Friday, September 25, 2009

CON ĐƯỜNG GẬP GHỀNH CỦA TRÍ THỨC


Con đường gập ghềnh của trí thức
Tùy bút

Tạ Đức Phương
http://www.doi-thoai.com/baimoi0909_326.html

TRÂN TRỌNG KÍNH GỬI BBT MẠNG BAUXITE VN VÀ CÁC NHÀ TRÍ THỨC IDS ĐÃ TỰ GIẢI THỂ

I. Ai gây ra những thảm hoạ?

a/
CNTB hoang dã là thời kì giai cấp TS tìm mọi cách vơ vét của cải khi ra sức bóc lột công nhân và đi xâm chiếm các nước còn lạc hậu, gây ra biết bao tội ác. Nhiêu nước TB khi trở thành đế quốc,một bộ phận của CNTB cực đoan chỉ biết tôn vinh nòi giống mình đã đưa đến chủ nghĩa phát xít gây nhiều thảm hoạ cho nhân loại . Còn CNCS mà những người tôn vinh khẳng định rằng đó là chủ nghĩa nhân văn vì chủ trương làm CM xoá bỏ áp bức bóc lột giải phóng người lao động. Giai cấp vô sản rất tin vào những điều tốt đẹp ấy. Với giới trí thức để có niềm tin cần qua kiểm chứng khi tiêp cận chân lý, đó là những điều nhà cầm quyền CS không muốn, vì thế con đường của trí thức dưới vùng trời đỏ rất đỗi gập ghềnh

Năm 1847 K. Marx và Engels đã viết “tuyên ngôn của đảng CS” mà Marx là người chủ biên.
Bản tuyên ngôn nhấn mạnh: “lịch sử các xã hội từ trước đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Từ luận điểm này, ông kêu gọi giai cấp vô sản phải dùng bạo lực đấu tranh để lật đổ giai cấp tư sản, thiết lập chế độ CS và khi đã cướp được chính quyền thì phải thực thi “nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản” để bảo vệ chính quyền.
Thời kỳ đầu, Engels đánh giá rất cao quan điểm này.
“Chuyên chính vô sản là sáng tạo vĩ đại nhất của Marx”.
Vâng, trong thế kỷ XX, sự vĩ đại ấy đã làm cho bao nhiêu tri thức bị đoạ đầy và bao nhiêu triệu người mất mạng ?!
Tôi nhìn lên màu máu rực trên cờ
Thấy người chết bật mồ đứng dậy

(Bùi Minh Quốc )

Ở Liên Xô chỉ trong khoảng 15 năm (1925-1940), 20 triệu người đã bị giết và nhiều trí thức bị đầy đoạ. Chỉ trong mấy năm, gần 10 triệu nông dân Nga chết đói khi buộc phải vào nông trang tập thể.
Hơn 3 triệu nông dân Ukraine cũng bị chết đói khi họ bị tịch thu hết lương thực vì không chịu gia nhập các nông trường quốc doanh. Staline đã cho ngoại trưởng Molotov ký nghị định thư bí mật với Hitler, chia cắt Đông Âu chiếm đóng phía đông Ba Lan và thoả thuận để Đức Quốc Xã tàn sát người Do Thái. Xin lưu ý các bạn chính Marx là người Do thái.Trong chiến tranh, ngoài số binh lính hy sinh ngoài mặt trận, hàng triệu người dân cũng bị nền chuyên chính vô sản đẩy vào chỗ khốn cùng.
Chiến tranh kết thúc, hai nước Đức ra đời. Hônêchcơ đã ra lệnh cho Stasi (cơ quan an ninh CHDC Đức) nổ súng vào những ai vượt qua bức tường Berlin mà CS dựng lên năm 1960, làm gần 1200 người thiệt mạng.

Tại Trung Quốc, dưới thời Mao Trạch Đông, 30 triệu người đã mất mạng trong cách mạng văn hóa và chỉ trong 3 năm 1958-1960 có tơi 37 triệu người đã bị chết đói trong kế hoạch đại nhảy vọt hoang tưởng của Mao khi nông dân buộc phải vào công xã và “nhà nhà làm sắt thép”
Đặng Tiểu Bình cho xe tăng tàn sát sinh viên khi họ biểu tình ôn hòa đòi tự do dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn 4/6/1989, làm chết khoảng 3000 người, những trì thức tương lai
Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên có lần cho bắn hàng trăm người ở ngay bãi biển rồi vứt xác luôn.
Còn Polpot, thủ lĩnh Khơme đỏ đã giết tới 3 triệu người trong số 7 triệu dân Campuchia.
Khi Việt Nam tiến hành cải cách ruộng đất theo lệnh của Nga và Tàu thì hàng vạn người cũng đã phải lìa bỏ cõi đời.

b/
Thực thi đường lối chuyên chính vô sản, ngoài việc đàn áp thẳng tay, tử hình hàng loạt, bỏ tù không cần xét xử, người ta còn áp dụng cả những biện pháp rất tàn bạo, thâm hiểm và vô văn hóa. Nhiều nhà trí thức cũng bị đọa đầy:
- Trosky,một tri thức nghiêng về đường lối cách mạng cởi mở dân chủ đã bị Staline loại khỏi hàng ngũ lãnh đạo, truy sát đến cùng. Tuy ông đã phải chạy sang một nước tận Nam Mỹ sinh sống mà vẫn bị Staline cho nhóm đặc nhiệm đến tận nơi sát hại.
- Lưu Thiếu Kỳ từng giữ chức chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong nhiều năm nhưng vẫn bị Mao Trạch Đông nghi ngờ sẽ chiếm ghế độc tôn của mình nên đã cho bọn Hồng vệ binh trong cách mạng văn hóa đến tận tư dinh lôi ra đường phố đấu tố rồi tống vào ngục. Mao sai người đến bảo bọn giám thị trại giam: “cho nó chết trên đống cứt”. Bị đọa đày, bị bỏ đói, lúc sắp chết không có ai quan tâm, Lưu đã chết trên nền nhà giam vương vãi đầy phân.
Trong cải cách ruộng đất ở Việt Nam cũng có nhiều chuyện đau lòng. Ở nhiều nơi, đội cải cách bắt địa chủ phải tự đào hố và đứng dưới đó để các ông bà bần cố đấu tố.
Có một xã ở khu IV, người ta đã chôn sống địa chủ để khỏi tốn đạn và tiện cho việc vùi lấp.
Tố Hữu đã cổ xúy cho việc giết người “Giết, giết nữa, bàn tay không ngưng nghỉ”
Những câu thơ làm nhức nhối bao người…!

