Friday, September 25, 2009
IDS và CHIẾC LỒNG THUỶ TINH (kịch thơ)
Chiếc lồng thủy tinh
Caubay − Kịch thơ
25-09-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6742
Dẫn nhập:
Lại một đêm trăng mờ Caubay ra hè ngồi nghĩ chuyện nước non. Bản tin mấy vị đại trí thức bên nhà tự giải tán viện IDS làm Caubay băn khoăn không ít. Tuy việc giã từ này có kèn có trống, không phải kiểu âm thầm “hoàn tất vẻ vang vai trò lịch sử” như đã xảy ra cho một số tổ chức khác, kết quả này cũng xuất phát từ một nguyên nhân. Đó là thói vắt chanh bỏ vỏ, âm mưu thủ lợi theo từng giai đoạn rất quen thuộc của “đảng ta”.
Theo dõi các phát biểu liên quan của vài vị trong IDS, Caubay buồn thương lẫn lộn. Đã lâu Caubay vẫn thắc mắc không hiểu vì sao nhiều vị trí thức, khoa bảng, học hành nói năng coi bộ …cũng khá, lại cứ bị bọn lưu manh vô học cộng sản xỏ mũi dài dài. Khổ quá! Ai đời đã là trí thức mà lại đi ca tụng bác Hồ! Mấy mươi năm ròng mấy vị cứ loay hoay mãi. Nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, phản biện nghe cao siêu quá mà cuối cùng vẫn không ra khỏi “tư tưởng và đạo đức của bác.” Theo cái nhìn bình dân của Caubay thì khi nào còn “đạo đức bác Hồ” thì mọi thứ đạo đức khác phải bị xuống cấp; khi chấp nhận có cái gọi là “tư tưởng bác Hồ” thì mọi “tư duy” khác đều không thể tồn tại. Lý do rất đơn giản, vì bác là chân lý, là trí tuệ, cái gì cũng biết, cũng giỏi. Nôm na là cái xó nào cũng có bác cả! Đó là sự thật đang xảy ra ở Việt Nam, không hề cường điệu.
Nghĩ như vậy nên Caubay phân vân lắm về cái “tâm” và cái “tầm” của trí thức XHCN nói chung, của IDS nói riêng. Lại thêm cái tật ưa thày lay nên hôm nay Caubay bèn ghé vào mép chiếu “hàn lâm”, liều mạng nói leo vài câu chơi cho…vợ nó nể. Vậy mà cái bụng vẫn cứ lo, sợ nói năng không khéo có khi bị mắng.
May thay, cuối cùng cũng nghĩ ra cách rất hay; đó là góp ý bằng vè. Caubay vốn sính mần thơ, tuy biết thơ mình bị ảnh hưởng nặng bởi trường phái vè, nhưng rất an tâm vì tìm được cái khiên rất vững chắc. Cái khiên đó là thơ bác Hồ. Gì thì không biết chứ về thơ thì Caubay dám mạnh miệng là có phần trội hơn bác. Mà thơ bác thì chưa có ai, viện nào, kể cả viện IDS, dám ...không khen chớ nói gì tới phản biện.“Khỏe re! Đố ai dám chê góp ý của tui! Chê thơ tui, tui đem thơ bác ra so thì coi chừng ...đóng cửa tiệm không kịp đó nghen!”
Mào đầu như thế cũng đà kỹ, bây giờ xin mời bà con xem Kịch Ông Giăng, tập 2.
Màn 1:
Thập niên 1930, bên Nga.
Cáo Già và Xích Quỷ Vương:
Cáo Già (khúm núm):
Đội ơn sư phụ Xích-ta-lin
Hết lòng huấn luyện cho Cáo Lin
Chuyến này về xứ làm nhiệm vụ
Giáo điều thề sẽ nhớ như in
Xích Quỷ Vương (vễnh râu):
Học trò mấy đứa được như ngươi
Dạy một thì ngươi đã hiểu mười
Kẻ nào khác ý thì cứa cổ
Xứ ngươi rồi sẽ thắm máu tươi!
Cáo Già (khiêm tốn):
Máu tươi là hảo vị của Người
Thấy máu Cáo này cũng rất vui
Sông cạn, núi mòn thây chật đất
Miễn sao sư phụ đặng nụ cười.
