Sunday, September 20, 2009
IDS và CẢNH CÁ CHẬU CHIM LỒNG
IDS và cảnh cá chậu chim lồng
Tưởng Năng Tiến
20/09/2009 8:11 chiều
http://www.talawas.org/?p=10435
“Tôi khinh miệt những cái mồm oang oang rao giảng và ‘khích lệ’ sự phản biện, nhưng lại lăm lăm trong tay miếng băng keo và… cái còng số 8.”
Võ Đắc Danh
Cách đây chưa lâu, có bữa, ông Vũ Cao Quận mặt hầm hầm nói nghe như hét:
“Không có tự do dân chủ thì thân phận dân tộc ta chẳng khác lũ chim cảnh được chuyển từ cái lồng sắt đen sì của chế độ thuộc địa sang cái lồng sơn son thiếp vàng lòe loẹt của chủ nghĩa xã hội. Ngạn ngữ có câu ‘cái lồng đẹp không nuôi sống được con chim!’ Chẳng lẽ cả dân tộc đi xuyên suốt một chặng đường máu lửa để chỉ đổi được từ cái lồng này sang một cái lồng khác hay sao?” (“Một nền dân chủ nhọc nhằn.” Gửi lại trước khi về cõi. Tiếng Quê Hương: Hoa Kỳ 2006, 125).
Trông bậc niên trưởng nghiêm và buồn thấy rõ nên tôi không dám tranh luận hay cãi cọ (lôi thôi) gì ráo trọi, chỉ nghĩ (trộm) rằng cách ví von của ông nghe tuy có vẻ hay hay nhưng hơi bị … trật. Sự khác biệt giữa “cái lồng sắt đen sì của chế độ thuộc địa,” và “cái lồng sơn son thiếp vàng lòe loẹt của chủ nghĩa xã hội” không chỉ vụ ở phần màu sắc mà còn ở chiều kích nữa cơ – theo như lời phàn nàn của rất nhiều người.
Ngày 25 tháng 4 năm 2005, khi đọc tham luận đọc trước Đại hội Nhà văn Việt Nam (lần thứ VII) nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã khẳng định như sau:
“Mà thằng Tây gian ác cũng lạ… Nó cóc có Ban Tư tưởng, cóc có A25, cóc có hàng chục cơ quan, hàng trăm người thò tay, thò chân vào nắn nắn từng con chữ như chế độ độc lập, tự do bây giờ. Trong thời Tây, nô lệ muôn vàn, gian ác muôn vàn, không hiểu các bố nhà văn ta hồi ấy tự do sáng tác ở đâu ra mà sinh ra không biết bao nhiêu là kiệt tác truyền tới hôm nay…”
Trong một bài tham luận khác, đọc tại thành phố Hải Phòng (vào cùng thời điểm, 25 tháng 11 năm 2005) nhà văn Bùi Ngọc Tấn cũng đã phát biểu những điều tương tự:
“Nếu nhà nước bảo hộ là thực dân Pháp hồi đó cũng ngặt nghèo như ông Phan Khắc Hải, như sự không kiểm duyệt mà hoá ra siêu kiểm duyệt hôm nay thì làm sao chúng ta và con cháu chúng ta được đọc Số đỏ, một kiệt tác làm vinh dự cho văn học Việt Nam. Thật may! Thực dân Pháp và triều đình Huế đã không làm như vậy!”
Gần hơn, trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC, hôm 12 tháng 9 năm 2008, nhà văn Võ Thị Hảo cũng than phiền y như thế:
“Trước đây Việt Nam đánh đuổi Pháp đi và lên án đủ điều. Nhưng chính hồi đó chính Pháp cho rằng việc thành lập nhà xuất bản hay báo chí tư nhân là đương nhiên… Chỉ riêng sự việc đó thôi cũng có thể cho thấy dân chủ ở Việt Nam tới mức nào.”