Nền chuyên chính vô sản không phải chỉ tàn sát con người mà còn phá hủy nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử. Khi những làn sóng đỏ ào ạt dâng lên, những cái đầu óc đầy bản năng phá phách mặc sức làm càn. Nhiều nhà thờ cổ kính ở nước Nga, nhiều cung điện lăng tẩm của các vua chúa Trung Hoa, nhiều đình chùa miếu mạo lâu đời ở làng quê Việt Nam qua cải cách ruộng đất chỉ còn là những đống gạch vỡ. Bao nhiêu đồ thờ cúng quý giá bị cướp sạch; thậm chí nhiều pho sách cổ mà các cụ nhà nho giữ gìn hàng bao năm cũng bị đem đốt hết.
Xin thử hỏi nền chuyên chính vô sản này có phải là nền chuyên chính vô học không?

Phương châm “giữ chính quyền bằng bất cứ giá nào, bằng bất cứ cách nào” đã làm cho bao nhiêu người khốn đốn ,“tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây” (Kiều)
Chao ôi, tưởng tăng cường chuyên chính vô sản thì sẽ giữ được chính quyền bền lâu. Thế mà chỉ trong một thời gian ngắn hồi cuối năm 1989, cả khối CS Đông Âu sụp đổ. Đến 1991 thì Liên Xô và Mông Cổ XHCN cũng không còn, mấy nước CS rớt lại cũng đã thay đổi sắc màu.

Nước Mỹ dưới thời tổng thống G.Bush đã dựng một khu tưởng niệm những nạn nhân cộng sản tại Washington trong đó có phiên bản tượng “nữ thần dân chủ” mà sinh viên Trung Quốc dã dựng bằng thạch cao hồi 06/1989 ở Thiên An Môn. Việc làm này là cần thiết nhưng theo tôi tại Washington DC người Mỹ cũng nên dựng một tượng đài tưởng niệm hàng triệu người dân da đỏ đã bị những người da trắng tàn sát ở Bắc Mỹ khi chủng tộc này hiện nay chỉ còn trên 200 ngàn người, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng và chính quyền Mỹ nghĩ như thế nào khi họ đem hàng triệu tấn bom đạn dội lên đất nước VN ?Tại Ba Lan người ta đã dựng tượng đài tưởng niệm nạn nhân của phát xít từ lâu rồi.

II. Trí thức, người ở đâu?


1)
Cách mạng vô sản là một cuộc cách mạng phát động giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân dùng bạo lực đánh đổ giai cấp tư sản và tầng lớp địa chủ, quý tộc để thiết lập thể chế cộng sản. Tầng lớp trí thức không có một vai trò gì trong cuộc cách mạng “long trời lở đất” này cả, thậm chí nhiều khi còn là đối tượng bị trừng trị hoặc bị đưa đi cải tạo.
Trông lên liềm búa hai hình
Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu

(Hà Sĩ Phu)
Đúng vậy, trên lá cờ ấy làm gì có chỗ cho cái bút hay cặp kính trắng…

Chuyên chính vô sản cần những người chỉ biết vâng lệnh đảng, thực thi nhiệm vụ như những cái máy. Người ta tìm mọi cách bịt kín mọi thông tin, nhất là những thông tin trái chiều. Cấm mọi phản biện. Phải chăng những trường đại học mở ra là để đào tạo những công cụ có chất xám chứ không phải là để đào tạo ra trí thức, một lớp người hay hoài nghi, thích phản biện, thấy được chân lý mới hết lòng phục vụ thì nhà nước công nông không hài long
Trí thức bị đặt ra bên lề cuộc sống cũng là điều dễ hiểu. Khi cần, guồng máy chuyên chính vô sản cũng trấn áp không thương tiếc.

Tổng biên tập báo Pravda (Sự thật), bạn thân của Lênin bị Stalin đẩy đi Siberi nơi quanh năm tuyết phủ.
Con trai cả của Lưu Thiếu Kỳ là một kỹ sư nguyên tử đang làm việc ỏ viện nguyên tử quốc gia bị chết trên đường sắt một cách bí ẩn sau khi Lưu bị chết ở nhà ngục.
Nguyễn Hữu Đang, người chỉ đạo dựng lễ đài độc lập 2/9/1945, và ra báo Nhân Văn, đã bị đày ải suốt 17 năm ở các nhà tù Tây Bắc.
Hoàng Minh Chính, viện trưởng Viện triết học Mác Lê đã ba lần vào tù , nhà văn Vũ Thư Hiên cũng bị giam cầm tới 9 năm
Pônpôt cho bắt tất cả những ai có bằng cấp đại học để đưa đến “cánh đồng chết”.