Xích Quỷ Vương (xoa đầu dặn dò):
Đường về nhớ ghé thăm gã Mao
Xin gã chỉ cho cái hàng rào
Màn sắt thì ngươi chưa đủ sức
Màn tre hiệu quả ắt cũng cao
Cáo Già từ giã sư phụ, vọt lên tàu lửa về động cũ là hang Pác-bó. Trên đường về Cáo ghé động Bắc Kinh ra mắt Cáo Mao xin copy cái họa đồ về cất sẵn trong hang để chuẩn bị khi kách mệnh thành công thì xây cái chuồng thật lớn theo lời dặn của Xích Quỷ Vương. Quả nhiên, sau này Cáo dùng tre làm cái chuồng khá lớn, bao phủ cả khu rừng nên được gọi là bức màn tre.
Màn 2:
Khoảng 1945, bên Pháp.
Cáo Già và chim Vành Khuyên:
Cáo Già (giơ chân trước thề):
Kẻ thù là bọn Phú Lang-sa
Đuổi chúng là nhiệm vụ chúng ta
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Đảng này đảng nọ cũng phe ta
Vành Khuyên (lo lắng):
Thưa bác Cáo Già rất kính yêu
Thân tôi là trí thức Việt kiều
Nếu tôi về nước như bác rủ
Liệu rằng …cáo cộng có thủ tiêu?
Cáo Già (sụt sùi khóc):
Kách mệnh chớ có cộng sản chi
Các chú sao mà quá đa nghi
Cứ nghe theo bác về giúp nước
Độc lập tự do sướng quá đi!
Thế là có vài con chim vành khuyên rất nổi tiếng, hót rất hay, dáng rất đẹp nghe lời Cáo Già chui vào cái lồng tre vĩ đại. Con nào nhát không dám chui vào hẳn thì cũng lâu lâu tha mồi về rồi đậu ngoài ngõ, hót vang vài tiếng ca tụng Cáo Già rồi bay đi.
Màn 3:
Sau 1954, Bắc Việt
Cáo Già và chim Vành Khuyên
Vành Khuyên (thành khẩn):
Thưa bác, bây giờ tôi làm chi?
Tiếng hót của tôi phỏng ích gì
Hay là xin bác tôi ra ngoải
Ơn bác đời đời tôi khắc ghi!
Cáo Già (trợn mắt):
Ơ hay! Khéo nói chuyện tào lao
Thiệt quả như lời của bác Mao
Cục phân còn ích hơn các chú
Câm mồm! Hay muốn viếng nhà lao?
Vành Khuyên sợ quá, bèn về hỏi ý vợ:
Theo mụ bây giờ tôi làm sao
Thân tôi vốn dĩ rất thanh cao
Hót theo bác Cáo coi cũng dở
Không hót nhà ta bụng đói cào
Vợ chim mắng:
Kiếp chim không hót sẽ bị xào
Hót trật bác liền đem nấu cao
Chi bằng học sách loài chim vẹt
Qua ngày đoạn tháng thử xem sao!
Từ ấy chim Vành Khuyên cũng cố gắng hót cho vừa lòng Cáo Già. Hễ khi nào đói thì hót hăng lên, giọng không còn trong thanh tao nhã mà lơ lớ ngọng nghịu của loài vẹt. Cáo Già tuy không vừa lòng nhưng bất đắc dĩ cũng thường mang chim ra khoe những khi có khách từ năm châu bốn bể đến chơi.
Ngày kia lão Cáo Già “đi thăm các cụ”, có vài con vẹt xấu miệng nói Cáo Già bị mấy con cáo khác cắn chết. Cáo Con lên thay chăm sóc khu rừng. Những con chim Vành Khuyên xưa kia nay cũng đã già. Khi gần đất xa trời, chim ấy kêu lên rất bi ai, tiếc nuối về một thời đã qua và cố dùng tàn hơi cất lên tiếng hót của chính mình. Nhưng đã muộn! Và bức màn tre vẫn còn đó, kiên cố lắm!
Rồi thời thế đổi thay làm ảnh hưởng đến khu rừng nhà Cáo. Do nạn đói đe dọa, Cáo Con đành phải mở cửa đi kiếm ăn. Ra ngoài Cáo Con thấy thế giới thăng hoa, chim ca vượn múa, nghĩ lại phận mình lấy làm xấu hổ. Nhớ lại mấy con chim kiểng của mình sao cứ rụt cổ như cú, giọng cạp cạp như quạ, Cáo Con buồn bực lắm, quyết tìm thầy chữa trị.
