năng sáng tạo.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã có những cơ hội quá thuận lợi để phát triển kinh tế, nhưng vì chạy theo chính sách ngu dân và tham lam của nhà nước đảng trị, hàng hóa Trung Quốc đã bị mang tiếng xấu khó gột rửa. Đây là một bằng chứng cho thấy sự phát triển và ổn định kinh tế sẽ không bao giờ có được dưới chế độ độc tài cộng sản.

© DCVOnline
--------------------------------

(1) -
Chinese-made drywall ruining homes, owners say, Jason Hanna, cnn.com, 03/08/09
(2) -
Communism Seeps Into American Homes, And It Smells Like Rotten Eggs, Joe Weisenthal, businessinsider.com, 10/06/09
(3) -
China blasts U.S. tire duties as protectionist blow, reuters.com, 12/09/09
(4) -
Craft Boom.
(5) -
Crafts Business, entrepreneur.com
(6) -
Xúc tiến xuất khẩu nên bắt đầu từ cải tiến mẫu mã - phần 2, vietrade.gov.vn, 17/06/09 - Ông Toshihisa Takata, chuyên gia tình nguyện theo chương trình của Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), đã nhận định:
Hàng sơn mài của Việt Nam hiện nay để xuất khẩu được vào Nhật không dễ dàng bởi vì Nhật Bản vốn dĩ có ngành sơn mài truyền thống. Hàng sơn mài của Nhật Bản được làm rất kỹ, không chỉ được dùng để trưng bày mà còn được dùng phổ biến làm bát đĩa ăn thường ngày, kể cả khi đựng đồ nóng cũng vô tư, trong khi hàng sơn mài của Việt Nam hiện nay chỉ đựng được đồ nguội. Về mầu sắc, người Nhật chuộng các gam mầu nhẹ nhàng, thanh lịch. Các gam mầu sặc sỡ, lòe loẹt hoặc mầu quá sẫm không phải là gu của người Nhật. Về hàng thêu, người Nhật không thích các sản phẩm thêu quá nhiều họa tiết, họ thích hàng thêu tay nhưng chỉ thêu điểm nhẹ nhàng, trang nhã và không rối mắt.


No comments:

Post a Comment