Liệu bạn có tin không khi hai nhà lãnh đạo vĩ đại của giai cấp vô sản đã từng bảo trí thức chỉ là “cục … cứt”:
Năm 1922, Lênin bàn với Staline về kế hoạch thanh tẩy nước Nga trong đó có việc cải tạo giới trí thức, những người theo ông chỉ là đầy tớ của giai cấp tư sản. Ông nói về giới trí thức một cách hằn học: “Bọn chúng nghĩ bọn chúng là đầu óc của quốc gia. Thực sự bọn chúng không phải là đầu óc, bọn chúng chỉ là cứt.”(Nguyễn Hưng Quốc -dựa theo tài liệu mới được giải mật của Nga)
Còn Mao Trạch Đông thì nói một câu nổi tiếng từ lâu rồi: “trí thức là cục phân”.
Ở Việt Nam chưa thấy một lãnh tụ nào của đảng mạt sát trí thức như vậy nhưng trong các lớp học tập chính trị của trí thức, các cán bộ tuyên giáo đã nhắc nhiều lần đến câu đánh giá trí thức trên của Mao.
Ngay trong cương lĩnh đầu tiên của Đông Dương cộng sản đảng (1930) do Trần Phú soạn thảo đã ghi rõ: “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”
… Buồn thay trí thức tội nhân đầu
(thơ Giọt Đau)

2)
Như vậy nhà nước cộng sản rất coi thường trí thức.
Lãnh tụ tối cao của họ sỉ nhục trí thức, nhiều trí thức đã bị lưu đày nhưng tại sao chính quyền cộng sản vẫn cần đến trí thức?
Xin nhấn mạnh cần ở đây là cần sử dụng trí thức chứ không phải là đề cao hay coi trọng thật sự đâu. Trí thức trong chế độ CS chỉ là công cụ có chất xám mà thôi.
Mặc dù vậy, nhiều trí thức vẫn phục vụ cho chính quyền cộng sản và có những thành tựu lớn lao.
Lênin đã nói: “giành được chính quyền dã khó, giữ vững chính quyền và phát triển xã hội còn khó hơn”.
Muốn phát triển xã hội, chỉ có liềm búa, với sức mạnh cơ bắp, làm sao đẩy xã hội phát triển được. Muốn đối chọi với hệ thống tư bản đang đẩy mạnh cách mạng khoa học kỹ thuật thì nhất thiết phải cần đến trí thức, sử dụng họ một cách tốt nhất mới thúc đẩy được cuộc sống đi lên.
Bản chất của trí thức nhiều khi rất lơ mơ về cuộc sống nhưng lại rất ham muốn sáng tạo nên trong những hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn muốn vươn lên, tỏa sáng.
Các nhà khoa học vũ trụ Liên Xô đã có nhiều thành tựu tuyệt vời. Tupolev cùng đồng nghiệp chế tạo ra nhiều kiểu máy bay TU đủ sức vượt Đại Tây Dương.
Makarenko là một nhà giáo dục lỗi lạc.
Solokhov và Pasternack là hai nhà văn sô viết được trao giải Nobel văn học.
Trung quốc phát triển rất nhanh, nhảy vọt là nhờ có nhiều nhà khoa học nổi tiếng, được đào tạo từ trong nước và nhất là từ nước ngoài về. Lý Chí Thỏa, đang làm việc ở Úc, cuộc sống đầy đủ, đã về nước ngay khi thành lập nước Trung Hoa mới để làm bác sĩ riêng của Mao cho tới khi Mao chết cũng là một bác sĩ tài ba (ông này đã trốn ra nước, hiện định cư tại MỸ)
Nguyễn Đình Tứ của Việt Nam là một chuyên gia nguyên tử làm việc nhiều năm tại viện nguyên tử Dupna (Liên xô), người đã phát hiện ra hạt neutron mới.
Trần Đại Nghĩa từ Pháp theo cụ Hồ về nước tham gia kháng chiến chống Pháp đã cải tiến và chế tạo được nhiều loại vũ khí như bazoka, SKZ… tại núi rừng Việt Bắc.
Như thế, dù không thừa nhận vai trò của trí thức (sau này đã có thay đổi) nhưng nhà nước cộng sản vẫn cần phải sử dụng trí thức bởi đây chính là tầng lớp tinh hoa của mỗi dân tộc và của loài người. Và dù trong chế độ toàn trị của chuyên chính vô sản, người trí thức vẫn gắng gượng vươn lên vì đất nước, vì dân tộc.

III. Người trí thức Việt Nam

1)
Hiện nay vai trò và trách nhiệm của người trí thức Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập đang được bàn thảo nhiều.
Trước hết cần định danh cho rõ.
Nói tới trí thức là nói tới một lớp người được đào tạo bài bản hoặc tự học suốt đời để vươn lên. Họ nắm vững một chuyên ngành và quan tâm tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Vì đất nước, vì cộng đồng, họ tự giác tham gia vào cuộc đấu tranh của dân tộc. Dám hoài nghi, dám phản biện để làm sáng tỏ chân lý. Mỗi người phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong công việc, trong sự nghiệp của mình. Đó là những đức tính của người trí thức chân chính.
Để hiểu rõ hơn bản chất của ngươi trí thức văn nghệ sĩ VN xin các bạn lưu ý tới ý kiến của ông Trương Tửu, môt nhà văn, nhà phê bình tiền chiến, nguyên chủ nhiêm khoa Văn trường ĐHSP Hà nội mấy năm đầu khi Miền Bắc mói được giải phóng: “Người văn nghệ sĩ kháng chiến đi tìm chân lý, đi tìm chính nghĩa chứ không phải đi tìm cuộc đời nô lệ dưới hình thức này hay hình thức khác. Lấy sáng tạo nghệ thuật làm lẽ chính yếu, họ không thể sùng bái bất cứ cá nhân nào, không thể thừa nhận bất cứ uy quyền độc đoán nào, chống lại bất cứ sức áp chế tư tưởng nào”(Giai phẩm 1956).
Người trí thưc rất cần hoài nghi và phản biện để đi đến tiếp nhận chân lý.