Thời may lúc đó có ông tiên là Da-cát Chơn nhơn chu du hạ giới, đang ngủ trưa trong lều cỏ ở San Thành. Biết tin Cáo Con bèn đến xin vấn kế. Qùy bên ngoài lều cỏ từ giờ Ngọ cho đến giờ Dậu mới thấy Chơn nhơn trở mình.
Màn 4:
Đầu thế kỷ 21, bên Mỹ.
Da-cát Chơn nhơn và Cáo Con
Da-cát Chơn nhơn (ngâm vọng ra):
Thế gian điên loạn lại mất mùa
Cáo chồn nay tiếm vị ngôi vua
Đứa nào dòm ngó nhà thiên hạ
Cào cỏ vô đầu chớ chẳng đùa!
Cáo Con nghe nói vừa sợ, vừa mừng, lễ phép hỏi:
Da-cát Chơn nhân kính mến ôi
Vui lòng khai trí độn của tôi
Vành Khuyên nuôi mãi mà không hót
Cải tạo nhiều rồi cũng thế thôi!
Da-cát Chơn nhơn đứng dậy bước ra cửa, dùng thiên lý nhãn liếc sơ qua khu rừng của họ nhà Cáo rồi dạy rằng:
Vành Khuyên là giống thích tự do
Chó săn là giống thích ăn no
Chó, chim ngươi nhốt chung một rọ
Chim sợ làm sao dám líu lo.
Cáo Con đắn đo hỏi:
Chó săn liếm đít lại giữ nhà
Bắc Kinh chó giống mới gởi qua
Nhốt riêng Cáo…Cẩm Đào không chịu
Cách gì chó sủa, chim vẫn ca?
Da-cát Chơn nhơn nghe nói chẳng thèm trả lời, hóa phép cho Cáo Con cái cẩm nang rổi quay vào ngủ tiếp. Cáo Con cả mừng ra về, dọc đường mở cẩm nang ra xem thì thấy như vầy:
Bỏ đói thì chim ắt phải ca
Ấy là quỷ kế của Cáo cha
Còn muốn ca hay, duy một cách
Mở cửa lồng cho chim bay xa!
Đến nhà Cáo Con báo cáo cho cả bầy nghe. Cả bọn họp bàn gầm gừ dữ lắm, nhưng nhất định không chịu mở cửa lồng, sợ đàn chim quí sẽ bay mất. Thì cái bằng chứng còn sờ sờ ra đó. Mấy con chim non cho ra ngoài học hót, có mấy con trở về. Sau cùng, như thường lệ, Cáo Con bèn đến Bắc Kinh Hán Cẩu Sứ Quán thỉnh ý.
Màn 5:
Khoảng đầu thế kỷ 21, Việt Nam.
Hán Cẩu Thái thú và Cáo Con.
Cáo Con (hai chân trước vuốt đuôi Hán cẩu):
Cúi đầu xin thỉnh ý đại quan
Cáo tôi chẳng dám tự làm càn
Mở cửa, tháo lồng cho chúng hót
Như lời trong Da-cát cẩm nang?
Hán Cẩu Thái thú (khoát chân trước):
Chớ tin ngài “trảm thảo” lưu linh
Để ngộ bày cho kế khổng minh
Bỏ cái lồng cũ xây lồng mới
Lồng này dùng vật liệu thủy tinh
Cáo Con vốn rất sáng ý, nghe qua liền hiểu, bèn thay cái lồng tre bằng cái lồng bằng thủy tinh trong suốt bao phủ cả khu rừng. Từ đó trong ngoài có thể nhìn thấy lẫn nhau, trông có vẻ tự do thông thoáng lắm, ánh sáng chan hòa khác hẳn vẻ u ám khi xưa. Cáo Con rất đắc ý, cho là diệu kế, đi đâu cũng khoe kết quả đổi mới khởi sắc của khu rừng mình. Những con chim Vành Khuyên quí hiếm ngày nào bây giờ lại cất tiếng hót, tuy giọng khàn khàn do tuổi già nhưng đúng điệu vành khuyên, không mang âm hưởng của loài vẹt. Bên ngoài vài con chim quí khác thấy vậy cũng nhấp cánh bay về hân hoan hót bản đồng ca: “Như có Cáo Già trong ngày vui cởi trói…”
Tuy vậy, trong khu rừng này đàn kiến lam lũ vẫn chưa hòa nhập được với niềm vui đổi mới thần kỳ đó.
Màn 6:
Khoảng 2006, Việt Nam
Chim Vành Khuyên và Cái Kiến.