Nếu giới hạn vấn đề vào “chỉ riêng sự việc đó thôi” thì e rằng cả ba nhân vật dẫn thượng đều chưa đủ “tư cách” để có thể xác quyết là quyền tự do ngôn luận trong xã hội (ưu việt) của ta thua xa thời phong kiến, hay chế độ thuộc địa. Họ chỉ nghe hơi nồi chõ rồi nói thế (cho đã miệng) chứ cả đám thì chưa từng làm báo (dưới trào thực dân) một ngày nào hết trơn hết trọi, đúng không?
Do đó, để cho vấn đề được khách quan hơn, cần phải tìm thêm vài nhân chứng nữa có thẩm quyền hơn (chút xíu). Ngó quanh ngó quất, tôi vớ ngay được nhà báo Nguyễn Văn Trấn.
Ông có thời nổi tiếng là “anh hùng (hay hung thần) Chợ Đệm, ”một trong những chiến sĩ quyết tử của Sài Gòn và Chợ Lớn năm xưa. Tiếng nói của nhân vật này, tất nhiên, có trọng lượng hơn:
“Điều rất khó hiểu là trong chế độ xã hội thuộc địa cũ trước đây của xứ Nam Kỳ (Cochinchine) người cộng sản đã dựa vào luật tự do báo chí mà ra báo… chỉ cần có tờ khai báo (simple declaration) thôi. Còn ngày nay, trong chế độ xã hội chủ nghĩa – chế độ tự do – mà những người kháng chiến cũ lại không có quyền ra báo, làm báo được, mặc dù Hiếp pháp đã qui định các quyền tự do của công dân trong đó có quyền tự do báo chí.“ (Nguyễn Văn Trấn. Thư gửi Mẹ và Quốc hội. California: Văn Nghệ 1995, 392).
Chèng ơi, sao mà nghe dễ ợt vậy cà? Có thiệt vậy không, cha nội? Sự thiệt được khẳng định bởi một nhân vật khác, còn thế giá hơn nữa, kẻ đã nhất định giữ trọn tình cảm đối với “cách mạng” cho đến… hơi thở cuối cùng luôn – ông Hoàng Xuân Hãn:
“Khi Phan Anh trao đổi với ông về việc một nhóm trí thức ở Hà Nội dự định lập ra tờ báo Thanh Nghị, Hoàng Xuân Hãn nói:‘Bây giờ trăm mắt đổ xô vào hành động của thanh niên trí thức ta: quốc dân, chính quyền thực dân Pháp và cả quan sát nhân Nhật. Tuy trong thực tế mình không có quyền chính trị, nhưng hãy tự coi mình như con dân một nước độc lập. Đối với mọi việc đáng suy nghĩ, thì cứ nêu lên mà bàn với tư tuởng mới, thực tế. Chắc toà kiểm duyệt cũng không cấm viết, mà độc giả cũng sẽ quen dần với những suy nghĩ đứng đắn và trách nhiệm.” [Hoàng Xuân Hãn với Nội các Trần Trọng Kim,” Tạp chí Xưa & Nay số 328 tháng 3 năm 2009 (trang 18 -19)].
Quí vị thành viên của Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) chắc cũng không dám mong mỏi, hay đòi hỏi gì hơn lớp trí thức Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX – khi đất nước này còn ở trong tình trạng một cổ mà bị (tới) hai ba tròng lận: “Tuy trong thực tế mình không có quyền chính trị, nhưng hãy tự coi mình như con dân một nước độc lập. Đối với mọi việc đáng suy nghĩ, thì cứ nêu lên mà bàn với tư tuởng mới, thực tế. Chắc toà kiểm duyệt cũng không cấm viết, mà độc giả cũng sẽ quen dần với những suy nghĩ đứng đắn và trách nhiệm.”
Nội dung Quyết định 97, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2009, và hệ quả trước mắt là sự tự giải thể (cùng ngày) của IDS khiến tôi lại (trộm) nghĩ thêm rằng: nếu cả dân tộc đi xuyên suốt một chặng đường máu lửa để … đổi được từ cái lồng này sang một cái lồng khác (cũng) cùng một cỡ thì đỡ (khổ) biết chừng nào mà nói!
No comments:
Post a Comment