Marx đã từng nói ông quý tính hoài nghi của trí thức và muốn lăng nghe phản biện của họ vì có hoài nghi, phản biện mới đi đến khẳng định hay phủ định vấn đề được đặt ra trong cuộc sống.
Bảo sao nghe vậy, không dám tranh biện, làm sao tiếp cận được chân lý.
Những người có học vị cao, có học hàm mà không quan tâm tới đất nước, tới xã hội, chỉ là trí giả.
Những người chỉ rung đùi trên ghế sa lông bàn chuyện thế sự với đủ chuyện trên trời dưới biển mà chẳng đóng góp được gì cho xã hội,mặc cho đất nước điêu linh chỉ là trí rởm.
Trước cách mạnh tháng tám, không ít những công chức có bằng cấp và nhiều văn nghệ sĩ tuy cũng có tên tuổi nhưng thường lui tới những xóm cô đầu hoặc nằm dài bên bàn đèn thuốc phiện “rượu, rượu nữa và quên, quên hết” thì đâu phải là trí thức, đúng hơn là những kẻ lạc loài
“ lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa”.

( Vũ hoàng Chương)

Ngày nay nhiều ông bà có học hàm học vị hẳn hoi nhưng chỉ biết nói leo, làm theo nghị quyết để vừa lòng cấp ủy, không dám đấu tranh cho lẽ phải và công bằng thì chỉ là trí nô.
Trong giới trí thức đích thực có nhiều người tài năng vượt trội nhưng cũng có những người rất ngu ngơ trong cuộc sống đời thường.
Bệnh háo danh khá phổ biến trong giới trí thức. Loại trí rởm, bằng cấp giả hoặc học giả bằng thật, thích danh hão không nói làm gì, ngay những người thực sự là trí thức cũng rất muốn được người ta khen (trừ những nhà trí thức lớn) Có một công trình, muốn mọi người ngợi ca. Viết được một tác phẩm, phải được “lăng xê” trước công luận để nhận những lời bình ưu ái.

Đành rằng:
làm trai đã ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi song

Nguyễn Công Trứ nói vậy nhưng ta nên chú ý “với núi sông” nghĩa là cái danh ấy là cần nhưng phải gắn với đất nước. Trong giới trí thức cũng không thiếu những người hèn chỉ thích “nằm khểnh ngâm thơ cho vợ ngủ”(Dương Khuê) rất ngại va chạm với cuộc đời, chỉ lo cho cuộc sống bản thân và gia đình,im lặng trước mọi bất công của xã hôi. Ngày nay rất nhiều trí thức sợ guồng máy CCVS, một ngươi mạnh mồn như NT còn phải nói : sống sót đến ngày nay là vì biết sợ.

2)

Xin lạm bàn về một vấn đề: Ở Việt Nam đã có tầng lớp trí thức chưa? Nếu có thì tầng lớp trí thức ấy như thế nào?
Giới trí thức ngày càng đông đảo nhưng tầng lớp trí thức theo đúng nghĩa là một bộ phận tinh hoa của dân tộc, tạo được một trào lưu học thuật, tư tưởng, viết được những tác phẩm có giá trị học thuật cao thì từ xưa tới nay thực sự là chúng ta chưa có. Nếu có cũng chỉ là tầng lớp trí thức non yếu mà thôi. Ông Vương Trí Nhàn đã nói một cách hóm hỉnh rằng chúng ta mới có “giới thông thái chân đất” cũng là xác đáng.
Những sản phẩm trí tuệ được viết thành sách hiếm hoi quá. Số lượng tiến sĩ nhiều gấp đôi số lượng các công trình nghiên cứu, sáng tạo được công bố. Một dân tộc thông minh, hiếu học nhưng phải trải qua “một nghìn năm đô hộ giặc Tầu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày” (Trịnh Công Sơn) đã làm cho gia tài trí tuệ của Mẹ xác xơ. Chưa có một tầng lớp trí thức đúng nghĩa vì từ trước đến nay chúng ta chưa có được một nền giáo dục quy củ. Ngày xưa học trò tìm đến các ông đồ, dùi mài kinh sử để đi thi mong đõ đạt ra làm quan thoát cuộc đời nghèo khổ. Ngày nay nền giáo dục lại có nhiều lỗ hổng và đang xuống cấp trầm trọng dù vẫn đào tạo được một số gà nòi giành được một số huy chương vàng nhưng nhân tài thi thưa thớt lắm.
Chính vì không có một trào lưu học thuật, tư tưởng riêng nên chế độ phong kiến chỉ biết tôn thờ Khổng Tử của Tầu và đến thời cận hiện đại, đảng Cộng sản lại bắt nhân dân ta sùng bái chủ thuyết Mác-Lê, coi đó là kim chỉ nam dẫn đường kể cả khi chủ nghĩa này đã hết sức sống vì có những lệch lạc gây bao tai hoạ.

3)
Đảng cộng sản Việt Nam đối với trí thức Việt Nam như thế nào?
Vân dụng lí thuyết của chủ nghĩa cộng sản một cách cưc đoan, cương lĩnh ban đầu của đảng cộng sản Đông Dương đã coi trí thức là đối tượng phải loại trừ, “đào tận gốc, trốc tận rễ”.
Trong bài hát ca ngợi đảng (đảng ca) của Lưu Hữu Phước, chỉ có “công nông cùng tiến bước”, không có một từ nào dành cho trí thức. Nhưng trong quá trình vận đông cách mạng, đảng vẫn phải cần đến trí thức nên năm 1960 lời của bài ca bất hủ trên đã được đổi lại một chút: “công nông cùng trí thức”, nhưng con đường của trí thừc cũng gập ghềnh.
Mặc dù vậy, nhiều trí thức với lòng yêu nước vẫn đi theo đảng khi đảng lãnh đạo kháng chiến như Phan kế Toai, Hòang Minh Giám, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Nam Cao…Họ đã nhiệt thành phục vụ đảng Cộng sản. Nam Cao đã hy sinh trong KC.
Nhưng nhiều văn nghệ sĩ trí thức sớm nhận ra sự thật và dám nói lên những suy nghĩ độc lập của mình, không nghe lời Đảng dặn nữa mà nghe” lời mẹ dặn ‘
Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo rằng ghét

( Phùng Quán )

Có một sồ trí thức dám đứng lên phản kháng bằng phương pháp ôn hoà đòi tự do đân chủ liền bị qui tội là chống đối chình quyền cách mạng.
Guồng máy chuyên chính vô sản đã dạy cho họ những bài học nhớ đời.
Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hữu Đang, Thụy An … qua các vụ án Nhân văn giai phẩm, chống xét lại, đã bị vào chốn lao tù. Trần đức Thảo một triết gia nổi tiếng từ Pháp về cũng khốn đốn. Nguyễn Mạnh Tường, Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán,Trương Tửu… đã bị đẩy ra bên lề cuộc sống.