Chim Vành Khuyên (ríu rít):
Cáo Kiệt từ nay cởi trói rồi
Vành Khuyên ta hãy hót đi thôi
Cùng nhau ta hót “I-D-S”
Điều nghiên, phát triển cho bớt hôi.
Cái Kiến (mếu máo):
Hỡi bác Vành Khuyên của tôi ơi
Tiếng hót bác nghe quá xa vời
Thế nào là nghiã Ây Đi Ết
Diễn nôm, xin hãy giúp giùm tôi!
Chim Vành Khuyên nghe hỏi, nhìn xuống thấy đàn kiến đang bò… sát đất, bèn động lòng thương, nghĩ rằng không nên dùng văn chương cao xa với Cái Kiến, bèn giải thích:
Chữ này có gốc tự Ăng Lê
Giải nghĩa coi mòi cũng khó ghê
Thôi thì tạm dịch: Ỉa-Đéo Sợ!
Ai quấy thì ta thẳng thắn chê!
Cái Kiến nghe xong vui mừng quá, đời vẫn còn kẻ ngay, hy vọng từ nay khu rừng có cơ may sạch sẽ hơn, bèn phấn khởi gáy kiểu bút tre:
Trăm sự tôi trông ở bác Vành
Khuyên bầy Cáo bỏ thói lưu manh
Đuổi bầy Hán Cẩu về xứ cẩu
Đất nước rừng này mới bớt tanh.
Chim Vành Khuyên nghe đàn kiến tha thiết lấy làm cảm kích, bất giác nhận ra vai trò rất quan trọng của mình. Ai là kẻ sẽ kêu gào thay cho chúng nếu không phải là mình? Vả lại, Vành Khuyên tự nhủ, suy cho cùng thì từ miếng ăn, tiếng hót đến trọng vọng mà mình có được ngày hôm nay cũng từ những đóng góp, âm thầm hy sinh và ngay cả từ sự ngu dốt của lũ kiến cần cù kia. Vậy thì đó chính là kẻ mà mình cần nhớ ơn chứ không phải ai khác!
Chút lương tâm bị chôn vùi khá lâu chợt tỉnh lại như con thú thức giấc qua mùa đông làm Vành Khuyên chạnh lòng pha chút hổ thẹn. Ngó lên thấy mây bay nhè nhẹ trên bầu trời trong xanh thăm thẳm, Vành Khuyên cảm thấy như một vận hội mới đã đến. Quyết tâm và hứng chí, chim tung cánh bay cao, hót vang một khoảnh rừng. Nhưng than ôi! Đang say sưa trong niềm vui mới, chim Vành Khuyên không thấy cái lồng thủy tinh kiên cố. Thế rồi chim bị bể đầu, xệ cánh rớt xuống đất ngay kế bên bàn nhậu của Cáo Con và Hán Cẩu. Đôi mắt chim vẫn mở, trợn trừng như chưa hết nỗi ngạc nhiên.
Cáo Con mắt đẫm lệ, cúi xuống thì thầm: “Các anh tự ý giải tán đấy nhé!” Nói xong tiện tay vặt lông, bỏ chim vào cái lẩu đang sôi. Hồn chim theo làn hơi nước lèo bay lên thiên đàng tìm Cáo Già để “thưa với bác”. Tìm mãi không gặp Cáo Già, may thay lại gặp Da-cát Chơn nhơn chu du hạ giới vừa về.
Màn 7:
Thiên đàng, một ngày vô định.
Da-cát Chơn nhơn và Vành Khuyên
Vành Khuyên (vẻ bức xúc):
Thiệt may được gặp Thảo chân nhân
Tiên cảnh cho tôi đặng hỏi thăm
Nhà sàn bác Cáo tôi số mấy
Chỉ hộ cho tôi, xin đội ân!
Da-cát Chơn nhơn (cười thương hại):
Viện sĩ giờ này vẫn thơ ngây
Bác Cáo làm sao được ở đây!
Chín tầng địa ngục nơi bác nghỉ
Quí ngài “wrong place at wrong time!!”
Hồn Vành Khuyên nghe xong như Quan Công nghe lời sư Phổ Tịnh, chợt tỉnh ngộ, bái tạ rồi cất cánh bay. “I-D-S! Thôi đành hết! Wrong place! Nên đành chết” Tiếng hót nghe ai oán, xa dần rồi chìm vào trong không gian yên lặng.
Màn từ từ hạ.
San Diego, Sept 20, 2009.
© DCVOnline
No comments:
Post a Comment