Mãi tới thời kỳ đổi mới, khi đã hội nhập với thế giới mà những người đấu tranh cho tự do dân chủ, trong đó có nhiều trí thức trẻ vẫn còn bị lao đao, không ít người bị vướng vào vòng lao lý. Người trí thừc đã bị vấp trước những rào cản của sự dốt nát và độc đoán của bộ máy CCVS
Trí thức mà leo cành đa
Vấp phải dốt nát, leo ra leo vào.
Trí thức leo phải cành đào
Vấp phải độc đoán, leo vào leo ra.

Tôi tin rằng trí thức Việt Nam có một mong muốn chân thành: Đảng không chỉ “cởi trói” cho trí thức văn nghệ sĩ ( lời ông Nguyễn Văn Linh) mà phải bỏ trói hẳn để người trí thức, văn nghệ sĩ có điều kiện mang hết tài năng và trí tuệ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, phục vụ cho đất nước.

Rất mừng là lần đầu tiên, tại đại hội đảng X đã có một nghị quyết quan trọng về trí thức.
Theo nghị quyết này, đảng rất coi trọng trí thức và tạo mọi điều kiện để cho trí thức được làm việc một cách tốt nhất và yêu cầu người trí thức phải hết lòng phục vụ nhân dân trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Tiếc thay ngay thời gian cuối đại hội X với quyết định 97 do thủ tướng kí có hiệu lực từ 15/9/09 đã hạn chế nhiều tư duy độc lập của trí thức mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, quyết định này ngăn cấm những ý kiến phản biện của các tổ chức tư nhân và việc phản biện không được công khai mà phải gửi tới các cơ quan nhà nước. Điều áy có khác gì bịt mồn trí thức? Mong Đảng qua các cơ quan quyền lực làm đúng những điều đã ghi ở nghị quyết.


Nhân đây xin được nói một chút về chuyện của tôi.
Tôi là một nhà giáo về cuối đời lại dở chứng làm thơ mà hay viết thơ thế sự nên trên đường về cõi mới gặp lắm nỗi gập ghềnh. Mấy năm vừa qua tôi in được bốn tập thơ GIỌT ĐỜI đều qua các nhà xuất bản quốc doanh nên không gặp rắc rối gì, đến khi tự in tập “Giọt đau” qua cách in lưới và bạn bè đưa một số bài lên mạng (Tôi không thạo về vi tình và internet) thì bên CA hay mời lên “làm việc” vì nhiều bài liên quan tới “an ninh Quốc gia”.
Lạ thật, tất cả các bài viết của tôi ở Giọt đau và sau này, đều tập trung về biên cương và hải đảo của Tổ quốc với nhiều bài về Hoàng sa,Trường sa, bauxite Tây nguyên và vài bài chống tham nhũng, sao lại động đên an ninh quốc gia được ?
Tôi bị CA phường Đông Hải 1 đưa về trụ sở mất một buổi chiều khi đang thuê đánh máy bài sơn hà nguy biến ở cửa hàng vi tính. Cách đây 3 tháng, có 2 anh CA thuộc phòng điều tra trên Bộ xuống làm biên bản về việc tôi đưa cho anh Nguyễn Xuân Nghĩa 2 bài viết Nước Mỹ những điều tôi biết và Thế nước–lòng dân sau khi tôi đi du lịch về và tôi có tên là người có liên quan trong bản kết luận điêu tra của CA về vụ án “Nguyễn xuân Nghĩa và đồng bọn”. Còn phòng CA P25 Hải phòng thì tôi thỉnh thoảng cũng được mời lên nhưng các anh ấy chỉ nhắc nhở một cách thân ái mà thôi, không bao giờ có sự thô bạo trong đối xử cả, thậm chí nhiều khi còn mời nhau đi uống bia ở quán Hải quân.

Tuy vậy, do tuổi cao lại yếu bóng vía trong hoàn cảnh vợ mất, con ở xa, tôi cũng rất sợ bị bắt nên đã nghĩ kế thoát hiểm. Nếu bị tra còng số 8 tôi sẽ nhận tội ngay, khai tuốt tuột dù chẳng có gì để khai ngoài những bài đưa lên báo mạng, vì tôi không tham gia vào một phong trào hay một tổ chức, một đảng phái nào cả và nếu phải ra toà vì viết bài phản đối TQ tôi sẽ nhờ Cụ Nguyễn Du cứu bằng cách xin nhại một câu thơ Kiều
Thần dân xin chịu cúi đầu
Tấm lòng yêu nước từ sau xin chừa
rất có thể toà sẽ tha bổng tôi cũng nên.

IV. MỘT KẾT LUÂN MỞ

1)
Mặt sáng và mặt tối của một chủ thuyết
Putin đã nói một câu khi ông mới nắm quyền ở nước Nga, đại ý: Vẫn đi theo con đường của chủ nghĩa cộng sản là không có khối óc, nhưng phủ nhận con đường đã qua là thiếu trái tim.
Tôi không nhớ rõ nguyên văn nhưng thấy đó là một câu nói hay.
Trong thời kỳ phôi thai của chủ nghĩa tư bản , giai cấp tư sản đang tích tụ tư bản, họ đã bóc lột công nhân một cách tàn bạo và đi xâm chiếm các nước thuộc địa một cách dã man. Họ chiếm châu Phi và bắt người da đen về làm nô lệ. Trong quá trình hình thành nước Mỹ dưới bóng người Anh, người Mỹ đã mở rộng lãnh thổ chiếm được của người da đỏ và tàn sát người dân bản địa làm cho người da đỏ từ 15 triệu nay chỉ còn 250 ngàn người. Mãi đến khi Washington tuyên bố độc lập với bản tuyên ngôn nổi tiếng thì chế độ nô lệ và việc truy sát người da đỏ mới chấm dứt.
Nước Pháp mang lá cờ tam tài “tự do, bình đẳng, bác ái” đi xâm chiếm nhiều nơi và đặt ách thống trị vô cùng hà khắc (người Anh cai trị thuộc địa cởi mở hơn). Nước Nhật quân phiệt đang bành trướng

Marx nhìn rõ sự bất công ấy và muốn giải phóng người lao động nên đã cùng Engels viết “tuyên ngôn của Đảng cộng sản” kêu gọi giai cấp vô sản dùng bạo lực lật đổ chế độ tư bản và ông đề xướng thành lâp quốc tế 1 nhưng mấy năm cuối đời, chính Marx và Engels đã nhìn ra sự chuyển hoá của CNTB và Engels đã thẳng thắn thừa nhận “lịch sử chứng tỏ chúng ta đang mắc sai lầm. Quan điểm của chúng ta hồi đó chỉ là một ảo tưởng. Lich sử còn làm được nhiều hơn, không nhưng xoá bỏ những mê muội của chúng ta hồi đó mà còn thay đổi điều kiện đấu tranh của giai cấp vô sản, phương pháp đấu tranh 1848 nay đã lỗi thời”.

Sau khi Marx mất (1883) Engels đã khởi xướng Quốc tế 2 với việc thành lập các đảng Xã hôi dân chủ (Engẹls mất 5/8/1895) Ngày nay các đảng này đang lãnh đạo nhiều nước rất phát triển như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Phần lan… Rõ ràng giai cấp tư sản rất thức thời đã chuyển dần chế độ tư bản hoang dã sang chế độ tư bản nhân dân với thể chế tam quyền phân lập do Montesquieux và Rouseau khởi xướng. Công lao của Marx có lẽ là ở chỗ đã làm cho giai cấp tư sản tỉnh ngộ khi Marx tuyên bố: “giai cấp vô sán sẽ người đào mồ chôn giai cấp tư sản”và cống hiến của Engels là đã làm cho CNTB chuyển hoá nhanh chóng.

Trái lại, dựa vào lý thuyết của Marx, Lénine đã chuyển sang hướng làm cách mạng xây dựng nhà nươc độc đảng với nền chuyên chính vô sản cực đoan và sau thắng lợi của CM tháng Mười ông thành lâp Quốc tế 3. Điều này khác với Engels. Chính bà Rosa Luxembourg, bạn Lênin đã viết thư cho Lênin: “cái đảng và nhà nước độc tài mà anh xây dựng nên, anh bảo nó phục vụ cho thợ thuyền và nhân dân .Nhưng trên thực tế nó chẳng phục vụ ai cả vì nó đi ngược lại nguyên tắc căn bản của CNXH, đó là tôn trọng tự do và dân chủ “ Lênin còn khẳng đinh : chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản nên học trò của ông mới kháo ầm lên: CNTB rẫy chết, còn CNCS sẽ xây dựng thiên đường trên trái đất.
Sau khi Lênine mất, Staline còn đẩy nền chuyên chính vô sản đến mức độ tàn bạo làm nhân dân chán ghét. Tưởng rằng dùng bạo lực của CCVS sẽ duy trì được quyền lực dài lâu, nhưng chính điều ấy đã đẩy nhanh CNXH đến chỗ tan vỡ . Nếu chủ nghĩa Marx được xem xét lại một cách khoa học, được những đầu óc thông thái bổ xung, đặt nó trong quá trình phát triển biện chứng, thì có thể chúng ta đã có CNXH dân chủ, trong đó người yêu người sống để yêu nhau (Tố Hữu) chứ không phải người với người sống để trị nhau.

2.
Về cuộc vận động học tập tư tưởng, đạo đức HCM
Đây là một phong trào do Đảng phát động đã được mấy năm nay. Cuộc vận động này được nhân dân hưởng ứng ra sao đã có Ban VHTT của đảng tổng kết, còn giới trí thức đối với phong trào này như thế nào đã có cấp trên nhận xét. Riêng tôi việc học tập tư tưởng HCM thì điều quan trọng nhất là tinh thần yêu nước của Cụ
Hiện nay có một số kiều bào ở hải ngoại qua đĩa DVD sự thật về HCM cố tình hạ thấp uy tin, phủ nhận tinh thần yêu nước của Cụ Hồ thì với tôi Cụ vẫn là một người yêu nước dù có người cho rằng Cụ đã sai lầm khi chọn con đường cứu nước. (?)
Tôi rất cảm động khi đọc câu trả lời của Cụ Hồ với một tờ báo nước ngoài năm 1946 ‘Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: làm sao đất nước ta được độc lập, dân tộc ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc và được học hành’. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Cụ nhấn mạnh:”Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.Và khi ngồi nói chuyện với bộ đội tại đền Hùng đầu năm 1954, Cụ lại nhắc nhở “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Khi đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc, mở rộng chiến tranh,Cụ Hồ đã nói một câu nổi tiếng: “không có gì quí hơn độc lập tự do” để trả lời hành động leo thang của Mỹ.
Từ những sự việc trên không thể phủ nhận lòng yêu nước của HCM.
Có một sự việc rất có ý nghĩa mà lâu nay chúng ta ít chú ý, đó là chuyện Cụ Hồ tuốt kiếm trong lễ Tuyên ngôn Độc lập.
Vâng, cách đây 10 năm, trên tạp chí Xưa và nay có đăng một bài hồi ký của ông Nguyễn Hữu Đang, nguyên trưởng ban tổ chức buổi lễ 2/9/1945, trong đó có đoạn: sau khi đọc xong tuyên ngôn Độc lâp, Cụ Hồ đã đến chiếc bàn để thanh kiếm và ấn mà Bảo Đại mới giao nộp. Cụ Hồ đứng phắt dậy, nhanh nhẹn cầm lấy thanh kiếm, thong thả bước tới micro rút mạnh lưỡi kiếm ra khỏi vỏ rồi vừa giơ nó lên cao hết tầm tay, vừa thét lờn đến làm rung động không gian quảng trường, chậm rãi dằn từng tiếng:”thanh kiếm này là để chặt đầu những tên phản quốc”. Có thể do ông Đang sau này chủ trương ra báo Nhân văn viết xã luận yêu cầu đưa nền pháp trị thay chế độ Đảng trị mà ông bị 17 năm tù nên người ta ngại nhắc đến tên ông chăng?
Nhiều tên phản quốc thời Cụ Hồ đã bị tử hình, còn ngày nay trước nguy cơ xâm lươc của TQ có những tên bán nước nào đang lẩn quất ở bộ máy cầm quyền không? Câu hỏi thật khó trả lời nhưng có nhiều sự việc làm ta phải suy nghĩ…
Ai đã chỉ đạo việc kí những hiệp định về biên giới và hải đảo làm cho đất đai và biển cả của tổ tiên để lại mất đi nhiều thế?
Ai ra lệnh trấn áp sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ biểu tình ôn hoà phản đối TQ lấn chiếm Hoàng sa - Trường sa của Tổ quốc chúng ta?
Ai cho bắt các blogger khi họ viết bài khẳng định Hoàng sa và Trường sa là của VN và mặc áo phông có hình chữ S và hai từ Hoàng sa - Trường sa , trong khi đó lại để trang mạng web Đảng CS đăng bài dịch của Tầu phô trương sức mạnh hải quân TQ đang diễn tập ở HS và TS ?
Ai đưa người TQ vào Tây nguyên bất chấp sự phản đối của các tướng Võ Nguyên Giáp, Đồng sĩ Nguyên, LêTrọng Vĩnh… và các nhà trí thức cùng 3000 chữ kí ?
Hơn lúc nào hết, bây giờ cần tới thanh gươm mà Cụ Hồ đã dơ lên khi trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng còn những người sáng suốt thấy rõ hành động ngang ngược và mưu đò thâm hiểm của bọn đại Hán.

Những ngày vừa qua có nhiều người góp ý kiến với đảng, trong đó có 2 bài rất đáng lưu ý là bài của ông Đặng Quốc Bảo và ông Tống Văn Công, những trí thức lão thành CM của Đảng, mong Đảng quan tâm. Đây là tâm Việt đích thực chứ không phải là tâm Tầu mà lại danh xưng là TV

3-
Vấn đề trí thức trong bối cảnh mới.
Marx và Engels tuy không đề cao nhưng không coi thường trí thức như những học trò của hai ông sau này, coi trí thức chỉ là thứ cặn bã do con người thải ra. Chính Engels coi trọng trí tuệ nên đã nói: “chủ nghĩa Marx nếu qua những đầu óc ngu tối nó sẽ trở thành con quái vật”. Pônpốt là một quái vật như thế.
Chủ nghĩa Marx cần tới những đầu óc trác việt nghĩa là cần tới những tư duy sáng tạo.
Trong cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam, cụ Hồ đã có sách lược rất mềm dẻo nên lôi kéo được nhiều nhà trí thức có tên tuổi tham gia vào chính phủ VNDCCH và lên dường đi KC theo lời kêu gọi của Cụ Hầu hết văn nghệ sĩ. trí thưc nổi tiếng đã đi theo KC
Nhưng rồi Cụ Hồ ngả theo Trung Quốc, mời cố vấn của Mao sang giúp Việt Nam chống Pháp, tôn sùng Staline quá mức, coi trọng đấu tranh giai cấp, đã làm cho nhiều trí thức nản lòng. Nhiều trí thức bị vô hiệu hóa, nhiều người bị gạt ra khỏi chính quyền và quân đội
Ngày nay tình hình đã khác hẳn. Từ khi đổi mới và hoà nhập với thế giới thì vai trò của trí thức lại được nói tới nhiều. Nếu trước kia chẳng ai muốn nhận mình là trí thức vì lo bị” đào tận gốc,trốc tận rễ” thì bây giờ nhiều người thích danh xưng là trí thức. Điêu ấy thật là tốt đẹp nếu chúng ta có những trí thức đích thực nhưng tiếc thay danh xưng trí thức bị lạm dụng làm cho nó nhiều khi nhem nhuốc quá Xã hội chạy theo bằng cấp làm cho bằng giả hoặc bằng thật học giả tràn lan , người ta đua nhau đi lo những bằng cấp trên đại học, nhất là học vị tiến sĩ mà hầu hết những cán bộ theo học cao học ấy ( học kiểu tại chức, chuyên tu) lại lấy tiền từ cơ quan nhà nước ( tiền thuế của nhân dân) để có mảnh giấy…à quên mảnh bằng
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi

(Nguyễn Khuyến)

Thành uỷ Hà nội lại có kế hoạch đến năm 2020 tất cả cán bộ lãnh đao đều có bằng tiến sỹ mới oách chứ. Xin bái phục! Chưa có một nươc nào trong khu vực ĐNÁ mà các trưởng , phó các ban ngành ,cục, vụ, sở, ty, phòng…ở TW và các thành phố lớn lại đều là tiến sĩ chí ít cũng là thạc sĩ, chỉ có điều là hiệu quả làm việc so với xứ người thì hơi bị thấp tí ti
Đã đến lúc phải rà soát lại tất cả các bằng cấp và viêc lựa chọn hay đề bạt cán bộ không chỉ dựa vào bằng cấp mà phải xem xét năng lực thật sự vơi hiệu quả công việc mà họ đảm trách

4-
Nhân đây cũng xin mạn đàm thêm một vấn đề mới đang nảy sinh.
Sau khi thống nhất được đất nước, nhất là sau khi nhà nước ta đổi mới và mở cửa chuyển sang kinh tế thị trường (nhưng có định hướng Xã hội chủ nghĩa) thì đất nước cũng đã phát triển, tuy không nhanh bằng người nhưng cuộc đời cũng có nhiều thay đổi.
Nhiều gia đình Việt Nam giầu lên trông thấy, nhất là những gia đình quan chức từ cấp xã phường đến trung ương. Nhiều doanh nhân nhờ cơ may hoặc dựa vào ảnh hưởng của quyền lực đỏ cũng đang làm ăn phát đạt. Nhiều nhà cao tầng, nhiều trang trại lớn, nhiều ô tô xịn chạy khắp phố phường.nhiều học sinh chỉ như con bò đội nón cũng được gia đình cho đi du học tự túc
Xã hội đang hình thành một tầng lớp mới: tầng lớp tư bản đỏ.
Raymond Aron đã nói một câu làm ta phải giật mình: “chủ nghĩa cộng sản là con đường dài quanh co khúc khuỷu ngập tràn máu xương và xác chết để đi từ chủ nghĩa tư bản đến CNTB”.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng cách biệt, hố ngăn cách ngày càng sâu. Người giầu đang giầu lên, người nghèo vẫn xác xơ.
Công cuộc xóa đói giảm nghèo tuy đạt được một số thành tích nhất định nhưng do bộ máy tham nhũng tràn lan, nhiều gia đình dân đen đang điêu đứng, ngay gia đình những đảng viên thường cũng lao đao.
Ngày càng có nhiều nông dân mất ruộng cày, nhiều công nhân lương không đủ sống. Tỉnh thành nào cũng có những người dân nghèo sống vật vờ ngoài vỉa hè hay các chợ cóc. Số thanh niên, sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học hay các trường dạy nghề rất khó xin được việc làm nếu không có tiền bôi trơn để chạy việc và cũng do việc đào tạo có nhiều lỗ hổng
Tất cả những người này đang tạo thành tầng lớp vô sản mới.
Trong tình thế xã hội như đang diễn ra thì việc duy trì đường lối chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp như ngày trước còn phù hợp nữa không? Những sự việc ở Thái Bình,Tây nguyên mười năm trước chẳng là những bải học đắt già sao ?
Nếu theo đúng đường lối đấu tranh giai cấp như Marx thơi kì đầu đã chỉ ra thì cần phát động quần chúng nghèo khổ vùng lên trừng trị những tên tư bản đỏ đang tích lũy của cải môt cách mờ ám. Như vậy thì sự việc sẽ như thế nào nhỉ ??
Vì vậy để yên lòng dân, ta cần nhớ lời Nguyễn Trãi: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”và “lấy trí nhân để thay cường bạo”
Muốn duy trì được chế độ phải yên được lòng dân, phải chinh phục được lòng người chứ không phải dùng bạo lực để duy trì quyền lực. Con đường dân chủ hóa đất nước và coi trọng trí thức, làm gia tăng của cải cho những người vô sản, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao dân trí và trước họa xâm lăng từ phương bắc đang cận kề thì cần nâng cao cả dân khí nữa. Độc đảng hay đa đảng không quan trọng, miễn là đảng cầm quyền phải biết đặt quyền lợi của nhân dân của dân tộc lên trên hết.
Theo tôi, đó là kế sách yên dân , giữ nước và ổn định xã hội.
Ai chẳng mong muốn một cuộc sống tốt đẹp, một xã hội lí tưởng nhưng cần có đầu óc thực tế. Tôi chú ý tới nhận định của một nhà báo phương tây: “không có một chính quyền nào đưa được người dân đến thiên đường cả. May mắn lắm là họ không đẩy người dân xuống địa ngục mà thôi”.
Tôi yêu cuộc sống này nên tôi muốn nó tốt đẹp hơn.
2/9/09

Ghi chú :
Bài viết này có tham khảo các tài liệu:
-Tuyên ngôn đảng CS -Nghị quyêt X Đảng CSVN
-Bài nói chuyện của Đặng Quốc Bảo và bài Đổi mới đảng của Tống văn Công
-vụ án Nhân văn –Giai phẩm
-Hồi kí Khơ rút sốp -Sự thật về Staline ( tài liệu mới được giải mật)
-Mao Trạch Đông công và tội

TIẾNG MẸ
Vượt qua những chặng đường máu lửa
Ngã ba
Phía bắc sương sa gió buốt
Phía tây trời xanh nắng vàng
Ngập ngừng chân bước…
Tiếng Mẹ Âu Cơ xuyên suốt núi đôi
Đi lên phương bắc: núi lở đất trôi
Đi về phương tây: búa rơi liềm gẫy
Hãy theo Cha ra biển
Lời của Mẹ làm bao người xao xuyền
Phải giữ biển đẻ có lối đi về
15/11/06

ĐÊM
Đêm khuya thao thức
Màn đêm chia xẻ nỗi niềm
Mất lòng tin
Mất vợ
Mất con
Chỉ còn nỗi đau Quốc thể
Vài chén rượu : dời non lấp bể
Chất men say : hành hạ đời tàn

30/8/09

HÔN NƯỚC
Biển mênh mông
Sóng gầm giận dữ
Đường phân định vịnh Bắc bộ tối sầm
Sao có thể bình tâm
Khi vùng biển mất đi nhiều thế?
Mưa nguồn chớp bể
Hồn nước thiêng không thể nào yên
“Người bạn ấy” đang xâm lấn chủ quyền*
Ai phải điều trần trước lịch sử ?

Vết thương biên giới còn tấy đỏ
Nhát cắt Hoàng sa đau xé long
Dao lại xén tiếp Biển đong
Ai bảo nhân dân chịu được ?
25/11/04

Chú thích:
Thơ Tố Hữu * Quân thù ấy lại là người bạn ấy / Nhân tình biết mấy đảo điên (1987)


No comments:

Post a Comment